Xứng danh “Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại”

Chia sẻ

PNTĐ-Sáng 7/4, Nghi lễ Kéo co ngồi truyền thống đền Trấn Vũ, phường Thạch Bàn, quận Long Biên (Hà Nội) đã chính thức đón nhận Bằng ghi danh của UNESCO.

 
Nghi lễ Kéo co ngồi truyền thống đền Trấn Vũ, phường Thạch Bàn, quận Long Biên (Hà Nội) đã chính thức đón nhận Bằng ghi danh của UNESCO, trở thành di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. 
 
Xứng danh “Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại” - ảnh 1
Nghi lễ Kéo co ngồi truyền thống đền Trấn Vũ trở thành di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại

 
Độc đáo trò kéo co “không có người thất bại”
 
Lễ đón nhận Bằng ghi danh của Unesco cho Nghi lễ Kéo co ngồi khiến mỗi người dân Thạch Bàn nói riêng và người Hà Nội đều cảm thấy tự hào. Một nghi lễ dân gian của người Hà Nội đã được thế giới khẳng định về bề dày truyền thống cũng như bản sắc văn hoá vô cùng đậm nét.  
 
Nghi thức Kéo co ngồi được tổ chức trong lễ hội đền Trấn Vũ vào ngày mùng 3 tháng 3 Âm lịch hằng năm với 3 mạn tham gia: mạn Chợ, mạn Đường và mạn Đìa. Mỗi đội kéo có 15, 17 hoặc 19 người tùy từng năm và một Tổng cờ. Nam giới cởi trần, mặc quần ngắn, buộc thắt lưng đỏ, đầu chít dây đỏ. Tổng cờ mặc áo đỏ, khăn đỏ. Trước khi kéo co, 3 mạn mang lễ vật làm lễ trình đức Thánh tại sân đền. Sau khi làm lễ mới bắt đầu kéo co. 
 
Điểm độc đáo của nghi lễ này là các đội tham gia ngồi trên nền đất để kéo, người kéo co ngồi chân co chân duỗi và ngồi xen kẽ, người quay mặt bên này, người bên kia của dây. Thông qua Nghi lễ Kéo co ngồi, người dân cầu cho mưa thuận, gió hòa và mùa vụ bội thu. 
 
Thêm một điều đặc biệt nữa đối với Nghi lễ Kéo co ngồi truyền thống đền Trấn Vũ là những người tham gia chơi hết mình nhưng việc đội nào thắng hay thua không quá quan trọng. Người dân cho rằng, nếu cộng đồng cầu mạn (xóm) Đường thắng thì làng sẽ mưa thuận, gió hòa, còn mạn Chợ thắng thì việc làm ăn, buôn bán trong vùng thêm phát đạt. 
 
Nghi lễ Kéo co ngồi là tập quán xã hội, tín ngưỡng có từ lâu đời trong hội làng Cự Linh, xã Thạch Bàn, huyện Gia Lâm xưa - nay là cụm Ngọc Trì phường Thạch Bàn, quận Long Biên.
 
Đến ngày 19/12/2014, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã ban hành quyết định số 4205/QĐ-BVHTTDL về việc công nhận Nghi thức Kéo co ngồi đền Trấn Vũ là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
 
Tháng 12/2015, Kéo co truyền thống châu Á đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại dưới tên “Nghi lễ và trò chơi Kéo co”, do bốn quốc gia Campuchia, Hàn Quốc, Philippines và Việt Nam cùng đệ trình. Theo hồ sơ đề nghị của Việt Nam, UNESCO công nhận Nghi lễ và trò chơi Kéo co là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cho 4 tỉnh Lào Cai, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nội, trong đó có kéo co ngồi đền Trấn Vũ. 
 
Đồng tâm bảo tồn nghi lễ kéo co ngồi 
 
Việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản nói chung luôn gặp những trở ngại và thách thức, nhưng nghi lễ Kéo co ngồi đền Trấn Vũ lại có rất nhiều thuận lợi khi nhận được sự đồng tâm, đồng sức cùng gìn giữ, lưu truyền và phát huy ý nghĩa thiêng liêng mà nó vốn có, không bị thương mại hóa trong quá trình phát triển, đô thị hóa ngày nay. 
 
Ông Ngô Quang Khải, Trưởng Ban quản lý di tích đền Trấn Vũ chia sẻ, di sản Nghi lễ Kéo co ngồi được phát huy và lan toả mạnh đến thế hệ trẻ cũng nhờ sự quan tâm của UBND TP.Hà Nội và quận Long Biên. Năm nay, Thành phố và Quận đã đầu tư dành khu đất 4.000m2 để làm bãi kéo co và phục vụ cho lễ hội đền Trấn Vũ. Toàn bộ kinh phí giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng do quận Long Biên đầu tư với số tiền không nhỏ. Ý nghĩa hơn khi công trình này gắn với khuôn viên của trường Tiểu học Đoàn Kết, tạo cơ hội cho học sinh thường xuyên trải nghiệm, thực hành loại hình kéo co đã được UNESCO vinh danh, đồng thời rèn luyện sức khỏe.
 
Ông Khải cũng cho biết thêm, ngay sau khi Hồ sơ Kéo co ngồi được các cấp, các ngành lập và trình để được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đa quốc gia đại diện của nhân loại, Ban quản lý đền Trấn Vũ đã triển khai việc truyền bá cho học sinh trên địa bàn quận. Riêng khóa học 2018-2019 đã có 15 trường học đến trải nghiệm, tăng hiểu biết về giá trị của nghi lễ thực hành Kéo co ngồi.
 
Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hoá, cơ quan thực hiện hồ sơ di sản Kéo co ngồi, nhận xét: “Nhân dân Thạch Bàn đang thực hiện bảo tồn và phát huy di sản rất hiệu quả và đúng hướng theo cam kết với UNESCO, đó là phát huy vào nội lực của cộng đồng cùng việc thúc đẩy quảng bá, lan toả tới đông đảo người dân”. 
 
 
Tiêu Nhi

Tin cùng chuyên mục

“Đất nước trọn niềm vui”: Biết ơn thế hệ cha anh hy sinh vì độc lập dân tộc

“Đất nước trọn niềm vui”: Biết ơn thế hệ cha anh hy sinh vì độc lập dân tộc

(PNTĐ) - Nhân dịp kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), chào mừng 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024), tối 25/4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp  tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”. Chương trình là dịp bày tỏ lòng biết ơn đối với những thế hệ đã hy sinh xương máu vì độc lập, thống nhất Tổ quốc.
Hà Nội: Biểu diễn nghệ thuật nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ

Hà Nội: Biểu diễn nghệ thuật nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ

(PNTĐ) -Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội phân công cho 7 đơn vị nghệ thuật trực thuộc Sở sẽ tổ chức biểu diễn phục vụ nhân dân Thủ đô tại trung tâm một số quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố.
Công viên nước Hồ Tây đã sẵn sàng đón 5 vạn khách dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Công viên nước Hồ Tây đã sẵn sàng đón 5 vạn khách dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

(PNTĐ) - Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay kéo dài 5 ngày bắt đầu từ ngày 27/4 đến 1/5/2024. Với thời tiết được dự báo nắng nóng, oi bức, các điểm vui chơi giải trí trên địa bàn Thủ đô dự kiến sẽ thu hút đông đảo du khách tham quan. Hiện, Công viên nước Hồ Tây đã sẵn sàng các phương án cho việc dự kiến đón 5 vạn khách vào dịp này.