Bạo lực được quyền “nhân danh” tình yêu?

Chia sẻ

PNTĐ-Tình trạng bạo lực được nhân danh bởi tình yêu và quyền lực trong gia đình đang diễn ra ngày một nhiều và có xu hướng gia tăng, gây nhức nhối trong xã hội.

Gần đây, nhiều vụ bạo lực gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra. Từ mâu thuẫn trong tình yêu, không chấp nhận tình cảm đổ vỡ nhiều nam giới “nhân danh” tình yêu đã ra tay sát hại bạn tình.
 
Cùng với đó, tình trạng bạo lực con cái cũng thường xuyên diễn ra dưới hình thức “quyền lực” của bố mẹ. Mới đây nhất, một người đàn ông ở Hà Tĩnh đã dùng quyền lực của người cha, dạy dỗ con bằng đòn roi. Sự việc được phát hiện khi đứa trẻ 14 tuổi ngất xỉu ở trường học vì di chứng từ trận đòn dạy dỗ của người cha trước đó một ngày. Lý giải cho hành vi của mình, người cha ấy nói do con trai nghiện chơi game, không chịu học hành nên ông ta đánh để... dạy con. Tình trạng cha mẹ dùng bạo lực để dạy con, vợ chồng bạo hành nhau với danh nghĩa “dạy dỗ nhau”, “bảo vệ hạnh phúc”… không còn hiếm. 
 
Điều gì đang diễn ra khi bạo lực được “nhân danh” bởi tình yêu và quyền lực? Nguyên nhân từ đâu lại có sự nhân danh ấy? 
 
Nhiều chuyên gia tâm lý, tội phạm học, giáo dục khi nói về nguyên nhân của những vụ bạo lực như trên đều khẳng định giáo dục gia đình đang thiếu hụt về kiến thức, kỹ năng và chức năng tình cảm đang lỏng lẻo. Trong thời đại 4.0, đời sống gia đình chịu nhiều tác động, đòi hỏi phải có kỹ năng sống của các thành viên trong gia đình rất nhiều. Nhưng, chúng ta đang thiếu hụt và còn lỏng lẻo, nhiều khi chưa nhận diện được nó để có phương pháp giải quyết. 
 
Tại sao giới trẻ khi bị từ chối tình yêu thì lập tức tìm đến giải pháp không yêu được thì chết? Phần nhiều là hệ quả từ cách giáo dục xem con cái là “trung tâm vũ trụ” trong gia đình. Bố mẹ đáp ứng mọi yêu cầu của con vô điều kiện từ nhỏ đến lớn, tạo nên những đứa trẻ có tính cách ích kỷ, chiếm hữu cá nhân. Trong gia đình, người lớn nhân danh quyền lực làm bố mẹ, cho rằng mình có quyền “đánh để dạy con”. Thứ quyền lực ấy khiến những đứa trẻ trở thành nạn nhân bị bố mẹ bạo hành công khai. 
 
Bạo lực được quyền “nhân danh” tình yêu? - ảnh 1
Ảnh minh họa

 
Hệ lụy của sự thiếu hụt kiến thức giáo dục gia đình khiến cho các cặp vợ chồng chung sống với nhau trong tình trạng “mù” hoặc “thong manh” kỹ năng chung sống. Để rồi khi khủng hoảng hôn nhân xuất hiện, họ bế tắc, giải quyết bằng các giải pháp tiêu cực. Bố mẹ không được trang bị kiến thức bài bản qua các lớp học kỹ năng làm cha mẹ, nên luôn dùng quyền lực của mình để áp đặt con cái. Sự thiếu hụt kiến thức còn thúc đẩy họ đến những hành vi vi phạm pháp luật trong gia đình. 
 
Chức năng tình cảm trong gia đình là sợi dây kết nối giữa các thành viên. Nhưng, cuộc sống hiện đại đang khiến cho chức năng tình cảm trở nên lỏng lẻo. Gia đình theo đó thiếu sự yêu thương, chia sẻ lẫn nhau. Thời gian dành cho công việc xã hội, học tập, giải trí cá nhân gần như chiếm trọn quỹ thời gian trong một ngày của mỗi người. Thời gian dành cho gia đình bị cắt xén và ngày càng thu hẹp. Có gia đình, một ngày, bố mẹ và con cái không gặp nhau, nói chuyện với nhau dù sống trong cùng một nhà. Lòng yêu thương, thấu hiểu lẫn nhau cứ lỏng lẻo dần, kéo theo sự vô cảm xuất hiện.
 
Với động lực duy nhất xuất phát từ tình yêu thương đối với em trai, câu chuyện cậu bé Vì Quyết Chiến đạp xe hơn 100km từ Sơn La xuống Hà Nội thăm em trai ốm nằm viện đã và đang lay động trái tim của nhiều người trong thời gian qua. Sức mạnh của lòng yêu thương ấy đã lan tỏa tới cộng đồng. Một chiến dịch kêu gọi sự hỗ trợ cho trai em Quyết chữa bệnh đã được phát động với sự hưởng ướng của nhiều người. Kết quả số tiền đấu giá xe đạp và ủng hộ gia đình em Chiến lên tới trên 130 triệu đồng. Điều này đã giúp đẩy lùi sự vô cảm trong mỗi chúng ta.
 
Vì thế, giải pháp để phòng chống và xóa bỏ bạo lực vẫn được kẻ có hành vi nhân danh tình yêu và quyền lực để lý giải, phải chăng nên thực hiện từ việc đánh giá thực chất tính hiệu quả, nâng cao hiệu quả của công tác giáo dục về gia đình trong chính mỗi gia đình, trong nhà trường và các tổ chức xã hội. 
 
 Đã đến lúc, các lớp học kỹ năng tiền hôn nhân nên trở thành điều kiện bắt buộc khi kết hôn, các lớp học trang bị kỹ năng làm cha mẹ, kỹ năng nuôi dạy con, kỹ năng chung sống vợ chồng cần được mở rộng rãi. Xã hội cần có biện pháp để mọi người nhận thấy tầm quan trọng của việc trang bị kiến thức giáo dục gia đình. Khi giáo dục gia đình tốt, đạo đức gia đình được củng cố, bạo lực sẽ không thể nhân danh bất cứ thứ gì để tồn tại.
 
 
Hạ Thi

Tin cùng chuyên mục

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

(PNTĐ) - Có một căn nhà - đó là ước mơ, kế hoạch mà rất nhiều cặp vợ chồng đã cùng nhau dốc sức để biến thành hiện thực. Hành trình ấy có rất nhiều áp lực, nhiều lo toan và đôi lúc phải từ bỏ cả những niềm đam mê khác; nhưng bên cạnh đó cũng là sự háo hức, niềm vui khi, gia đình nhỏ có một nơi bình yên để trở về.
Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

(PNTĐ) - Thời gian qua, công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt đối với tội phạm về bạo lực, xâm hại trẻ em là một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, tội phạm xâm hại trẻ em vẫn còn là một vấn nạn gây nhức nhối. Thực trạng này đòi hỏi các nhà chức trách phải phối hợp chặt chẽ với gia đình, nhà trường để có những biện pháp bảo vệ trẻ em hiệu quả hơn.
Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.
Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.