Nền hòa bình xứng đáng

Chia sẻ

PNTĐ-Vì một nền hòa bình vững bền, chúng ta đã, đang và sẽ phải làm tất cả những gì có thể để ngăn ngừa mọi nguy cơ chiến tranh, để xây dựng và bảo vệ đất nước.

 
Thủ đô anh hùng - Thành phố vì hòa bình. Hai danh hiệu tự hào đó chứa đựng biết bao ý nghĩa lớn lao. Vì hòa bình, người Hà Nội và người Việt Nam chúng ta đã phải cầm súng, đổ máu, trở thành anh hùng. Vì một nền hòa bình vững bền, chúng ta đã, đang và sẽ phải làm tất cả những gì có thể để ngăn ngừa mọi nguy cơ chiến tranh, để xây dựng và bảo vệ đất nước độc lập - tự do - hạnh phúc.  
 
Nền hòa bình xứng đáng - ảnh 1

 
Đó là sự nhất quán và tất yếu mà nhân loại yêu hòa bình, tiến bộ trên thế giới đã nhìn về Thủ đô Hà Nội như một biểu tượng hiện thực hóa giá trị của hòa bình. Việc UNESCO vinh danh Hà Nội là Thành phố vì hòa bình thể hiện điều đó.
 
20 năm trước, năm 1999 ấy, thời điểm UNESCO vinh danh Thủ đô Hà Nội là Thành phố vì hòa bình, đất nước ta thực sự vượt qua tình trạng chiến tranh được 10 năm. Nhưng chỉ 10 năm đó thôi, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, nhân dân Hà Nội và nhân dân cả nước đã tạo nên những đổi thay lớn lao trong mọi mặt cuộc sống. Nhớ lại những năm tháng ấy, bao người Hà Nội đã cảm nhận như được trải qua những giấc mơ kỳ diệu. Thoắt đấy mà cảnh xếp hàng rồng rắn ở các quầy lương thực, thực phẩm, các bến xe, bến tàu đã lùi xa, tem phiếu bao cấp đã biến mất…
 
Mới đấy mà nếp sống thời chiến nhiều khắc khổ đã được thay thế bằng sự cởi mở, thoải mái trong làm ăn. Sức lao động, vốn liếng trong dân được giải phóng. Ai cũng tìm được công ăn việc làm đủ sống. Đồng tiền dành dụm được đưa vào kinh doanh sinh lời. Mọi phương tiện oto, xe máy, xích lô… đều có thể tham gia lưu thông chở người, hàng hóa…
 
Hà Nội đã đi ra khỏi chiến tranh như thế. Hòa bình đã trở thành động lực. Người Hà Nội đã sớm chứng minh năng lực làm chủ cuộc sống hòa bình. Nếu như chúng ta vẫn nói đến lẽ sống “lấy dân làm gốc” thì thế giới đã nhìn thấy và đánh giá cao những giải pháp, việc làm của Đảng, Nhà nước Việt Nam để mọi người dân đều có thể chăm lo cuộc sống của mình, đóng góp vào xây dựng, phát triển đất nước.
 
Nền hòa bình xứng đáng - ảnh 2

 
Những nội dung trong tiêu chí của UNESCO về “Thành phố vì hòa bình” như: cải thiện đời sống nhân dân, sự bình đẳng trong cộng đồng, xây dựng đô thị, giữ gìn môi trường sống, phát triển văn hóa - giáo dục… đều đã là hiện thực sống động trên thành phố thân yêu của chúng ta.
 
20 năm sau ngày được tôn vinh “Thành phố vì hòa bình” Hà Nội đã tiến một bước xa, những bước tiến của quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Từ một đô thị cũ kỹ, nhiều phần lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá nặng nề, sau quyết định mở rộng địa giới hành chính vào năm 2008 là những nỗ lực xây dựng, cải tạo để Hà Nội hôm nay đã hiển hiện dáng vẻ của một thành phố lớn, một siêu đô thị hiện đại, văn minh.
 
Các khu phố cổ, khu phố cũ vẫn giữ đường nét và thần thái xưa. Công cuộc cải tạo, sửa sang, nâng cấp vùng lõi thành phố dù phải đương đầu với nhiều bài toán khó, song đã tạo được những dấu ấn khả quan. Trong không gian mới rộng thoáng hơn, nhiều vùng đất ngoại thành lần lượt đã đô thị hóa theo hướng hiện đại.
 
Các khu công nghiệp mới hình thành. Nhịp điệu xây dựng Nông thôn mới với “điện, đường, trường, trạm” mới, nhà mới khang trang, với những cánh đồng “dồn điền đổi thửa” cùng lối làm kinh tế nông nghiệp chuyên canh hữu cơ, công nghệ cao và liên kết theo chuỗi sản phẩm…
  
Thực tế còn biết bao điều, biết bao công việc phải làm cả trong xây dựng cơ sở hạ tầng và trong cải cách thể chế, cải cách hành chính, giáo dục đào tạo và cả trong xây dựng văn hóa, nếp sống. Người Hà Nội chưa thể tự nhận thành phố của mình thực sự là nơi đáng sống. Tuy nhiên lại có một thực tế khác là sự tập trung dân cư trên đất Hà Nội đã, đang và sẽ còn diễn ra sôi động.
 
Những dòng người từ khắp các tỉnh phía Bắc vẫn muốn về Hà Nội để làm việc, sinh sống. “Đất lành chim đậu”, hay “đất thánh” là thế. Chúng ta hiểu sức hút của Thủ đô Hà Nội sẽ buộc thành phố cần phải có những kế hoạch sáng tạo và hiệu quả hơn nữa để Thành phố không trở nên quá tải.
 
Thời bình đâu chỉ là thuận lợi, thành phố “Vì hòa bình” là luôn phải vượt lên những khó khăn, thách thức cũ và mới, “Lấy dân làm gốc”, mọi việc đều phải do dân, vì dân. Chúng ta đã và vẫn mãi mãi làm theo chân lý sống còn này. Và một nền hòa bình bền vững lâu dài là đích đến, là bối cảnh và động lực để chúng ta thực hiện ước mơ cao đẹp của các thế hệ người Hà Nội hôm nay và mai sau.
 
Còn nhớ câu thơ chứa chan lòng yêu nước của Thái sư Trần Quang Khải viết sau cuộc kháng chiến lần thứ hai chống quân Nguyên Mông (năm 1285): “Thuở thái bình gắng sức. Non nước ấy ngàn thu”. Còn nhớ trên mảnh đất Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội này, tháng Giêng năm Đinh tỵ (1437) Nguyễn Trãi đã tâu trình với Lê Thái Tôn “Hòa bình là gốc của nhạc… Dám mong bệ hạ rủ lòng yêu thương và chăn nuôi muôn dân khiến cho trong thôn cùng xóm vắng không có một tiếng hờn giận oán sầu. Đó tức là giữ được cái gốc của nhạc”. Sách sử ghi rằng:
 
Vua Lê Thái Tôn đã khen và chấp nhận lời tâu của Nguyễn Trãi. Đó là thời điểm mở ra thời Lê Trung hưng, một thời kỳ rực rỡ của văn minh Đại Việt.
 
Còn nhớ ngay sau khi giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng đã viết: “Nếu nước độc lập mà người dân không được hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì” (báo Cứu quốc ngày 17/10/1945).
 
Người Hà Nội càng mãi nhớ những lời căn dặn của Bác “Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quí hơn độc lập tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. (Lời Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 17/7/1966)
 
Thế hệ này tiếp nối thế hệ khác, người Hà Nội đã đồng lòng hun đúc ý chí tự lực, tự cường và thực hiện lời dạy -  niềm tin của tổ tiên, của Bác Hồ để Thủ đô yêu dấu của mình luôn gương mẫu đi đầu trong kiến tạo và bảo vệ một NỀN HÒA BÌNH XỨNG ĐÁNG. 
  
 
Góp phần làm nên nền hòa bình xứng đáng cho Hà Nội ấy, không thể không kể tới những con người Hà Nội yêu hòa bình, yêu Hà Nội với tình yêu thiêng liêng. Không cần đợi ai giao việc hay vinh danh qua những bằng khen, với tình yêu lớn lao đó, họ đã dành cả cuộc đời để tình nguyện cống hiến giúp người dân Hà Nội, người dân Việt Nam và du khách quốc tế hiểu hơn về nét đẹp của mảnh đất kinh kì ngàn năm văn hiến…  
 
Muốn thế giới biết hình ảnh đẹp của người Hà Nội 
  
Đó là suy nghĩ rất bình dị nhưng lại cao quý của cụ bà Nguyễn Tuyết Nga, 86 tuổi ở phố hàng Gai, phường hàng Gai, quận Hoàn Kiếm. Tuổi đã cao, nhưng mỗi ngày, bà Nga vẫn thường ra cửa hàng của gia đình, giúp con cháu kinh doanh sản phẩm lụa. Vốn là cán bộ Công ty Bông vải sợi may mặc, bà có hiểu biết nhất định về vải, lụa. Với nét phúc hậu, nụ cười tươi hiếu khách, chút tiếng Pháp, không nói thách, nói dối… bà Nga đã tạo được hình ảnh người Hà Nội thanh lịch, văn minh, hiếu khách… trong lòng nhiều du khách trong và ngoài nước.
 
Nền hòa bình xứng đáng - ảnh 3

Nền hòa bình xứng đáng - ảnh 4

 
Nền hòa bình xứng đáng - ảnh 5
Với nét phúc hậu, nụ cười tươi hiếu khách, chút tiếng Pháp, không nói thách, nói dối… bà Nga đã tạo được hình ảnh người Hà Nội thanh lịch, văn minh, hiếu khách…

Thông qua bà, nhiều người cũng hiểu hơn về lụa Việt Nam và các sản phẩm mỹ nghệ làm nên từ bàn tay người thợ thủ công Việt. Được biết, bà Nga còn có thâm niên hàng chục năm làm tổ dân phố số 4, tổ trưởng tổ phụ nữ, được bà con tin yêu…
 
 
"Sứ giả văn hóa" thầm lặng của Thủ đô
 
Ông Phan Trác Cảnh, chủ nhà sách số 5 Bát Đàn, quận Hoàn Kiếm là cái tên không còn xa lạ với các học giả trong, ngoài nước và những người yêu sách... Nhiều bài báo cũng đã viết và gọi ông là “Sứ giả văn hóa” của Thủ đô, dù ông chưa từng được nhận danh hiệu chính thức nào. Từ đam mê sưu tầm sách, cách đây hơn 30 năm, ông Cảnh đã mở cửa hàng sách cũ tại nhà riêng. Những cuốn sách được ông mua từ khắp nơi, túc tắc như kiến tha lâu đầy tổ.
 
Nền hòa bình xứng đáng - ảnh 6
Ông Phan Trác Cảnh, chủ nhà sách số 5 Bát Đàn, quận Hoàn Kiếm
  
Nền hòa bình xứng đáng - ảnh 7
Với nụ cười mộc mạc, ông chào đón tất cả mọi người tới mua sách, mượn sách hoặc ngồi tại chỗ đọc sách miễn phí, không yêu cầu họ phải đặt lịch.

Nền hòa bình xứng đáng - ảnh 8
Hai chuyên gia người Mỹ thích thú trước tấm bản đồ về Hà Nội xưa
 
Đến nay, trong nhà ông đã có khoảng 10 tấn sách với nhiều chủ đề Lịch sử, Địa lý, Văn học, Mỹ thuật, Danh nhân văn hóa, đặc biệt sách giới thiệu về Hà Nội. Với nụ cười mộc mạc, ông chào đón tất cả mọi người tới mua sách, mượn sách hoặc ngồi tại chỗ đọc sách miễn phí, không yêu cầu họ phải đặt lịch. Nhiều người đã vỡ òa trong hạnh phúc, khi được chạm tay vào những cuốn sách quý mà họ đang  tìm kiếm lâu nay. Hãy cùng nhìn lại hành trình bền bỉ quảng bá tri thức của ông trong suốt 30 năm, qua những bức ảnh của quá khứ và hiện tại…
  
 
Kỷ niệm 20 năm Thủ đô Hà Nội được trao danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, báo Phụ nữ Thủ đô, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Thành phố và Ủy ban Hòa bình Thành phố Hà Nội mở chuyên mục “Hà Nội - Thành phố vì hòa bình”  trên các ấn phẩm của Báo và bản tin “Hữu nghị và Hợp tác” của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị. Các bài viết có dung lượng không quá 1.500 chữ, khuyến khích có hình ảnh minh họa, gửi về: Báo Phụ nữ Thủ đô, số 7 Tôn Thất Thuyết, phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội; ĐT: 024.39423227; 
Email: baophunuthudo@gmail.com
 
 
Mạnh Hùng 

Tin cùng chuyên mục

 Thủ đoạn mới: Gắn định vị vào gói hàng ma tuý để thả trôi trên biển

Thủ đoạn mới: Gắn định vị vào gói hàng ma tuý để thả trôi trên biển

(PNTĐ) - Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Quang, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04 - Bộ Công an) cho biết, thời gian qua, lực lượng chức năng phát hiện nhiều gói ma túy được đóng gói và có thiết bị định vị, để rồi sau đó các đối tượng buôn bán trục vớt mang đi tiêu thụ.
Công bố biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029

Công bố biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029

(PNTĐ) - Biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ IX là hình ảnh kết hợp cấu trúc chữ tượng hình từ số lần Đại hội, biểu hiện thông qua chữ số IX, là sự tích hợp các hình tượng tiêu biểu xoay quanh biểu trưng Thanh niên Việt Nam.