Khi phụ nữ làm chủ hợp tác xã

Chia sẻ

PNTĐ-Ngày 10/4, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến - mô hình HTX do phụ nữ làm chủ đã chính thức ra mắt.

 
Nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nông sản sạch, an toàn của người dân Thủ đô, 15 chị em là hội viên phụ nữ xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ đã cùng bắt tay nhau liên kết canh tác rau củ quả theo hướng hữu cơ. Ngày 10/4,  Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến - mô hình HTX do phụ nữ làm chủ đã chính thức ra mắt. 
 
Khi phụ nữ làm chủ hợp tác xã - ảnh 1
Bà Nguyễn Thị Tuyết - Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội (thứ 3 từ trái sang) tặng hoa các sáng lập viên HXT Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến

 
Cách đây 1 năm, thực hiện đề án “Hỗ trợ phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp giai đoạn 2018-2025”, Hội LHPN huyện Chương Mỹ thực hiện khảo sát đặc điểm tình hình và nhu cầu của hội viên phụ nữ có mong muốn khởi nghiệp tại 32 đơn vị trong huyện. Qua đợt khảo sát này, Hội LHPN xã Nam Phương Tiến đã đăng ký thành lập mô hình HTX do phụ nữ làm chủ, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn theo hướng hữu cơ do hội viên và nhân dân địa phương canh tác. Đến tháng 9/2018, Hội LHPN xã đã tuyên truyền, vận động 15 thành viên tâm huyết tham gia để thành lập HTX với diện tích canh tác tại thời điểm đó là trên 7,5ha. Điều đặc biệt, các sáng lập viên của HTX đều là những bạn gái trẻ và năng động, thuộc thế hệ 8X.
 
Trước khi trở thành xã viên của HTX, 15 hộ gia đình trên đã tham gia sản xuất rau, quả thực phẩm an toàn theo tiêu chuẩn VietGap. Tuy nhiên, do độc lập “tác chiến” nên tiêu thụ rau an toàn của các gia đình gặp nhiều khó khăn, không cạnh tranh được với các loại rau đại trà trên thị trường khiến thu nhập bấp bênh, không ổn định. Việc thành lập HTX Nông nghiệp hữu cơ là cần thiết, giúp nhà nông yên tâm sản xuất; việc tiêu thụ, phát triển thương hiệu nông sản sạch đảm bảo bền vững hơn, góp phần tăng thu nhập cho nhà nông ở vùng đất trũng của huyện Chương Mỹ.
 
Gia đình hội viên Nguyễn Thị Mai (53 tuổi) gắn bó với đồng ruộng từ nhiều năm nay. Trồng được cây gì, vợ chồng chị chỉ biết mang ra chợ bán. Giá cả phụ thuộc vào thị trường, lúc lên lúc xuống, vất vả quanh năm nhưng thu nhập vẫn không đủ để anh chị trang trải cuộc sống, nhất là khi hai con trai cùng đi học đại học. Khi tham gia vào HTX, anh chị được hướng dẫn, tập huấn cách thức canh tác hữu cơ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi cho phù hợp với tình hình thực tế.
 
Ngoài hoa màu, gia đình anh chị còn trồng thêm nhiều loại cây ăn quả như: ổi, bưởi, mít, táo, kết hợp với chăn nuôi lợn, gà. Diện tích đất trồng trọt được mở rộng lên đến hơn 2.000m2, cây giống đảm bảo chất lượng, ứng dụng kỹ thuật canh tác hiện đại, tiên tiến đã cho ra những sản phẩm nông nghiệp sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có giá trị kinh tế lớn và được thị trường đón nhận. Từ nguồn thu từ nông nghiệp hữu cơ, gia đình chị Mai có điều kiện đầu tư trở lại cho sản xuất, lắp đặt hệ thống tưới nước nhỏ giọt hiện đại. 
 
Mới đi vào sản xuất được hơn nửa năm nhưng HTX Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến đã có nhiều hỗ trợ các xã viên. Mặc dù chi phí và công sức chuyển đổi từ sản xuất sạch sang sản xuất hữu cơ là không hề nhỏ nhưng các hội viên đã được HTX cung ứng 100% các dịch vụ như phân bón, cây giống, vật nuôi, tập huấn kiến thức canh tác hữu cơ… Lãnh đạo HTX lặn lội đến nhiều nơi như huyện Sóc Sơn, Đông Anh (Hà Nội), tỉnh Bắc Ninh để thăm quan và học hỏi kinh nghiệm hay trong sản xuất, tiêu thụ nông sản từ mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ đi trước. 
 
Sản phẩm chủ lực của HTX nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến là bưởi Diễn. Mô hình bưởi hữu cơ diện tích 3ha tại xã được khởi động từ năm 2018. Vụ thu hoạch vừa qua, bình quân 1ha trồng bưởi hữu cơ cho sản lượng khoảng 50.000 quả và đem lại thu nhập từ 800 triệu đến gần 1 tỷ đồng. Từ hiệu quả đạt được, nhiều chị em đã mạnh dạn thuê thêm đất để mở rộng diện tích canh tác.
 
Chị Trần Thị Hưởng, một thành viên sáng lập của HTX đã vận động người trong gia đình, hàng xóm - là những nhà có nhiều đất mạnh dạn sử dụng để canh tác nông sản theo hướng hữu cơ. Nông sản của xã viên đã được HTX bao tiêu, ký hợp đồng tiêu thụ với các trường học, nhà hàng, doanh nghiệp, khách sạn, khu dân cư trên địa bàn Hà Nội và các vùng lân cận. Trong năm nay, ngoài các loại cây trồng chủ lực, HTX đã đầu tư trồng thêm rau xanh, thử nghiệm canh tác lúa hữu cơ. Cùng với chính quyền xã, Hội Phụ nữ hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống giao thông nội đồng, kênh mương khu vực sản xuất nông sản an toàn. Đồng thời, phòng kinh tế, trạm bảo vệ thực vật, trạm khuyến nông huyện quan tâm tạo điều kiện cho HTX được tiếp cận với chính sách hỗ trợ công nghệ, đưa máy móc vào sản xuất nông nghiệp đem lại hiệu quả và năng suất cao.
 
Tới dự lễ ra mắt HTX nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến, bà Nguyễn Thị Tuyết - Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội đã chúc mừng những nỗ lực của chị em hội viên phụ nữ và hy vọng, mô hình kinh tế tập thể này sẽ hoạt động nề nếp, đúng pháp luật, đảm bảo cung cấp ra thị trường các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô và góp phần tăng thu nhập cho các xã viên. Bà Nguyễn Thị Tuyết mong muốn, các sở, ban ngành liên quan, chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để HTX Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến hoạt động ngày càng hiệu quả.
 
Quỳnh Anh

Tin cùng chuyên mục

 Thủ đoạn mới: Gắn định vị vào gói hàng ma tuý để thả trôi trên biển

Thủ đoạn mới: Gắn định vị vào gói hàng ma tuý để thả trôi trên biển

(PNTĐ) - Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Quang, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04 - Bộ Công an) cho biết, thời gian qua, lực lượng chức năng phát hiện nhiều gói ma túy được đóng gói và có thiết bị định vị, để rồi sau đó các đối tượng buôn bán trục vớt mang đi tiêu thụ.
Công bố biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029

Công bố biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029

(PNTĐ) - Biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ IX là hình ảnh kết hợp cấu trúc chữ tượng hình từ số lần Đại hội, biểu hiện thông qua chữ số IX, là sự tích hợp các hình tượng tiêu biểu xoay quanh biểu trưng Thanh niên Việt Nam.