Kỳ 1: Công nhân là “vốn quý” của doanh nghiệp

Chia sẻ

PNTĐ-Những năm qua, cùng sự quan tâm của TP Hà Nội, các cấp, các ngành đã có nhiều hoạt động chung tay nâng cao chất lượng môi trường làm việc, đời sống của công nhân, người lao động.

 
Xuất phát từ nhận thức: con người là nhân tố cốt lõi cho sự phát triển của doanh nghiệp (DN), những năm qua, cùng sự quan tâm của TP Hà Nội, các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng DN Thủ đô đã có nhiều hoạt động chung tay nâng cao chất lượng môi trường làm việc, đời sống của công nhân, người lao động. Ghi nhận của PV báo Phụ nữ Thủ đô tại các KCN, CX, quận, huyện… trên địa bàn Thành phố. 
 
 Hà Nội hiện có 9 KCN với 678 DN đang hoạt động, tạo việc làm cho gần 150.000 LĐ, trong đó gần 80% là LĐ nữ. Những năm qua, đời sống công nhân LĐ nói chung trên cả nước có những thời điểm biến động nhưng tại Hà Nội, quan hệ LĐ trong DN thí điểm nhiều chuyển biến tích cực được ghi nhận.
 
Kỳ 1: Công nhân là “vốn quý” của doanh nghiệp - ảnh 1
Lãnh đạo công ty TNHH linh kiện điện tử SEI Việt Nam (KCN Thăng Long, huyện Đông Anh) đánh giá công nhân Việt Nam là một trong những đội ngũ tốt nhất trong hệ thống của SEI trên toàn thế giới

 
Kỳ 1: Công nhân là “vốn quý” của doanh nghiệp - ảnh 2
Công ty linh kiện điện tử SEI Việt Nam (KCN Thăng Long, huyện Đông Anh) là đơn vị có số lượng LĐ nữ lớn, đang làm việc

Từ những khó khăn có thực
 
Là công nhân may tại một nhà máy trong KCN Sài Đồng, quận Long Biên, đã hơn 10 năm, Nguyễn Thị Yên ở phố Sài Đồng cùng nhiều nữ công nhân khác nhớ lại: Những năm trước, điều kiện, môi trường làm việc và đời sống vật chất của nữ công nhân đã khá chật vật. Đồng lương thấp, chế độ đãi ngộ không có nhiều, chỉ hỗ trợ thêm phụ cấp đi lại, nhà ở, chuyên cần… với mức khiêm tốn. Bữa ăn ca công nhân thấp, chỉ có 2-3 món nhàm chán, nhiều khi nhìn đĩa cơm lạnh ngắt mà không muốn ăn. 
 
Khó khăn, vướng mắc hiện nay của chị em công nhân trẻ cũng là về nhà ở và các thiết chế văn hóa. Mặc dù TP Hà Nội và nhiều DN đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật xung quanh KCN phục vụ đời sống cho công nhân nhưng thực tế, vẫn còn một số KCN chưa có nhà ở tập trung, nhà trẻ, khu vui chơi, chợ dân sinh…
 
Nhiều công nhân phải thuê nhà trọ tạm bợ, lợp mái proximang, điều kiện sinh hoạt chưa đảm bảo. Nhiều chị em có con đến tuổi đi học mẫu giáo nhưng không đủ điều kiện xin học vào các trường công lập do quá tải nên đành ngậm ngùi gửi con về quê để đi học hoặc đón ông bà lên ở trọ cùng để hỗ trợ việc trông con. Với mức lương gần 8 triệu đồng/tháng, nữ công nhân Hoàng Ngọc Lê ở xã Đại Mạch, huyện Đông Anh tính toán: nếu để con ở cùng, tiền học trường tư thục, tiền nhà, tiền điện nước đã mất gần một nửa tháng lương; tiền tích lũy phòng khi có việc đột xuất gần như không có. 
 
Gần đây, TP đầu tư xây dựng 34 điểm sinh hoạt văn hóa, trong đó 29 điểm tại đơn vị, doanh nghiệp; 3 điểm tại khu dân cư và 2 điểm tại KCN. Đây là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho công nhân nhưng các hoạt động còn hạn chế, chủ yếu là các cuộc thi cắm hoa, nấu ăn, văn nghệ, chưa mở rộng bổ sung thêm hoạt động thể thao, nâng cao sức khỏe, bồi đắp văn hóa tinh thần cho công nhân như khiêu vũ, tập yoga, chiếu phim, tổ chức các buổi tập huấn kỹ năng nghề...
 
Kỳ 1: Công nhân là “vốn quý” của doanh nghiệp - ảnh 3
Đọc báo Phụ nữ Thủ đô trong giờ nghỉ giữa ca là thói quen của không ít nữ công nhân công ty TNHH Elentec Việt Nam (KCN Quang Minh, huyện Mê Linh). Báo đã trở thành “người bạn tin cậy” cung cấp thông tin hữu ích về  mọi mặt cho nhiều nữ công nhân

 
Trần Thị Ánh – công nhân KCN Phú Nghĩa, huyện Chương Minh cho biết: do tính chất công việc đặc thù, công nhân chủ yếu là LĐ ngoại tỉnh, chủ yếu ở nhà trọ chật chội nên chị em có ít cơ hội để công nhân được học hỏi, giao lưu, cập nhật thông tin hoặc tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ sau giờ làm việc. 
  
Đến nỗ lực tháo gỡ 
 
Bà Nguyễn Thị Tuyến - Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội cho biết: Để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công nhân LĐ, các ngành chức năng của TP đã triển khai quyết liệt việc kiểm tra, giám sát thực hiện pháp luật lao động của DN, giải quyết kịp thời các vướng mắc, tranh chấp LĐ. Đặc biệt hằng năm, UBND TP và Liên đoàn Lao động TP phối hợp tổ chức tiếp xúc, đối thoại với công nhân LĐ trong các KCN và chế xuất, giải quyết dứt điểm nhiều kiến nghị chính đáng, tạo sự yên tâm, tin tưởng cho DN và người LĐ. 
 
Ông Đinh Quốc Toản – Chủ tịch Công đoàn các KCN và chế xuất Hà Nội chia sẻ thêm: Để xây dựng quan hệ LĐ trong DN hài hòa, ổn định, tiến bộ, nhiều DN đã ký kết Thỏa ước LĐ tập thể với tổ chức công đoàn. Đây cơ sở pháp lý bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các bên. Đến nay việc thương lượng tập thể ở DN đã đi vào thực chất, số lượng và chất lượng Thỏa ước LĐ tập thể ngày càng tăng; trong đó, có nhiều quy định có lợi cho người LĐ. Điển hình là chế độ lương thưởng và đãi ngộ của người LĐ đã cải thiện rõ nét. 
 
Kỳ 1: Công nhân là “vốn quý” của doanh nghiệp - ảnh 4
Tại  công ty CP Kim khí Thăng Long (KCN Sài Đồng, quận Long Biên), người LĐ có thu nhập trung bình 8 triệu đồng/người/tháng cùng các chế độ phụ cấp, phúc lợi ổn định. Nhiều gia đình có 3 thế hệ gắn bó lâu dài với công ty

 
Chị Phạm Thị Bích Hải - Chủ tịch Công đoàn công ty TNHH Toto Việt Nam (KCN Thăng Long, huyện Đông Anh) cho biết: Theo thỏa ước LĐ tập thể, người LĐ hưởng lương làm ca đêm cao hơn quy định; có các khoản trợ cấp gia đình, con nhỏ (dưới 6 tuổi)… Chế độ thưởng gồm thưởng thâm niên theo thời gian làm việc 5 năm, 10 năm; thưởng năng suất hàng tháng; thưởng chuyên cần theo quý, theo năm…
 
Tại công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam (KCN vừa và nhỏ Phú Thị, huyện Gia Lâm), theo ông Ngô Ngọc Vinh – Chủ tịch Công đoàn, công ty có chế độ thưởng theo Thỏa ước LĐ tập thể là 2 tháng lương và thưởng theo kết quả sản xuất kinh doanh từ 5 - 6 tháng lương. Để khuyến khích công nhân LĐ đưa những sáng kiến, sáng tạo trong sản xuất, công ty trích lại 1% giá trị cải tiến có hiệu quả. Ngoài ra, người LĐ được giảm 3% giá bán khi mua xe máy Honda và trả góp không lãi suất 50% giá trị xe trong 30 tháng… 
 
Thời gian làm việc của người LĐ được bố trí hợp lý hơn; tăng thời gian nghỉ giữa các ca làm việc trong ngày và trong tháng. Tại công ty TNHH Canon Việt Nam, người LĐ được nghỉ 8 ngày/tuần; tại công ty TNHH Toto thời gian nghỉ là 6 ngày/tuần… Để đảm bảo sức khỏe cho người LĐ, trong Thỏa ước LĐ tập thể của nhiều công ty, tiền ăn ca tăng thêm 25%, ở mức 25.000 - 27.000đồng/suất. Công ty THNN Canon Việt Nam còn tiên phong trong việc thực hiện tổ chức bữa ăn ca tự chọn (buffet) cho người LĐ…
 
Một số DN còn phát thêm sữa uống giữa ca nhằm giúp công nhân nhanh tái tạo sức LĐ hoặc bổ sung nước mát, hoa quả cho công nhân uống trong những ngày nắng nóng.
 
Chế độ nhân văn cho nữ công nhân
 
Thực tế cho thấy, chiếm gần 80% trong tổng số LĐ tại KCN là LĐ nữ. Có nhiều DN lớn như công ty TNHH Canon, Elentec, Yamaha Motor… số lượng LĐ nữ lớn, lên đến hàng ngàn nghìn người, đa phần là nữ công nhân trẻ, tuổi đời từ 18 – 30. Ông Đinh Quang Dương, Chủ tịch Công đoàn công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam (KCN Nội Bài, huyện Sóc Sơn) cho biết: Công ty thường tổ chức các hoạt động tuyên truyền về sức khỏe sinh sản, bình đẳng giới, nuôi con sữa mẹ cho nữ công nhân; lắp đặt cabin vắt sữa và trang bị tủ chuyên dụng để chị em đang cho con bú bảo quản sữa mẹ.
 
Ngoài ra, để xây dựng môi trường làm việc xanh – sạch – đẹp, nữ công nhân từ các phòng, ban của công ty đã xây dựng “Góc sinh thái Yamaha” trang trí cây xanh và tiểu cảnh bằng nguyên liệu thân thiện với môi trường. Tại công ty TNHH Điện Stanley, nữ công nhân được bố trí phòng tập yoga...
 
Kỳ 1: Công nhân là “vốn quý” của doanh nghiệp - ảnh 5
Ông Yasuyoshi Takahashi - Tổng Giám đốc công ty TNHH Sakurai Việt Nam (KCN Thăng Long, huyện Đông Anh) đã đầu tư trồng hàng  chục cây hoa hồng, ban, hoàng yến... trong khuôn viên công ty

 
Tại công ty TNHH Elentec, nữ LĐ đang mang thai được hưởng suất ăn hàng ngày tăng thêm 50% và hỗ trợ thêm bữa ăn phụ để đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho thai nhi. Chị em mang thai được chuyển sang vị trí làm việc nhàn hơn, được ngồi ghế dành riêng cho phụ nữ mang bầu. Công ty còn bố trí phòng nghỉ để nữ công nhân mang bầu, nuôi con nhỏ nghỉ ngơi, đọc sách báo…
 
Đặc biệt, từ cuối tháng 3 năm 2019, Đề án phát hành miễn phí báo Phụ nữ Thủ đô vào KCN và chế xuất Hà Nội đã được triển khai. Hàng tuần, hơn 5.838 tờ báo Phụ nữ Thủ đô đã được phát tới tay nữ công nhân tại 185 DN của 7 KCN trên địa bàn TP. Đây là chủ trương rất có ý nghĩa và nhân văn, thể hiện sự quan tâm của Thành ủy, HĐND, UBND, Hội LHPN TP đối với nữ công nhân trong các KCN. Các DN được thụ hưởng đề án đã vui mừng tiếp nhận báo Phụ nữ Thủ đô và tổ chức cho chị em công nhân đọc báo với nhiều hình thức phù hợp và thuận tiện như phát báo tới phân xưởng, đặt tại phòng nghỉ giữa giờ, thư viện, căng tin… góp phần động viên, nâng cao đời sống tinh thần cho nữ công nhân LĐ.
 
Chị Cao Thị Tuyên – Trưởng phòng hành chính công ty TNHH Elentec Việt Nam (KCN Quang Minh, huyện Mê Linh) cho biết: Được đọc miễn phí báo Phụ nữ Thủ đô với nhiều thông tin hữu ích đã giúp chị em trang bị kiến thức, kỹ năng quý giá trong việc chăm sóc gia đình và bản thân, nuôi dạy con… 
 
Mặc dù Thành phố, các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp đã có nhiều nỗ lực, song, là địa phương có số lượng doanh nghiệp lớn, người LĐ đông, Hà Nội khó có thể giải quyết hết các khó khăn trong một sớm một chiều. Vì thế, rất cần sự vào cuộc, chung tay của chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội cùng chăm lo cho công nhân.
 
 “Hiện nay, mức lương trung bình của công nhân LĐ ở Hà Nội từ 5-6 triệu/tháng, cao hơn lương tối thiểu vùng từ 7-10%. Ngoài các khoản phụ cấp cố định hàng tháng như đi lại, nhà ở, chuyên cần… ở mức xấp xỉ 1 triệu đồng/tháng, nhiều DN có thêm phụ cấp đặc thù, chế độ thưởng riêng cho người LĐ như thưởng đặc biệt (có giá trị tương đương với thưởng Tết cuối năm), thưởng thâm niên, thưởng cải tiến kỹ thuật...” .  
 
 
 “Với đặc thù tờ báo giới, báo Phụ nữ Thủ đô đã trở thành kênh thông tin tuyên truyền chính thống các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước và tổ chức Hội; phổ biến kiến thức, trang bị kỹ năng, cung cấp thông tin về giới, gia đình, trẻ em tới nữ công nhân. Qua báo, các DN cũng nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc chăm lo đời sống tinh thần, vật chất cho nữ công nhân theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với tình hình thực tế”. 
 
 
Kỳ 2: Hội Phụ nữ cùng “gỡ khó” cho nữ công nhân
  
Đức Hạnh 

Tin cùng chuyên mục

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

(PNTĐ) - Ở tuổi 76, bà Sheikh Hasina tiếp tục được người dân tín nhiệm bầu giữ chức Thủ tướng Bangladesh nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp và được coi là: “nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới”. Trong vai trò Thủ tướng, bà đã đưa đất nước tiến lên và đạt được nhiều thành tựu đáng trân trọng.
Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.