"Bảo tàng sống" trong lòng Hà Nội

Chia sẻ

PNTĐ-Thủ đô chúng ta đã được biết đến với hình ảnh của kiến trúc đa dạng, bản sắc đặc trưng thu hút rất nhiều chuyên gia nước ngoài đến tìm hiểu, điển hình như những khu nhà tập thể cũ.

 
20 năm trước, khi Hà Nội được UNESCO công nhận là “Thành phố vì hoà bình”, Thủ đô chúng ta đã được biết đến với hình ảnh của kiến trúc đa dạng, bản sắc đặc trưng thu hút rất nhiều chuyên gia nước ngoài đến tìm hiểu, điển hình như những khu nhà tập thể cũ giữa lòng Hà Nội.
 
Khu tập thể Nghĩa Tân, Cầu giấy, Hà Nội năm 2019. Ảnh: Minh Ngọc

 
Mặc dù xuất hiện ở Việt Nam từ những năm 60 của thế kỷ trước, thời điểm mà mô hình nhà tập thể đang thịnh hành tại các nước phương Tây, nhưng đến giờ những toà nhà tập thể này vẫn tồn tại, tuy không còn niên hạn sử dụng từ nhiều năm nay. Giữa lòng Hà Nội, các khu tập thể cũ vẫn thu hút được nhiều sự yêu thích và chú ý của tất cả mọi người, từ kiến trúc sư đến hoạ sĩ, nhiếp ảnh gia, các bạn thanh niên trẻ hay đơn giản chỉ là người dân đang đi tìm một không gian sống.
 
Về mặt kiến trúc, nhà tập thể tại Hà Nội đã biến đổi hoàn toàn so với nguyên mẫu bằng những “chuồng cọp” treo cao, sự đa dạng trong sử dụng công năng của sân chung giữa hai toà nhà; điều này thể hiện không gian sống đã được tổ chức theo một cách riêng. Người dân Việt Nam quen sống với xóm làng trong một quần thể, nhà tập thể cũng tổ chức theo hình thức nhóm ở, nhưng vẫn có sự cách biệt trong tính chất, với văn hoá tam đại đồng đường, những căn hộ dành cho một gia đình nhỏ nhanh chóng trở thành mái nhà của hai hay ba thế hệ. 
 
Các khoảng chung trong khu tập thể được tối đa hoá cho các tiện ích của người dân, họ đã xây dựng một không gian sống xóm làng xưa kia, nhưng trong một mô hình kiến trúc phương Tây. Điều này thể hiện rõ nhất qua các hoạt động nhộn nhịp trên sân chơi, từ sáng đến tối khuya. Khu tập thể luôn luôn sôi động như thế, nhưng lại có sự an toàn nhất định khi mọi người dân đều quen biết nhau, họ luôn mở cửa căn hộ, sẵn sàng chào đón hàng xóm đến chơi, đồng thời cũng chính họ là những người luôn sát sao với khu tập thể, dễ dàng nhận ra được những người lạ, hay một sự việc bất thường.
 
Sự “thoả thuận” trong mô hình kiến trúc này hiện lên như một sự gắn bó, mọi người chung sống và cùng nhau chia sẻ lợi ích, cùng nhau hợp tác trong các hoạt động, huyên náo nhưng vẫn bình yên như vậy. “Hoà bình” mà từng người dân cảm nhận, nó không chỉ là một cuộc sống không còn mưa bom bão đạn, “hoà bình” còn đến từ trong từng không gian nhỏ như vậy, giữa những căn nhà chật hẹp, giữa những dòng người chen chúc nhau. 
 
Ngày nay, sau hàng chục năm được vinh danh “Thành phố vì hoà bình”, Hà Nội đã thay đổi rất nhiều, những toà nhà kiến trúc hiện đại mọc lên xen kẽ với những khu tập thể cũ tạo nên một bức tranh đối lập, nhiều quan điểm cho rằng đó là một hình ảnh chưa đẹp, tạo nên kiến trúc bị pha tạp, lộn xộn ở Thủ đô. Tuy nhiên, sự tương phản ấy cũng có thể được nhìn nhận như một đặc trưng của đô thị, minh chứng là Hà Nội vẫn rất thu hút các chuyên gia nước ngoài đến nghiên cứu, họ thích thú và tìm hiểu về mối liên hệ chặt chẽ giữa kiến trúc địa phương với con người, đồng thời với mối quan hệ khăng khít trong xã hội, văn hoá làng xã tồn tại trong đô thị hiện đại như thế nào.
 
Chính sự đan xen “lộn xộn” đã thể hiện được tinh thần của người sử dụng công trình kiến trúc rõ ràng hơn, đồng thời mang lại sự cảm tình gần gũi so với những toà nhà hiện đại sang trọng nhưng cũng rất lạnh lùng. Chắc vì lẽ đó, mà vẫn nhiều người tìm đến những khu tập thể cũ để sinh sống, giá trị của quá khứ vẫn luôn được nhắc lại trong lòng Hà Nội. Các khu tập thể chính là những bảo tàng mô hình sống giữa Thủ đô. 
 
Thế giới rất quan tâm và đánh giá cao mô hình khu tập thể của Việt Nam. Ở Pháp, trong giới kiến trúc còn tồn tại khái niệm KTT (tức là viết tắt của từ Khu tập thể trong tiếng Việt). Vì thế, chúng ta cần hiểu giá trị của khu tập thể thay vì coi đó là các mô hình cũ, lỗi thời với xã hội hiện đại mà bỏ đi. Việc cải tạo, bảo tồn khu tập thể cũ thành công sẽ giúp Hà Nội giải quyết hài hòa bài toán phát triển đô thị hiện đại. Theo tôi, khi cải tạo chung cư cũ, chúng ta cần lưu ý hai điểm là giữ được hệ sinh thái cộng đồng, tính liên kết giữa người với người và người với khu tập thể và mở rộng diện tích căn hộ để người dân có đủ diện tích sinh hoạt. 
 
Giờ đây, Thủ đô đang trên đà phát triển mạnh mẽ, tác phong công nghiệp ảnh hưởng không nhỏ đến người dân, nhưng hỗn độn giữa cũ và mới, hiện đại và truyền thống, Hà Nội vẫn mang đến một hình ảnh hài hoà nhất định, một “bản sắc” so với các đô thị hiện đại chỉ toàn các tòa nhà chọc trời khác.  
 
 
Thạc sĩ. KTS Lê Minh Ngọc (Paris, Pháp)

Tin cùng chuyên mục

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

(PNTĐ) - Trong những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi đến thăm Thượng tá, cựu chiến binh Đinh Văn Chiến, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội - người đã từng tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975. Đã 49 năm trôi qua, nhưng những ký ức hào hùng của một giai đoạn lịch sử vẫn còn mãi trong người chiến sĩ thương binh bộ đội Cụ Hồ anh dũng, quả cảm.