Đàn ông... "xây tổ ấm"

Chia sẻ

PNTĐ-Thời hiện đại, bình đẳng giới đang làm dịch chuyển vai trò trong gia đình của phụ nữ và đàn ông. Theo đó, đàn ông phải đối diện với không ít thách thức trong vai trò làm chồng, làm cha...

 
Trong quan niệm gia đình truyền thống của người Việt, đàn ông “xây nhà”, đàn bà “xây tổ ấm”. Thế nhưng thời hiện đại, bình đẳng giới đang làm dịch chuyển vai trò trong gia đình của phụ nữ và đàn ông. Theo đó, đàn ông phải đối diện với không ít thách thức trong vai trò làm chồng, làm cha của mình.
 
Đàn ông...
Ảnh minh họa

Nỗi sợ hãi “không làm ra tiền”
 
Bà Lê Thị Mận (Đống Đa, HN) là một trong số rất nhiều bà mẹ đến câu lạc bộ Tâm Giao (báo PNTĐ) đăng ký tìm bạn đời cho con trai. Anh Đỗ Hữu Mạnh, con trai bà năm nay đã bước sang tuổi 35 nhưng vẫn “không dám” lấy vợ. Bà Mận sốt ruột tìm đủ mọi cách mai mối nhưng Mạnh vẫn không bén duyên được với ai. Lý do duy nhất con trai bà có tư tưởng sống độc thân là lo không kiếm được tiền để nuôi vợ con.
 
Hiện nay, Mạnh đang làm công nhân, tiền kiếm được chỉ đủ chi dùng cho cá nhân, thậm chí có tháng còn phải xin thêm mẹ để tiêu. Áp lực đàn ông phải làm trụ cột kinh tế trong gia đình khiến Mạnh trở nên tự ti khi nghĩ đến chuyện kết hôn. 
 
Sự định vị vai trò đàn ông là trụ cột kinh tế gia đình đã “đóng đinh” vào nhận thức của cả phụ nữ lẫn đàn ông. Với vai trò trụ cột ấy, người đàn ông luôn ở trong tâm thế “tổng tư lệnh gia đình”. Vì vậy, trong nhận thức của họ nếu không thể đảm đương được vai trò trụ kinh tế cũng có nghĩa họ trở nên vô dụng, bất tài. Điều đó khiến nhiều đàn ông sợ hãi, tự ti không dám bước vào cuộc sống hôn nhân. Thời hiện đại, áp lực đó càng trở nên kinh khủng hơn với họ, khi mà phụ nữ có thể đảm nhiệm vai trò trụ cột kinh tế gia đình. 
 
Sự thu mình ấy khiến một số đàn ông trở nên vô dụng trong mắt bạn đời, người chồng trở thành nạn nhân bị bạo lực tinh thần, bạo lực kinh tế nhưng lại chưa được bảo vệ, hay lên tiếng đấu tranh cho quyền bình đẳng giống như phụ nữ. Bởi lâu nay, nam giới vẫn được xem là thủ phạm gây ra bạo lực, nạn nhân bị bạo lực chủ yếu là nữ giới. 
 
  Nhiều đàn ông đã “chống cự” trước sự dịch chuyển quyền lực trong gia đình bằng con đường bạo lực. Bạo lực gia đình nảy sinh khi người chồng không kiếm được tiền, khi người vợ thăng tiến cao hơn chồng. Nhưng con đường tìm kiếm lại quyền lực của mình bằng cách này không còn hiệu quả như trước. Bởi phụ nữ không còn cam chịu bạo lực, họ biết cách đấu tranh, giải thoát khỏi bạo lực.
 
Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng chống bạo lực gia đình tổ chức vào tháng 12/2018 đã đưa ra thống kê 80% số vụ ly hôn hàng năm có nguyên nhân từ bạo lực gia đình, số vụ ly hôn hàng năm do phụ nữ đứng đơn không ngừng tăng lên đã minh chứng cho điều đó.
 
Người chồng, người cha biết chia sẻ, lắng nghe
 
Một cuộc khảo sát định lượng và định tính thực hiện tại 7 nước Đông Nam Á (Việt Nam, Thái lan, Singapore, Myanmar, Indonesia, Malaysia, Philippin) của Viện Nghiên cứu HILL ASEAN với chủ đề “Góc nhìn mới về bình đẳng giới trong gia đình: Ai nắm quyền?” đã tiết lộ những suy nghĩ của vợ chồng về vấn đề “quyền lực” trong gia đình.
 
Theo đó, HILL ASEAN đã chỉ ra tại Việt Nam có ba loại hình thái gia đình: Nhóm truyền thống (người chồng ra ngoài làm việc, người vợ ở nhà chăm con); Nhóm phân công việc nhà (việc nhà và chăm sóc con cái được chia đều cho cả hai, và ai có khả năng đảm nhận công việc tại thời điểm cần thiết sẽ là người thực hiện); Nhóm chuyển đổi (người vợ ra ngoài làm việc, người chồng đảm nhận việc nhà và nuôi dạy con cái).
 
Báo cáo nghiên cứu cho thấy, nhóm phân công việc nhà chiếm 74%, nhóm truyền thống chiếm 25%, nhóm chuyển đổi chiếm 1%. Đây là một kết quả đáng ghi nhận đối với một quốc gia đang phát triển, chịu ảnh hưởng lâu đời của hệ tư tưởng, lễ giáo phong kiến như Việt Nam. 
 
Đàn ông trong cuộc sống hiện đại không còn đơn thuần với vai trò “xây nhà” theo nghĩa đen mà cũng phải chung tay “xây tổ ấm”. Khi người vợ cũng có thể làm kinh tế, họ không cần người chồng chỉ mang về vật chất mà không có sự vun đắp về tinh thần cho gia đình. Phụ nữ đòi hỏi sự chia sẻ từ chồng mình nhiều hơn trong việc nhà, nuôi dạy con cái. Điều mà lâu nay vốn chỉ mặc định cho phụ nữ. 
 
Vai trò trong gia đình bị dịch chuyển, người chồng thay vì ở vị trí “độc tôn”, nay phải điều chỉnh lại vị thế của mình. Đó là bình đẳng với vợ, thậm chí tình nguyện lui làm hậu phương cho vợ.
 
Bởi cũng giống như sự thành đạt của đàn ông luôn có bóng dáng của người phụ nữ, thì sự thành công của phụ nữ cũng cần có đàn ông hậu phương đằng sau. Nếu người chồng không có sự chia sẻ, lắng nghe, thấu hiểu vợ mình, hạnh phúc lung lay, thậm chí tan vỡ.
 
Trong vai trò làm cha, đàn ông không thể “khoán trắng” cho vợ như trước, mà họ phải chung tay nuôi dạy con cái. Từ sự áp đặt, họ phải học cách trở thành người bạn của con, lắng nghe, chia sẻ, đồng hành cùng con lớn lên. Rõ ràng, để xây dựng và bảo vệ hạnh phúc, đàn ông phải học cách thích ứng với sự dịch chuyển vai trò của mình trong gia đình. 
 
 
Hạ Thi

Tin cùng chuyên mục

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

(PNTĐ) - Có một căn nhà - đó là ước mơ, kế hoạch mà rất nhiều cặp vợ chồng đã cùng nhau dốc sức để biến thành hiện thực. Hành trình ấy có rất nhiều áp lực, nhiều lo toan và đôi lúc phải từ bỏ cả những niềm đam mê khác; nhưng bên cạnh đó cũng là sự háo hức, niềm vui khi, gia đình nhỏ có một nơi bình yên để trở về.
Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

(PNTĐ) - Thời gian qua, công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt đối với tội phạm về bạo lực, xâm hại trẻ em là một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, tội phạm xâm hại trẻ em vẫn còn là một vấn nạn gây nhức nhối. Thực trạng này đòi hỏi các nhà chức trách phải phối hợp chặt chẽ với gia đình, nhà trường để có những biện pháp bảo vệ trẻ em hiệu quả hơn.
Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.
Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.