Thiệt thòi khi chấm dứt sống thử

Chia sẻ
 
Bạn Lê Hoài Th (Khu công nghiệp Đông Anh, HN) kể với Thu Vân: Em và anh ấy đang sống thử với nhau. Hiện chúng em có con trai 2 tuổi sau 3 năm sống thử. Gần đây, tình cảm của chúng em không còn nồng đượm như trước. Em phát hiện anh ấy có tình cảm với một cô gái khác bên ngoài. Mâu thuẫn nảy sinh, anh ấy lấy lý do chúng em chưa kết hôn nên anh vẫn là “người tự do” có quyền được yêu người khác. Một tháng nay, anh ấy đến sống cùng cô gái ấy, chuyển hết đồ đạc đến đó. Em không đồng ý bởi tài sản ấy cũng có phần em góp vào mua sắm.
 
Tuy nhiên, anh bảo xe máy, ti vi, tủ lạnh, sofa… khi mua đều đề tên anh trong hóa đơn hàng. Vì vậy, đó là tài sản của anh, em không có quyền đòi chia. Về con trai, anh bảo em không đủ điều kiện thì để anh nuôi. Nếu em nhận nuôi con thì anh không còn trách nhiệm. Em không cam lòng đánh mất tất cả và muốn kiện anh ấy nhưng không biết phải làm thế nào?... 
 
Thiệt thòi khi chấm dứt sống thử - ảnh 1
Ảnh minh họa

 
Bạn Th còn cho biết, những bạn trẻ bị thiệt thòi khi chấm dứt sống thử tương tự mình không ít. 
Có thể thấy, hôn nhân hợp pháp khác với sống thử ở chỗ được pháp luật công nhận, bảo vệ quyền lợi cũng như nghĩa vụ trong cuộc sống vợ chồng. Cụ thể, có những thiệt thòi về mặt pháp lý khi các cặp đôi chán “sống thử” với nhau dưới đây.
 
Việc sống thử không được pháp luật bảo vệ
 
Theo Khoản 1, 2, Điều 19, Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 quy định: “Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thuỷ, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình. Vợ chồng có nghĩa vụ sống chung với nhau, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc do yêu cầu của nghề nghiệp, công tác, học tập, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và lý do chính đáng khác”.
 
Nếu vi phạm nguyên tắc chung thủy trong hôn nhân, người vi phạm có thể sẽ bị xử lý vi phạm hành chính, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều này có nghĩa, khi vợ hoặc chồng không chung thủy, ngoại tình, người vợ/chồng sẽ có quyền tố cáo chồng và người thứ ba vi phạm Luật Hôn nhân gia đình để bảo vệ hạnh phúc. Pháp luật có chế tài để xử lý những người vi phạm, đồng thời bảo vệ quyền lợi của vợ/ chồng hợp pháp. 
 
Khoản 1, Điều 14 Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định: “Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng…”. Do đó, trong trường hợp sống thử, hai người sống chung nhưng lại không được pháp luật công nhận là vợ chồng nên không được bảo vệ về mặt pháp lý, không thể tố cáo hành vi ngoại tình của đối phương, hay ngăn cản người thứ ba (nếu có). 
 
Thiệt thòi, rắc rối khi phân chia tài sản
 
Mối quan hệ tài sản đối với việc chung sống với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn được quy định như sau: “Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam nữ, chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật Dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan…” (Điều 16, Luật Hôn nhân gia đình năm 2014).
 
Nhưng, thực tế pháp luật rất khó để xác định tài sản chung hình thành trong quá trình chung sống của hai người khi họ chấm dứt sống thử. Rất nhiều người không có căn cứ để chứng minh sự đóng góp của mình nên quyền lợi về tài sản sau khi chấm dứt sống thử gần như không được đảm bảo.
 
Khó bảo vệ nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con chưa thành niên 
 
Vợ chồng chung sống hợp pháp khi ly hôn, nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con được pháp luật quy định như sau: Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con (Khoản 2, Điều 82 Luật Hôn nhân gia đình 2014).
 
Trong trường hợp người có nghĩa vụ nuôi dưỡng trốn tránh nghĩa vụ thì theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức được quy định tại Điều 119 của Luật này, tòa án buộc người đó phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của Luật này” (Khoản 2, Điều 107 Luật Hôn nhân gia đình 2014). Hành vi cố ý không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định (Điều 186 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017).
 
Tuy nhiên do sống thử không chịu sự ràng buộc của pháp luật nên những quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng cho con rất khó áp dụng. 
 
 
Thu Vân

Tin cùng chuyên mục

Về già nhờ con, sao khó thế?

Về già nhờ con, sao khó thế?

(PNTĐ) - Đắn đo mãi, bà mới dám gọi điện cho con gái. Biết là giờ này con đang ở cơ quan nhưng, việc chẳng đừng được. Ngày mai thứ 7 rồi, bệnh viện nghỉ nên chỉ còn hôm nay để bà đi khám bệnh.
Có nhiều cách để ta yêu đời

Có nhiều cách để ta yêu đời

(PNTĐ) - Một cặp vợ chồng hay xảy ra mâu thuẫn, người vợ tâm sự với Tâm Giao: “Chồng em chán lắm, không tâm lý, vô tâm, khô như ngói”. Nhưng khi Tâm Giao hỏi chuyện, người chồng lại than thở: “Vợ tôi có để chồng con chăm sóc mình đâu mà trách cứ”.