Hà Nội toả sáng - phát huy giá trị “Thành phố vì hoà bình”

Chia sẻ

PNTĐ-Nhìn lại chặng đường 20 năm đã qua, Hà Nội không chỉ tự hào, vinh dự với giải thưởng “Thành phố vì hoà bình” mà còn xem đây là động lực để tiếp tục phát triển cống hiến.

 
Ngày 16/7/1999, Hà Nội vinh dự đón nhận danh hiệu “Thành phố vì hoà bình” do UNESCO trao tặng tại thủ đô Lapaz, Bolivia. Nhìn lại chặng đường 20 năm đã qua, Hà Nội không chỉ tự hào, vinh dự với giải thưởng đó mà còn xem đây là động lực để tiếp tục phát triển cống hiến. 
 
Hà Nội toả sáng - phát huy giá trị “Thành phố vì hoà bình” - ảnh 1
Một góc Hà Nội hôm nay

 
Từ cuối năm 1999, ngay khi đón nhận danh hiệu và hướng tới kỷ niệm 990 năm Thăng Long, Hà Nội đã triển khai nhiều dự án về văn hoá, giáo dục truyền thống bảo vệ môi trường. Ngay từ khi xây dựng kế hoạch đã chú trọng cải tạo chỉnh trang di sản Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
 
Đến tháng 10/2000, đã hoàn thành xây dựng Nhà Thái học trên nền khu Khải thánh cũ để tổ chức các hoạt động văn hoá, khoa học của Thành phố, nơi tôn vinh 3 vị vua: Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lê Thánh Tông. Các năm tiếp theo trên cơ sở quy hoạch, Hà Nội đã nghiên cứu nhiều hạng mục công trình được cải tạo chỉnh trang như nhà bia, hồ Giám. Tháng 3/2010, Hà Nội đã vinh dự được UNESCO công nhận 82 bia tiến sĩ là Di sản tư liệu thế giới. 
 
Hà Nội đã quan tâm đến biểu tượng của Thủ đô để xây dựng hình ảnh tiêu biểu, phản ánh truyền thống văn hiến lịch sử lâu đời và thể hiện sự vươn lên của Thủ đô. Vào tháng 7/1999, cùng với thời điểm đón nhận danh hiệu “Thành phố vì hoà bình”, Hà Nội đã chính thức chọn hình ảnh Khuê Văn Các tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám là biểu tượng của Thủ đô. 
 
Ngay khi được đón nhận danh hiệu “Thành phố vì hoà bình”, Thành phố đã có chủ trương cần có không gian công cộng để quảng bá hình ảnh với cộng đồng dân cư và bạn bè quốc tế. Năm 2000, Thành phố đã lựa chọn vị trí tiếp cận với đường vành đai 3, tuyến đường từ sân bay Nội Bài vào trung tâm Hà Nội để xây dựng công viên Hoà Bình với quy mô 17.5ha.
 
Việc thiết kế công viên đã được lựa chọn từ nhiều phương án với hồ nước, tượng đài làm trọng tâm, xung quanh là không gian cây xanh tượng trưng cho 5 châu lục. Năm 2009 đã khởi công xây dựng với vốn đầu tư 300 tỷ đồng. Công viên đã hoàn thành đúng dịp Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, là thông điệp với bạn bè quốc tế về Thành phố vì hoà bình. 
 
Hoạt động kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội với những kết quả đạt được là minh chứng cho Hà Nội phát triển để mãi xứng đáng là thành phố vì hoà bình như: khánh thành tượng đài Lý Thái Tổ (10/2004), phê duyệt quy hoạch chi tiết khu di tích Cổ Loa (2002), tổ chức Sea Games (lần 22 - tháng 12/2003) thành công đã là sự kiện thể thao tầm cỡ khu vực Đông Nam Á minh chứng Hà Nội luôn chú trọng phát triển văn hoá - thể thao chăm lo thế hệ trẻ.
 
Giá trị của hoà bình là phát triển bền vững và trong suốt 20 năm qua, nhiều văn bản của Đảng, Nhà nước được ban hành mà rõ nhất là Nghị quyết 15-NQ/TQ của Bộ Chính trị (khoá VIII) “về nhiệm vụ, phương hướng phát triển Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2001-2010”; tiếp đó là Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị “về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020”.
 
Trong các mục tiêu có đề cập yêu cầu Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, giữ gìn, phát huy giá trị văn hoá tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội. Hà Nội cũng đã chú trọng đến giải toả áp lực về giao thông, nâng cao chất lượng giáo dục. Nhân kỷ niệm 20 năm đón nhận danh hiệu “Thành phố vì hoà bình”, tháng 2/2019, sự kiện Hà Nội được chọn là nơi tổ chức hội nghị thượng định Mỹ - Triều Tiên là dấu ấn thể hiện Hà Nội là thành phố vì hoà bình, thành phố kiến tạo hoà bình.
 
Việc mở rộng địa giới Hà Nội năm 2008 là sự kiện lớn của Thủ đô, tạo tiềm năng để xây dựng Thủ đô Hà Nội: xanh, văn hiến, văn minh hiện đại, đô thị phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao trong nước, trong khu vực và quốc tế, có môi trường sống tốt, làm việc tốt, sinh hoạt giải trí chất lượng cao và có cơ hội đầu tư thuận lợi. Bước đi đầu được quan tâm là nghiên cứu và phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng Thủ đô đến 2030 tầm nhìn 2050, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội.
 
Các định hướng trong quy hoạch không chỉ căn cứ từ thực tiễn mà còn kế thừa, chọn lọc từ các xu thế phát triển của New York, London, Paris, xu thế đô thị sinh thái từ Thượng Hải, Bang Kok, Kuala Lumpur. 
 
20 năm đã qua, Hà Nội đã khai thác lợi thế tiềm năng để phát triển du lịch. Thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch phát triển du lịch đến 2020. Khách du lịch quốc tế đến Hà Nội từ hơn 160 quốc gia, vùng lãnh thổ với hơn 5 triệu khách (năm 2018) vượt mục tiêu dự kiến. Bên cạnh đó khách du lịch nội địa đến Hà Nội bình quân đạt 35% so với cả nước. 
 
20 năm là dấu mốc quan trọng trong phát triển bền vững của Hà Nội, cũng là 20 năm minh chứng Hà Nội đã phát huy tốt làm sáng tỏ hơn những tiêu chí để được trao danh hiệu “Thành phố vì hoà bình”. Với chiều sâu văn hóa, nỗ lực đổi mới toàn diện, sáng tạo hài hoà giữa truyền thống và hiện đại Hà Nội sẽ tiếp tục vươn lên phát huy giá trị “Thành phố vì hoà bình”.
 
 
TS.KTS. Đào Ngọc Nghiêm  

Tin cùng chuyên mục

Tăng cường tần suất công tác thông tin, tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Tăng cường tần suất công tác thông tin, tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

(PNTĐ) - Việc triển khai các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô được thực hiện với tinh thần chủ động, đổi mới, sáng tạo. Các hoạt động hướng về cơ sở, bắt đầu từ cơ sở, làm tốt công tác chăm lo đời sống, văn hóa tinh thần của người dân, chăm lo cơ sở vật chất đối với người có công, đặc biệt là các gia đình khó khăn về nhà ở. Bên cạnh đó, các cơ quan, địa phương tập trung bảo đảm an sinh, xã hội, đầu tư cơ sở hạ tầng (giáo dục, y tế, giao thông, văn hóa…).
Đưa quan hệ Việt Nam-Cuba sang giai đoạn mới đồng hành cùng phát triển

Đưa quan hệ Việt Nam-Cuba sang giai đoạn mới đồng hành cùng phát triển

(PNTĐ) - Chủ tịch nước Cuba Miguel Diaz-Canel bày tỏ mong muốn có thêm doanh nghiệp Việt Nam hợp tác với Cuba về nông nghiệp và chế biến thực phẩm, năng lượng, công nghiệp ô tô, sinh học-dược phẩm và các dịch vụ y tế để phát huy hiệu quả thế mạnh của mỗi nước, đưa quan hệ Việt Nam-Cuba sang giai đoạn mới đồng hành cùng phát triển.