Đa dạng sân chơi an toàn, bổ tích cho trẻ

Chia sẻ

PNTĐ-Thời gian qua, nhiều cấp, ngành, tổ chức chính trị xã hội, trong đó có các cấp Hội Phụ nữ… đã chung tay xây dựng các sân chơi chăm lo thể chất, tinh thần cho trẻ em.

 
Đây là các hoạt động thiết thực thực hiện chủ đề năm “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” do TƯ Hội LHPN Việt Nam phát động, hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em năm 2019.
  
Nhiều hoạt động giúp trẻ phát triển toàn diện
 
Đa dạng sân chơi an toàn, bổ tích cho trẻ - ảnh 1
Nhóm My Hanoi vào mỗi dịp cuối tuần tổ chức cho thiếu nhi các trò chơi dân gian ở khu vực phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm

 
Hè 2019 năm nay, Cung Thiếu nhi Hà Nội tiếp tục đón hàng ngàn lượt thiếu nhi tới vui chơi, học tập từ 7h30 phút sáng tới 9 giờ tối ở hơn 70 môn học, thuộc các lĩnh vực: Nghệ thuật, Mỹ thuật, Thể dục thể thao, Ngoại ngữ, Kỹ thuật công nghệ… Các trung tâm thanh thiếu niên, trung tâm văn hóa, nhà văn hóa… tại các quận, huyện cũng tổ chức trại hè, học kỳ quân đội, đào tạo thanh nhạc, bơi lội cho học sinh…  
  
Đa dạng sân chơi an toàn, bổ tích cho trẻ - ảnh 2
Hè 2019, Thành đoàn Hà Nội đặt chỉ tiêu dạy bơi miễn phí cho 10.000 thiếu nhi 

 
Tại các địa bàn dân cư, Hội LHPN các quận, huyện có nhiều hoạt động hè. Theo bà Lê Bích Thủy, Chủ tịch Hội LHPN phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm: Trẻ em từ 9-15 tuổi trên địa bàn được tham gia các lớp học nữ công gia chánh miễn phí do Hội tổ chức, cán bộ Hội trực tiếp hướng dẫn. Trong khoá học từ 5-7 buổi, các em được học chế biến các món ăn đơn giản, làm đồ handmade… Năm nay, hưởng ứng ngày Môi trường thế giới 5/6, Hội còn có thêm hoạt động hướng dẫn trẻ tái chế can nhựa, lon sữa… thành vật dụng để trồng cây, hộp đựng bút… 
    
Tại quận Hoàng Mai, trẻ được tham gia tập huấn kỹ năng tự bảo vệ, ứng phó, nhận biết trước các tình huống xâm hại và bạo lực. Bà Đặng Thị Thanh Bình, Chủ tịch Hội LHPN Quận chia sẻ: Ý tưởng tập huấn xuất phát từ tình hình xâm hại, bạo lực trẻ em, phụ nữ đang có chiều hướng gia tăng, vừa qua ngay trên địa bàn quận cũng đã xảy ra sự việc một bạn nữ bị nhóm thanh niên trêu ghẹo, hành hung. Quận Hội đã mời các chiến sĩ ở Tiểu đoàn đặc công 18 và chuyên gia tâm lý, trực tiếp đến các trường tập huấn kỹ năng tự vệ cho trẻ…
 
Đa dạng sân chơi an toàn, bổ tích cho trẻ - ảnh 3
Thông qua các buổi tập huấn do Hội LHPN quận Hoàng Mai phối hợp tổ chức, nhiều học sinh đã có kỹ năng tự vệ trước các tình huống xâm hại, bạo lực

  
Sân chơi cộng đồng từ sáng kiến của Hội
 
Ngày hai buổi sớm chiều, tại điểm sinh hoạt thôn Đường Nhạn, xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh xôn xao tiếng trẻ con gọi nhau í ới. Quanh đó, các bà, mẹ thảnh thơi ngồi nói chuyện, không phải lo con, cháu mình chơi ở nơi thiếu an toàn. Công trình “Sân chơi cho trẻ em tại điểm sinh hoạt cộng đồng xanh -sạch - đẹp - thân thiện với môi trường” thôn Đường Nhạn vừa được khánh thành ngày 29/5 là 1 trong 19 sân chơi ra đời từ sáng kiến của Huyện Hội Phụ nữ. 
 
Đa dạng sân chơi an toàn, bổ tích cho trẻ - ảnh 4
Đến nay, Hội LHPN huyện Đông Anh đã xây dựng được 19 sân chơi an toàn cho trẻ

 
Chị Ngô Thị Thúy Hằng, Phó Chủ tịch Hội nhớ lại: Năm 2017, Huyện Hội phối hợp với tổ chức Plan tặng thiết bị vui chơi cho các nhà trường trong bối cảnh nhiều trường học thiếu không gian chơi cho học sinh. Ngay đợt đầu “ra quân” đã có 3 sân chơi với nhiều thiết bị được khánh thành ở 3 trường là THCS Hải Bối, Kim Chung, THPT Bắc Thăng Long…
 
Từ thành công ấy, Hội quyết định xây dựng thêm điểm vui chơi tại các nhà văn hóa, khu đất trống tại cộng đồng. Có điểm, chính quyền thôn lo lắng quỹ đất không đủ làm sân chơi, Hội sáng tạo đề xuất lắp đặt thiết bị vui chơi trước nhà văn hóa. Lại có thời điểm, nguồn tài trợ chỉ đủ một phần kinh phí mua thiết bị trong khi nhu cầu lắp đặt lớn hơn thế, Hội lại vận động chính quyền, người dân cùng vào cuộc.  
 
Đa dạng sân chơi an toàn, bổ tích cho trẻ - ảnh 5
Học sinh trong một tiết đọc sách tại nhà trường

 
Tại phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, cũng nhờ sự quyết tâm của Hội LHPN phường, mà trẻ em, người dân trên địa bàn đã có thêm không gian vui chơi miễn phí, thân thiện, xanh sạch đẹp. Đầu năm 2018, từ một chân rác thải lớn gây mất mĩ quan ở khu vực hồ Bảy Gian, Hội đã phối hợp ra quân dọn dẹp vệ sinh, tìm nguồn xã hội hóa thiết kế công trình, huy động hội viên chung tay xây dựng tổ hợp sân chơi. Công trình ra đời, với đầy đủ thiết bị vui chơi như: thú nhún, cầu trượt, đu quay... được người dân đón nhận nhiệt tình. Sau đó, Hội tiếp tục nhân rộng thêm 3 sân chơi miễn phí tại các khu dân cư khác ở phố Ngọc Hà, Hoàng Hoa Thám…
 
Nhiều mô hình cổ vũ văn hóa đọc được nỗ lực tổ chức
 
“Thư viện lưu động” là một trong những mô hình được Thư viện Hà Nội tiên phong thực hiện, nhằm xây dựng văn hóa đọc cho trẻ em. Từ năm 2011, “Thư viện lưu động - bánh xe tri thức” đã bắt đầu “lăn bánh” đến với các trường tiểu học thuộc nhiều huyện ngoại thành Hà Nội như: Sóc Sơn, Đông Anh, Ứng Hòa, Chương Mỹ…
 
Đa dạng sân chơi an toàn, bổ tích cho trẻ - ảnh 6
Thư viện lưu động đưa sách đến với học sinh trường tiểu học Tam Đồng, Mê Linh

 
Dưới dạng một xe tải chuyên dụng, có thể đi vào những nơi chật hẹp, vùng xa xôi, thư viện lưu động trở thành phòng đọc di động, với máy tính được kết nối internet, sách báo phục vụ các em học sinh. Theo bà Phạm Thu Hạnh, trưởng phòng nghiệp vụ phong trào cơ sở, đến nay, thư viện vẫn thường xuyên lưu động trên đường, một tháng 8-9 chuyến.
 
Tính đến hết năm 2018, thư viện lưu động đã tới trên 100 trường tiểu học, THCS, phục vụ hơn 60.000 lượt học sinh ngoại thành. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2019, đã có 60 trường tiểu học, THCS của 14 huyện ngoại thành Hà Nội đăng ký được “đón” thư viện lưu động. 
 
Khuyến khích thế hệ trẻ ham mê đọc sách, tạo sân chơi bổ ích cho trẻ em trong dịp hè cũng là mục tiêu mà Ban biên tập báo Phụ nữ Thủ đô nhiều năm theo đuổi thông qua việc tổ chức cuộc thi “Viết về cuốn sách yêu thích của em”.
 
Đa dạng sân chơi an toàn, bổ tích cho trẻ - ảnh 7
Các em học sinh nhận sách truyện tại lễ trao giải “Viết về cuốn sách yêu thích của em” do báo Phụ nữ Thủ đô tổ chức

 
Từ địa bàn Hà Nội, cuộc thi đã lan tỏa tới các vùng miền trên cả nước. Bước vào năm thứ 9 tổ chức, số lượng tác phẩm được các học sinh tìm đọc và viết sau mỗi năm một nhiều hơn, để các thí sinh năm sau tìm ra những điều mới mẻ khác với thí sinh đi trước không dễ, ngay cả với những cây bút chuyên nghiệp. Thế nhưng, cùng một chủ đề, một cuốn sách, các em vẫn đưa ra được những kiến giải bất ngờ, thú vị…
 
Điều còn tạo nên sự khác biệt riêng có của cuộc thi là tại Lễ trao giải vào tháng 9 hằng năm, học sinh chỉ cần tới tham dự đều được nhận quà là những cuốn sách. Việc lựa chọn quà tặng này nằm trong ý đồ của Ban biên tập Báo nhằm khuyến khích mọi học sinh luôn duy trì tình yêu đọc sách. 
 
Mới đây, ngay trước thềm hè 2019, Báo có thêm hoạt động tiếp lửa văn hóa đọc bằng việc tặng tủ sách và hàng trăm đầu sách cho thư viện của hai trường THCS Tản Đà và THCS Chu Minh, huyện Ba Vì. Thầy Trần Quang Ngọc, Hiệu trưởng trường THCS Tản Đà xúc động chia sẻ:
 
“Hoạt động tặng sách cho học sinh huyện Ba Vì của Báo đã góp phần mang tri thức và từng bước rút ngắn khoảng cách chênh lệch về mức độ hưởng thụ văn hóa giữa các em thiếu nhi vùng ngoại thành và khu vực nội thành Hà Nội”.
 
Hoàng Lan 

Tin cùng chuyên mục

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.