Thủ tục hiến mô, tạng như thế nào?

Chia sẻ

PNTĐ-Anh tôi có nguyện vọng sau khi chết sẽ hiến gan và một số nội tạng của mình cho y học. Theo quy định của pháp luật, anh tôi có thể thực hiện được nguyện vọng của mình hay không?

 
Tôi có anh trai bị mắc bệnh tim bẩm sinh chưa có vợ và phải thường xuyên điều trị bệnh của mình rất tốn kém. Khi hoàn cảnh gia đình tôi trở nên quá khó khăn, anh tôi không thể tiếp tục điều trị dẫn đến bệnh tiến triển ngày một nặng hơn. Anh tôi có nguyện vọng sau khi chết sẽ hiến gan và một số nội tạng của mình cho y học. Theo quy định của pháp luật, anh tôi có thể thực hiện được nguyện vọng của mình hay không? Nếu có, thủ tục thế nào, tôi rất mong được Báo PNTĐ giải đáp. Xin trân trọng cảm ơn!
 
Nguyễn Thị Phượng 
(Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
 
Trả lời:
 
Việc hiến tạng sau khi qua đời cho y học là một việc làm vô cùng ý nghĩa và nhân văn. Người hiến tạng sau khi qua đời nghĩa là sẽ trao lại sự sống cho người khác, trao lại cho người được nhận tạng một cơ hội sống. Khi họ không còn sống trên cõi đời này nữa, họ sẽ còn sống mãi trong lòng người ở lại.
 
Theo quy định của pháp luật, anh của bạn hoàn toàn có thể thực hiện được nguyện vọng, có ý nghĩa nhân văn của mình. Luật số 75/2006/QH11 ngày 29/11/2006 về Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác có quy định rất cụ thể tại Điều 5 – Quyền Hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác: “Người từ đủ mười tám tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác”.
 
Về thủ tục việc hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sau khi chết được quy định rất rõ tại Điều 18 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác như sau:
 
Điều 18. Thủ tục đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sau khi chết
 
1. Người có đủ điều kiện quy định tại Điều 5 của Luật này có quyền bày tỏ nguyện vọng hiến mô, bộ phận cơ thể của mình sau khi chết với cơ sở y tế.
 
2. Khi nhận được thông tin của người có nguyện vọng hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết, cơ sở y tế có trách nhiệm thông báo cho Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người.
 
3. Khi nhận được thông báo về trường hợp hiến mô, bộ phận cơ thể người, Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người có trách nhiệm thông báo cho cơ sở y tế quy định tại Điều 16 của Luật này để tiến hành các thủ tục đăng ký cho người hiến.
 
4. Khi nhận được thông báo của Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, cơ sở y tế quy định tại Điều 16 của Luật này có trách nhiệm sau đây:
 
a) Trực tiếp gặp người hiến để tư vấn về các thông tin có liên quan đến hiến, lấy mô, bộ phận cơ thể người.
 
b) Hướng dẫn việc đăng ký hiến theo mẫu đơn; thực hiện việc kiểm tra sức khỏe cho người hiến.
c) Cấp thẻ đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết cho người hiến.
 
d) Báo cáo danh sách người đăng ký hiến đã được cấp thẻ đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết cho Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người.
 
5. Việc đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết có hiệu lực kể từ khi người đăng ký được cấp thẻ đăng ký hiến.
 
6. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định mẫu đơn đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sau khi chết; việc tư vấn, kiểm tra sức khỏe cho người hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sau khi chết.
 
Về thủ tục đăng ký hiến xác, được quy định rất cụ thể tại Điều 19 như sau: 
 
Điều 19. Thủ tục đăng ký hiến xác
 
1. Người có đủ điều kiện quy định tại Điều 5 của Luật này có quyền bày tỏ nguyện vọng hiến xác với cơ sở y tế.
 
2. Khi nhận được thông tin của người có nguyện vọng hiến xác, cơ sở y tế có trách nhiệm thông báo cho cơ sở tiếp nhận và bảo quản xác của người hiến quy định tại Điều 23 của Luật này.
 
3. Khi nhận được thông báo về trường hợp hiến xác, cơ sở tiếp nhận và bảo quản xác của người hiến có trách nhiệm sau đây:
 
a) Trực tiếp gặp người hiến để tư vấn về các thông tin có liên quan về hiến xác.
 
b) Hướng dẫn việc đăng ký hiến theo mẫu đơn.
  
c) Cấp thẻ đăng ký hiến xác cho người hiến.
 
4. Việc đăng ký hiến xác có hiệu lực kể từ khi người đăng ký được cấp thẻ đăng ký hiến.
 
5. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định mẫu đơn đăng ký hiến xác; việc tư vấn cho người hiến xác.
 
Trên đây là một số quy định cụ thể về thủ tục Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác. Hy vọng rằng những nội dung trên đây có thể giúp cho anh bạn thêm thông tin về nguyện vọng nghĩa cử cao đẹp của mình. Chúc anh bạn và gia đình bình an trong cuộc sống!
 
 
Luật sư Trần Thu Thủy
Văn phòng Luật sư Thiên Pháp

Tin cùng chuyên mục

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

(PNTĐ) - Người dân thôn Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) vừa trải qua một tuần thiếu nước sinh hoạt. Để tiết kiệm nước, họ phải tận dụng cả nước rửa rau để rửa bát, thậm chí không dám tắm hàng ngày vì lo ngại nguồn nước có thể bị cắt bất cứ lúc nào.
Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

(PNTĐ) - Vụ việc một khách hàng bị “bốc hơi” 58 tỷ đồng tại Ngân hàng MSB vẫn đang là câu chuyện nóng hổi, khiến nhiều người có tiền gửi tiết kiệm hoang mang. Và, làm thế nào để bảo vệ tiền gửi tại ngân hàng (nơi được cho là an toàn nay bỗng nhiên trở nên rủi ro) là chủ đề đang được nhiều người dân quan tâm hiện nay.
Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

(PNTĐ) - Nhiều năm nay, tại xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội, hàng trăm người dân sinh sống ở khu vực Nông trường dứa Suối Hai và thôn Phú Mỹ C không có nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Dù đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, các ngành song tình trạng “khát” nước sạch vẫn chưa được giải quyết, khiến cuộc sống của người dân nơi đây gặp không ít khó khăn.
Hàng trăm hộ dân kêu cứu

Hàng trăm hộ dân kêu cứu

(PNTĐ) - Hàng trăm hộ dân ở hai xã Phú Sơn và Thái Hoà, huyện Ba Vì, Hà Nội rơi vào cảnh sống khó khăn do bị “mắc kẹt” bởi Dự án đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng (giai đoạn 1) chậm tiến độ, chưa chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Hơn 13 năm nay, người dân, cử tri đã nhiều lần “kêu cứu”, chính quyền địa phương cũng đã có kiến nghị. Song cho đến nay, dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”.