Đừng để rượu bia tạo thành gánh nặng cho gia đình và xã hội

Chia sẻ

PNTĐ-Rượu bia không chỉ gây nên những bi kịch, nỗi đau lớn trong các gia đình, đẩy gia đình vào chỗ tan đàn xẻ nghé, mà còn tạo nên gánh nặng, cản trở sự phát triển của xã hội...

 
Thói quen sử dụng rượu bia hàng ngày, bất kể lúc vui, lúc buồn, xem bia rượu là phương tiện giao tiếp xã hội, sự "bao dung" đối với những hậu quả do rượu bia gây nên với sự ngụy biện do không làm chủ được hành vi chứ không phải cố ý thực hiện... là những nguyên nhân khiến cho tình trạng rượu bia “tự do” tồn tại hàng ngày trong cuộc sống gia đình, ngoài xã hội. Sự thiếu kiểm soát ấy đã để lại những hệ lụy không nhỏ.
 
Đừng để rượu bia tạo thành gánh nặng cho gia đình và xã hội - ảnh 1
Ảnh minh họa

 
Tổn hại sức khỏe
 
Rượu bia là thức uống chứa cồn độc hại cho cơ thể, nếu chúng ta sử dụng thường xuyên trong một thời gian dài. Nó khiến cho cơ thể có nhiều loại bệnh, ảnh hưởng đến tư duy, trí tuệ, khả năng lao động của mỗi người. Đặc biệt, rượu bia là chất gây nghiện, nếu sử dụng liên tục, người sử dụng sẽ lâm vào tình trạng nghiện rượu bia, sống phụ thuộc vào nó. 
 
Cụ thể, rượu bia có thể gây nên những căn bệnh nguy hiểm như ung thư, bệnh thiếu máu, xơ gan, tim mạch, mất trí nhớ, sảng run, guot, huyết áp, phổi, viêm loét dạ dày, viêm tụy... Đây là những căn bệnh khiến người mắc bệnh nặng thì tử vong, nếu không thì suy giảm sức khỏe, phải điều trị lâu dài, ảnh hưởng đến khả năng lao động... Kéo theo chi phí điều trị tốn kém, ảnh hưởng đến kinh tế gia đình. 
 
Các nghiên cứu về y học chỉ ra rằng, khi uống chén rượu đầu tiên vào cơ thể, chỉ sau 3 giây, chất cồn trong rượu đã tác động thẳng lên não bộ. Nó có thể làm tắc nghẽn con đường và các hóa chất trong não sử dụng để gửi tín hiệu thần kinh. Theo đó, phản xạ, tâm trạng của người uống sẽ thay đổi, có cảm giác mất đi khả năng giữ thăng bằng. Đặc biệt, nếu sử dụng rượu trong một thời gian dài với số lượng lớn, nó sẽ khiến cho tế bào não bị teo nhỏ đi. Hậu quả người sử dụng rượu sẽ bị sa sút trí tuệ, trí nhớ bị suy giảm... Cùng với đó, rượu cũng ảnh hưởng đến thính lực, khả năng nghe của người sử dụng rượu bia sẽ bị giảm. Bởi rượu làm tổn thương các dây thần kinh trong tai. 
 
Trong thời gian gần đây, các vụ ngộ độc rượu xảy ra rất nhiều, đặc biệt là vào các dịp lễ Tết. Các nạn nhân tử vong do ngộ độc rượu cũng tăng lên. Mới đây nhất, một người đàn ông ở TP HCM đã bị tử vong do ngộ rượu methanol, bệnh nhân này mua rượu không rõ nguồn gốc về uống với bạn bè trong 3 giờ đồng đồ. Sau đó thì bị ngộ độc, suy hô hấp, rơi vào trạng thái hôn mê sâu và qua đời sau 2 ngày điều trị.
 
Thống kê từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trong năm 2018, cả nước có 91 vụ ngộ độc với 2.700 người nhập viện với 15 ca tử vong trong số đó. Phần lớn người tử vong là do ngộ độc rượu. Điển hình như các vụ: ngộ độc do uống rượu ngâm rễ cây ở Nghệ An (3 người chết, T3/2018); ngộ độc do uống rượu từ lò tự nấu ở Quảng Nam (4 người chết, cũng trong T3/2018); ngộ độc do uống rượu ngâm rễ cây không rõ loại tại Nghệ An (1 người chết, T9/2018)... 
 
Đừng để rượu bia tạo thành gánh nặng cho gia đình và xã hội - ảnh 2
Ảnh minh họa

 
Thủ phạm gây bất hạnh gia đình, cản trở sự phát triển của xã hội
 
Rượu không chỉ làm tổn hại sức khỏe mà còn được xem là một trong những thủ phạm gây bất hạnh cho gia đình, làm cản trở đến sự phát triển của xã hội. Trong các vụ bạo lực gia đình từ trước đến nay, rượu bia được xem là thủ phạm chính gây nên các vụ bạo lực trong gia đình.
 
Theo một kết quả điều tra của Ủy ban các vấn đề về xã hội thì bạo lực gia đình chủ yếu do người chồng gây nên, có 63% là do người chồng lạm dụng rượu bia, bên cạnh các nguyên nhân ngoại tình, ghen tuông, nghiện ma túy...
 
Đa số các nạn nhân bạo lực gia đình đã và đang có thời gian lưu trú tại các nhà tạm lánh đều chịu sự hành hạ, đánh đập của chồng nghiện rượu. Có không ít người vợ sống trong cảnh chồng say xỉn suốt ngày, không chịu làm ăn, luôn kiếm cớ gây sự chửi mắng, đánh đập vợ con. Có những trường hợp người vợ từ vị trí nạn nhân bị chồng bạo hành trở thành thủ phạm bất đắc dĩ ra tay sát hại chồng vì không thể chịu đựng chồng say rượu, bạo lực thường xuyên.
 
Điều đáng nói là sự ức chế từ bạo lực cho người chồng gây nên không chỉ khiến người vợ chịu đựng quá sức mà còn dồn nén sang cả những đứa con. Để rồi chính những người con lại có những hành vi nghịch tử giết cha để giải thoát cho mẹ, gây nên bi kịch gia đình nghiêm trọng.
 
Đơn cử như trường hợp con giết cha để giải cứu mẹ xảy ra ở Đồng Nai cách đây mấy năm. Vụ việc bắt nguồn từ sáng hôm đó, cha của Hồ Văn Vỹ (20 tuổi, Long Khánh, Đồng Nai) đi uống rượu say về nhà đòi tiền vợ. Khi vợ không đưa tiền, ông đã xông vào chửi bới, đánh đập vợ.
 
Không chịu nổi đòn chồng, bà đã gọi điện cho Vỹ cầu cứu. Vỹ về nhà để cứu mẹ, mang sẵn tâm trạng ức chế về việc cha thường xuyên đánh đập mẹ từ trước tới nay nên đã mua sẵn một con dao mang về. Khi chứng kiến cảnh cha đánh đập người mẹ gầy yếu, Vỹ đau xót vào can ngăn cha nhưng ông vẫn tiếp tục đánh vợ tàn nhẫn. Không kìm lòng được cảnh mẹ bị đánh như vậy, Vỹ đã rút dao xuống tay với cha. Hậu quả, người cha bị thiệt mạng sau đó.
 
Rượu không chỉ gây nên những bi kịch, nỗi đau lớn trong các gia đình, đẩy gia đình vào chỗ tan đàn xẻ nghé, mà còn tạo nên gánh nặng, cản trở sự phát triển của xã hội. Chỉ tính riêng hậu quả tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia gây ra cũng mang lại nhiều thiệt hại cho gia đình lẫn xã hội nặng nề. Chỉ tính riêng trong 4 ngày Tết Mậu Tuất 2018, khoa Cấp cứu của bệnh viện Việt Đức đã tiếp nhận gần 500 ca tai nạn giao thông, trong đó hơn 60% liên quan đến rượu bia.
 
Thực tế cũng cho thấy trong thời gian cuối năm 2018, những tháng đầu năm 2019, liên tiếp các vụ giao thông liên quan đến rượu bia do các tài xế gây nên khiến nhiều người tử vong như vụ tài xế Đỗ Xuân Tuyên sau khi uống rượu đã lái xe ô tô 7 chỗ tông chết chị Lê Thu Hà (công nhân Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội) đang làm việc trên đường Láng. Vụ tài xế Nguyễn Đức Huyện cũng do uống rượu đã lái xe 7 chỗ đâm vào 10 người trong đội dịch vụ tang lễ tại Bình Định, hay vụ tài xế Nguyễn Tiến Duy gây tai nạn với xe khách 16 chỗ khiến 12 người nhập viện, 3 người tử vong ở cao tốc Hà Nội - Lào Cai... 
 
Theo thống kê của Tổ chức y tế thế giới (WHO) thì tại mỗi quốc gia, phí tổn do rượu bia chiếm từ 1,3%-3,3% GDP.  Và, chi phí gián tiếp cho những phí tổn đó thường gấp đôi so với chi phí trực tiếp. Tại Việt Nam, nếu chỉ tính phí tổn do rượu bia gây nên ở mức thấp nhất 1,3%, thì thiệt hại khoảng 65 nghìn tỷ đồng.
 
Hiện nay, Việt Nam đứng thứ 2 về tỷ lệ uống rượu bia ở Đông Nam Á, xếp thứ 10 ở châu Á và ở vị trí 29 trên thế giới. Chỉ tính riêng trong năm 2017, người dân Việt Nam bỏ ra chi phí tiêu thụ rượu bia là gần 4 tỷ USD. Chi phí dành cho 6 bệnh ưng thư mà rượu bia là một trong những nguyên nhân gây bệnh chiếm 0,25% GDP (gần 26 nghìn tỷ đồng năm 2017); chi phí giải quyết các hậu quả do tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia cũng chiếm 1% GDP (khoảng 5.000 tỷ đồng năm 2017)...
 
Vì những hậu quả nghiêm trọng do rượu bia gây nên, ngày 12/5/2019, Ủy ban ATGTQG đã phối hợp với UBND TP HN tổ chức chương trình đi bộ kêu gọi hành động "Đã uống rượu bia - không lái xe". Chương trình đã lan tỏa thông điệp không chỉ những người tham gia đi bộ trong buổi phát động đó mà lan tỏa trên khắp cả nước. Hi vọng, đây không chỉ là thông điệp nói không với rượu bia khi tham gia giao thông mà còn là thông điệp để mọi người nhìn nhận rõ hơn về những tác hại của rượu bia trong cuộc sống hàng ngày. Từ đó tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc, giữ gìn hạnh phúc gia đình, góp phần thúc đẩy xã hội phát triển.
 
 
Bình Duy

Tin cùng chuyên mục

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

(PNTĐ) - Có một căn nhà - đó là ước mơ, kế hoạch mà rất nhiều cặp vợ chồng đã cùng nhau dốc sức để biến thành hiện thực. Hành trình ấy có rất nhiều áp lực, nhiều lo toan và đôi lúc phải từ bỏ cả những niềm đam mê khác; nhưng bên cạnh đó cũng là sự háo hức, niềm vui khi, gia đình nhỏ có một nơi bình yên để trở về.
Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

(PNTĐ) - Thời gian qua, công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt đối với tội phạm về bạo lực, xâm hại trẻ em là một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, tội phạm xâm hại trẻ em vẫn còn là một vấn nạn gây nhức nhối. Thực trạng này đòi hỏi các nhà chức trách phải phối hợp chặt chẽ với gia đình, nhà trường để có những biện pháp bảo vệ trẻ em hiệu quả hơn.
Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.
Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.