Một chương trình sẽ có nhiều bộ sách giáo khoa

Chia sẻ

PNTĐ-Luật Giáo dục (sửa đổi) vừa được Quốc hội khóa XIV kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14/6 với nhiều nội dung đáng chú ý, liên quan trực tiếp đến người học.

 
Một trong những điểm mới của luật sửa đổi quy định: Một chương trình, nhưng có nhiều bộ sách giáo khoa (SGK); miễn học phí cho học sinh THCS theo lộ trình do Chính phủ quy định; hỗ trợ học phí cho học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục tư thục... Luật Giáo dục (sửa đổi) gồm 9 chương, 115 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020. 
 
Một chương trình sẽ có nhiều bộ sách giáo khoa - ảnh 1
Tới đây học sinh sẽ được lựa chọn nhiều bộ sách giáo khoa

 
Nhiều bộ sách nhưng không gây “nhiễu”
 
Theo Luật Giáo dục (sửa đổi), chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) thống nhất trong cả nước, quy định yêu cầu về phẩm chất, năng lực của học sinh cần đạt được sau mỗi cấp học; nội dung giáo dục bắt buộc đối với tất cả học sinh trên phạm vi cả nước. Đáng chú ý, đối với mỗi môn học ở mỗi lớp, mỗi cấp học sẽ có không chỉ một mà nhiều bộ SGK. 
 
Để tránh tình trạng “loạn chất lượng” SGK, Luật quy định Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm về chất lượng và quyết định ban hành SGK sử dụng trong cả nước. SGK do các tổ chức, cá nhân biên soạn phải qua thẩm định mới được phát hành. Hội đồng quốc gia thẩm định SGK do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thành lập theo từng môn học, hoạt động giáo dục ở từng cấp học.
 
Thành phần hội đồng quốc gia thẩm định SGK bao gồm các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhà khoa học có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục và đại diện các cơ quan, tổ chức có liên quan. Một điểm đáng chú ý, Luật quy định Hội đồng phải có ít nhất 1/3 tổng số thành viên là các nhà giáo đang giảng dạy ở cấp học tương ứng.
 
Việc lựa chọn SGK do UBND cấp tỉnh quyết định và sử dụng ổn định trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn.
 
PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT ủng hộ quy định một chương trình, nhiều bộ SGK vì phù hợp với Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội XIII, tạo điều kiện cho các địa phương được lựa chọn sử dụng SGK phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương. Ngoài ra, việc biên soạn SGK theo quy định của Luật theo hướng xã hội hóa sẽ tránh được tình trạng “độc quyền” biên soạn, phát hành SGK. Theo ông Nhĩ, đây là điểm tiến bộ của Luật.
 
GS.NGND Vũ Dương Ninh, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng cho rằng, quy định trong Luật về biên soạn, thẩm định SGK khá chặt chẽ. Ông hoàn toàn nhất trí khi Luật quy định hội đồng quốc gia thẩm định SGK ngoài các chuyên gia, cán bộ quản lý giáo dục, còn có nhà giáo đang giảng dạy trực tiếp tại các nhà trường ở các cấp học tương ứng. “Đội ngũ này sẽ hiểu tâm lý, nhu cầu của học sinh nên việc biên soạn sách sẽ tốt hơn” - ông Ninh bày tỏ. Việc Luật Giáo dục (sửa đổi) được Quốc hội thông qua  sẽ tạo ra hành lang pháp lý để huy động trí tuệ của xã hội tham gia biên soạn SGK dựa trên chương trình chung.
 
Miễn học phí cho học sinh THCS
 
Luật Giáo dục (sửa đổi) cũng quy định học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục công lập không phải đóng học phí. Đặc biệt, ở địa bàn không đủ trường công lập, học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục tư thục được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí, mức hỗ trợ do hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định. Trẻ em mầm non 5 tuổi ở các thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo được miễn học phí. Trẻ em mầm non 5 tuổi không thuộc đối tượng nêu trên và học sinh THCS được miễn học phí theo lộ trình do Chính phủ quy định.
 
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, HĐND cấp tỉnh quyết định việc sử dụng ngân sách tại địa phương nên có thẩm quyền quyết định mức hỗ trợ tiền đóng học phí. Việc bảo đảm cân đối giữa các địa phương, trong đó hỗ trợ địa phương còn khó khăn sẽ được xem xét trong quá trình phân bổ ngân sách nhà nước đối với lĩnh vực GD-ĐT.
 
Theo ông Trần Xuân Nhĩ, việc miễn học phí cho học sinh THCS là quy định ưu việt vì y tế và giáo dục là phúc lợi của xã hội. Hiện nay, chúng ta đã phổ cập tới bậc THCS nên miễn học phí cho học sinh là đúng. Tuy nhiên, ông Nhĩ băn khoăn, trong hoàn cảnh của nước ta hiện nay, việc miễn học phí có tạo ra gánh nặng về tài chính cho Nhà nước.
 
“Hiện nay, giáo dục còn có nhiều hạng mục cần ưu tiên thực hiện như giảm quá tải trường học, nâng cấp cơ sở vật chất, đào tạo giáo viên… đòi hỏi phải được nhà nước ưu tiên đầu tư kinh phí”. Ngoài ra, với việc miễn học phí ở bậc THCS, người dân liệu có giảm bớt chi phí thực không, hay lại xuất hiện các khoản tiền trường biến tướng khác? “Nếu miễn học phí, ngành GD cần có thêm cơ chế giám sát để hạn chế tình trạng lạm thu, phụ phí tốn gấp nhiều lần học phí”. 
 
Trong khi đó, NGND Vũ Dương Ninh bày tỏ quy định “học sinh tiểu học học trong cơ sở giáo dục tư thục được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí  trong điều kiện không đủ trường công lập trên địa bàn” là hợp lý, tiến bộ. Trước các ý kiến còn băn khoăn cho rằng, quy định của Luật như vậy là chưa đầy đủ vì Nhà nước nên hỗ trợ học phí cho tất cả học sinh tiểu học đang học trường ngoài công lập, ông Ninh cho rằng:
 
“Nhiều học sinh tiểu học ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM… chọn học trường ngoài công lập không phải vì thiếu chỗ học ở trường công lập mà do muốn hưởng một số dịch vụ tốt hơn như sĩ số học sinh thấp, cơ sở vật chất trường lớp khang trang... Các gia đình này có đủ khả năng tài chính để chi trả cho con học ở trường ngoài công lập. Vì thế, khi ngân sách của Nhà nước còn hạn hẹp thì nên chọn lọc đối tượng để hỗ trợ học phí. Người dân cũng nên chung tay chia sẻ với Nhà nước”. 
 
 
Trung Thu

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.