“Bức tâm thư” và những lời dạy của Người

Chia sẻ

PNTĐ-Nửa thế kỷ đã qua, nhưng Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại trước lúc đi xa vẫn luôn là kim chỉ nam soi đường cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân...

 
Nửa thế kỷ đã qua, nhưng Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại trước lúc đi xa vẫn luôn là kim chỉ nam soi đường cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong công cuộc bảo vệ và dựng xây đất nước theo định hướng dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
  
Người cả đời hy sinh vì dân, vì nước
 
GS.TS Hoàng Chí Bảo, Chuyên gia cao cấp, Nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương chia sẻ: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Di chúc từ ngày 10/5 đến ngày 15/5/1965, vào dịp sinh nhật 75 tuổi.
 
Người khiêm nhường chỉ gọi là một bức thư, là “mấy lời để lại” cho đồng bào và các đồng chí trong Đảng trước lúc đi xa. Vào các năm sau, 1966 và 1967, Người đọc lại, suy nghĩ rất nhiều từ bản “Tài liệu tuyệt đối bí mật” này. Năm 1968, lúc đã 78 tuổi, Người sửa chữa, bổ sung, có những đoạn gần như Người viết lại. Năm 1969, cũng vào dịp sinh nhật, tháng 5 Người sửa chữa lần cuối cùng. Bản văn 1.000 từ đã hoàn chỉnh và 4 tháng sau Người vĩnh viễn ra đi. 
 
“Bức tâm thư” và những lời dạy của Người - ảnh 1

 
Đã hơn nửa thế kỷ ra đời của bản văn do Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp đánh máy lần đầu tiên kèm theo bút tích các bản viết tay với sự sửa chữa rất công phu của Người. Người còn mời Tổng Bí thư của Đảng - đồng chí Lê Duẩn đến ký chứng kiến. Người trao bản thảo Di chúc cho đồng chí thư ký Vũ Kỳ với lời dặn: “Chú nhớ giữ bí mật cho Bác, đừng nói lộ ra ngoài để nhân dân lo lắng. Chỉ khi Bác đi rồi, chú hãy báo với Trung ương, Bác có bức thư để lại”.
 
Theo ông Trần Quang Đức, Khoa Công tác thiếu nhi, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, bản Di chúc là tâm nguyện, tình cảm, ý chí, niềm tin, trách nhiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Tổ quốc, nhân dân và sự nghiệp cách mạng. Đọc Di chúc của Bác, chúng ta được nhận nhiều bài học giá trị.
 
Di chúc đã thể hiện sự tự nhận thức sâu sắc về bản thân của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đón nhận quy luật cuộc sống bằng phong thái ung dung, tự tại, chuẩn bị việc ra đi của mình bằng những lời tâm huyết dặn lại. Tâm nguyện của Người: “Suốt đời tôi hết lòng phục vụ Tổ quốc, phụng vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.
 
Di chúc chính là tâm sự của một người đã suốt đời hy sinh hạnh phúc riêng tư, hiến dâng trọn cuộc đời cho Tổ quốc và nhân dân; là tấm lòng chung thuỷ với “các nước anh em” và “bầu bạn khắp năm châu”.
 
Phác thảo quan trọng về sự nghiệp đổi mới đất nước
 
Cũng theo ông Trần Quang Đức Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh giống như một phác thảo lý luận sự nghiệp đổi mới ở nước ta; là một kế hoạch, một chương trình hành động của toàn Đảng, toàn dân về sự nghiệp xây dựng đất nước sau chiến tranh với những chỉ dẫn về quản lý xã hội như: Đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội; sửa đổi chế độ giáo dục cho phù hợp hoàn cảnh mới; khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế; phát triển công tác vệ sinh, y tế; chính sách miễn thuế nông nghiệp cho nông dân; chính sách xã hội, công bằng xã hội...
 
Thạc sĩ Trần Thị Yến, Nguyễn Thị Lan Anh, Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam khẳng định: Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta một nhắn gửi cực kỳ sâu sắc về thời kỳ đất nước ta bước vào xây dựng và đổi mới sau khi giành được độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc. Người yêu cầu, Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân.
 
Trên thực tế mặc dù đã dạt được nhiều thành tựu, trong quá trình đổi mới đất nước, thời gian qua, chúng ta cũng đang đứng trước rất nhiều vấn đề mới, thách thức mới. Do tác động phức tạp, nhiều mặt của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, nên vấn đề đạo đức đang trở thành một trong những vấn đề bức xúc nhất của toàn Đảng và toàn dân, có ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín, quyền lãnh đạo và niềm tin của nhân dân đối với Đảng, tác động tiêu cực đến toàn bộ nền đạo đức xã hội mà chúng ta đã dày công xây dựng nhiều thập kỷ qua.
 
Vì thế, thực hiện lời dạy của Người, chúng ta cần phải kiên quyết làm trong sạch Đảng và làm lành mạnh đạo đức xã hội.
 
Trung Thu 

Tin cùng chuyên mục

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

(PNTĐ) - Trong những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi đến thăm Thượng tá, cựu chiến binh Đinh Văn Chiến, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội - người đã từng tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975. Đã 49 năm trôi qua, nhưng những ký ức hào hùng của một giai đoạn lịch sử vẫn còn mãi trong người chiến sĩ thương binh bộ đội Cụ Hồ anh dũng, quả cảm.
Những người trẻ yêu Tổ quốc trong thời bình

Những người trẻ yêu Tổ quốc trong thời bình

(PNTĐ) - Không còn chiến tranh, không còn chia cắt, đất nước Việt Nam giờ đây vươn mình mạnh mẽ hội nhập với thế giới. Thế hệ thanh niên ngày nay cũng hướng đến trở thành những công dân toàn cầu, ham học hỏi, đầy tài năng. Và hơn hết, trong trái tim mỗi người đều một lòng yêu nước nồng nàn, tha thiết.