Để gia đình là “trường học an toàn” phòng chống xâm hại trẻ em

Chia sẻ

PNTĐ-“Gia đình không chỉ là hàng rào đầu tiên và cuối cùng để bảo vệ trẻ khỏi xâm hại, mà còn là địa chỉ tin cậy nhất để giáo dục trẻ kỹ năng tự ứng phó trước nguy hiểm”.

 
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đã khẳng định như vậy tại hội thảo “Vai trò, trách nhiệm của gia đình trong phòng chống xâm hại trẻ em” do Bộ văn hoá - Thể thao và Du lịch tổ chức ngày 28/6. 
  
Theo số liệu của các cơ quan chức năng, trong 2 năm 2017 - 2018, toàn quốc có 3.221 trẻ em bị bạo lực, xâm hại, trong đó có 2.690 trẻ em bị xâm hại tình dục. Trong 3 tháng đầu năm 2019, cả nước có 325 trẻ em bị bạo lực, xâm hại. Số lượng các vụ việc xâm hại được phát hiện, xử lý có giảm nhẹ nhưng tính chất của các vụ việc lại có chiều hướng diễn biến phức tạp, nghiêm trọng.  
 
Để gia đình là “trường học an toàn” phòng chống xâm hại trẻ em - ảnh 1
Các đại biểu chia sẻ tại Hội nghị

 
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, vai trò bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của gia đình vẫn chưa được coi trọng, kiến thức và kỹ năng bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ chưa đầy đủ dẫn đến năng lực bảo vệ trẻ còn hạn chế. Tình trạng nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, cha mẹ ly hôn, ly thân, cha mẹ mắc các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật... cũng khiến cho con cái bỏ học, lang thang kiếm sống và bị xâm hại. 
 
Theo TS. Đặng Bích Thủy, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, gia đình chính là chủ thể chịu trách nhiệm chính trong thực hiện các quyền liên quan đến bảo vệ trẻ em khỏi mọi hình thức xâm hại, bạo lực. “Các gia đình còn nhiều hạn chế trong việc thực hiện vai trò của mình cung cấp kiến thức về các nguy cơ liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em và trang bị cho trẻ các kỹ năng tự bảo vệ bản thân. Sự thiếu hụt này là rào cản lớn đối với việc thực hiện vai trò của gia đình trong phòng, tránh xâm hại tình dục trẻ em” - TS Đặng Bích Thủy nói.
 
Thạc sỹ Nguyễn Thị Hiền, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, giáo dục tốt nhất của gia đình cần phải được xây dựng trên nền tảng sự yêu thương của các thành viên trong gia đình. “Tình yêu thương của ông bà, cha mẹ sẽ giúp cho trẻ có được môi trường sống an toàn và tốt đẹp hơn. Đồng thời, cha mẹ phải là người nắm vững kỹ năng phát hiện và ứng phó với tình trạng trẻ em bị xâm hại để nhanh chóng nhận diện sự việc xảy ra với con mình, ví dụ như: kỹ năng phát hiện những khác thường ở trẻ nhỏ; kỹ năng hỗ trợ tâm lý cho con; kỹ năng động viên để con chia sẻ, bày tỏ cảm xúc, vượt qua nỗi đau bị xâm hại; kèm theo đó là kiến thức pháp luật về tố giác tội phạm” - ThS. Hiền chia sẻ. 
 
ThS. Nguyễn Thị Anh Thư (Chủ nhiệm câu lạc bộ Cỏ 4 Lá) trường đại học Giáo dục - đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, cha mẹ hãy cùng con tham gia các khóa tập huấn phòng chống xâm hại tình dục trẻ em. Biện pháp này không chỉ giúp cha mẹ nâng cao kiến thức, kỹ năng cần thiết mà còn phối hợp với nhà trường đồng hành trong chiến dịch bảo vệ trẻ khỏi xâm hại, bạo lực. 
 
Về giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống xâm hại trẻ em trong gia đình thời gian tới, TS Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình cho rằng, các cấp Bộ, ngành, cần tập trung đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, trong đó nhấn mạnh đến trách nhiệm, vai trò của gia đình trong việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em; phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng và tuyên truyền, phổ biến tài liệu hướng dẫn cha mẹ các kiến thức, kỹ năng chăm sóc, bảo vệ, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, đưa nội dung này về các lớp tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình, văn hóa cơ sở...
 
Quan trọng nhất là chính cha mẹ hãy xây dựng một mái ấm gia đình thật sự văn minh, hạnh phúc, dành thời gian quan tâm, trò chuyện cùng con cái để các con dễ dàng chia sẻ những vấn đề xảy ra trong cuộc sống. 
 
Hồng Nhung

Tin cùng chuyên mục

Giữ cội rễ từ gia đình trong thế giới hội nhập

Giữ cội rễ từ gia đình trong thế giới hội nhập

(PNTĐ) - Trong một thế giới ngày càng phẳng, khi việc học tập, sinh sống và làm việc ở nước ngoài trở nên phổ biến, nhiều bậc phụ huynh người Việt lựa chọn cho con tiếp cận với nền giáo dục phương Tây từ rất sớm. Nhưng giữa làn sóng đó, có những người lại đi ngược dòng. Vợ chồng anh Nguyễn Hồng Trung (gốc Hà Nội) và chị Lương Quân Nhi (người Sài Gòn) là một trong số gia đình chọn đưa con từ Mỹ trở về Việt Nam để con học tập và trưởng thành trong lòng văn hóa quê hương.
Điểm tựa của con

Điểm tựa của con

(PNTĐ) - Hoàng Lê Hằng Nga vừa tốt nghiệp khoa Tâm lý học của Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn. Do đặc thù của ngành học, cô cần phải thực hiện nhiều khảo sát, mỗi khảo sát lại cần nhiều khách thể tham gia. Mối quan hệ bạn bè ít ỏi khó mà đáp ứng được, nên Hằng Nga cần đến sự cứu trợ của bố mẹ nữa. Vì thế, bố mẹ Nga hàng ngày gửi đường link, bảng khảo sát của con gái cho bạn bè, người thân.
Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

(PNTĐ) - Sau 5 lần giảm cân, Nguyễn Tùng Chi (21 tuổi, quê Hải Dương, hiện là sinh viên đại học năm thứ 3 tại Hà Nội) từ 95kg còn 60kg, trở về thân hình cân đối. Giảm được số cân như vậy không hề dễ dàng và phải cần rất nhiều ý chí. Tùng Chi nói cô rất may mắn vì luôn có mẹ ở bên, động viên mình.