Một gạch nối hòa bình mới

Chia sẻ
 
Nhiều người hay chia sẻ những bức ảnh chụp Hà Nội một thời xưa cũ. Có nhiều bức ảnh chụp vào thập niên 1990, nghĩa là cũng chưa xa lắm. Người ta nhìn vào bức ảnh chụp đường phố nhiều xe đạp và thốt lên: “Ngày xưa bình yên thế!”.
 
Một gạch nối hòa bình mới  - ảnh 1
Hà Nội luôn là đô thị có sức hút lớn

 
Nhưng ngày xưa hẳn là nghèo. Khi ấy có xe máy đã là giàu, và sở hữu ôtô là một điều vô cùng xa hoa. Vậy nghèo thì bình yên? Và bây giờ không bình yên? Chỉ cần đặt câu hỏi ngược lại cũng đủ thấy, sự hoài niệm dẫn đến những so sánh không có cơ sở. Bây giờ ai cũng có thể thỏa mãn nhu cầu hàng ngày dễ dàng, cho đến những ham muốn cao vời cũng không còn là thứ xa xỉ.
 
Nhưng sau tất cả những hoài niệm, tiếc nuối quá khứ hay không vừa ý với thực tại, tâm lý ước muốn một sự bình yên tuyệt đối là có thực. Một môi trường sống bình yên là thứ hàng ngày, hàng giờ được những người đang sống thổ lộ trên mạng xã hội hay bên mâm cơm gia đình. Và Hà Nội, nơi được gắn danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” 20 năm trước cũng chẳng bao giờ yên vị với những gì được xưng tụng. Thành phố phải nuôi được cả chục triệu con người với tất cả những nhu cầu cơ bản và khao khát cao xa của họ.
 
Nhìn lại hai thập niên từ khi danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” được UNESCO trao tặng, Hà Nội đã trải qua hai thập niên phát triển nóng: Mở rộng địa giới, hàng loạt khu đô thị mới được xây dựng, nhiều cây cầu và con đường được mở… Thành phố cơ bản đã tiến một bước trên con đường trở thành một đại đô thị (megacity), khác xa với những bức ảnh thập niên 1990. Sự xáo trộn trong bức tranh đô thị đã tạo ra một câu chuyện khác về Hà Nội. Những định nghĩa truyền thống về Hà Nội đã phải điều chỉnh để cung cấp một nội dung mới cho thành phố này.
 
Một trong những nội dung được bận tâm nhất chính là “phát triển bền vững”. Mối lo âu về sự ảnh hưởng của đô thị hóa lên môi trường sống đã trở thành một câu chuyện mang tính thời sự: Sự ô nhiễm các con sông, sự thiếu hụt các khu vực cây xanh, sự tắc nghẽn giao thông, vấn đề giải tỏa các khu nhà cũ để tái định cư hoặc lấy đất mở rộng đường…
 
Hà Nội nằm trong tầm chú ý của xã hội khi nó trở thành tâm điểm của những chính sách cải tạo không gian sống, nhằm ước vọng đạt tới một viễn cảnh của đô thị văn minh theo tiêu chuẩn toàn cầu. Những sự cải tạo này song song với đòi hỏi về bảo tồn các giá trị cũ, vốn đã gán cho Hà Nội một căn tính, và từng đem lại cho nơi này danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”.
 
Sự hòa bình của thành phố, bên cạnh các đảm bảo về trật tự trị an, nơi ăn chốn ở, còn là sự hiện tồn giá trị văn hóa đô thị trong sự thịnh vượng của nó. Sau hai mươi năm, thành phố đối diện với sự phôi phai bản sắc trong sự tác động của toàn cầu hóa ở mức độ cách mạng công nghệ - thứ có khả năng cải thiện mức sống nhưng cũng có thể đồng quy mọi không gian cá tính về một không gian ảo duy nhất. Lúc này, Hà Nội đã chuẩn bị gì để không chỉ là một địa danh đơn thuần?
 
Rất nhiều thống kê cho thấy Hà Nội vẫn là một đô thị có sức hút lớn với những người ở các vùng đổ về tìm nơi mưu sinh, học tập và phát triển tương lai, cũng như số khách du lịch trên đường phố hàng ngày có thể chứng minh thực tế đó. Tuy nhiên đấy cũng là một sức ép. Những xung đột giữa không gian sống cũ-mới, giữa sự đột biến của lượng người nhập cư và khả năng cung ứng của hạ tầng cơ sở cho thấy tiềm tàng những vấn đề của sự bất an.
 
Người ta chẳng những chờ đợi một sự quy hoạch có tính bền vững về mặt vật chất mà còn một thiết chế hành chính phụng sự đời sống cư dân. Người ta vẫn cảm thấy sự căng thẳng của cư dân mỗi khi nhắc đến việc “lên phường” hay ra cửa công. Vẫn còn sự không rõ ràng của các cấp khi cần thông tin hay ra quyết định ảnh hưởng đến cả triệu người. Trên mặt báo và truyền thông có ngày nào không có một cuộc tranh cãi về một vấn đề diễn ra trong đô thị gây bức xúc xã hội?
 
Người ta nói nhiều về cải cách hành chính công ở các cấp từ phường, xã đến thành phố, nhưng quá trình gây dựng một niềm tin của người dân vào các cơ quan công quyền vẫn còn cần rất nhiều nỗ lực để tâm thế cộng đồng thật sự hài lòng với kết quả. Đó là một yêu cầu có thực để danh xưng “Thành phố vì hòa bình” không chỉ là một cụm từ đẹp trên các tấm áp phích ngoài đường. 
 
Những người Hà Nội dành một sự quan tâm đến nơi này vì một sự tiếp nối bền vững cho không gian sống hòa bình của nó, nơi nhiều thập niên đã thực sự rất bình yên so với cả nhiều chục năm bom đạn. Thành phố vốn dĩ đã có rất nhiều danh xưng và giá trị được tôn vinh, nhưng thành phố cũng cần một hình dung mới về vị thế - mà không có cách nào khác là xây dựng một gạch nối hài hòa giữa giá trị hôm qua với cái chớp mắt hôm nay. Hài hòa về những hình hài kiến trúc đã đành, hài hòa về giá trị văn hóa là đương nhiên, nhưng cũng phải là một hài hòa từ tâm thế của rất nhiều phía, cư dân và chính quyền. Cái hài hòa ấy là một sự hòa bình mới.
 
Nhà văn Nguyễn Trương Quý 

Tin cùng chuyên mục

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

(PNTĐ) - Trong những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi đến thăm Thượng tá, cựu chiến binh Đinh Văn Chiến, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội - người đã từng tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975. Đã 49 năm trôi qua, nhưng những ký ức hào hùng của một giai đoạn lịch sử vẫn còn mãi trong người chiến sĩ thương binh bộ đội Cụ Hồ anh dũng, quả cảm.
Những người trẻ yêu Tổ quốc trong thời bình

Những người trẻ yêu Tổ quốc trong thời bình

(PNTĐ) - Không còn chiến tranh, không còn chia cắt, đất nước Việt Nam giờ đây vươn mình mạnh mẽ hội nhập với thế giới. Thế hệ thanh niên ngày nay cũng hướng đến trở thành những công dân toàn cầu, ham học hỏi, đầy tài năng. Và hơn hết, trong trái tim mỗi người đều một lòng yêu nước nồng nàn, tha thiết.