Chung cư ùn ùn mọc lên, trường học không theo kịp

Chia sẻ

PNTĐ-Từ ngày 1-18/7, Hà Nội bắt đầu tuyển sinh đầu cấp vào các lớp mầm non, lớp 1, lớp 6 năm học 2019-2020. Trong đó vấn đề được người dân quan tâm vẫn là tình trạng quá tải trường lớp...

 
Từ ngày 1-18/7, Hà Nội bắt đầu tuyển sinh đầu cấp vào các lớp mầm non, lớp 1, lớp 6 năm học 2019-2020. Trong đó vấn đề được đông đảo người dân quan tâm vẫn là tình trạng quá tải trường lớp ở một số địa bàn trong bối cảnh dân số cơ học tăng nhanh, quy hoạch mạng lưới trường học không theo kịp quá trình đô thị hóa... 
 
Chung cư ùn ùn mọc lên, trường học không theo kịp - ảnh 1
Những tòa chung cư cao tầng mọc lên san sát, kéo theo nhu cầu gửi con em tới trường của hàng chục ngàn hộ dân đang tạo sức ép lên hệ thống trường học (Ảnh chụp trên đường Lê Văn Lương)

 
Tăng 30.000 trẻ vào lớp 1 
 
Việc tuyển sinh vào các lớp 1 và lớp 6 các trường công lập tại Hà Nội được thực hiện theo hình thức trực tuyến thông qua cổng thông tin điện tử và trực tiếp đối với những người không có điều kiện về công nghệ thông tin. Sau ngày 18/7, những trường tuyển chưa đủ chỉ tiêu được giao phải báo cáo phòng GD-ĐT quận, huyện căn cứ vào tình hình cụ thể của từng trường để quyết định cho phép được tuyển bổ sung học sinh cho đủ chỉ tiêu từ ngày 20 đến 22/7.
 
Theo ông Phạm Văn Đại - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, nhìn chung, năm học 2019-2020, Hà Nội tăng khoảng 30.000 học sinh vào lớp 1 so với số học sinh lớp 5 ra trường; học sinh vào lớp 6 THCS tăng khoảng 2.000 em. Tình trạng học sinh “đầu vào” tăng không trải đều trên toàn thành phố mà tập trung ở một số quận, huyện có tốc độ đô thị hóa hoặc di dân cao. Quận Thanh Xuân dự báo tăng khoảng 3.000 học sinh ở các cấp học; tại quận Hà Đông, dự kiến tăng thêm 2.450 học sinh mầm non, 3.759 học sinh cấp tiểu học so với năm 2018-2019; tỷ lệ học sinh/lớp trung bình ở khối trường công lập bậc tiểu học là 52,4 ở bậc mầm non. 
 
Đây không phải năm đầu tiên xảy ra tình trạng quá tải trường lớp dù trước mỗi mùa tuyển sinh đầu cấp, Hà Nội đều đặt mục tiêu “3 giảm” (giảm sĩ số học sinh/lớp, số lớp/trường học, giảm học sinh trái tuyến). Nhìn lại năm học 2018-2019, tại quận Cầu Giấy, các trường như Dịch Vọng A, Dịch Vọng B, Nghĩa Tân, Nghĩa Đô… có sĩ số trên 60 học sinh/lớp. Tại quận Thanh Xuân, tiểu học Đặng Trần Côn có sĩ số tới 62 học sinh/lớp, Khương Đình: 65 học sinh/lớp, Nguyễn Trãi: 66 học sinh/lớp, Nhân Chính tới 68 học sinh/lớp.
 
Chung cư ùn ùn mọc lên, trường học không theo kịp - ảnh 2
Tiểu học Chu Văn An, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai - ngôi trường được mệnh danh là “đông nhất Thủ đô” đang bị quá tải vì quá trình đô thị hóa, tăng dân số cơ học trên địa bàn quá nhanh (Ảnh: G. Chính)

 
Tại quận Hoàng Mai, trường tiểu học Chu Văn An có số trẻ lớp 1 nhập học cao kỷ lục với hơn 1.000 học sinh. Do đông học sinh mà phòng học không đủ, trường đã phải tổ chức mô hình học 4 buổi thay vì 5 buổi/tuần. Hoàng Mai cũng là quận có đông học sinh phải học luân phiên vào thứ 7 nhiều nhất thành phố.
 
Áp lực từ đô thị hóa và tăng dân số cơ học
 
Theo Nghị quyết số 05/NQ-HĐND của HĐND thành phố Hà Nội về “Quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, thường xuyên, chuyên nghiệp Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch mạng lưới trường học thành phố đến năm 2020, tầm nhìn 2030”, mỗi xã, phường, thị trấn, khu đô thị mới phải có ít nhất một trường mầm non, một trường tiểu học và một trường THCS công lập. Tuy nhiên, do tình trạng đô thị hóa nhanh khiến trường học được xây dựng không đuổi kịp tốc độ tăng dân số. 
 
Theo bà Phạm Đàm Thục Hạnh, Trưởng phòng GD-ĐT quận Hoàng Mai, khi mới thành lập vào năm 2008, quận Hoàng Mai mới có 18 vạn dân. Đến nay, dân số của quận đã tăng lên trên 40 vạn người. Bên cạnh đó, chỉ trong thời gian ngắn, hàng loạt các tòa chung cư cao tầng xuất hiện với sức chứa hàng chục vạn dân tạo sức ép khủng khiếp lên hệ thống trường học.
 
Đơn cử như tại “điểm nóng” phường Hoàng Liệt đã có khoảng 80 tòa chung cư đi vào sử dụng, trong đó nhiều tòa cao tới 45 tầng. Đó là lý do theo kế hoạch tuyển sinh được UBND quận phê duyệt, năm học 2018-2019 trường tiểu học Chu Văn An có chỉ tiêu tuyển sinh khoảng hơn 900 học sinh. Tuy nhiên, đến tháng 7/2018, khi nhiều hộ dân chuyển tới sinh sống tại các chung cư đã kéo theo nhu cầu được vào học lớp 1 của khoảng 200 trẻ, nâng tổng số học sinh khối lớp 1 của trường lên hơn 1.100 em. 
 
Tương tự, Hà Đông cũng là 1 trong những quận có tốc độ tăng dân số cơ học cao. Trong khi đó, một số địa bàn như phường Văn Quán hiện đã không còn quỹ đất để xây mới trường. Cũng vì trường không có đủ phòng học nên nhiều năm qua, học sinh trường tiểu học Nguyễn Du, phường Văn Quán phải học luân phiên hoặc học ở các trung tâm giáo dục thường xuyên. 
  
Tại quận Thanh Xuân, tốc độ đô thị hóa nhanh diễn ra cục bộ ở một số địa bàn như phường Thanh Xuân Trung, Nhân Chính, Thượng Đình. Khi các chung cư được đưa vào sử dụng đã kéo theo nhu cầu gửi con đến trường của cư dân tăng cao. Đơn cử năm 2018-2019, chỉ một tòa nhà thuộc tổ dân phố số 17 phường Thanh Xuân Trung được bàn giao vào cuối tháng 6 đã làm tăng thêm 170 học sinh đối với trường tiểu học Thanh Xuân Trung. Vì thế hiện nay mặc dù 11 phường trên địa bàn quận đều có trường công lập các cấp, trong đó một số phường có nhiều trường công lập nhưng nhu cầu về chỗ học của người dân vẫn rất lớn.  
 
 
Sáng ngày 1/7, nhiều gia đình có con em vào học lớp 1 - cấp học đầu tiên tuyển sinh - đã tới các trường tiểu học trên địa bàn để làm thủ tục nhập học. Tại trường tiểu học Phan Đình Giót, quận Thanh Xuân, theo bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Hiệu trưởng nhà trường, từ 7h30 sáng, các thành viên trong ban Tuyển sinh và hỗ trợ ban Tuyển sinh đã có mặt tại trường trong trang phục áo dài, sẵn sàng đón tiếp cha mẹ học sinh. Nhà trường đã dán hướng dẫn chi tiết từng bước nhập học ở sân trường, trước phòng tuyển sinh, treo khẩu hiệu chào mừng, chuẩn bị nước mát, phòng riêng để cha mẹ học sinh chuẩn bị hồ sơ.
 
Ban Tuyển sinh cũng sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho các gia đình gặp khó khăn khi nhập học trực tuyến. Anh Lê Hoàng, tổ dân phố số 5 phường Thượng Đình cho biết: Việc đăng ký nhập học đầu cấp rất thuận tiện, chỉ sau 15 phút là anh đã hoàn tất thủ tục nhập học cho con trai.
 
Cha mẹ học sinh có mặt tại các trường tiểu học quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Hà Đông… cũng đều được đón tiếp, tiếp nhận thủ tục nhập học cho con em nhanh chóng.
 
Năm 2018, Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP Hà Nội đã khảo sát về các công trình hạ tầng xã hội tại các khu đô thị cho thấy, trong 78 dự án khu đô thị mới đã đưa vào sử dụng, có tới hơn 40 dự án chưa được đầu tư xây dựng bảo đảm đồng bộ các công trình nhà trẻ, trường học.
 
Trước thực trạng đó, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố đã kiến nghị UBND thành phố cần có những quy định ràng buộc rõ ràng về trách nhiệm của chủ đầu tư. Đối với các dự án xây dựng trường học chủ đầu tư chậm triển khai, UBND thành phố cần thu hồi và giao cho UBND quận, huyện, thị xã lập dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách hoặc kêu gọi xã hội hóa. 
Nỗ lực tăng tốc xây trường
 
Trong bối cảnh thiếu trường lớp, ghi nhận của phóng viên báo Phụ nữ Thủ đô cho thấy, trước thềm năm học 2019-2020, tại nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố đã có nhiều giải pháp như sửa chữa, nâng tầng trường học cũ, xây mới nhiều trường học.
 
Tại quận Tây Hồ, từ năm học 2019-2020, học sinh tiểu học và THCS của phường Tứ Liên sẽ chấm dứt cảnh 25 năm phải “học nhờ” tại đình Nội Châu. Bà Trần Thị Thanh Hoa, Hiệu trưởng trường THCS Tứ Liên nhớ lại: Vì phải đi học nhờ trong hoàn cảnh “thiếu đủ thứ” (phòng học, phòng chức năng, sân chơi, cảnh quan sư phạm…) những năm trước đây, trường chỉ tuyển sinh khoảng 100 học sinh lớp 6. Vậy mà có năm chỉ có 50-60 học sinh nhập học.
 
Chung cư ùn ùn mọc lên, trường học không theo kịp - ảnh 3
Các công nhân  đang hoàn thiện những hạng mục cuối cùng của công trình trường THCS-Tiểu học Tứ Liên,quận Tây Hồ. Vào tháng 8 tới, 2 ngôi trường mới sẽ đi vào hoạt động

 
Một năm trước, công trình trường THCS Tứ Liên đã được khởi công xây dựng với diện tích 1.000m2 và sẵn sàng đi vào hoạt động từ tháng 8/2019. Với cơ sở mới khang trang, BGH nhà trường hy vọng có thể thu hút toàn bộ học sinh lớp 5 ra trường của trường tiểu học Tứ Liên. 
 
Chung cư ùn ùn mọc lên, trường học không theo kịp - ảnh 4
Học sinh trường THCS Tứ Liên, quận Tây Hồ sẽ không còn phải “học nhờ” ở đình Nội Châu như thế này

 
Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, Hiệu trưởng trường tiểu học Tứ Liên, khi học nhờ ở đình do không đủ phòng học, quy mô của trường cũng khiêm tốn, chỉ khoảng 300-350 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5, sĩ số học sinh/lớp còn cao (hơn 50 học sinh/lớp). Từ năm học này, cô và trò sẽ chuyển sang học tại trường tiểu học Tứ Liên được xây mới rộng hơn 3.400m2 với 18 phòng học, phòng chức năng… Trường sẽ có điều kiện tách lớp, giúp giảm sĩ số học sinh xuống mức 40-42 học sinh/lớp.
 
Ông Lê Hồng Vũ - Trưởng phòng GD-ĐT quận Tây Hồ cho biết: Thời gian qua, Tiểu học và THCS Tứ Liên là hai ngôi trường cuối cùng của Quận còn phòng học tạm. Với quy mô đầu tư hơn 90 tỷ đồng riêng cho xây dựng cơ bản, quy mô của trường Tiểu học Tứ Liên tới đây sẽ tăng gấp 2 lần, trường THCS Tứ Liên tăng gấp 3 lần so với hiện nay, đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân trên địa bàn. 
 
Tại quận Thanh Xuân, theo ông Phạm Gia Hữu, Trưởng phòng GD-ĐT quận Thanh Xuân, năm học 2018-2019, trên địa bàn quận sẽ có thêm 5 trường công lập xây mới được đưa vào sử dụng, 5 trường tư thục được thành lập mới.  Ngoài ra một số trường cũng đã được xây dựng sửa chữa, nâng cấp, nâng thêm tầng, tăng số phòng học phù hợp với Luật Xây dựng như: Tiểu học THCS Kim Giang, tiểu học Khương Đình, tiểu học Hạ Đình... Số lượng trường học tăng đã góp phần giải bài toán quá tải ở các trường học. Chẳng hạn tại địa bàn phường Thanh Xuân Trung, mùa tuyển sinh đầu cấp năm nay, sẽ có một số học sinh được điều chuyển sang học tại trường tiểu học Nguyễn Tuân được xây mới với quy mô tiếp nhận 1.080 học sinh. 
 
Chung cư ùn ùn mọc lên, trường học không theo kịp - ảnh 5
Trường mầm non Bình Minh, cùng với cụm 3 trường tiểu học Nguyễn Tuân, THCS Thanh Xuân Trung được xây dựng trên đất của doanh nghiệp ở 90 Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân. Yêu cầu doanh nghiệp khi thực hiện dự án xây nhà phải dành quỹ đất xây trường là một trong những giải pháp của quận Thanh Xuân, tránh tình trạng “trắng trường học” tại các khu vực có đông nhà cao tầng 

 
Tại địa bàn phường Thanh Xuân Nam, trường mầm non Thanh Xuân Nam sau khi được xây mới hiện đại trên cơ sở ngôi trường cũ có tuổi đời 28 năm đã tăng quy mô tiếp nhận, nâng cao chất lượng dạy, chăm sóc học sinh. Theo Hiệu trưởng Đinh Thị Phương Hoa, trường đảm bảo tiếp nhận toàn bộ con em trên địa bàn… Tại phường Khương Đình, mùa tuyển sinh trước, cha mẹ học sinh muốn gửi con vào trường mầm non Khương Đình còn phải bốc thăm ở một số lứa tuổi. Năm nay, với việc xuất hiện thêm trường mầm non Ánh Dương được xây mới, phường Khương Đình không còn gặp áp lực tuyển sinh. 
 
Chung cư ùn ùn mọc lên, trường học không theo kịp - ảnh 6
Các bé vui học tại trường mầm non Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân - ngôi trường được Quận đầu tư xây dựng đạt chuẩn quốc gia mức độ I với diện tích 10.500m2, diện tích sân vườn 3.232m2, đầy đủ phòng học, phòng chức năng (âm nhạc, tạo hình, thể chất, thư viện), trang thiết bị đồng bộ, hiện đại

 
Tương tự, quận Hai Bà Trưng thời gian qua cũng đã triển khai xây dựng mới các trường học tại các điểm đất nhận bàn giao từ TP như trường mầm non tại khu đất 622 Minh Khai; trường tiểu học Ngô Thì Nhậm (tại 67 Ngô Thì Nhậm); xây dựng trường THCS Lê Ngọc Hân (94 Lò Đúc)… Tại quận Hà Đông, theo bà Phạm Thị Lệ Hằng - trưởng Phòng GD-ĐT quận Hà Đông, Quận đã xây thêm được 3 trường mới và 5 đơn nguyên ở các khu đô thị như Xa La, Văn Phú, Vạn Phúc, Phú Lương, La Khê... 
 
Tính đến hết năm 2018, Hà Nội đã xây dựng, cải tạo vượt so với kế hoạch hơn 300 trường học. Có thể thấy áp lực tuyển sinh đã giảm ở địa bàn có dân số ổn định, không có sự xuất hiện của nhiều chung cư cao tầng. Tuy nhiên với những địa bàn có tốc độ đô thị hóa nhanh vẫn sẽ xảy ra tình trạng quá tải cục bộ.
 
 
 Năm học 2019 - 2020, Hà Nội phấn đấu huy động ít nhất 45% số trẻ trong độ tuổi nhà trẻ, 99% trẻ độ tuổi mẫu giáo đến cơ sở giáo dục mầm non; duy trì 100% trẻ 5 tuổi đến trường và được học 2 buổi ngày; ít nhất 75% trẻ khuyết tật ở thể nhẹ trong độ tuổi mầm non được học hòa nhập; 100% trẻ 6 tuổi đủ sức khỏe được vào lớp 1; 100% học sinh đã hoàn thành chương trình tiểu học được vào lớp 6.
 
 
Hoàng Lan

Tin cùng chuyên mục

Đưa sáng tạo vào văn hóa dân gian

Đưa sáng tạo vào văn hóa dân gian

(PNTĐ) - Hiện nay, đưa chất liệu văn hoá dân gian trong các sáng tạo đang là xu thế và được giới trẻ sử dụng ở nhiều lĩnh vực. Nổi lên như một kho tàng cảm hứng phong phú và hấp dẫn cho âm nhạc, thiết kế hội họa, đến phim ảnh, thời trang… chất liệu văn hóa dân gian đã và đang từng bước đi vào cuộc sống, đưa nét đẹp truyền thống dân tộc dần “tái sinh” trở lại.
Nữ giáo viên giỏi nghề có tấm lòng nhân hậu

Nữ giáo viên giỏi nghề có tấm lòng nhân hậu

(PNTĐ) - Điều đáng quý ở cô giáo Nguyễn Thị Mai Tuyết không chỉ ở sự nỗ lực vượt khó vươn lên để đạt nhiều thành tích cao trong các hoạt động chuyên môn và công tác xã hội mà cô còn có nhiều hoạt động nhân ái, chia sẻ khó khăn với các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, chịu nhiều mất mát, thiệt thòi.
Kỳ cuối: Cộng đồng cùng sống vui, sống khỏe

Kỳ cuối: Cộng đồng cùng sống vui, sống khỏe

(PNTĐ) - Để phòng bệnh trầm cảm, mỗi người cần chủ động chăm sóc sức khoẻ tinh thần để luôn cân bằng và khoẻ mạnh, đồng thời sớm phát hiện những bất ổn về tâm lý để có biện pháp can thiệp kịp thời, ngăn chặn sự tiến triển của bệnh, cải thiện chất lượng sống.