Tóc của mẹ tôi

Chia sẻ

PNTĐ- Bài thơ tái hiện lại những kỷ niệm thân thương với mẹ và mái tóc của mẹ, qua đó tác giả bày tỏ tình yêu thương và tri ân sâu sắc với đấng sinh thành.

 
Mẹ tôi hong tóc buổi chiều
Quay quay bụi nước bay theo gió đồng
Tóc dài mẹ xoã sau lưng
Bao nhiêu sợi bạc chen cùng sợi đen

 
Tóc sâu của mẹ, tôi tìm
Ngón tay lần giữa ấm mềm yêu thương
Bao nhiêu sợi bạc màu sương
Bấy nhiêu lần mẹ lo buồn vì tôi

 
Con ngoan rồi đấy mẹ ơi
Ước gì tóc mẹ bạc rồi lại xanh
 
 
Phan Thị Thanh Nhàn
 
Phan Thị Thanh Nhàn là gương mặt thơ nữ nổi tiếng từng đoạt giải Nhì cuộc thi thơ của báo Văn nghệ, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Uỷ viên Ban Chấp hành Hội giai đoạn 2001-2005. Ngoài làm thơ, chị còn viết nhiều bài báo và truyện ngắn. Trong tập thơ Con muốn mặc áo đỏ đi chơi (NXB Kim Đồng, 2016) sáng tác cho thiếu nhi có bài “Tóc của mẹ tôi” gây được ấn tượng cho bạn đọc. Bài thơ tái hiện lại những kỷ niệm thân thương với mẹ và mái tóc của mẹ, qua đó tác giả bày tỏ tình yêu thương và tri ân sâu sắc với đấng sinh thành. 
 
Tóc của mẹ tôi - ảnh 1
Ảnh minh họa

 
Dùng thể thơ lục bát có âm điệu nhịp nhàng, êm dịu để nói về tình cảm mẹ con quả là sự lựa chọn xác đáng của tác giả. Mở đầu là những câu thơ tự sự, kể về việc mẹ gội đầu, chải tóc, làm cho tóc mau khô: “Mẹ tôi hong tóc buổi chiều/ Quay quay bụi nước bay theo gió đồng/ Tóc dài mẹ xoã sau lưng/ Bao nhiêu sợi bạc chen cùng sợi đen”.
 
Giống như bao người mẹ khác, vào cuối những ngày lao động vất vả, “mẹ tôi” tắm táp và gội đầu cho được thảnh thơi. Mẹ đâu được như khá nhiều phụ nữ chốn thị thành  đến cửa hàng gội đầu, cắt tóc làm đẹp. Mẹ tự gội đầu rồi đứng hong gió. Từ “hong” dùng rất đắt, chỉ động tác đón gió chỗ thoáng cho tóc mau khô, nhất là kết hợp với động tác “quay quay”, nghĩa là đưa mái tóc ướt xoay thành nhiều vòng tròn để bụi nước bay đi cho khô nhanh hơn nữa. Việc này mẹ vẫn làm thường xuyên bởi “mái tóc là vóc con người” cần được chăm sóc. Sự bạc đi của mái tóc đã in dấu những vất vả lo nghĩ của mẹ bao tháng ngày qua. Người con xúc động vì suốt một đời mẹ tần tảo, lo cho con từ cái ăn, cái mặc cho tới giấc ngủ. Bao nhiêu sợi tóc mẹ bạc là bấy nhiêu tình thương yêu mẹ dành cho chồng, cho con.
 
 Đáng chú ý là đến tận hôm nay, chủ thể trữ tình mới chợt nhận ra mái tóc mẹ xõa đã có nhiều “sợi bạc chen cùng sợi đen”. Đúng là chỉ khi lớn lên ở mức nhất định, người con mới thấu hiểu và thương mẹ nhiều hơn. Vì để cho con có cơm ăn, áo mặc, được học hành bằng chúng bạn, mẹ phải đổ bao mồ hôi, nước mắt. Nhớ lại mấy năm trước, tóc mẹ bạc còn ít, người con còn nhổ tóc sâu – những sợi bạc vừa mới mọc một đoạn ngắn hay những sợi mới bạc một phần chân tóc - cho mẹ đỡ ngứa đầu. Mấy câu thơ dưới đây chan chứa những kỷ niệm đẹp giữa mẹ và con gái: “Tóc sâu của mẹ, tôi tìm/ Ngón tay lần giữa ấm mềm yêu thương”. Lời thơ gây ấn tượng  nhờ nghệ thuật đảo từ và hình ảnh thắm thiết tình ruột thịt: Ngón tay lần giữa ấm mềm yêu thương.
 
Biết bao nhiêu tình cảm thương yêu mẹ con được kết tinh trong câu thơ này. Đúng như tục ngữ xưa từng nói:“Mẹ với con như lon với vại”, tâm đầu ý hợp làm sao. Giờ đây, con đã hiểu được mẹ bạc tóc vì ai và do đâu. Tình con thương mẹ càng được nhân lên nhờ nghệ thuật so sánh đắt giá “Bao nhiêu sợi bạc màu sương/ Bấy nhiêu lần mẹ lo buồn vì tôi”. Cách ngắt nhịp lẻ 3/5 thật sáng tạo trong khi thơ lục bát truyền thống ngắt nhịp chẵn càng nhấn mạnh thêm sự ân hận ở người con đã từng làm mẹ buồn lòng không ít. 
 
Vì gắn bó với mẹ, người con trong bài thơ càng nhận thức đầy đủ và sâu sắc: là phụ nữ, ai cũng muốn có mái tóc xanh, tóc khỏe và lo buồn khi tóc bạc, tóc rụng cho dù biết đó là quy luật của đời người. Bài thơ kết thúc bằng hai câu có phần bất ngờ: “Con ngoan rồi đấy mẹ ơi/ Ước gì tóc mẹ bạc rồi lại xanh”. Niềm ước ao của chủ thể trữ tình thật chân thành, giản dị nhưng vô cùng ý nghĩa bởi người con không cầu mong  gì cho mình mà tất cả điều tốt đẹp mong có được đều dành cho mẹ. Người mẹ sẽ rất hạnh phúc khi con mình biết nhận ra những sai lầm và quyết tâm sửa chữa.
 
Bài thơ ngôn từ thuần Việt dung dị, thể hiện rõ tấm chân tình của người con. Đáng chú ý là đại từ ngôi thứ nhất “tôi” được dùng 4 lần ở phần trên là để nói về riêng chủ thể trữ tình. Đến câu kết đại từ chuyển sang “con” thật hợp lý để chỉ chung tình cảm, tấm lòng của hầu hết những người con đối với mẹ của mình. 
 
Thơ hay thường rất kiệm lời và tình cảm thực sự chân thành. Bài thơ "Tóc của mẹ tôi" cũng như nhiều bài thơ khác của Phan Thị Thanh Nhàn được đông đảo bạn đọc đón nhận chính vì lẽ đó.
 
 
Thái Thiện
 

Tin cùng chuyên mục