Đau đáu làng tranh Đông Hồ trên đất quan họ

Chia sẻ

PNTĐ-Nói đến Bắc Ninh – quê hương của làn điệu quan họ say đắm lòng người, du khách còn được thưởng thức thêm nhiều loại hình văn hóa dân gian đặc sắc khác...

 
Nói đến Bắc Ninh – quê hương của làn điệu quan họ say đắm lòng người, du khách còn được thưởng thức thêm nhiều loại hình văn hóa dân gian đặc sắc khác mà tiêu biểu là nghề làm tranh khắc gỗ Đông Hồ (làng Mái), xã Song Hồ, huyện Thuận Thành.
 
Độc đáo làng nghề
 
Làng nghề tranh Đông Hồ không rõ hình thành chính xác từ năm nào, nhưng theo nhiều sử sách để lại thì nghề khắc ván gỗ có từ thế kỷ XI, và nghề tranh Đông Hồ phát triển thịnh vượng vào thế kỷ XVII. Làng Đông Hồ nằm ven sông Đuống, một con sông gắn liền với văn hóa nông nghiệp, tưới tiêu của người nông dân phía Bắc kinh thành Thăng Long, vì vậy chủ đề tranh Đông Hồ thể hiện không gì khác ngoài văn hóa dân gian Việt Nam gắn chặt với văn hóa nông nghiệp.
 
Tranh Đông Hồ còn được gọi là tranh Tết, bởi lẽ tranh được sản xuất mạnh vào dịp Tết, bày bán chủ yếu ở chợ quê. Nếu như đi chợ ngày Tết có thể quên mua thịt, mua rau nhưng tuyệt đối không được quên mua tranh Đông Hồ về treo, nếu thiếu coi như là Tết đã thiếu trọn vẹn. Vào những ngày Tết, tranh treo đầy nhà, pháo nổ đầy đường, không khí ngày Tết đậm đà bản sắc dân tộc.
 
Đau đáu làng tranh Đông Hồ trên đất quan họ - ảnh 1

 
Giấy làm tranh Đông Hồ là giấy điệp, một loại giấy đặc trưng khi làm tranh Đông Hồ. Giấy Điệp là giấy làm từ vỏ con điệp, một loài sò vỏ mỏng ở biển trộn với hồ, hồ ở đây chính là bột gạo hoặc bột sắn. Giấy điệp rất bền với thời gian, kể cả trong điều kiện thời tiết nồm ẩm.
 
Màu sắc sử dụng để vẽ tranh là màu tự nhiên như màu đen được làm bằng than xoan hoặc than lá tre, màu xanh lá được làm bằng gỉ đồng, lá chàm, màu vàng được làm từ cây hoa hòe, đỏ làm từ sỏi son, gỗ vang... Đây là những màu khá cơ bản, không pha trộn và vì số lượng màu tương ứng với số bản khắc gỗ, nên thường thường tranh Đông Hồ chỉ dùng tới 4 màu.
 
Thẩm mỹ của tranh Đông Hồ - trong thẩm mỹ của nghệ thuật dân gian nói chung khá giản dị, chân thật, nhưng có nhiều bức rất nhiều tầng nghĩa, hàm ý sâu xa như Đám cưới chuột, Hái dừa, Cá chép trông trăng… Và nó bao hàm một vẻ đẹp không thể cưỡng lại của một tâm hồn xa, như thật còn phảng phất đâu đây của dân tộc, như sự nối tiếp âm thầm của một nền văn hóa lâu đời.
 
Tranh Đông Hồ được khắc trên ván gỗ, trước hết là một bản nét, rồi tranh có bao nhiêu sắc thì thêm bấy nhiêu bản màu. Nền tranh là giấy gió (làm bằng vỏ cây gió) phết lên một lớp điệp một màu óng bạc (bột tán một loại vỏ sò).
 
Đau đáu làng tranh Đông Hồ trên đất quan họ - ảnh 2

 
Loại giấy này được sản xuất theo lối thủ công đưa từ làng Đông Cảo (Bắc Ninh) hay làng Bưởi (Hà Nội) về, cắt thành nhiều cỡ, nhỏ nhất là 11cm x 12cm, lớn nhất là 22cm x 31cm.
 
Bảo tồn và phát triển làng nghề
 
Hỡi cô thắt lưng bao xanh
Có về làng Mái với anh thì về
Làng Mái có lịch có lề
Có sông tắm mát có nghề làm tranh
 
Những câu ca dao trên do người làng Đông Hồ (làng Mái) để lại ý muốn “khoe” về nghề làng tranh độc đáo của làng. Chẳng những vậy, nghề làm tranh là niềm tự hào của mỗi người con làng Mái, cho dù trải qua bao thăng trầm của thị trường tiêu thụ nhưng ai cũng mong muốn nghề tồn tại mãi mãi với nét tinh túy của văn hóa Việt Nam. Còn, "làng Mái có lịch có lề" thì nghĩa là gì? Tục ngữ Việt Nam có câu: giấy rách phải giữ lấy lề. Chữ "lề" ở đây tượng trưng cho những quy tắc đạo đức của người xưa, rất trọng danh dự, khí tiết. Dân làng Mái - dân nghệ thuật rất trọng lời ăn tiếng nói. Không như nhiều làng quê khác, người dân làng Hồ, nhất là phụ nữ, ăn nói rất lịch lãm, trên dưới thưa gửi rất rõ ràng. Người làng kể rằng kể cả từ xưa, rất hiếm khi trong làng có tiếng người mắng chửi nhau.
 
Hiện nay, tại làng Mái, số hộ làm tranh không còn nhiều, tuy vậy vẫn còn 3 nghệ nhân đau đáu giữ nghề và mong muốn truyền nghề cho lớp lớp con cháu đó là nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, Nguyễn Hữu Quả và nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam. Ngay tại cổng làng là trung tâm triển lãm và nhà thờ tổ nghề, hằng ngày nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế đều ở đây vẽ tranh và tiếp khách du lịch, mỗi lần được đón khách tham quan, đặc biệt là khách quốc tế, nghệ nhân Đăng Chế đều rất phấn khởi và thực hành vẽ tranh bên cạnh việc truyền bá nét đẹp tranh Đông Hồ tới bạn bè quốc tế. 
 
Đau đáu làng tranh Đông Hồ trên đất quan họ - ảnh 3

 
Năm 2013, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, hỏi ông Quả về khởi sắc của làng nghề sau sự kiện ấy, ông chỉ cười, "lúc đầu truyền thông thì mạnh mẽ lắm nhưng rồi đâu lại vào đấy, người dân thì vẫn xoay sang nghề có nhiều thu nhập hơn, cơ quan quản lý cũng chỉ mạnh về hô hào chứ hành động cụ thể cũng không mấy, chúng tôi những người nghệ nhân già sẵn sàng cống hiến kinh nghiệm của mình để gìn giữ nghề truyền thống nhưng cơ chế không có, nguyên liệu ngày càn khan hiếm nên nghề càng ngày càng đìu hiu”.
 
Hỡi anh đi đường cái quan
Dừng chân ngắm cảnh mà tan nỗi sầu
Mua tờ tranh điệp tươi màu
Mua đàn gà lợn thi nhau đẻ nhiều.
 
Mấy câu thơ trên nếu như mà thành hiện thực thì nghề tranh sẽ hồi sinh mạnh mẽ vô cùng. Biết vậy, nghề còn tồn tại được là còn hy vọng “phục hưng”. Nghệ nhân Chế bộc bạch, giá như mình có thêm nhiều bộ tem in tranh Đông Hồ, sách vở của học sinh không in hình siêu nhân nữa mà in tranh Đông Hồ, rồi xe buýt, biển báo ít in quảng cáo hàng hóa hơn mà thay bằng tranh làng tôi thì tuyệt vời biết bao nhiêu, không chỉ dân làng mà toàn dân Việt Nam mình ai cũng tự hào vì một dòng tranh đặc sản như Đông Hồ.
 
Để đi đến làng tranh Đông Hồ tham qua, du khách có thể bắt xe buýt 204 Long Biên – Thuận Thành, xe đi hết bến, sau đó du khách đi bộ khoảng 1km trên đê sông Đuống là có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của dòng tranh Đông Hồ trứ danh.
 
 
Thành Công

Tin cùng chuyên mục

Xúc động xem MV huyền thoại saxophone Kenny G quảng bá vẻ đẹp Hà Nội

Xúc động xem MV huyền thoại saxophone Kenny G quảng bá vẻ đẹp Hà Nội

(PNTĐ) - Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV “Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc "Going Home" tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.
Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

(PNTĐ) - Vừa qua, tại tỉnh Điện Biên, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức ra mắt, giới thiệu bộ sách 6 cuốn Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân (tiếng Việt và song ngữ gồm 5 ngoại ngữ: Việt - Anh, Việt - Pháp, Việt - Tây Ban Nha, Việt - Trung, Việt - Ả rập) nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.