Tục ăn trầu ở làng Phú Lễ

Chia sẻ

PNTĐ-Với người dân làng Phú Lễ, xã Cần Kiệm (Thạch Thất, Hà Nội), sống với miếng trầu, chết cũng với miếng trầu, trầu đã đi vào đời sống của nhân dân như một lẽ tất yếu.

Làng Phú Lễ nằm bên bờ sông Tích, được bao bọc bởi những cánh đồng lúa xanh mướt. Ngôi làng trù phú với nhiều nhà cao tầng mọc san sát. Hầu như nhà nào cũng trồng cau bởi người dân làng này nghiện trầu từ xa xưa. Đã bao đời nay, miếng trầu gắn bó với người dân Phú Lễ. Nó còn chứa đựng và chuyển tải tình cảm sâu đậm của người dân đối với quê hương. Chẳng thế mà nhiều người dù xa quê lâu năm vẫn giữ thói quen ăn trầu. Mỗi khi phải đi đâu xa, trong hành lý của họ đều mang theo cơi trầu.
 
Tục ăn trầu ở làng Phú Lễ  - ảnh 1

 
Người Phú Lễ ăn hai loại trầu. Một loại nhai lẫn với cau, quệt thêm một ít vôi, ăn vừa miệng bởi có vị cay của lá trầu, nồng của vôi và tươi ngọt từ hạt cau. Một loại trầu nữa ăn với thuốc lào, dễ bị say và chỉ có những cụ già ăn trầu lâu năm mới thích vì vị đậm đà. Cách ăn trầu cũng rất dung dị, không cần têm cánh phượng, đựng trong cơi son mà chỉ cần quả cau bổ bảy, xé thêm miếng lá trầu rồi nhai cả ngày. Phụ nữ làng này đi đâu cũng có một túi vải nhỏ thắt miệng, trong đựng đôi lá trầu, dăm miếng cau. 
 
Các cụ bô lão trong làng không ai biết tục lệ có từ khi nào, chỉ biết đã thành nếp làng, được truyền giữ qua bao đời nay. Những người già trong làng 70 đến 80 tuổi cũng có thâm niên hơn 50 năm ăn trầu, những lớp trung niên 40-50 tuổi có người ăn từ khi mới 7 - 8 tuổi, bọn trẻ con trong làng thấy người lớn ăn cũng nhao nhao đến xin một miếng trầu ăn cho đỏ môi, miệng nhai tự nhiên, ngon lành.
 
Đã thành lệ, mỗi buổi chiều, những người già trong ngõ xóm đều tập trung để ngồi uống nước, chia nhau quả cau, miếng trầu. Giữa câu chuyện rôm rả, răng ai cười cũng đen nhánh. Họ nhuộm răng từ khi còn là cô bé 13 tuổi, giữ thói quen ăn trầu nhiều năm khiến các bà không phải nhuộm thêm lần nào nữa.
 
Không chỉ các cụ, thanh niên làng Phú Lễ đến chơi nhà nhau, đi ăn cỗ đám cưới cũng phải xin miếng trầu rồi mới ngồi vào mâm. Trai gái quanh vùng rỉ tai nhau, đi ra ngoài thấy thanh niên còn trẻ mà răng với môi màu đỏ, nhai trầu liên tục thì đích thị người làng Phú Lễ.
 
Tục ăn trầu ở làng Phú Lễ  - ảnh 2

 
Người dân nơi đây quan niệm, ngày Tết có thể thiếu bánh chưng, thiếu đào quất, nhưng phải lo sắm đủ cau trầu cho ba ngày. Đó cũng là mặt hàng bán chạy không kém thịt lợn, bánh kẹo ở đây mỗi dịp Tết về. Đặc biệt trong đám cưới, trầu cau là món sính lễ quan trọng nhất khi về làm dâu, rể nơi đây.
 
Từ xưa tới nay, trai làng đi lấy gái nơi khác chỉ phải mang vài trăm quả cau sính lễ cho có lệ. Nhưng, trai làng khác lấy con gái Phú Lễ thì phải đủ nghìn cau trong mâm thì nhà gái mới nhận. Trai gái trong làng lấy nhau thì hai họ lo đủ hai nghìn quả cau cùng với trầu cho cả làng ăn. 
 
Cứ thế, tục ăn trầu ở làng Phú Lễ được truyền từ đời này qua đời khác nên mọi người trong làng đều biết nhai trầu, từ các cụ già đến các em nhỏ. Ngày nay, với sự phát triển của xã hội, nhiều nơi tục ăn trầu đã phai mờ, nguyên nhân là do số người biết ăn trầu ngày một ít dần, trong khi những lợi ích của việc ăn trầu không còn phù hợp với tình hình thực tế.
 
Trong các lễ cưới, để thể hiện sự nồng nhiệt trong cách tiếp khách, bên cạnh miếng cau lá trầu, chén nước chè xanh, gia chủ thường mời người thân, bạn bè thêm hướng dương, bánh kẹo. Tuy nhiên, trong số những thứ mà gia đình cô dâu chú rể đem ra mời khách ấy, miếng trầu vốn được “ưa chuộng” trong các đám cưới xưa giờ đây đang mất dần vị thế trở thành thứ vật chất mang tính “nghi thức” trong ngày hôn lễ. Người ta không còn thấy lạ với cảnh hôn lễ đã tổ chức xong xuôi mà những đĩa trầu không vơi, thậm chí có những đĩa trầu gia chủ bê ra thế nào thì lại bê vào thế ấy.
 
Cùng với sự phát triển của xã hội, văn hóa ăn trầu đang dần phôi pha. Dù vậy trong tâm thức của người Việt, vẻ đẹp của cau trầu vẫn còn nguyên giá trị. Hơn ai hết, những người dân làng Phú Lễ vẫn bền bỉ giữ gìn tập tục tốt đẹp để khách phương xa mỗi lần ghé thăm lại càng thêm yêu quý, trân trọng thứ di sản văn hóa bình dị nhưng đã làm nên một tâm hồn, một cốt cách Việt Nam.
 
 
Minh Phương

Tin cùng chuyên mục

“Đất nước trọn niềm vui”: Biết ơn thế hệ cha anh hy sinh vì độc lập dân tộc

“Đất nước trọn niềm vui”: Biết ơn thế hệ cha anh hy sinh vì độc lập dân tộc

(PNTĐ) - Nhân dịp kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), chào mừng 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024), tối 25/4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp  tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”. Chương trình là dịp bày tỏ lòng biết ơn đối với những thế hệ đã hy sinh xương máu vì độc lập, thống nhất Tổ quốc.
Hà Nội: Biểu diễn nghệ thuật nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ

Hà Nội: Biểu diễn nghệ thuật nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ

(PNTĐ) -Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội phân công cho 7 đơn vị nghệ thuật trực thuộc Sở sẽ tổ chức biểu diễn phục vụ nhân dân Thủ đô tại trung tâm một số quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố.
Công viên nước Hồ Tây đã sẵn sàng đón 5 vạn khách dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Công viên nước Hồ Tây đã sẵn sàng đón 5 vạn khách dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

(PNTĐ) - Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay kéo dài 5 ngày bắt đầu từ ngày 27/4 đến 1/5/2024. Với thời tiết được dự báo nắng nóng, oi bức, các điểm vui chơi giải trí trên địa bàn Thủ đô dự kiến sẽ thu hút đông đảo du khách tham quan. Hiện, Công viên nước Hồ Tây đã sẵn sàng các phương án cho việc dự kiến đón 5 vạn khách vào dịp này.