Sáng mãi niềm tin và khát vọng hòa bình

Chia sẻ

PNTĐ-Suốt 20 năm qua, Hà Nội đã không ngừng nỗ lực gìn giữ và phát huy danh hiệu “Thành phố vì Hòa bình”.

 
Năm 1999, vượt qua 70 hồ sơ ứng cử, Thủ đô Hà Nội tự hào là thành phố duy nhất đại diện cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) vinh danh “Thành phố vì Hòa bình”. Suốt 20 năm qua, Hà Nội đã không ngừng nỗ lực gìn giữ và phát huy danh hiệu ý nghĩa này.
 
Sáng mãi niềm tin và khát vọng hòa bình - ảnh 1
Một Hà Nội xanh và bình yên là điểm hấp dẫn du khách muôn nơi (Ảnh TTXVN)

“Ẩn số” Hà Nội
 
Hà Nội tham gia ứng cử danh hiệu “Thành phố vì Hòa bình” vào thời điểm sau 24 năm đất nước thoát khỏi chiến tranh và 13 năm Việt Nam thực hiện đường lối đổi mới. Điều kiện kinh tế xã hội của nước ta nói chung và Hà Nội nói riêng còn nhiều khó khăn, hạn chế. TP còn biết bao công việc phải giải quyết như phát triển kinh tế - xã hội và văn hóa giáo dục, xây dựng hệ thống hạ tầng cơ sở - đường xá giao thông, thực hiện đô thị hóa và các vấn đề về nhà ở, môi trường, tệ nạn xã hội…
 
Các tiêu chí cho giải thưởng này rất cao; song xét đích và tiêu chí của giải thưởng hoàn toàn phù hợp với yêu cầu, phương hướng, mục tiêu phát triển của Thủ đô, lãnh đạo TP thời điểm đó vẫn quyết tâm phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam làm đề nghị trình Chính phủ. Sau khi nhận được sự chấp thuận của Chính phủ, các bên đã bắt tay hoàn thiện hồ sơ để gửi lên UNESCO.
 
Ông Trịnh Đức Dụ - Đại sứ Việt Nam tại UNESCO trong giai đoạn từ năm 1996-1999 nhớ lại: Một điều đặc biệt khó khăn với Hà Nội là số lượng các nước tham gia ứng cử vào giải thưởng năm 1998-1999 rất đông. Cả 5 châu lục có tới 70 hồ sơ ứng cử;  khu vực châu Á - Thái Bình Dương có 10 ứng cử viên. Ngoài Việt Nam, các nước còn lại là Philippines, Australia, New Zealand, Nepal, Ấn Độ, Sri Lanka, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Hàn Quốc đều là các ứng cử viên sáng giá. Các nước đều hết sức tích cực vận động tranh thủ sự ủng hộ cho ứng cử viên nước mình. Trong khi đó, do điều kiện còn khó khăn nên thời điểm đó, TP Hà Nội không thể cử đoàn đi các nước để vận động, tranh thủ sự ủng hộ.
 
Giai đoạn đó, trong hồi ức của đại sứ Trịnh Đức Dụ, “Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và UBND TP Hà Nội gặp gỡ, vận động các nước thông qua các đại sứ quán tại Hà Nội. Còn ở nước ngoài, chúng tôi nhanh chóng tiến hành gặp gỡ với các nước thành viên của UNESCO, tranh thủ tình cảm và sự ủng hộ của họ với Hà Nội. Đặc biệt, dù biết là khó khăn nhưng chúng tôi đã cố gắng bằng mọi cách gặp gỡ, trao đổi với nhà văn nổi tiếng của Hy Lạp là Katerina Stenou - Tổng Thư ký chấp hành của Giải thưởng UNESCO - Thành phố vì Hòa bình; ông Federico Mayor - Tổng Giám đốc UNESCO…
 
Tại các cuộc gặp gỡ, chúng tôi đều nhấn mạnh với bạn bè quốc tế về truyền thống yêu chuộng hòa bình của dân tộc ta, về truyền thống ngàn năm văn hiến của Hà Nội và những cố gắng to lớn của Thủ đô trong công cuộc xây dựng, phát triển, phù hợp với mục đích, tiêu chí của giải thưởng”. 
 
9h ngày 6/7/1999 - ngày cuối cùng xét các hồ sơ tranh giải thưởng tại trụ sở UNESCO ở Thủ đô Paris (Cộng hòa Pháp). Ở bên ngoài phòng họp, đại sứ Trịnh Đức Dụ cùng đại diện nhiều quốc gia trong tâm trạng hồi hộp chờ đợi, đứng ngồi không yên. Đúng 3 tiếng sau đó, đại diện UNESCO gửi tin vui bằng thông báo ngắn gọn: Hà Nội đã được bình chọn là 1 trong 5 thành phố trên thế giới nhận giải thưởng UNESCO - Thành phố vì Hòa bình. Niềm vui sướng, hạnh phúc và tự hào đã vỡ òa tại Paris. Khoảnh khắc đặc biệt đó cũng đã trở thành ký ức đẹp trong cuộc đời và sự nghiệp của đại sứ Trịnh Đức Dụ - người đầu tiên nhận tin Hà Nội chính thức trở thành “Thành phố vì Hòa bình”.
  
Từ Thủ đô của phẩm giá và lương tri đến Thành phố vì Hòa bình
 
Cùng với danh hiệu “Thành phố Anh hùng” được Nhà nước trao tặng vì truyền thống đấu tranh anh dũng, kiên cường, Hà Nội vinh dự có thêm một danh hiệu “Thành phố vì Hòa bình” do UNESCO trao tặng. Giải thưởng góp phần nâng cao hơn nữa niềm tự hào dân tộc của người dân Hà Nội, nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng trên trường quốc tế, trong khu vực. 
 
Sáng mãi niềm tin và khát vọng hòa bình - ảnh 2
Lãnh đạo TP và Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội khai trương website “Hanoidep.vn”. Ảnh: Đinh Thuận (TTXVN)

 
Tự hào với danh hiệu được trao tặng nhưng “Thành phố vì Hòa bình” đã đặt lên vai Thủ đô Hà Nội những nhiệm vụ, thử thách rất nặng nề để gìn giữ, phát huy giá trị tốt đẹp của giải thưởng mang lại. Hai thập kỷ qua, với những nỗ lực không mệt mỏi, từ thành phố còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, Hà Nội ngày càng mở rộng cả về diện tích, quy mô cùng những bước chuyển mình mạnh mẽ.
 
Cải cách hành chính được đẩy mạnh, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền ngày càng được nâng cao. 10 năm gần đây, kinh tế Thủ đô tăng trưởng bình quân 7,61%. Nhiều mục tiêu, chương trình, công trình trọng điểm đã được hoàn thành, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Tiêu biểu là các công trình cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy, cầu Nhật Tân, cầu Vĩnh Thịnh, Đại lộ Thăng Long, đường Vành đai 3 và Vành đai 3 trên cao, đường Vành đai 2, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, Nhà ga T2 sân bay quốc tế Nội Bài,… đã được đưa vào sử dụng, đánh thức và tạo sức bật để biến những vùng quê nghèo thành những nơi đáng sống.
 
Điều trân quý, kinh tế phát triển tạo thêm nguồn lực để TP chăm lo tốt hơn cho việc nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Đời sống văn hóa, tinh thần của người dân cũng có thay đổi rõ rệt. Khoảng cách mức sống giữa các quận nội thành với các huyện ngoại thành được thu hẹp, thành phố không còn xã, thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, xuống còn 1,16%, về đích trước 2 năm chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP đề ra.
 
Tại các quận nội thành, chương trình 1 triệu cây xanh về đích trước 2 năm không chỉ tạo cảnh quan đô thị mới mà còn góp phần nâng cao chất lượng không khí, môi trường sống. Nhiều khoảng không quý giá nằm ở trung tâm TP được tổ chức, chỉnh trang trở thành những không gian văn hóa công cộng để mọi tầng lớp nhân dân, dù người giàu hay người nghèo đều được thụ hưởng giá trị văn hóa tinh thần lành mạnh.
 
Đó là phố sách 19/12, không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận; phố đi bộ Trịnh Công Sơn, các công viên Cầu Giấy, Nghĩa Đô, Hòa Bình… được bạn bè quốc tế và nhân dân cả nước đánh giá rất cao. 
 
Hà Nội thanh bình không chỉ với người dân Thủ đô mà ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài, du khách quốc tế lựa chọn và đánh giá Hà Nội là điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn hàng đầu thế giới. Hình ảnh các vị nguyên thủ quốc gia như Thủ tướng Australia John Howard thong thả chạy bộ buổi sáng ở hồ Hoàn Kiếm, Tổng thống Pháp Francois Hollande thảnh thơi tản bộ trong khu phố cổ, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama ngồi ăn bún chả cùng người dân, Tổng thống Argentina Mauricio Macri thưởng thức cà phê vỉa hè… đã truyền đi trên toàn thế giới hình ảnh Thủ đô mến khách, bình yên cùng niềm tin và khát vọng hòa bình.
 
 
 
“Nụ cười Hà Nội đang truyền cảm hứng với bạn bè thế giới”
 
Là người đã từng chứng kiến những tháng ngày cả Hà Nội tưng bừng đón nhận danh hiệu “Hà Nội - Thành phố vì Hoà bình”, TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội chia sẻ: 
 
Sáng mãi niềm tin và khát vọng hòa bình - ảnh 3

 
Hà Nội hôm nay không quá sôi động nhưng sức hút của nó rất lớn đối với du khách quốc tế cũng như với lãnh đạo các quốc gia. Qua 20 năm, chúng ta nhìn thấy rất rõ tình cảm yêu mến của bạn bè quốc tế dành cho Hà Nội. Để có được vị thế của Việt Nam hôm nay, phải chăng đã có sự đóng góp đáng kể của người Hà Nội, của Thủ đô Hà Nội?
 
Hà Nội tự hào là trung tâm tổ chức rất nhiều sự kiện quốc tế quan trọng như APEC, là nơi gặp gỡ của nhiều nhà lãnh đạo các quốc gia. Gần đây nhất là cuộc gặp gỡ thượng đỉnh Mỹ - Triều. Là nước chủ nhà, chúng ta đã có tinh thần trọng thị, mến khách, làm cho các nguyên thủ quốc gia có ấn tượng rất tốt đẹp về Hà Nội. Hà Nội thực sự là một địa chỉ hòa bình, một trung tâm kinh tế chính trị, văn hóa của cả nước, một thành phố an toàn, thân thiện, cởi mở. Đến với Hà Nội, bất cứ ai cũng sẽ thấy những nụ cười. Dường như, nụ cười Hà Nội đang truyền cảm hứng cho bạn bè trên thế giới khi tới với Việt Nam. 
 
20 năm qua, Hà Nội có nhiều sự đổi thay, nhưng cũng có những giá trị không thay đổi. Đó là tinh thần của Hà Nội. Qua chặng đường dài ngàn năm của lịch sử, tinh thần ấy như một hằng số rất rõ rệt, làm rạng danh con người thủ đô địa linh nhân kiệt.
 
Mon Nguyễn (ghi)
 
 
 
Phụ nữ Thủ đô là tờ báo đầu tiên mở chuyên mục “Hà Nội - Thành phố vì hòa bình”
 
Kỷ niệm 20 năm Hà Nội đón nhận danh hiệu “Thành phố vì Hòa bình”, báo Phụ nữ Thủ đô là tờ báo đầu tiên của Hà Nội đã có sáng kiến phối hợp với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội, Ủy ban Hòa bình thành phố Hà Nội mở chuyên mục “Hà Nội - Thành phố vì Hòa bình”  trên các ấn phẩm của Báo và bản tin “Hữu nghị và Hợp tác” của Liên hiệp từ tháng 4 tới tháng 10/2019. 
 
Đến nay, BTC đã nhận được nhiều bài viết của các chuyên gia, nhà báo có tên tuổi như TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, nguyên Giám đốc Sở VH &TT Hà Nội; TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội; nhà báo Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên Trưởng ban biên tập Văn hóa Thể thao báo Quân đội nhân dân; nhà nghiên cứu văn hóa Phạm Việt Long; kiến trúc sư Phạm Minh Ngọc... Các bài viết đã nhìn lại lịch sử Hà Nội hơn nghìn năm văn hiến với những giá trị lịch sử anh hùng mà nhân văn, khẳng định Hà Nội xứng đáng có một nền hòa bình bền vững; lý giải vì sao Hà Nội là thành phố duy nhất ở châu Á - Thái Bình Dương được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố vì Hòa bình”... 
 
Ban Tổ chức trân trọng cảm ơn sự quan tâm, ủng hộ của các quý độc giả và mong tiếp tục nhận được các bài viết quý báu gửi về Chuyên mục để cùng chung tay xây dựng Thủ đô văn minh, văn hiến, xứng danh “Thành phố vì Hòa bình”
 
 
 
Hà Nội tham gia mạng lưới Thành phố sáng tạo
 
Sáng 13/7, UBND TP Hà Nội sẽ tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm 20 năm Hà Nội được công nhận là “Thành phố vì Hòa bình” tại vườn hoa Lý Thái Tổ. Ngoài chương trình nghệ thuật chào mừng, lễ kỷ niệm sẽ diễn ra chương trình đồng diễn thể thao của Hội Người cao tuổi Hà Nội; hoạt động đi bộ vì hòa bình với sự tham gia của khoảng 4.000-5.000 người. Đặc biệt, trong dịp này, Thành phố sẽ công bố việc xây dựng hồ sơ tham gia mạng lưới “Thành phố sáng tạo” của UNESCO.
 
Ngoài ra, từ 8h ngày 13/7 đến 22h ngày 14/7, tại khu vực vườn hoa Lý Thái Tổ và phố đi bộ, TP tổ chức Ngày hội văn hóa Hòa bình với 5 hoạt động chính: tổ chức 2 đêm nhạc đặc sắc với chủ đề “Tôi yêu Hà Nội” và “Thắp sáng hòa bình”; không gian trưng bày Làng hữu nghị; trình diễn di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh; Không gian văn hóa ẩm thực Hà Nội và một số tỉnh; các hoạt động nghệ thuật thể thao tại khu vực phố đi bộ...
 
 
Đức Hạnh 

Tin cùng chuyên mục

Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực

Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực

(PNTĐ) - Trong khuôn khổ Diễn đàn Tương lai ASEAN, Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn khẳng định, Việt Nam có tầm nhìn xa, trông rộng và với vị thế là thành viên chủ chốt của ASEAN, Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực, Diễn đàn Tương lai ASEAN có thể phát huy vai trò tiên phong trên nhiều cấp độ.