Spa Healthy Joy, Thanh Tú spa: Có dấu hiệu sai phạm trong dịch vụ làm đẹp

Chia sẻ

PNTĐ-Làm đẹp da bằng huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) là kỹ thuật chỉ được áp dụng tại cơ sở khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, không ít cơ sở thẩm mỹ tại Hà Nội đang có dấu hiệu sai phạm...

 
Theo quy định của pháp luật, làm đẹp da bằng huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) là kỹ thuật chỉ được áp dụng tại cơ sở khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, không ít cơ sở thẩm mỹ tại Hà Nội đang có dấu hiệu quảng cáo, thực hiện kỹ thuật PRP vượt quá chức năng cho phép.
 
Khẳng định PRP an toàn 100% là không đúng
 
Theo thông tin quảng cáo đăng tải trên facebook của hai cơ sở dịch vụ thẩm mỹ Spa Healthy Joy (địa chỉ C8, lô 15, khu đô thị Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) và Thanh Tú Spa (số 2/7 ngõ 138 Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), kỹ thuật PRP được giới thiệu là an toàn 100% và khách hàng không phải lưu ý gì trước khi thực hiện.
 
Trong vai một khách hàng tìm hiểu về dịch vụ PRP của cơ sở thẩm mỹ - spa Healthy Joy, PV báo Phụ nữ Thủ đô được nhân viên Spa ở đây cho biết: PRP “là phương pháp lấy máu tự thân, sau đó đưa máu vào máy ly tâm để bóc tách ra phần huyết tương giàu tiểu cầu, rồi đem cấy lại trên da mặt hoặc vùng cần điều trị bằng đường tiêm hoặc lăn kim. Khách hàng chỉ cần lấy 10ml cho mỗi lần làm”.
 
Spa Healthy Joy, Thanh Tú spa: Có dấu hiệu sai phạm trong dịch vụ làm đẹp  - ảnh 1
Cơ sở thẩm mỹ Spa Healthy Joy (ở C8, lô 15 khu đô thị Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) quảng cáo kỹ thuật PRP trên mạng xã hội

 
Tại đây, kỹ thuật PRP được làm theo cả 2 phương pháp tiêm (tiêm tay, tiêm máy - PV) và lăn kim. “Khi tiêm có sử dụng thuốc tê. Nhưng khi ủ tê, do chỉ tê lớp thượng bì nên tiêm huyết tương vào da sẽ hơi buốt. Tiêm bằng máy đỡ buốt hơn so với tiêm tay; và lăn kim thẩm thấu vào da đỡ đau hơn nhiều”.
 
Về mức độ an toàn của kỹ thuật PRP, nhân viên tư vấn khẳng định: Phương pháp này an toàn 100%, không có biến chứng gì do sử dụng máu của khách hàng, các tế bào hoàn toàn tương thích với cơ thể khách. Đồng thời, nhân viên tư vấn này cũng cho biết mình sẽ là người trực tiếp thực hiện kỹ thuật PRP. Mức giá cho liệu trình 5 ngày đang được khuyến mại chỉ còn 7,5 triệu đồng. Tuy nhiên, khi PV hỏi về trình độ, người này thừa nhận mình đã được đào tạo các kỹ thuật hiện đại về chăm sóc, làm đẹp da… nhưng không phải bác sĩ.
 
Tương tự, tại cơ sở dịch vụ thẩm mỹ Thanh Tú spa, chủ spa cũng khẳng định sự an toàn của kỹ thuật PRP, và nhấn mạnh thêm: Khi cấy dưới da, ngoài huyết tương giàu tiểu cầu được tách từ máu khách hàng, cơ sở còn bổ sung vào đó các tế bào gốc khác (như: tế bào gốc làm trắng, tế bào gốc làm căng bóng, HA dạng cung cấp nước).
 
Mức giá cho mỗi lần thực hiện đã được giảm, chỉ còn 5 triệu/ lần, và làm 1 lần là có hiệu quả ngay tức thì. Chủ spa cũng cam kết sẽ trực tiếp làm PRP cho khách; và giới thiệu thêm rằng mình đang đi học bác sĩ về Y học cổ truyền tại đại học Hòa Bình (cơ sở Hà Nội) để làm cho tốt cũng như đảm bảo yêu cầu khách hàng. 
 
Vượt quá chức năng hay quảng cáo “nổ”
 
Theo quy định của Bộ Y tế: Các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, can thiệp có tiêm, chích, bơm…) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể, xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm chỉ được thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ tùy theo phạm vi hoạt động chuyên môn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
 
Với những cơ sở khám, chữa bệnh nói trên, bên ngoài cửa phòng khám phải có biển hiệu ghi đầy đủ thông tin: tên phòng khám, giờ làm việc, tên bác sĩ phụ trách chuyên môn, địa chỉ và số giấy phép được Sở/ Bộ Y tế cấp. Tại vị trí đón tiếp của phòng khám, cơ sở thường niêm yết giấy phép hoạt động, danh sách, ảnh hoặc chứng chỉ của người hành nghề, niêm yết bảng giá dịch vụ.
 
Tuy nhiên, qua khảo sát của nhóm PV báo PNTĐ, biển hiệu của cả 2 đơn vị Spa Healthy Joy và Thanh Tú Spa đều chỉ có thông tin: tên spa, các dịch vụ thẩm mỹ đang thực hiện tại đây (chẳng hạn: chăm sóc da, tắm trắng, masage body đá nóng, triệt lông vĩnh viễn, giảm béo…), không có dòng chữ nào ghi là phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ. Thậm chí, cơ sở Thanh Tú Spa còn có biển hiệu không rõ ràng (biển led chỉ dẫn từ đầu ngõ 138 Phú Diễn ghi rõ tên cơ sở là Thanh Tú spa, nhưng khi đến cổng, biển tên của cơ sở này lại là Thẩm mỹ CNC).
 
Theo ông Nguyễn Việt Cường - Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, nếu căn cứ vào biển hiệu nói trên thì Spa Healthy Joy và Thanh Tú Spa chỉ là những cơ sở dịch vụ thẩm mỹ thông thường, Sở Y tế không cấp phép để thực hiện các kỹ thuật có tính chất xâm lấn. Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội chỉ có hơn 60 cơ sở làm đẹp được Sở Y tế, Bộ Y tế cấp phép. Nhưng thực tế, số spa, viện thẩm mỹ đang có hàng trăm cơ sở và thực hiện đủ các loại hình dịch vụ. “Năm 2018, Thanh tra Sở Y tế đã xử phạt nhiều cơ sở dịch vụ thẩm mỹ sai phạm với tổng số tiền phạt trên 1 tỷ đồng.
 
Không ít cơ sở làm đẹp dù không được tiến hành các kỹ thuật xâm lấn nhưng vẫn đăng quảng cáo để thu hút khách hàng, sau đó móc nối, chuyển khách hàng đến làm đẹp tại phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ khác để hưởng hoa hồng…” - ông Cường thông tin thêm.
 
Bởi vậy, với trường hợp hai cơ sở thẩm mỹ Spa Healthy Joy và Thanh Tú Spa, câu hỏi đặt ra là với những dấu hiệu nói trên, liệu các đơn vị này có thực sự được phép và đủ năng lực để áp dụng kỹ thuật làm đẹp PRP như quảng cáo, hay đây chỉ là một chiêu trò “nổ” để hút khách, sau đó móc nối, chuyển khách hàng tới phòng khám thẩm mỹ khác? Trả lời câu hỏi này, và cũng là để tránh hệ lụy không may xảy ra với khách hàng, đề nghị phòng y tế quận Bắc Từ Liêm, quận Hoàng Mai (là địa bàn 2 cơ sở làm đẹp trên hoạt động) và Thanh tra Sở Y tế Hà Nội sớm vào cuộc thanh kiểm tra, làm rõ. 
 
 
Theo quyết định số 4790/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành da liễu, “Điều trị sẹo lõm bằng kỹ thuật ly trích huyết tương giàu tiểu cầu (PRP)”, “Trẻ hóa da bằng kỹ thuật ly trích huyết tương giàu tiểu cầu (PRP)” đã được đưa vào danh mục kỹ thuật làm đẹp. Điều 2 của Quyết định này yêu cầu phương pháp trên chỉ được áp dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Thậm chí, điều kiện để đơn vị thẩm mỹ áp dụng được kỹ thuật PRP cũng rất ngặt nghèo.
 
Bác sĩ Vũ Thái Hà - Trưởng khoa Nghiên cứu Tế bào gốc, bệnh viện Da Liễu Trung ương cho biết: PRP là kỹ thuật phải có chỉ định điều trị. Với trường hợp như da không đủ đáp ứng, máu không đủ hoặc tiểu cầu thấp thì áp dụng kỹ thuật này không hiệu quả. 
 
Nhóm PV 

Tin cùng chuyên mục

Hội nghị quốc tế về “Quản lý đường thở WAAM” lần đầu tổ chức tại Đông Nam Á

Hội nghị quốc tế về “Quản lý đường thở WAAM” lần đầu tổ chức tại Đông Nam Á

(PNTĐ) - Hội nghị WAAM kéo dài 2 ngày, với phiên 6 làm việc, được tổ chức ngày 13/4 tại BVĐK Hồng Ngọc và ngày 14/4 tại BV Hữu Nghị Việt Đức, thu hút gần 600 y bác sĩ tham dự trực tiếp và 1000 bác sĩ tham dự trực tuyến. Tại Hội nghị, các khách mời đã được nghe một số tham luận tính thực tiễn cao như: Quản lý đường thở của u thanh quản, Đánh giá trước phẫu thuật đường thở khó, Hiệu quản dự trữ oxy, Rút ống nội khí quản khó, Đường thở khó ở trẻ em...