Xem phim rạp và những hoài niệm

Chia sẻ

PNTĐ-Những năm 80 của thế kỷ trước, rạp chiếu phim ở Hà Nội hoạt động hết công suất và xem phim trở thành nét văn hóa, lối sống của người dân...

 
Ngày xưa, khi nhắc đến rạp chiếu phim, người dân Hà Nội không khỏi tự hào “điểm danh” những tên rạp nổi tiếng như: rạp Bạch Mai trên phố Bạch Mai, rạp Đại Nam trên phố Huế, rạp Tháng Tám và rạp Kim Đồng trên phố Hàng Bài... Theo thời gian, hàng loạt những rạp chiếu phim được đầu tư bởi tư nhân hoặc các “ông lớn” của nước ngoài với công nghệ, cơ sở vật chất hiện đại đã mở ra một xu hướng xem phim rạp phù hợp thị hiếu.
 
Xem phim rạp và những hoài niệm - ảnh 1

 
Những năm 80 của thế kỷ trước, rạp chiếu phim ở Hà Nội hoạt động hết công suất và xem phim trở thành nét văn hóa, lối sống của người dân. Thời thiếu niên của lứa tuổi 6X, 7X được xem rất nhiều phim hay như “Ba người lính ngự lâm”, “Nàng tiên cá”, “Những người báo thù không bao giờ bị bắt”, chủ yếu là phim của các nước xã hội chủ nghĩa. Cứ mỗi lần rạp chiếu phim hay là y như cả Hà Nội chộn rộn, đám trẻ dành tiền ăn sáng săn lùng bằng được đôi vé xem phim. Rạp này không được thì đi rạp khác. Hễ đâu có phim là xếp hàng bằng được. Tối đến, cửa rạp đông nghịt người, đám “phe vé” í ới chào mời, phim hay giá gấp đôi gấp ba là bình thường.
 
Có những thời điểm, phim không đủ cho các rạp cùng chiếu nên phải chiếu liên hoàn, rạp này chiếu xong một cuốn mang sang rạp khác chiếu tiếp. Cứ như vậy bộ phim “hót” tung hoành cả ngày lẫn đêm ở tất cả các rạp. Ngày ấy, hàng tuần, cửa rạp cứ thay đổi đều đều pano giới thiệu phim mới đến mức tạo thu nhập tốt cho nhóm họa sỹ chuyên vẽ pano. 
 
Trong ký ức của lũ trẻ con ngày ấy có nhiều chuyện cười ra nước mắt. Với đặc thù tọa lạc ở những con phố chính, những rạp phim này đều áp lưng vào nhà dân, là những lần tìm cách trốn vé bằng cách trèo từ nhà vệ sinh khu dân cư sang nhà vệ sinh rạp chiếu phim rồi lẻn vào phòng chiếu. Có những hôm đến giờ chiếu rồi mà chưa có điện, cả rạp ngồi chờ có điện để xem phim, hay đang xem phim thì mất điện lại ngồi chờ, chờ đến lúc rạp thông báo hủy, khán giả ra nhận lại vé rồi ngày mai đến xem bù.
 
Rồi có hôm, khán giả đang xem phim thì trời mưa, nước mưa cứ thế theo ống thông khí trên trần chảy thành dòng vào rạp, tiếng thuyết minh xen lẫn tiếng mưa rơi.  Nhưng dần dần, các rạp xuống cấp, quạt trần không đủ mạnh để xua đi cái nóng mùa hè nhiệt đới, phim nhập về cũng ít phim hay. Cuối những năm 80 của thế kỷ trước, rạp chiếu phim ở Hà Nội vắng dần. Cũng nhiều lý do, từ phim không hay, rạp nóng… và cả lý do khách quan do công nghệ. 
 
Rạp chiếu phim ở Hà Nội đông khán giả trở lại bắt đầu từ năm đầu thế kỷ 21. Sau bộ phim gặt hái Oscar “Titanic” cho đến bộ phim “Xác ướp Ai Cập” chiếu năm 2000 đánh dấu sự trở lại rạp của khán giả. Nhưng lúc này các rạp truyền thống lại bị cạnh tranh mạnh mẽ bởi các rạp hiện đại mới mở với máy lạnh, âm thanh lập thể, ghế ngồi thoải mái hơn.
 
Ngày nay, những đơn vị tư nhân hay các nhà đầu tư nước ngoài vào cuộc. Có thể nhắc đến ở đây như: CGV, Lotte Cinema, Platinum Cineplex, BHD, Galaxy Cinema. Những cụm rạp này có số lượng phòng chiếu lớn, trang thiết bị hiện đại, không gian tích hợp cả ăn uống lẫn xem phim phù hợp với nhu cầu của giới trẻ.
 
Phim thì có nhiều loại từ 2D, 3D đến 4D, 5D, từ phim nội đến phim ngoại, giờ chiếu triền miên đến tận 23 giờ đêm, thoải mái chọn, thoải mái xem. Ngày xưa, mọi người đi xem phim là để thưởng thức phim, ngày nay đi xem phim cũng vừa để thưởng thức, giải trí, vừa để có chỗ hẹn hò lãng mạn. Đa số các rạp chiếu phim đều đặt ghế chờ ở mọi ngóc ngách trên sảnh chờ để các cặp đôi có thể tâm sự trước giờ chiếu.
 
Giá vé xem phim cũng hợp lý, chỉ từ 40.000-150.000 đồng/suất, tùy từng khung giờ xem và "sức nóng" của bộ phim. Một điểm dễ hút khách nữa của các rạp này là đều triển khai rất nhiều chương trình khuyến mãi dành cho người xem. Những khách hàng thường xuyên được đăng ký làm thẻ thành viên tích điểm. Điểm càng nhiều sẽ càng nhận được nhiều ưu đãi. Bên cạnh đó, các chương trình ưu đãi như: tặng vé miễn phí vào ngày sinh nhật, giá vé ngày thường cũng sẽ được giảm từ 5-25% so với ngày nghỉ, lễ, Tết, khuyến mãi giảm giá bán bắp rang bơ, nước uống vào một khung ngày, giờ cố định trong tuần, giảm giá cho học sinh, sinh viên.  
 
Một yếu tố nữa để kích cầu người xem là các rạp thường xuyên đưa thông tin phim và lịch chiếu lên mạng internet giúp mọi người dễ dàng tìm hiểu, lựa chọn. Qua đó, họ có thể sắp xếp công việc, bố trí thời gian phù hợp để xem những bộ phim yêu thích. 
 
 
Minh Phương 

Tin cùng chuyên mục

Khám phá Kempinski Hotel – sự lựa chọn “kín tiếng” của các hoàng gia thế giới

Khám phá Kempinski Hotel – sự lựa chọn “kín tiếng” của các hoàng gia thế giới

(PNTĐ) - Với việc mang sự sang trọng vượt thời gian của châu Âu đến khắp các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Singapore, Thái Lan và Indonesia; cùng yếu tố riêng tư được đề cao, nhiều trải nghiệm “độc quyền”… chuỗi khách sạn lâu đời nhất châu Âu - Kempinski Hotel từ lâu đã là một địa chỉ quen thuộc, và lựa chọn hàng đầu của giới hoàng gia hoặc siêu giàu trên khắp thế giới.
Cuộc thi ảnh nghệ thuật Hà Nội mở rộng mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Cuộc thi ảnh nghệ thuật Hà Nội mở rộng mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

(PNTĐ) - Cuộc thi Ảnh nghệ thuật Hà Nội mở rộng chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) có chủ đề “Thủ đô Hà Nội - Vị thế mới - Tầm vóc mới”. Cuộc thi nhằm tìm kiếm những tác phẩm nhiếp ảnh có giá trị nghệ thuật để tuyên truyền tới Nhân dân Thủ đô và cả nước về vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, trách nhiệm phát triển Thủ đô Hà Nội.
Sống đẹp như những đóa hoa mùa xuân

Sống đẹp như những đóa hoa mùa xuân

(PNTĐ) - Với nhiều bệnh nhân ở Bệnh viện K Tân Triều hay các nhân viên ở Bệnh viện Huyết học và Truyền máu Trung ương đã không còn xa lạ với hình ảnh một cô giáo, ca sĩ có khuôn mặt nhân hậu thường lui đến sẻ chia tấm lòng với những người có hoàn cảnh kém may mắn. Đó là chị Nguyễn Thị Thùy Dương (Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) – người đã được Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân trao tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” năm 2020.