Cải lương cần cách tân mạnh bạo hơn

Chia sẻ

PNTĐ-Các nghệ sĩ luôn trăn trở, đau đáu làm sao để lớp trẻ hiểu và yêu mến loại hình nghệ thuật cải lương cũng như để các chương trình cải lương có khán giả…

 
Nhiều năm nay, cải lương rơi vào trạng thái khá im ắng và vất vả để tồn tại giữa bối cảnh giải trí náo nhiệt. Các nghệ sĩ luôn trăn trở, đau đáu làm sao để lớp trẻ hiểu và yêu mến loại hình nghệ thuật cải lương cũng như để các chương trình cải lương có khán giả…
 
Cuộc trò chuyện tại toạ đàm “Cải lương cùng dòng chảy văn hóa” do Hội đồng Anh tổ chức mới đây tại Hà Nội, nhân kỷ niệm 100 năm hình thành nghệ thuật cải lương, các nghệ sĩ cải lương nổi tiếng của Hà Nội đã cùng nhau nói về những trăn trở này… 
 
Chênh vênh… cải lương
 
Theo NSƯT Phan Ngọc Chi - Nhà hát Cải lương Trung ương, cải lương là một loại ca kịch truyền thống của người dân Việt Nam, với sự đặc trưng mộc mạc giống như nguồn gốc của con người miền Nam mộc mạc và chân chất. Cải lương có nghĩa ban đầu là cải cách, đổi mới nghệ thuật hát bội. Cái tên "cải lương" xuất hiện lần đầu tiên trên bảng hiệu gánh hát Tân Thịnh vào năm 1920 nhưng trước đó, loại hình nghệ thuật này đã manh nha xuất hiện với sự ra đời của các ban tài tử đờn ca.
 
Trong quá trình phát triển, cải lương có nhiều đổi mới cho phù hợp với thời đại. Chẳng hạn, bên cạnh những nhạc cụ quen thuộc như đàn kìm, đàn tranh, cải lương đã đưa 2 loại nhạc cụ phương Tây vào là guitar phím lõm và violon. “Từ chỗ không có tên trong danh sách, hiện nay, hai loại nhạc cụ này vô cùng quan trọng với hát cải lương” - NSƯT Đào Văn Trung, cho hay.
 
Cải lương cần cách tân mạnh bạo hơn  - ảnh 1
Nghệ sĩ Ưu tú Đào Văn Trung

 
Nghệ sĩ Ngọc Chi kể, những năm 90, các nghệ thuật truyền thống như chèo, tuồng phải đưa những thứ mới mẻ vào để thu hút khán giả, cải lương cũng có sự thay đổi, bắt đầu có những vở diễn về tình yêu, lấy các kịch bản nước ngoài để hút khách như: Biển tình cay đắng, Lôi vũ, Một truyền thuyết tình yêu, Đôi dòng sữa mẹ… 
 
Ngoài ra, nghệ sĩ Ngọc Chi cũng lý giải thêm về những sự hiểu lầm của khán giả với cải lương, rằng nhiều người nghĩ cải lương lúc nào cũng buồn rầu nhưng sự thật loại hình nghệ thuật này có gần 300 làn điệu với đủ: hỉ - nộ - ái - ố.
 
Cải lương từng phát triển rực rỡ ở miền Bắc, khán giả xếp hàng mua vé, thậm chí muốn xem đoàn cải lương với các nghệ sĩ nổi tiếng rất khó. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các nghệ sĩ phải thừa nhận cải lương đang đứng ở bờ vực chênh vênh và có thể lụi tàn.Trước đây, hầu như không có tỉnh nào không có các đoàn cải lương nhưng hiện nay thì không còn nhiều.
 
Cải lương cần cách tân mạnh bạo hơn  - ảnh 2
Vở "Vua Thánh triều Lê" của Nhà hát Cải lương Việt Nam do NSƯT Ngọc Chi chuyển thể

 
Thủ đô Hà Nội hiện có Nhà hát Cải lương Việt Nam và các đoàn cải lương nổi tiếng như: Đoàn Cải lương Kim Phụng, Đoàn cải lương Chuông Vàng, Đoàn cải lương Hoa Mai (của Hà Tây cũ). Tuy nhiên các đoàn đều không hoạt động sôi động khiến cải lương cũng bị thu hẹp dần khán giả, rất khó khăn cho sự phát triển. Các đoàn, các nghệ sĩ đã cùng nhau tìm nhiều cách để chấn hưng cải lương đất Bắc. Hiện nay, cách để các đoàn, các nghệ sĩ đang hướng tới là việc đổi mới, cách tân mạnh bạo nghệ thuật cải lương. 
 
Muốn “sống” phải cách tân mạnh bạo
 
Trả lời câu hỏi sức sống của cải lương hiện nay như thế nào, NSƯT Đào Văn Trung nhận định: “Cũng giống những loại hình nghệ thuật truyền thống khác, cải lương cũng bị cạnh tranh bởi các loại hình giải trí và phương tiện truyền thông phát triển, khán giả ngày càng có nhiều lựa chọn hơn. Chưa đến mức khủng hoảng nhưng nếu không được Nhà nước “bao cấp” thì cũng… nan giải đấy”.
 
NSƯT Đỗ Thục Vân cho hay: “Hiện có nhiều loại hình nghệ thuật cho khán giả lựa chọn và cải lương đứng bên bờ vực cũng dễ hiểu. Không phải chúng tôi không nỗ lực, nhưng cũng khó lắm nếu không có kinh phí để đầu tư chuyên sâu. Trong lúc chờ đợi được quan tâm, chúng tôi không thể “chờ chết”, hiện tại chúng tôi phải tự bơi. Bởi có ít hợp đồng nên chúng tôi không biểu diễn vở dài mà xây dựng các chương trình ca nhạc tạp kỹ, hát các thể loại, trích đoạn dài, trích đoạn kịch ngắn…
 
Cải lương cần cách tân mạnh bạo hơn  - ảnh 3
NSƯT Phan Ngọc Chi và NSƯT Đỗ Thục Vân

 
Để cải thiện đời sống cho anh em nghệ sĩ, chúng tôi phải tìm cách khoác cho cải lương tấm áo mới, bằng cách này cách khác. Cải lương thay đổi ghê gớm lắm, thay đổi từng ngày. Chúng tôi dựng vở cải lương và đưa tân cổ, những ca khúc nhạc đỏ, nhạc vàng… và được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Điều đặc biệt là cải lương kết hợp với các thể loại khác, chẳng hạn như bolero rất hợp, ngọt ngào, pha quyện…”.
 
NSƯT Đào Văn Trung thì cho rằng, cải lương cần cách tân một cách mạnh bạo hơn, bản thân nó được quyền như vậy. “Nếu đông khán giả thì không phải nghĩ, có lượng fan, có nguồn thu nhập thì việc cải tiến sẽ không phải là bức thiết.
 
Tôi khát khao làm mới cải lương bởi tôi cho rằng không chỉ cải lương mà bất cứ loại hình nghệ thuật nào cũng nên được phép làm những thứ nó muốn, chỉ cần không làm điều gì sai. Tôi chỉ mong mang được những thứ chân thiện mỹ đẹp nhất mà mình nhìn thấy ở cải lương cho người dân Việt Nam hoặc thế giới thấy được. Mình phải mang ra để có người nuôi nó, để trường tồn chứ không để nó là cây tầm gửi” – anh nói.
 
Nghệ sĩ Đào Văn Trung cũng chia sẻ, anh đang ấp ủ một dự án cách tân cải lương một cách táo bạo, làm cải lương thật hay để người muốn nghe phải trả tiền, phải “đặt hàng”. “Không biết có phải tôi là người tiên phong hay không nhưng tôi phải làm bởi mong muốn cải lương sẽ sống được bằng chính nội lực, bằng vẻ đẹp, vẻ đặc trưng của nó” – nghệ sĩ nhấn mạnh.
 
 
Nguyên Vũ

Tin cùng chuyên mục

Xúc động xem MV huyền thoại saxophone Kenny G quảng bá vẻ đẹp Hà Nội

Xúc động xem MV huyền thoại saxophone Kenny G quảng bá vẻ đẹp Hà Nội

(PNTĐ) - Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV “Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc "Going Home" tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.
Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

(PNTĐ) - Vừa qua, tại tỉnh Điện Biên, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức ra mắt, giới thiệu bộ sách 6 cuốn Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân (tiếng Việt và song ngữ gồm 5 ngoại ngữ: Việt - Anh, Việt - Pháp, Việt - Tây Ban Nha, Việt - Trung, Việt - Ả rập) nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.