Hà Nội: Quyết liệt phòng, chống sốt xuất huyết

Chia sẻ

PNTĐ-Trước nguy cơ sốt xuất huyết (SXH) có dấu hiệu gia tăng. Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành văn bản khẩn, chỉ đạo các đơn vị trong và ngoài công lập tăng cường phòng chống, điều trị SXH.

 
Trước nguy cơ sốt xuất huyết (SXH) có dấu hiệu gia tăng, bùng phát không theo quy luật, Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành văn bản khẩn, chỉ đạo các đơn vị y tế trong và ngoài công lập tăng cường triển khai biện pháp phòng chống, điều trị SXH.
 
SXH có thể diễn biến phức tạp
 
Thông tin tại “Hội nghị tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết năm 2019” do Bộ Y tế tổ chức sáng 19/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Từ đầu 2019 đến nay, cả nước ghi nhận trên 80.000 trường hợp mắc SXH gấp 3 lần so với cùng kỳ 2018, trong đó có 6 trường hợp đã tử vong. Dự báo bệnh SXH trong thời gian tới có thể diễn biến phức tạp, nhất là khi tình hình SXH tại nhiều nước trong khu vực vẫn đang gia tăng.
 
Theo ông Nguyễn Đức Khoa - Phó trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế): Trước đây, SXH có thể tuân theo quy luật 3, 4 năm bùng phát một dịch lớn. Nhưng hiện nay, do ảnh hưởng của đô thị hoá, thay đổi về môi trường, khí hậu, mưa, nắng thất thường, việc di chuyển dân cư, giao lưu đi lại giữa các vùng miền… SXH có thể bùng phát không theo quy luật, đồng thời có nguy cơ lan rộng, khó kiểm soát nguồn truyền bệnh.
 
Hà Nội: Quyết liệt phòng, chống sốt xuất huyết - ảnh 1
Phun thuốc diệt muỗi, ngăn ngừa SXH tại phường Đông Ngạc (Q. Bắc Từ Liêm, HN)

 
Tại Hà Nội, lũy tích từ đầu 2019, toàn thành phố có gần 1.000 trường hợp mắc SXH Dengue. Các ca mắc rải rác tại 92 xã, phường, thị trấn của 22 quận, huyện, thị xã. Ông Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho hay, mặc dù số ca mắc SXH toàn thành phố giảm so với cùng kỳ của giai đoạn 5 năm (từ 2014 - 2018) và chưa ghi nhận ca bệnh tử vong, tuy nhiên dịch bệnh lại có xu hướng gia tăng nhanh trong các tuần đầu tháng 7 so với các tháng trước.
 
Ghi nhận ở bệnh viện Đa khoa Đống Đa (Hà Nội), ThS.BS Nguyễn Thái Minh - Trưởng khoa Truyền nhiễm thông tin: Thời điểm tháng 5, 6, trung bình chỉ có 2-3 bệnh nhân SXH khám, điều trị mỗi ngày; nhưng từ đầu tháng 7 tới nay, con số này tăng lên khoảng 10 ca bệnh/ngày. Sang tháng 8, khi mùa mưa bão đến, SXH sẽ có khả năng bùng phát nhanh và rộng. 
 
Chủ động phòng, chống SXH từ cơ sở
 
Nhằm sớm ngăn chặn sự phát triển của mầm mống gây bệnh SXH, ngay tuần qua, ngành chức năng đã tổ chức 94 chiến dịch phun hóa chất phòng chống SXH huyết tại 13 quận, huyện; 86% hộ gia đình trong khu vực nguy cơ được phun thuốc muỗi… Cơ sở y tế các quận/ huyện, xã/phường cũng rất tích cực phối hợp với chính quyền và nhân dân địa phương tổ chức nhiều hoạt động phòng, chống SXH.
 
Phường Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) hiện có 13 tổ dân phố, 24.122 nhân khẩu, 2 tòa nhà chung cư, trong đó tỷ lệ dân nhập cư khá cao, nhiều khu trọ và công trình đang xây dựng… tiềm ẩn không ít nguy cơ gây ra SXH.
 
Ông Nguyễn Minh Phúc - Trạm trưởng Trạm y tế (TYT) phường Đông Ngạc thông tin: Ngay từ đầu 2019, đơn vị đã tham mưu cho Đảng ủy, UBND kế hoạch phòng chống SXH; tổ chức 2 cuộc tuyên truyền, tổng vệ sinh toàn phường; thành lập Tổ xung kích phòng chống SXH với nhân lực 46 người/ 13 tổ dân phố; mua 500-600 con cá thả vào các bể hở, tuyên truyền người dân làm nắp kín để diệt bọ gậy… TYT cũng đã chuẩn bị kỹ lưỡng công tác phát hiện, điều trị bệnh nhân SXH thể nhẹ. Với bệnh nhân thể nặng, TYT sẽ hướng dẫn chuyển bệnh nhân tới bệnh viện điều trị…
 
“Được Sở Y tế Hà Nội giao là chuyên khoa đầu ngành trong lĩnh vực Truyền nhiễm, thời gian qua, bệnh viện Đa khoa Đống Đa cũng đã có kế hoạch cụ thể, sẵn sàng trong công tác thu dung, phân loại, điều trị bệnh nhân SXH” - ThS.BS Nguyễn Thái Minh khẳng định. Nếu số ca SXH tới khám, điều trị dưới 100 ca bệnh/ ngày, bệnh viện sẽ tổ chức điều trị tại khoa Truyền nhiễm, mỗi ca có 3 kíp với sự bổ sung của bác sĩ, điều dưỡng bệnh viện; sử dụng thêm diện tích hành lang để kê giường bệnh. Nếu số ca bệnh tăng lên trên 100 ca/ ngày, đơn vị sẽ huy động thêm một số khoa/ phòng: khoa khám bệnh, điều trị ban ngày, thậm chí phòng khám chuyên khoa gan mới đi vào hoạt động… để tăng khả năng khám, chữa bệnh cho người dân…
 
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Minh Phúc, do SXH chưa có vắc-xin phòng bệnh nên biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất là diệt muỗi, bọ gậy và phòng tránh muỗi đốt. Trừ biện pháp phun diệt muỗi do ngành y tế thực hiện khi muỗi bùng phát quá nhiều, còn các biện pháp cần có sự vào cuộc, thực hiện của toàn dân.
 
Bên cạnh đó, ThS.BS Minh cũng khuyến cáo: Với những trường hợp nghi mắc hoặc mắc SXH thể nhẹ, người bệnh có thể tới TYT xã, phường để được chăm sóc theo đúng hướng dẫn chuẩn đoán điều trị SXH của Bộ Y tế. Một số phòng khám tư nhân hiện nay chưa nắm rõ cách điều trị bệnh SXH nên có thể điều trị không đúng, góp phần làm nặng thêm tình trạng bệnh. 
 
Thảo Hương

Tin cùng chuyên mục

Hội nghị quốc tế về “Quản lý đường thở WAAM” lần đầu tổ chức tại Đông Nam Á

Hội nghị quốc tế về “Quản lý đường thở WAAM” lần đầu tổ chức tại Đông Nam Á

(PNTĐ) - Hội nghị WAAM kéo dài 2 ngày, với phiên 6 làm việc, được tổ chức ngày 13/4 tại BVĐK Hồng Ngọc và ngày 14/4 tại BV Hữu Nghị Việt Đức, thu hút gần 600 y bác sĩ tham dự trực tiếp và 1000 bác sĩ tham dự trực tuyến. Tại Hội nghị, các khách mời đã được nghe một số tham luận tính thực tiễn cao như: Quản lý đường thở của u thanh quản, Đánh giá trước phẫu thuật đường thở khó, Hiệu quản dự trữ oxy, Rút ống nội khí quản khó, Đường thở khó ở trẻ em...