Nhật Bản khủng hoảng chỗ trông trẻ

Chia sẻ

PNTĐ-Khi Nghị sĩ Nhật Bản Yuka Ogata định mang con 7 tháng tuổi vào nghị viện thành phố, bà hy vọng sẽ tạo tiền lệ cho các bà mẹ làm việc.Tuy nhiên, cuối cùng, bà bị buộc phải rời đi...

 
Khi Nghị sĩ Nhật Bản Yuka Ogata định mang con 7 tháng tuổi vào nghị viện thành phố Kumamoto, bà hy vọng sẽ tạo ra tiền lệ cho các bà mẹ làm việc. Tuy nhiên, cuối cùng, bà lại bị buộc phải rời đi và chỉ được vào nghị viện sau khi gửi con trai cho một người bạn trông hộ. 
 
Trong khi những chính khách khác như Thượng Nghị sĩ Mỹ Tammy Duckworth và Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern được chào mừng khi mang con tới Quốc hội thì trải nghiệm của bà Ogata năm 2017 cho thấy cuộc đấu tranh của các bà mẹ Nhật Bản ở nơi làm việc vẫn gian khó.
 
Nhật Bản khủng hoảng chỗ trông trẻ - ảnh 1
Không phải bố mẹ nào ở Nhật Bản cũng tìm được nơi trông con ban ngày

Nhiều thách thức khi người mẹ đi làm
 
Chính phủ của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã dành 6 năm qua để khuyến khích phụ nữ gia nhập lực lượng lao động, coi đây là sáng kiến để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở một quốc gia có dân số già hóa và lực lượng lao động suy giảm.
 
Khoảng 71,3% phụ nữ Nhật Bản trong độ tuổi làm việc chính đang có một loại công việc nào đó. Tuy nhiên, khi những phụ nữ này gia nhập lực lượng lao động, họ gặp phải khó khăn khi tìm nơi trông trẻ ban ngày. Họ cho biết hệ thống này ở Nhật Bản vừa quá tải trầm trọng, vừa quan liêu nặng nề.
 
Trước hết, các cha mẹ được xếp hạng theo một hệ thống phức tạp do chính quyền địa phương quản lý. Họ nhận được điểm dựa trên những tiêu chí như tình trạng công việc, thu nhập, có thuê người trông trẻ không, có bố mẹ sống cùng không. Ai có điểm cao nhất sẽ có cơ hội sớm nhất đăng ký gửi con vào cơ sở trông trẻ công lập điểm hoặc một cơ sở tư nhân do Chính phủ tài trợ.
 
Thỉnh thoảng họ được phân cho chỗ gửi trẻ ở đầu kia thành phố hoặc con bé được nhận ở cơ sở này, còn con lớn lại được nhận ở cơ sở khác. Tính tới tháng 10/2018, có 47.198 trẻ đang ở trong danh sách chờ vào các trung tâm trông trẻ toàn quốc. 
 
Các chuyên gia cho rằng phụ nữ Nhật Bản bị phân biệt đối xử nặng nề tại nơi làm việc vì họ bị coi là ít gắn bó với công việc do họ có khả năng sẽ sinh con.
 
Theo bà Machiko Osawa, Giám đốc Viện Nghiên cứu vì Phụ nữ và nghề nghiệp tại đại học Phụ nữ Nhật Bản, phụ nữ bị nhìn nhận là ưu tiên cuộc sống gia đình hơn là công ty, ví dụ như khi họ rời công ty đúng giờ để đón con. Với họ, cơ hội thăng tiến và tăng lương hầu như không có.
 
Bình thường phụ nữ ở Nhật Bản làm việc nhà và trông con khoảng 3,5 tiếng mỗi ngày. Còn đàn ông chỉ dành 45 phút. Đàn ông Nhật Bản làm ít việc không lương trong một ngày so với phụ nữ nhất trong các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế.
 
Nhiệm vụ khó khăn
 
Sự thiếu thốn của hệ thống trông trẻ đã khiến một nhóm phụ huynh thành lập một tổ chức gọi là Miracao nhằm giúp các cha mẹ đi làm có cuộc sống dễ thở hơn.
 
Miracao gây áp lực để chính phủ đầu tư thời gian, tiền bạc và công sức để chấm dứt tình trạng thiếu nơi trông trẻ. Tổ chức đã tạo hashtag WantDaycare (Muốn nơi trông trẻ ban ngày) và đề nghị các bà mẹ đăng thư từ chối do chính quyền địa phương gửi lên mạng. Họ tổ chức tập hợp thường niên để giơ biểu ngữ phản đối, tổ chức các diễn đàn và gửi khảo sát cho chính trị gia đề nghị họ cho biết ý kiến về vấn đề trông trẻ. Nỗ lực của họ đã khiến các chính trị gia không thể né tránh tình trạng thiếu chỗ trông trẻ.
 
Tuy nhiên, dù gia tăng áp lực dư luận nhưng việc chấm dứt tình trạng trên không dễ dàng. Viện Nghiên cứu Nomura ước tính tới năm 2023, Nhật Bản sẽ cần bổ sung 279.000 trung tâm trông trẻ mới khi phụ nữ đi làm ngày càng nhiều hơn.
 
Đây có thể là một nhiệm vụ khó khăn với Nhật Bản - nước có tỷ lệ nợ công so với tổng sản phẩm quốc nội cao nhất thế giới và đang đối mặt gánh nặng chăm sóc dân số già hóa. Số liệu cho thấy Nhật Bản chi ít tiền vào chăm sóc trẻ hơn phần lớn nước phát triển khác.
 
Có nhiều cách mà các nhà hoạt động cho rằng Chính phủ có thể tăng số lượng trung tâm trông trẻ. Chính phủ có thể đầu tư tiền vào khu vực tư nhân, nới lỏng hạn chế xây dựng trung tâm trông trẻ ví dụ luật cấm dùng tòa nhà cao tầng hoặc nơi thiếu không gian bên ngoài làm nơi trông trẻ…
 
Tuy nhiên, những người muốn thay đổi hệ thống trên ở Nhật Bản lại hầu như không thể tìm được nữ chính khách nào ủng hộ. Đơn giản là vì Nhật Bản có quá ít phụ nữ tham gia chính trường. Nội các hiện nay chỉ có một thành viên nữ. Tại khu vực bảo thủ thì có tới 1/3 hội đồng địa phương không có thành viên nữ nào.
 
Trở lại với bà Ogata, sau trải nghiệm gây sốc trên, bà đã bị khủng hoảng trong một thời gian sau đó. Tuy nhiên, bà vẫn nỗ lực và tái đắc cử thành công. Trước khi bà vào Hội đồng thành phố Kumamoto, Hội đồng này không có tiếng nói nào đại diện cho những bà mẹ như bà. Giờ họ đã có một đại diện nữ và bà Ogata rất coi trong nhiệm vụ đó.
 
 
Dương Thùy (theo CNN) 

Tin cùng chuyên mục

Bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

Bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

(PNTĐ) - Ông Phạm Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á, Bộ Ngoại giao vừa được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam. Đáng chú ý, ông Phạm Thanh Bình được tiến cử làm Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc với thời hạn nhiệm kỳ 5 năm thay cho ông Phạm Sao Mai.
Công dân Việt Nam vẫn an toàn giữa căng thẳng Iran-Israel

Công dân Việt Nam vẫn an toàn giữa căng thẳng Iran-Israel

(PNTĐ) - Đại sứ quán Việt Nam tại Israel và Iran tiếp tục ra thông báo khuyến cáo công dân các biện pháp bảo đảm an toàn trước tình hình xung đột leo thang phức tạp giữa Israel và Iran. Đồng thời, Đại sứ Israel tại Việt Nam khẳng định, Israel cam kết bảo đảm an toàn cho công dân Việt Nam.