Nỗi khổ đàn ông

Chia sẻ

PNTĐ-Phụ nữ đau khổ, có thể tâm sự với bạn bè, người thân, tìm sự chia sẻ, đồng cảm, nhưng đàn ông khổ sở, ít dám kêu ai, ngậm đắng nuốt cay, tự suy nghĩ, tự xoay sở...

 
Có anh nghĩ tốt nên được việc, có anh nghĩ sai, hỏng việc. Thậm chí có anh bất lực, đành tìm đến những thói quen tệ hại như rượu chè, cờ bạc, hay những mối quan hệ mới để tạm quên đi những nỗi lo lắng, khổ sở của bản thân. Những nỗi khổ của đàn ông không phải ai cũng hiểu…
  
Nỗi khổ thua kém phụ nữ
 
Nghe thì thấy vô lý, nhưng từ bao đời nay, là người đàn ông được coi như phải “hơn vợ một cái đầu”, cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Cứ thử theo dõi các chương trình truyền hình như gameshow “Bạn muốn hẹn hò”, chúng ta dễ dàng nhận ra rằng, dù thời đại đã thay đổi khá nhiều, nhưng những chị em muốn tìm kiếm người yêu, bạn đời đều có chung những mong muốn như: Anh ấy phải cao hơn em, hình thức dễ nhìn, có công ăn việc làm ổn định, thu nhập đảm bảo, là chỗ dựa cho vợ con, có ý thức trách nhiệm, không gia trưởng, không ham mê cá độ, nhậu nhẹt, phải có kỹ năng giao tiếp, ứng xử tốt với mọi người, nhất là với nhà ngoại, lịch sự, biết đồng cảm, chia sẻ, lắng nghe…
 
Nghe qua thì đơn giản, nhưng không phải người đàn ông nào cũng hội tụ đủ những yêu cầu của phụ nữ. Phụ nữ ngày nay có nhiều tiến bộ, trong nhiều lĩnh vực, họ đã bỏ xa đàn ông. Càng tiến bộ, thì đòi hỏi của họ càng cao, khiến nhiều anh đàn ông “chết khiếp”.
 
Nỗi khổ đàn ông - ảnh 1
Ảnh minh họa

 
Hưng là chàng trai sinh viên năm thứ tư của một trường đại học. Ngoài việc học tập, anh chỉ biết lao đi kiếm việc làm thêm để có thu nhập, trang trải cuộc sống, chứ không tham gia các hoạt động của trường, của lớp. Đặc biệt, 4 năm học ở đại học, anh chưa dám làm quen với bạn gái nào. Khi được hỏi lý do, anh thú nhận rằng: “Em không đẹp trai, lại chỉ cao 1m60, đi xe đạp điện, bố mẹ mỗi tháng gửi cho 1 triệu, còn em phải tự túc… thì cô gái nào dám yêu?”.
 
Khi được nhắc nhở rằng hình như em “vợ đũa cả nắm”, đánh giá con gái thấp quá, không phải cô gái nào cũng ham đẹp trai, ham giàu, ham xe đẹp, thì Hưng đã lấy một số ví dụ để chứng minh. Bạn cùng lớp với Hưng tên là Duy, có người yêu hai năm, thân mật lắm, đã sống với nhau không khác gì vợ chồng. Thế mà đùng một cái, cô người yêu chia tay, chạy theo một anh đẹp trai, học khóa trên, khi biết anh ta là con nhà khá giả, đi xe đẹp, điện thoại đắt tiền.
 
Tiến ra trường 7 năm, đi làm cho một công ty ở Hà Nội, lương tháng gần chục triệu, ở nhà thuê. Đẹp trai, cao ráo, sáng sủa, có tài lẻ như hát karaoke hay, biết mấy môn thể thao. Vậy mà gia đình thúc giục lấy vợ, bạn bè giới thiệu với cô này, cô khác, Tiến vẫn chưa dám. Nhiều bạn trai còn trêu Tiến rằng hay là anh không thích con gái, không muốn lấy vợ, mà đợi lấy chồng?
 
Tiến tâm sự thật rằng con gái thời nay có giá lắm. Họ chỉ thích mình đẹp trai khi là người yêu cho vui thôi, chứ khi quyết định lấy chồng, họ rất tỉnh táo. Họ chọn những người đàn ông thành đạt, nhiều tiền, có thể đưa họ đi du lịch, làm cho họ hãnh diện. Tiến còn lấy câu của một hot girl “không có tiền cạp đất ra mà ăn à” để làm dẫn chứng. Anh ngày càng co mình lại sau một hai lần thất vọng vì tình yêu.
 
Một lần, anh bị cô bạn gái mới quen lạnh nhạt hẳn khi nói rằng anh ở nhà thuê. Khi anh đến đón cô bạn gái đi chơi bằng xe máy, cô ấy kiên quyết không đi, nói rằng đi xe máy nắng, nóng, bụi bặm, thà gọi grab hay taxi mà đi còn hơn. Tiến thề, cứ sống thế này, làm ăn tích cóp, bao giờ có xe ô tô, có tiền mua được căn hộ chung cư thì mới dám lấy vợ. 
 
Anh Văn đã 40 tuổi, có một vợ, hai con, cuộc sống ai cũng nói là yên ổn, sung sướng. Chỉ có anh, trong lòng vẫn có một nỗi khổ không dám nói cùng ai. Học cùng đại học với nhau, ra trường vợ anh may mắn vào một cơ quan nhà nước, còn anh làm công ty liên doanh. Vợ anh tháo vát, thông minh, giao tiếp tốt, chuyên môn vững, được các sếp và anh chị em trong cơ quan quý mến, tín nhiệm.
 
Thế là chỉ hơn chục năm, cô ấy đã trở thành trưởng phòng. Dù tay nghề cứng, anh vẫn chỉ là anh “kỹ sư có tay nghề cao”. Công việc của anh có giờ, có giấc, có ngày nghỉ, ngày lễ, có phép, còn vợ anh thì bận rộn với nhiều công việc khác nhau. Ngày lễ, cô ấy đi cùng đoàn cán bộ tới thăm hỏi, tặng quà đối tượng xã hội. Ngày nghỉ, cô ấy cũng bận giải quyết công việc xảy ra bất chợt, có khi sau một cuộc điện thoại, cô ấy lại tất tả ra đi vì ở phường nọ, cơ quan kia có “sự vụ”. Có hôm, anh muốn cả nhà đi chơi thì bất chợt có khách đến bàn bạc, xin ý kiến vợ anh về việc tổ chức đại hội, hội nghị.
 
Trong lời ăn tiếng nói của vợ anh, tần suất những từ ngữ như triển khai, kiểm tra đôn đốc, giám sát, quyết liệt, chỉ thị, quy định, quy trình… Anh nhận ra mình kém cỏi trong con mắt của vợ. Con cái đã có bác giúp việc trông coi, chăm sóc, nên anh thấy mình như thừa ra. Nhiều hôm, anh phải chạy xe lòng vòng thành phố, ngồi quán cà phê nọ, đến chỗ kia cho hết giờ. Ai cũng bảo anh sướng, anh chỉ cười, không lẽ lại bảo: “Tôi đang khổ sở về chuyện có vợ giỏi quá đây này?”.
 
Những nỗi khổ từ trên trời rơi xuống
 
Thật ra, không ai dại dột tới mức tự làm khổ mình, nhưng đàn ông họ có những nỗi khổ “không ai mong muốn”. Họ không có lỗi, lỗi là những quan niệm, những định kiến đã từ lâu ăn sâu, gán ghép cho họ khiến họ phải gồng mình lên để chống chọi.
 
Nỗi khổ đàn ông - ảnh 2
Ảnh minh họa

 
Làm đàn ông khổ ngay từ khi sinh ra. Đứa trẻ trai vừa lọt lòng đã bị khoác lên vai trọng trách “nối dõi tông đường” với rất nhiều kì vọng. Con trai phải mạnh mẽ, phải khỏe, phải học giỏi để sau này thành đạt, kiếm nhiều tiền, nuôi bố mẹ, làm chỗ dựa cho gia đình. Là con trai không được khóc, bởi khóc bị gọi là “con gái”, là mít ướt. Con trai học kém bị mắng mỏ, bị so sánh rằng “cái Hoa nó là con gái, nó còn học giỏi, mình thì học kém, hóa ra thua cả con gái à”.
 
Con trai cười to, cười nhiều bị coi là vô duyên, ăn nói nhẹ nhàng, giỏi thơ văn bị cho là giàu nữ tính, thích thi đại học và các ngành văn hóa, nghệ thuật, báo chí, du lịch… bị cho là những ngành nghề của phụ nữ. Hát hay, múa dẻo, nhảy dẻo, bị nghi ngờ là “giới tính không rõ ràng”. Muốn bỏ không học đại học, đi làm kiếm tiền ngay, nhường sự học cho em gái vì cô ấy học khá, bị bố mẹ mắng là “con trai không có học vấn, không có bằng cấp, sau này chỉ lấy công nhân”.
 
Lớn lên, con trai đi học, cũng khổ nhiều thứ. Con trai không tham gia đội bóng của trường, của lớp, bị thầy cô, bạn bè trêu là “con gái”. Con trai học không giỏi các môn tự nhiên, khoa học, kỹ thuật, nhưng lại viết chữ đẹp, tham gia đội văn nghệ của lớp, tích cực viết báo tường, tập san cho lớp, học giỏi môn Văn cũng cảm thấy khổ sở vì không giống con trai. Con trai nghịch ngợm, hiếu động, da đen, vụng về, bừa bãi thì bị coi là “học sinh cá biệt”, nhưng hiền, ngoan, xinh trai, trắng trẻo cũng bị các bạn trai trêu “làm bạn gái anh nhé”. 
 
Là thanh niên, biết uống rượu, bia, hút thuốc lá, bị coi là “lao vào tệ nạn sớm”, nhưng nếu đi chơi với nhóm bạn, nhất là bạn gái, mà chỉ uống sinh tố, nước cam, sữa tươi, sẽ bị nhiều người nhìn với con mắt “ngạc nhiên chưa”.
 
Có bạn gái, có người yêu, đàn ông đi chơi là phải lo kinh phí, dù không có quy định nào như thế. Tuy nhiên, nếu đàn ông không chi tiền nước, cà phê, tiền ăn uống, dễ bị coi là ki bo, kẹt xỉ, không ga lăng, thiếu nam tính. Tình yêu đủ lớn, nếu đàn ông không có dấu hiệu đòi hỏi gần gũi bạn gái, dễ bị nghi ngờ giới tính, nhưng nếu họ đề nghị, đề xuất, đòi hỏi, rất dễ bị giận, bị mắng là “Anh chỉ cần cái đó chứ yêu thương gì tôi”. Thật là khổ sở!
 
Lấy vợ rồi đàn ông rơi vào cảnh mới trăm đường khổ sở. Thấp hơn vợ cũng ngại đi chơi, đi ngang hàng. Hình thức xấu hơn vợ cũng không tự tin đi cùng vợ tới chỗ đông người, nhất là tới những nơi có đông bạn bè, chỉ sợ người ta bảo “chồng cú vợ tiên”. Có vợ kiếm được nhiều tiền hơn cũng phải “đi nhẹ nói khẽ”, sợ cô ấy nói “đã không làm ra tiền còn tinh tướng”.
 
Nếu vợ làm sếp, chẳng ai sung sướng gì khi nhận danh hiệu “chồng của sếp”, khác hẳn phụ nữ sẽ tự hào khi có chồng thành đạt và tự hào nhận danh hiệu “sếp bà”. Phụ nữ làm dâu là chuyện thường tình, nhưng đàn ông “ở rể” cũng không phải ai cũng thấy thoải mái, mặc dù nhà vợ có một mình vợ là con duy nhất. Phụ nữ lấy người đàn ông hơn cả chục, thậm chí 2 chục tuổi cũng không phải là vấn đề đáng bàn, nhưng đàn ông mà thua vợ dăm tuổi thôi là người chồng được trao danh hiệu “phi công trẻ lái máy bay bà già”. Sinh toàn con gái, vợ mang kiến thức khoa học ra chứng minh là “tại anh”, còn bạn bè trêu chọc là “ăn chơi đi, tích cóp tiền làm gì, cũng chỉ là xây nhà tình nghĩa thôi, con rể ở là chính!”.
 
Cay đắng lắm, không phải anh đàn ông nào cũng đủ bản lĩnh, đủ lý luận để “bật lại”. Đàn ông ngoại tình cũng bị gán cho đủ tiếng xấu như hám sắc, dại gái, mất nết. Tuy nhiên, nếu không may người nào có vợ ngoại tình, người ta cũng xì xèo: “chắc anh này yếu, không đáp ứng được cho vợ nên vợ mới đi ăn vụng!”. Vì thế, đàn ông bị cắm sừng nhưng ít người lu loa, làm to chuyện, bởi “Mình nhục chứ ai nhục”. 
 
Sinh ra với trăm nỗi khổ không chia sẻ cùng ai. Nhiều người phụ nữ, khi được học, được tham gia, được nghiên cứu, được chia sẻ mới nói rằng: “Bây giờ tôi mới nhận ra, đàn ông họ cũng khổ thật, cũng thương, nhưng chẳng biết làm sao gánh đỡ họ gánh nặng ấy được”. 
 
Là con người, ai cũng cất tiếng khóc chào đời như nhau, ai cũng chẳng có gì trên thân thể như nhau, có khác nhau chỉ là giới tính. Vậy mà càng lớn lên, đàn ông và phụ nữ càng trở nên khác nhau, thậm chí đến mức không hiểu nhau. Tất cả những sự khác biệt ấy do văn hóa, do giáo dục, do phong tục, do định kiến mà thành. Hóa ra, trời không làm khổ ai, chỉ có con người làm khổ nhau, khi đặt ra những ràng buộc, những khuôn thước, bắt đàn ông phải thế này, phụ nữ phải thế kia”.
 
Đó là định kiến giới. Xóa bỏ định kiến giới, đấu tranh vì bình đẳng giới không phải chỉ mang lại lợi ích cho phụ nữ, mà nó còn cởi bỏ gánh nặng, tháo gỡ những “nỗi khổ không ai mong muốn” của đàn ông. Chỉ khi đàn ông có ý thức, cùng tham gia vào quá trình này, họ mới cởi bỏ được gánh nặng, mới được sống theo những gì mình có, mình muốn, mình thích.
 
 
Duy Bình

Tin cùng chuyên mục

Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.