Giữ lành “cửa sổ tâm hồn”

Chia sẻ

PNTĐ-Khi bị chắp mắt, lẹo mắt, để giữ cho “cửa sổ tâm hồn” được nhanh lành bệnh, bạn cần chú ý nhiều đến cách chăm sóc đúng cách, khoa học theo chỉ dẫn của bác sĩ.

 
Theo chuyên gia của bệnh viện Mắt Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh), khi bị chắp mắt, lẹo mắt, để giữ cho “cửa sổ tâm hồn” được nhanh lành bệnh, bạn cần chú ý nhiều đến cách chăm sóc đúng cách, khoa học theo chỉ dẫn của bác sĩ. 
 
Giữ lành “cửa sổ tâm hồn”  - ảnh 1
Ảnh minh họa

 
Nhận diện chắp và lẹo
 
Chắp và lẹo là các chứng sưng không lây nhiễm thường gặp ở mi mắt. Đây là hai dạng khác biệt, nhưng lại hay bị nhầm lẫn với nhau. Bệnh nhân dễ bị chắp và lẹo nếu có tiền sử bị viêm mí mắt, da mụn viêm đỏ, mắc bệnh tiểu đường và một số bệnh khác.
 
Cụ thể, lẹo (hordeolum) là chứng viêm cấp tính do nhiễm trùng ở mi mắt bởi tụ cầu khuẩn gây nên. Lẹo thường xuất hiện sát bờ mi khiến mi mắt sưng đỏ, ngứa và đau nhức. Tại chỗ đau sưng lên khối mủ đỏ nhìn như mụn nhọt hay u nhỏ. Lẹo sẽ xẹp sau khi vỡ mủ, nhưng về sau có thể tái xuất hiện ở vị trí khác trên mắt. Có hai loại lẹo: Lẹo ngoài mí mắt: mọc bên ngoài bờ mi, hầu hết do nhiễm trùng từ tuyến Zeis; Và lẹo trong mí mắt: mọc bên trong bờ mi, hầu hết do nhiễm trùng từ tuyến meibomian.
 
Chắp (chalazion) là chứng sưng phù trên mi mắt. Khác với lẹo hình thành do viêm nhiễm, chắp hình thành do tắc nghẽn tuyến dầu trên mi mắt. Chỗ bị chắp nếu sưng quá to có thể khiến mắt bị mờ. Thông thường, chắp sưng trên mắt từ 2 đến 8 tuần, ít khi có trường hợp lâu hơn.
 
Chắp dễ bị nhầm với lẹo, nhưng chắp thường sưng to hơn lẹo và ít đau hơn nhiều, thậm chí là không đau. Nếu lẹo (do viêm nhiễm) trong mí mắt không lành và xẹp hẳn, chỗ sưng có thể bị tắc và biến chứng thành chắp.
 
Cách chăm sóc
 
Theo chuyên gia của bệnh viện Mắt Sài Gòn, khi bị các bệnh về mắt, bên cạnh việc phát hiện bệnh qua các triệu chứng cơ bản, đưa người bệnh đi khám ở bệnh viện, hay cơ sở y tế chuyên khoa mắt uy tín, cần có cách chăm sóc mắt khoa học.
 
Theo đó, để làm giảm đau các chỗ lẹo và chắp, người bệnh có thể dùng khăn sạch hoặc bông dùng một lần nhúng vào nước rất ấm, hoặc nước muối ấm. Đặt lên mi mắt khoảng 10 phút, mỗi ngày 3 - 5 lần. Độ ấm sẽ giúp giảm viêm và giảm tắc nghẽn ở tuyến dầu trên mí mắt. Có thể mát-xa nhẹ nhàng vùng quanh mắt.
 
Bên cạnh việc điều trị tích cực theo phác đồ của bác sĩ như dùng thuốc nhỏ mắt, mỡ kháng sinh, tiêm steroid vào chỗ sưng để giảm đau, hoặc chích nạo khi lẹo, chắp không tan… người bệnh cần chú ý rửa tay sạch sẽ trước khi chạm vào vùng mắt để tra thuốc.
 
Trong thời gian đang bị lẹo và chắp, bạn không nên trang điểm vùng mắt. Hạn chế trang điểm mi mắt, hoặc tẩy trang vùng mắt khi bị bệnh. Hạn chế việc để mắt tiếp xúc với nguồn nước bẩn, không khí ô nhiễm, bụi bặm hay ánh sáng mặt trời. Khi đi ra ngoài cần đeo kính chống bụi, chống tia UV. Sau khi ra ngoài cần rửa mi mắt bằng nước sạch, tra kết mạc bằng dung dịch Natri Clorit 0,9%. Hạn chế thói quen dùng tay dụi mắt. Trong thời gian bị lẹo, chắp mắt, bạn cũng nên hạn chế dùng kính áp tròng.
 
Thời gian này, bạn cần quan tâm chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng. Cụ thể cung cấp đủ vitamin A, C, E và kẽm trong suốt quá trình hồi phục sức khỏe nếu bị lẹo, chắp ở mắt. Những loại vitamin và khoáng chất kể trên còn có tính năng chống viêm nhiễm, giảm sưng tấy, tăng cường sức đề kháng cho người bệnh. Nguồn vitamin A tốt cho người bệnh khi bị chắp, lẹo mắt gồm: cà rốt, bí đỏ, rau ngót, mồng tơi, cải bó xôi… Nguồn vitamin C thích hợp gồm: ớt chuông, bưởi, cam, quýt, trái cây họ berry như dâu, việt quất… Nguồn kẽm gồm: gan, chuối, cải bó xôi, nấm… Nguồn vitamin E gồm: cà chua, cà rốt, đu đủ, hạt bí, hạt hạnh nhân, quả bơ…
 
Cùng đó, bạn cần kiêng các loại thực phẩm, như không nên ăn các trái cây nhiệt (như xoài, nhãn, vải, ổi, đồ ăn cay nóng, nhiều ớt, hành, tiêu, hải sản…), đồ ăn, thức uống nhiều đường làm suy giảm hệ miễn dịch cơ thể, làm vết thương lâu lành hơn (như nước ngọt có gas, các loại kẹo bánh), các món ăn chứa nhiều nitrat (như thịt xông khói, hotdog, thực phẩm đóng hộp) vì nó làm cản trở lưu thông máu ở mắt, gia tăng các cục máu đông trong cơ thể và sự viêm nhiễm.
 
 
BS Minh Tâm

Tin cùng chuyên mục

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

(PNTĐ) - Theo BS Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường; sử dụng phương tiện, dụng cụ có sẵn tại chỗ, khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; mọi người đều có thể tham gia (được đào tạo – sẵn sàng tham gia).
Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

(PNTĐ) - Liên quan đến sự cố y khoa trường hợp tử vong thai nhi là con chị Trần Ngọc Diệp khi đến khám thai và sinh con tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Thu Cúc tháng 3/2024, Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu đơn vị thực hiện giải quyết sự cố y khoa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Tiêm cồn tuyệt đối điều trị u nang tuyến giáp

Tiêm cồn tuyệt đối điều trị u nang tuyến giáp

(PNTĐ) - Nang tuyến giáp là bệnh lý khá phổ biến hiện nay. Dù đa phần bệnh mang yếu tố lành tính nhưng cũng gây ảnh hưởng tới cuộc sống và sức khỏe của người bệnh. Xu hướng điều trị mới, can thiệp không phẫu thuật hay can thiệp tối thiểu như phương pháp tiêm cồn tuyệt đối đang ngày càng được quan tâm, vì tính hiệu quả, nhanh chóng và ít tốn kém hơn so với phẫu thuật.