Hàng Việt đã chinh phục người tiêu dùng Việt

Chia sẻ

PNTĐ-Đến nay, hàng Việt đã chiếm trên 90% tại các hệ thống siêu thị trong nước, với tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ tăng trưởng khoảng 10% mỗi năm.

 
Sau 10 năm kiên trì thực hiện cuộc vận động  “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, theo đánh giá của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đơn vị chủ trì cuộc vận động, hàng Việt đã tạo ra một bước tiến lớn về nhận thức trong các tầng lớp nhân dân bởi độ “phủ sóng” ngày càng cao. Đến nay, hàng Việt đã chiếm trên 90% tại các hệ thống siêu thị trong nước, với tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ tăng trưởng khoảng 10% mỗi năm.
  
Đảm bảo cân đối cung- cầu
 
Phát biểu tại hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Cuộc vận động, ngày 2/8, ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trưởng ban chỉ đạo cuộc vận động khẳng định: 10 năm qua, cuộc vận động đã được sự lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thường xuyên của cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận các cấp, ngành Công thương, sự quan tâm, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân và đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp đã chú trọng cải tiến kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới quy trình sản xuất, quản lý, tăng tỷ lệ nội địa hóa và hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm, tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng, mẫu mã đẹp, giá cả hợp lý. 
 
Hàng Việt đã chinh phục người tiêu dùng Việt - ảnh 1
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn trao bằng khen cho tập thể có thành tích xuất sắc trong triển khai Cuộc vận động.

 
Nhiều sản phẩm trở thành niềm tự hào của người Việt Nam, thực sự chinh phục được người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu tới một số nước trên thế giới. Những kết quả đó góp phần hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, giảm nhập siêu, tiến tới xuất siêu trong những năm gần đây, bảo đảm cân đối cung cầu, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu, không còn hiện tượng sốt giá, thiếu hàng vào các dịp lễ, Tết, mùa vụ.
 
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, hàng Việt tại các hệ thống siêu thị trong nước luôn đạt ở tỉ lệ từ 90% trở lên. Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ từ năm 2009 đến nay đều có mức tăng trưởng khoảng 10% mỗi năm (đặc biệt các năm 2018, 2017, 2016 tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ lần lượt ở các mức 11,7%, 10,9%, 10,2%). 
 
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ mức lạm phát phi mã 19,8% năm 2008 đã giảm xuống mức dưới 5% trong các năm gần đây. Nền kinh tế chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu (năm 2010, Việt Nam nhập siêu là 12,5 tỷ USD; năm 2018, Việt Nam xuất siêu gần 7,2 tỷ USD). Một số ngành hàng sản xuất Việt Nam có thế mạnh đã tăng tỷ lệ nội địa hóa và hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm (tỷ lệ nguyên phụ liệu nội địa của ngành dệt may chiếm khoảng 50%, tỷ lệ nội địa hóa ngành da giầy chiếm khoảng 40-50%...)
 
Hệ thống phân phối hàng Việt từng bước được tạo lập ở các địa phương, bước đầu hình thành kênh phân phối hàng hóa, dịch vụ Việt đến người tiêu dùng trên thị trường nội địa, góp phần làm thay đổi diện mạo của hệ thống phân phối hàng Việt trong nền kinh tế, đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng  và tác động tích cực đến thói quen mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam, xây dựng nền thương mại văn minh, hiện đại.
 
Các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, biên giới hải đảo được tổ chức thường xuyên với quy mô trung bình 10-20 doanh nghiệp/phiên với doanh số bán hàng 20-50 tỷ/phiên.. Đặc biệt, tại các tỉnh biên giới, các đợt bán hàng Việt không chỉ thu hút được người dân trên địa bàn tới thăm quan mua sắm mà còn thu hút đông đảo người dân của các nước láng giềng như Lào, Campuchia…
 
Về phía các doanh nghiệp, thực hiện cam kết với người tiêu dùng, các doanh nghiệp sản xuất trong nước luôn chú trọng đến việc đảm bảo chất lượng của sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp đã chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm, đăng ký chất lượng và sở hữu thương hiệu. Các doanh nghiệp Việt Nam được vinh danh, trao giải thưởng về sản phẩm, thương hiệu do các bộ, ngành và địa phương trao đã không ngừng nâng cao tiêu chí về sản xuất, chất lượng dịch vụ để giữ thương hiệu Việt.
 
Từ hưởng ứng Cuộc vận động, doanh nghiệp Việt đã vươn lên khẳng định được vị thế tại thị trường trong nước và quốc tế như Viettel, FPT, Trường Hải, Trung Nguyên, TH True Milk và gần đây là các sản phẩm thương hiệu lớn:Vinfast, Bamboo Airway…
 
Tiếp tục khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc 
 
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch UB TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cũng chỉ rõ những hạn chế mà cuộc vận động cần quan tâm, khắc phục. Đó là: Công tác tuyên truyền chưa rộng khắp, chưa đi sâu phát hiện, nhân rộng các điển hình tốt. Công tác đấu tranh, chống hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, có lúc, có nơi chưa kiên quyết, triệt để, thậm chí có doanh nghiệp đã lợi dụng uy tín hàng Việt Nam, dán mác hàng Việt Nam trên hàng hóa có xuất xứ nước ngoài để tiêu thụ, trục lợi. 
 
Nhiều doanh nghiệp thiếu kinh nghiệm, kỹ năng bán hàng, chăm sóc khách hàng; chưa mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, chưa dành nguồn lực thích đáng cho quảng bá hàng hóa, dịch vụ. Việc đánh giá kết quả thực hiện Cuộc vận động có lúc, có nơi chưa thật sự đầy đủ, thực chất, khách quan.
 
Tại Hội nghị các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận để nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động, tận dụng thời cơ, phát huy thế mạnh, đối phó với thách thức, khó khăn khi Việt Nam đã chính thức tham gia các hiệp định thương mại thế hệ mới CPTPP, EVFTA; đưa ra những giải pháp triển khai hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, tìm kiếm mở rộng thị trường, liên kết, hợp tác đầu tư; nhất là khâu thiết kế, cung cấp thông tin, đào tạo nhân lực, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và xây dựng mạng lưới phân phối. 
 
Đặc biệt là những giải pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống đầu cơ, buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; thực hiện các quy định về niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, xử lý kịp thời các vi phạm; bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà sản xuất và người tiêu dùng…
 
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định: Việc tổng kết, nhìn lại kết quả 10 năm qua trong thực hiện Cuộc vận động là hết sức cần thiết, từ đó rút ra những kinh nghiệm, bài học, xác định chính xác về mục tiêu, nhiệm vụ trong giai đoạn tới để cuộc vận động ngày càng được triển khai rộng rãi, thiết thực hiệu quả.
 
Phó Thủ tướng đề nghị trong thời gian tới cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về cuộc vận động, vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên người tiêu dùng ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng Việt Nam, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam trong giai đoạn mới; rà soát, bổ sung chương trình hành động tổ chức thực hiện Cuộc vận động, phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong việc hưởng ứng thực hiện cuộc vận động, xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên trong chương trình công tác. 
 
Ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng cũng ghi nhận và đánh giá cao Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể các cấp đã tích cực, chủ động quán triệt, triển khai thực hiện có kết quả thiết thực Cuộc vận động.
 
Ông Trần Quốc Vượng nhấn mạnh trong thời gian tới, Cuộc vận động  “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cần được tiếp tục triển khai mạnh mẽ, sáng tạo, thiết thực hơn nữa. Đồng thời, các cơ chế, chính sách về cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh cần sớm được nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người sản xuất tháo gỡ khó khăn, tập trung kết nối cung - cầu; đẩy mạnh liên kết giữa nhà sản xuất - nhà phân phối - người tiêu dùng… Cuộc vận động sẽ tiếp tục có bước tiến bộ mới, tiếp tục khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc của người Việt trong tiêu dùng hàng Việt.
 
Nhân dịp này, UB TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tặng thưởng Bằng khen cho 82 tập thể, 147 cá nhân vì đã có thành tích xuất sắc thực hiện Cuộc vận động. 
 
 
Thanh Thanh

Tin cùng chuyên mục

Hội LHPN Hà Nội tập huấn công tác đối ngoại năm 2024

Hội LHPN Hà Nội tập huấn công tác đối ngoại năm 2024

(PNTĐ) - Chiều 19/4, Hội LHPN Hà Nội tổ chức tập huấn công tác đối ngoại năm 2024 với chuyên đề: "Hiệp định Giơnevơ - Ý nghĩa lịch sử với tình hình Việt Nam và thế giới hiện nay”. Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Lê Thị Thiên Hương đến dự.
 Thủ đoạn mới: Gắn định vị vào gói hàng ma tuý để thả trôi trên biển

Thủ đoạn mới: Gắn định vị vào gói hàng ma tuý để thả trôi trên biển

(PNTĐ) - Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Quang, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04 - Bộ Công an) cho biết, thời gian qua, lực lượng chức năng phát hiện nhiều gói ma túy được đóng gói và có thiết bị định vị, để rồi sau đó các đối tượng buôn bán trục vớt mang đi tiêu thụ.
Công bố biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029

Công bố biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029

(PNTĐ) - Biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ IX là hình ảnh kết hợp cấu trúc chữ tượng hình từ số lần Đại hội, biểu hiện thông qua chữ số IX, là sự tích hợp các hình tượng tiêu biểu xoay quanh biểu trưng Thanh niên Việt Nam.