Cùng nạn nhân dioxin “Giữ lửa yêu thương”

Chia sẻ

PNTĐ-Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin quận Ba Đình đã phối hợp với Hội LHPN Quận thành lập câu lạc bộ (CLB) “Giữ lửa yêu thương” nhằm giúp đỡ, chia sẻ gánh nặng cùng nạn nhân dioxin.

 
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng nỗi đau về thể chất, tinh thần của nạn nhân Dioxin và người thân vẫn hiện hữu từng ngày. Thấu hiểu điều đó, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin quận Ba Đình đã phối hợp với Hội LHPN Quận thành lập câu lạc bộ (CLB) “Giữ lửa yêu thương” nhằm giúp đỡ, chia sẻ gánh nặng cùng nạn nhân dioxin, đặc biệt là với người mẹ, người vợ của họ - đang từng ngày gồng mình thầm lặng chăm lo cho tổ ấm.
 
Cùng nạn nhân dioxin “Giữ lửa yêu thương” - ảnh 1
Các chị em là nạn nhân/ người nhà nạn nhân Dioxin thêm vui vẻ, lạc quan khi tham gia hoạt động của CLB.

 
Mỗi hội viên một hoàn cảnh
 
Thành lập ngày 10/10/2017, tới nay, CLB “Giữ lửa yêu thương” quận Ba Đình có 102 hội viên, tuổi từ 60 - 75. Bà Đinh Thị Giới - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin, Chủ nhiệm CLB chia sẻ: Trong số hội viên CLB, có 5 hội viên là bộ đội, TNXP, chiến sĩ đoàn 559 tham gia kháng chiến tại chiến trường miền Tây Nam Bộ, biên giới Lào, Campuchia, bản thân cũng nhiễm Dioxin nhưng vẫn phải chăm sóc chồng con cũng là nạn nhân da cam… Mỗi người, mỗi gia đình đều có khó khăn riêng.
 
Là nạn nhân Dioxin, đồng thời là hội viên tích cực của CLB “Giữ lửa yêu thương”, cuộc sống của bà Lê Thị Liêm - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin phường Thành Công gặp không ít gian truân. Chồng và 2 con trai đầu của bà cùng là nạn nhân Dioxin. Đặc biệt, con trai thứ 2 (SN 1976) không thể đi lại bình thường sau trận sốt cao hồi 8 tháng tuổi, sức khỏe tâm thần bất ổn bởi những cơn động kinh, cuộc sống phụ thuộc hoàn toàn vào mẹ. Trong khi bà Liêm cũng mang trong mình nhiều bệnh tật: phổi, viêm xoang, khớp, đau nửa đầu… 
 
Hay như hội viên Trần Thị Dương (phường Liễu Giai), có chồng và con trai là nạn nhân nhiễm Dioxin ở mức nặng nhất. Bà phải nén đau, “giam” con trong một căn phòng 10m2, do sức khỏe tâm thần con trai không ổn định. “Ban ngày nằm trong phòng, không quậy phá nhiều, nhưng đêm đến thì thằng bé chạy quanh nhà, cứ tìm dây diện mà cắn”. Mấy chục năm trời, bà chưa được nghe con gọi tiếng “mẹ”. Cứ nghĩ tới việc chẳng may phải “đi” trước con, bà Dương lại ứa nước mắt, xót xa.
 
Bà Đinh Thị Giới cho biết: CLB hiện có 4 hội viên bị ung thư, thường xuyên phải nhập viện điều trị; 8 cặp vợ chồng tuổi đã gần 70 nhưng tới nay chỉ biết sống nương tựa vào nhau; 6 hội viên không thể có con vì chồng vô sinh do di chứng; 2 hội viên có con từ trần khi tuổi đời gần 40; 9 hội viên suốt mấy chục năm qua trở thành cánh tay, đôi chân cho con mình, ở bên cạnh chăm cho con từng miếng cơm, ngụm nước.
 
Mái nhà chung để san sẻ nhọc nhằn
 
Chẳng cứ nạn nhân trực tiếp của chất độc da cam mà người chăm sóc họ trong gia đình (thường là người mẹ, người vợ), cũng chịu nhiều căng thẳng tâm lý và ảnh hưởng về sức khỏe. Họ vừa phải đối mặt với trở ngại khi chăm sóc nạn nhân, vừa phải cân bằng yêu cầu của các mối quan hệ gia đình, xã hội… Bởi vậy, ngay từ ngày đầu thành lập, CLB đã hướng về và đặt ra mục tiêu giúp đỡ những người phụ nữ ấy thêm nghị lực, để “giữ lửa” hạnh phúc trong gia đình.
 
Với mỗi trường hợp cụ thể, CLB lại có cách sẻ chia, giúp đỡ thiết thực, phù hợp. Ví như gia đình ông Nguyễn Bá Tứ (người đã lái chiếc xe tăng thứ 5 vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975) và bà Nguyễn Thị Mùi - tổ trưởng CLB “Giữ lửa yêu thương” phường Ngọc Hà (quận Ba Đình).
 
Ảnh hưởng của Dioxin, ông Tứ hiện nay chỉ có thể nghe, không thể nói, lại mang trong mình căn bệnh ung thư vòm họng, bà Mùi trở thành trụ cột kinh tế trong gia đình. Cuộc sống của hai vợ chồng bà, cậu con trai thứ 3 đang học đại học, con gái lớn năm nay gần 40 tuổi nhưng khuyết tật cả chân và tay, không thể sinh hoạt bình thường đều trông vào gánh xôi sáng của bà Mùi. Hiểu được hoàn cảnh khó khăn của bà Mùi, CLB luôn tạo điều kiện, giúp gia đình bà vay vốn, ưu tiên tặng quà mỗi khi Hội được hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân.
 
Ông Nguyễn Ích Chung - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin phường Quán Thánh bày tỏ: Hoạt động của CLB thực sự rất hay. Các bà, các chị có chồng/ con nhiễm Dioxin mang nhiều tâm trạng lắm, nhất là những hội viên do ảnh hưởng Dioxin không thể thực hiện thiên chức làm mẹ.
 
Chiến tranh đã lùi xa, trở về cuộc sống đời thường, nhiều chị em kết hôn từ những năm 70 giờ vẫn không có con, hoặc có thì bị sảy thai nhiều lần. Nhờ những hoạt động tưởng giản đơn như: đi du lịch, gặp mặt, thi nấu ăn, phối hợp với bệnh viện Phổi TW khám sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho hội viên…
 
CLB đã trở thành nguồn sức mạnh tinh thần vô cùng quý giá; là mái nhà chung để các bà, các chị gặp gỡ, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, kinh nghiệm chăm sóc, chữa bệnh cho chồng, con, qua đó động viên, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn, vất vả.
Quỳnh Hương 

Tin cùng chuyên mục

5 loại rối loạn hoang tưởng nhiều người thường bị

5 loại rối loạn hoang tưởng nhiều người thường bị

(PNTĐ) - Theo ThS.BSNT Nguyễn Thị Hoa - Phòng rối loạn loạn thần và y học tự sát, Viện Sức khoẻ tâm thần (BV Bạch Mai) cho biết, hoang tưởng là tình trạng một người suy nghĩ, phán đoán sai lầm, ko phù hợp với thực tế, do bệnh lý tâm thần gây ra, không thể giải thích, đả thông được.
Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

(PNTĐ) - Theo BS Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường; sử dụng phương tiện, dụng cụ có sẵn tại chỗ, khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; mọi người đều có thể tham gia (được đào tạo – sẵn sàng tham gia).
Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

(PNTĐ) - Liên quan đến sự cố y khoa trường hợp tử vong thai nhi là con chị Trần Ngọc Diệp khi đến khám thai và sinh con tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Thu Cúc tháng 3/2024, Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu đơn vị thực hiện giải quyết sự cố y khoa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.