Niềm tin trao nhầm chỗ

Chia sẻ

PNTĐ-Người ta nói “cho đi là còn mãi”, điều đó hoàn toàn đúng, nhưng với câu chuyện thiện nguyện thời nay, cho đi cũng cần có những nguyên tắc nhất định…

 
1 Cách đây vài ngày, đang đi trên ngã tư Đại Cồ Việt và Giải Phóng, giữa trời trưa nắng như đổ lửa, tôi buốt lòng khi nhìn thấy một người đàn ông gầy gò, chừng gần 70 tuổi, đi đôi dép tổ ong nát rách, mặc chiếc áo màu xanh bộ đội cũ mèm, mặt nhăn lại từng nếp vì đau đớn. Mồ hôi đầm đìa, chân bước thấp bước cao, đi được hai bước lại dừng lại ôm bụng đau đớn khiến mọi người dừng đèn đỏ đều chú ý.
 
Xót xa quá, tôi dừng xe lại vào hỏi thăm. Ông nói với tôi giọng không thành hơi, rằng bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối, không có tiền điều trị nên giờ về quê. Trái tim tôi như thắt lại, liền móc hết tất cả ví tiền và mượn thêm tiền của lái xe grab mà tôi đang đi để cho ông. Ông thều thào nói đội ơn và nói đã đủ tiền về quê rồi. Tôi đã viết về hoàn cảnh của ông trên trang cá nhân khiến bao người muốn đi tìm ông để hỗ trợ thêm. 
 
Nhưng rồi, ngay lập tức cộng đồng mạng chỉ cho tôi thấy bác ấy đã “ung thư giai đoạn cuối 8 năm rồi không về đến Sơn La”. Đó là một vai diễn tài tình của người đàn ông đó và hàng trăm người đã giúp đỡ như tôi.
 
Và đâu đó trên mạng xã hội, ngoài đường phố vẫn có những màn kịch rơi nước mắt, khiến chúng ta phải suy nghĩ về hai chữ “cho” và “nhận”.
 
2 Người Việt Nam nói chung có tinh thần tương thân, tương ái rất cao. Phong trào thiện nguyện trong cộng đồng phát triển rất mạnh, đặc biệt là trong giới trẻ, trên cộng đồng mạng. 
 
Chúng ta vẫn thường thấy những câu chuyện thương tâm, những lời kêu gọi thiện nguyện lan truyền nhanh chóng với hàng trăm ngàn lượt like, share, và hàng ngàn comment động viên, chia sẻ... Không dừng lại ở cảm xúc, họ sẵn sàng giúp đỡ bằng hành động. Rất nhiều trường hợp khó khăn đã nhận được sự giúp đỡ tới cả tỷ đồng. 
 
Chúng ta thật sự tự hào về điều đó, nhất là với giới trẻ, các em đã cho thấy sự kế tục của truyền thống “tương thân tương ái” tuyệt vời của dân tộc ta. Nhưng, đó cũng là “miếng mồi” để nhiều kẻ âm mưu trục lợi, xây dựng những vở kịch lừa đảo hoàn hảo trên lòng nhân ái của cộng đồng. 
 
Trở lại với câu chuyện “ông bác bị K giai đoạn cuối”. Nhìn người đàn ông luống tuổi ấy ai mà không cảm thấy xót thương? Ông còn khiến người ta thấy đau khi nói ung thư di căn vào xương nên không ngồi được mà sẽ bắt xe khách để được “đứng” trên suốt chặng đường 200km.
 
Chỗ cao tay nhất của màn kịch là ông không khóc than lu loa, giữa đường xin tiền, mà chỉ diễn để người ta tự cảm động và cho. Tự nguyện cho. Cho không phải chỉ với sự xót thương, mà cho trong niềm cảm phục, trân trọng một người nghèo tận khổ như thế, đơn độc như thế, nhưng vẫn tự mình chống chọi với số phận. 
 
Cũng chính vì thế cho nên khi sự thực được phơi bày, đa số tỏ ra bẽ bàng. Cũng dễ hiểu thôi, khi người ta đã đặt tình cảm, lòng tin không đúng chỗ, thì không phải chỉ là cảm giác thất vọng, mà còn là cảm giác sụp đổ. 
 
3 Xã hội luôn luôn phức tạp, lừa đảo từ thiện thì cũng như lừa tình, lừa tiền, lừa chạy quyền, chạy chức, chạy việc... luôn tồn tại. Nạn nhân, xét cho cùng không chỉ là những người cả tin, mà còn làm sai nguyên tắc.
 
Từ thiện là “cho” đi, nhưng cho cũng cần có nguyên tắc. Lâu nay chúng ta mới chỉ nói “của cho không bằng cách cho”, nhấn mạnh đến thái độ từ thiện, không phải là một thái độ ban phát. Nhưng như thế chưa đủ. Nếu coi “cho” (từ thiện) là một hoạt động xã hội, thì hoạt động đó phải được xây dựng trên những nguyên tắc nhất định, trên cơ sở sự hiểu biết và có tính mục đích rõ ràng.
 
 “Cho” không chỉ dựa vào lòng tin hay dựa vào cảm xúc. Trước hết phải tìm hiểu đối tượng “nhận” để cho đúng người. Người nghèo, người khổ luôn ở quanh ta, luôn cần sự giúp đỡ của chúng ta nhưng họ không chỉ là những người đi ăn xin, hay những người thể hiện nỗi khổ đó ra bên ngoài một cách rất... chuyên nghiệp.
 
Bên cạnh đó cũng phải “cho” đúng cái mà họ đang cần, đa số người nghèo cần vật chất, nhưng sự cảm thông, chia sẻ rất quan trọng đối với những người khổ, người bệnh. Khá nhiều người đi từ thiện về thở than rằng một số gia đình nghèo có tâm lý ỷ lại, giúp đỡ bao nhiêu cũng không vừa họ vì nướng vào rượu chè, ăn uống, lại vẫn lười biếng, thất học như xưa. Rõ ràng điều đó có lỗi của người cho. Những người đó không chỉ cần “con cá”, họ cần được giúp đỡ để thay đổi cuộc sống, khơi dậy ý chí, nghị lực...
 
Từ thiện là cho và nhận. Nếu quá trình ấy được thực hiện một cách bài bản, thì người “cho” chẳng những không bị lãng phí nguồn lực, thậm chí đổ vỡ lòng tin, sớm trở thành vô cảm, mà còn được “nhận” lại rất nhiều. 
 
 
Nguyễn Mỹ 

Tin cùng chuyên mục

Nữ GenZ với mong muốn mang tài năng của mình giúp ích cho cuộc đời

Nữ GenZ với mong muốn mang tài năng của mình giúp ích cho cuộc đời

(PNTĐ) - Lọt vào top 25 Hoa hậu Thế giới Việt Nam và là Hoa hậu tuổi teen châu Á năm 2019, nhưng Phan Anh Thư không bước chân vào làng giải trí mà theo đuổi con đường hội họa, trở thành họa sĩ trẻ. Cô từng chia sẻ: "Tôi nghĩ mình có nhiều con đường để đạt được mục đích sau cùng. Tuy nhiên con đường tôi cảm thấy tốt nhất, hạnh phúc nhất là vẽ tranh, làm việc góp sức cho cộng đồng".
Minh chứng về sự kế thừa thành công của gia đình truyền thống nghệ thuật

Minh chứng về sự kế thừa thành công của gia đình truyền thống nghệ thuật

(PNTĐ) - Từ 20-25/4/2024, 100 tác phẩm hội hoạ đặc sắc của họa sĩ Văn Chiến sẽ được trưng bày tại triển lãm “Kỷ niệm và trải nghiệm: 100 tác phẩm nghệ thuật từ họa sĩ Văn Chiến”. Đây không chỉ là một triển lãm sưu tầm các bức tranh, tác phẩm nghệ thuật như thông thường, mà còn là buổi triển lãm được đúc kết từ khát vọng tôn vinh di sản nghệ thuật của cha, cũng như gìn giữ giá trị văn hoá.
Khi “Mỗi đứa trẻ là một triết gia“

Khi “Mỗi đứa trẻ là một triết gia“

(PNTĐ) - Trong khuôn khổ Ngày Sách và Văn hóa đọc 2024, nhân dịp bộ sách "Thưởng thức triết học" ra mắt độc giả Việt Nam, Nhà xuất bản Kim Đồng và Viện Pháp tại Hà Nội tổ chức chương trình giao lưu và ra mắt bộ sách với chủ đề "Mỗi đứa trẻ là một triết gia".