Đạo hiếu: Nền tảng làm người

Chia sẻ

PNTĐ-Người Á đông cho rằng trăm nết thì chữ Hiếu đứng đầu. Chữ Hiếu cũng được xem là nền tảng làm người...

 
Người Á đông cho rằng trăm nết thì chữ Hiếu đứng đầu. Chữ Hiếu cũng được xem là nền tảng làm người, nếu con người không có nền tảng hiếu thuận thì đạo đức làm người, đạo đức gia đình không còn. Vì thế, dạy con lòng hiếu thuận, thể hiện lòng hiếu đối với cha mẹ vẫn luôn được các gia đình chú trọng. 
 
Đạo hiếu: Nền tảng làm người - ảnh 1
Ảnh minh họa

 
Muốn hiếu thuận phải hiểu thế nào là đạo hiếu
 
Chữ Hiếu được cấu thành từ bộ "Lão" ở trên và bộ tứ ở dưới. Hàm ý tượng hình của chữ "Hiếu" chỉ hình ảnh một người con cõng cha (mẹ) già. Nếu xét từ góc độ triết học, "Hiếu" là một phạm trù đạo đức, thuộc về một hình thái ý thức xã hội. Do đó, sự hình thành và phát triển của đạo Hiếu luôn chịu sự quy định tồn tại xã hội và sự tác động của các hình thái xã hội khác.
 
Theo từ điển tiếng Việt, "Hiếu" là có lòng kính yêu, hết lòng chăm sóc cha mẹ. Hiếu được thể hiện ở thái độ, hành vi quan tâm, chăm sóc chu đáo của con cái đối với cha mẹ, người đã có công sinh thành dưỡng dục mình nên người.
 
Theo các nhà văn hóa, đạo hiếu là một trong những giá trị đạo đức căn bản, là tiêu chuẩn và thước đo nhân cách của con người, là ý thức, tư tưởng, tình cảm và nguyên tắc hành động ứng xử của con cháu đối với ông bà, cha mẹ. Trên nền tảng xã hội, con người Việt Nam thường có xu hướng đoàn kết, gắn bó với nhau để chống lại thiên tai địch họa và tạo nên sức mạnh tinh thần vững chãi. Sự gắn bó thể hiện ở tình cảm giữa các thành viên gia đình luôn yêu thương nhau, gắn bó, nương tựa vào nhau theo quan niệm “trẻ cậy cha, già cậy con”.
 
Thế hệ trước chăm lo cho thế hệ sau, thế hệ sau nối nghiệp chăm lo phụng dưỡng thế hệ trước khi về già. Trước khi qua đời, ông bà, cha mẹ trao quyền thừa tự cho thế hệ sau. Theo đó, con cái có ruộng vườn để canh tác, nhà cửa để ở do ông bà tổ tiên để lại. Đây là cơ sở hình thành lòng biết ơn và triết lí hướng về cội nguồn trong mỗi gia đình Việt. 
 
Đạo hiếu ở Việt Nam còn được hình thành trên cơ sở nền văn hóa truyền thống dân tộc. Trong kho tàng văn hóa truyền thống, tư tưởng về lòng hiếu thảo của con cháu đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ được thể hiện và đề cao như một giá trị vĩnh hằng. Hàng loạt các truyền thuyết, thần thoại thể hiệu lòng hiếu đối với cội nguồn, tổ tiên, cha mẹ như: Sự tích Bọc trăm trứng, Bánh Chưng - Bánh Dày, Quả Dưa Hấu, Mỵ Châu - Trọng Thủy... đều ẩn chưa lòng hiếu thảo, bài học về đạo làm người.
 
Kho tàng ca dao, tục ngữ Việt Nam cũng khắc họa đạo hiếu rất rõ như những lời răn dạy cho các thế hệ: "Công cha nặng lắm ai ơi, nghĩa mẹ bằng trời chín tháng cưu mang", "Công cha nghĩa mẹ cao dày, cưu mang trứng nước những ngày còn thơ", "Mẹ cha là biển là trời, làm sao con dám cãi lời mẹ cha"... Việc chăm sóc cha mẹ già trong hoàn cảnh nghèo khó thì "Đói lòng ăn hạt chà là, để cơm nuôi mẹ, mẹ già yếu răng", trong hoàn cảnh giàu có thì "Tôm càng lột vỏ, bỏ đuôi, giã gạo cho trắng mà nuôi mẹ già"...
 
Khi các con đã trưởng thành thì phải sống cùng cha mẹ để sớm hôm phụng dưỡng. Nếu không sống cùng cha mẹ thì phải "sáng thăm tối viếng", khi con trường thành rồi lúc nào cũng phải biết ơn song thân. Khi cha mẹ trăm tuổi về với tiên tổ thì con cái phải "Quyết lòng lập miếu chạm rồng, đền ơn phụ mẫu ẵm bồng ngày xưa". Con cái phải luôn "Một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn chữ hiếu mới là đạo con".
 
Đạo hiếu ở của người Việt còn bị ảnh hưởng sâu sắc bởi tư tưởng đạo hiếu của Nho giáo, Phật giáo trong quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa. Đặc biệt trong hệ tư trưởng Nho giáo lại đề cao đạo hiếu trong luân lý đạo đức của con cái đối với cha mẹ. Hiếu được xem là luân lý khi người con thực hiện nghĩa vụ, bổn phận của mình trong gia đình. Do vậy, từ xưa cho đến nay truyền thống hiếu thảo vẫn được các gia đình và xã hội tôn vinh, lấy làm gương sáng cho mọi người học tập. 
 
Đạo hiếu thời nay
 
Dù cuộc sống thời kinh tế thị trường có nhiều tác động tới đời sống gia đình, các thiết chế gia đình theo đó thay đổi. Tuy nhiên, lòng hiếu thuận trong gia đình vẫn được các thế hệ chú trọng dạy bảo, bồi dưỡng cho con cháu. Ngày nay, do sự giáo dục con cái trong gia đình có sự thay đổi so với trước đây. Đó là trẻ được giáo dục kiến thức, kỹ năng sống ở nhà trường, xã hội nhiều hơn là ở gia đình. Vai trò giáo dục trẻ trong gia đình của cha mẹ, ông bà ít hơn trước đây vì không có thời gian, mô hình học tập của trẻ khép kín cả ngày ở trường học. Do đó, xã hội xuất hiện nhiều hình thức giáo dục cho trẻ kiến thức, kỹ năng sống, bồi dưỡng các giá trị sống trong gia đình từ các mô hình, khóa học ở các trung tâm, lớp học... thậm chí là ở các ngôi chùa. 
 
Vợ chồng chị Tâm (Thanh Xuân Nam, Hà Nội) có hai đứa con đang học cấp 1 và cấp 2. Năm nào, cứ đến dịp nghỉ hè là anh chị đều cho các con tham gia các khóa tu mùa hè do các chùa ở Hà Nội tổ chức. Anh chị làm việc bận rộn không có nhiều thời gian dạy dỗ cho con nên muốn con tham gia các khóa tu ở chùa để hiểu hơn về những giá trị đạo đức trong cuộc sống. "Những khóa tu dành cho trẻ mùa hè rất tốt, dạy cho các con hướng thiện, lòng từ bi, yêu thương mọi người, đặc biệt là lòng hiếu kính đối với ông bà cha mẹ.
 
Triết lý đạo Phật giúp cho trẻ hiểu ra được nhiều điều. Bọn trẻ nhà tôi sau mỗi khóa tu học kỹ năng sống ở chùa về đều có sự tiến bộ rõ rệt trong nhận thức. Con biết yêu thương bố mẹ hơn, tự giác làm các việc cá nhân của mình, giúp đỡ bố mẹ trong khả năng. Con biết quan tâm đến bố mẹ hơn sau một ngày đi làm trở về nhà như: biết pha nước, rót nước mời bố mẹ, ăn uống đều biết để dành phần ngon cho bố mẹ chứ không như trước chỉ biết ăn theo sở thích, thói quen của mình" - chị Tâm kể.
 
Vào các dịp Vu Lan, chị Hồng (Đội Cấn, Hà Nội) đều dẫn con lên chùa Quán Sứ tham gia lễ Vu Lan. Ở đó, con được cài lên áo bông hồng đỏ, hiểu và thương mẹ hơn khi nghe sự tích cài hoa hồng trắng. Những lời thuyết giảng các các sư thầy thật sự có sức truyền cảm, lay động thức tỉnh lòng người. Con gái, con trai chị đã rơi nước mắt khi nghe những câu chuyện kể về lòng hiếu thảo, về sự mất mát thiệt thòi khi con cái mất đi cha mẹ trên cuộc đời. 
 
Dù chữ hiếu luôn được đề cao trong cuộc sống nhưng phải thừa nhận rằng, cuộc sống hiện đại đang khiến lòng hiếu của con cái đang bị biến tướng dưới nhiều hình thức khác nhau. Một bộ phận con cái xem trọng chữ hiếu khi cha mẹ khuất núi thay vì báo hiếu với họ khi còn sống.
 
Những đám hiếu, đám giỗ của cha mẹ khuất núi được con cái tổ chức linh đình, mời khách hàng ăn uống hết ngày này qua ngày khác, cỗ bàn hàng chục, thậm chí lên tới cả trăm mâm. Họ quan niệm, cỗ càng to, càng linh đình thì lòng hiếu thảo càng lớn. Có người thể hiện lòng hiếu khi cha mẹ mất đi bằng việc xây lăng mộ như lâu đài, biệt phủ ở nghĩa trang. Nhưng khi cha mẹ còn sống, họ phó mặc cho giúp việc, hoặc trung tâm dưỡng lão. Có bậc cha mẹ suốt mấy năm liền không được gặp mặt con cháu dù chúng chẳng sống cách xa mình là mấy. 
 
Trong thời đại công nghệ, có một số con cái báo hiếu bố mẹ bằng online. Cứ đến mùa Vu lan trên khắp các mạng xã hội, số người đăng hình cha mẹ với những câu từ chúc phúc cha mẹ bình an, sống lâu trăm tuổi rất mùi mẫn hiếu thảo, trong khi cả năm không hề về thăm nom cha mẹ một lần. Dịch vụ báo hiếu online dành cho những người con bận rộn công việc không về chăm sóc bố mẹ theo đó nở rộ. Với cha mẹ còn sống, những món đồ của con gái mua online được ship đến cho cha mẹ hàng ngày, hàng tuần. Có ông bà sống một mình, ngày nào cũng được vợ chồng con trai sống riêng gần đó đặt dịch vụ grab giao đồ ăn tới tận nhà. Nếu muốn đi đâu chơi, họ lại ngồi bấm điện thoại đặt dịch vụ đến đưa bố mẹ đi.
 
Khi cha mẹ khuất núi, con cái ở xa hay bận rộn không về chăm sóc phần mộ, thắp hương lễ tết được cũng đã có dịch vụ báo hiếu online giúp. Con cháu chỉ cần lên mạng, tìm dịch vụ online rồi đặt hàng, chuyển tiền xong sẽ có người mua đồ đến thắp hương, chăm sóc phần mộ bố mẹ. Công nghệ còn giúp những người con lên mạng vào chùa ảo, lập mộ ảo của cha mẹ để hàng ngày vào thắp hương oline, cầu nguyện online cho cha mẹ. Coi như đó là một hình thức thể hiện lòng hiếu của con cái.
 
Giáo lý nhà Phật cho rằng đạo hiếu của con cái đối với cha mẹ phải lâu dài, không phải trong chốc lát. Lòng hiếu thuận phải thực chất không được hình thức bề ngoài. Con cái chăm lo phụng dưỡng, yêu kính cha mẹ khi còn nhỏ cho đến lớn. Chăm sóc cho cha mẹ không chỉ về vật chất mà còn phải chăm lo về tinh thần. Làm con mà không biết ơn cha mẹ, hoặc biết ơn mà không lo đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ là người con bất hiếu. Ngày nay, đối với một bộ phận cha mẹ không cầu mong con cái đáp đền, phụng dưỡng hàng ngày, họ chỉ mong con cái trưởng thành lo cho cuộc sống của mình ổn định, sống hạnh phúc cũng được xem là một cách báo hiếu cho cha mẹ, không để cha mẹ lo lắng sầu khổ vì con cái đến tận lúc nhắm mắt xuôi tay. 
 
 
Văn Bình

Tin cùng chuyên mục

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.
Tha thứ nhưng không... buông bỏ

Tha thứ nhưng không... buông bỏ

(PNTĐ) - Trong lá đơn ly hôn đơn phương gửi ra tòa, anh nêu lý do hôn nhân đổ vỡ là do “vợ dù tha thứ nhưng không buông bỏ lỗi lẫm của chồng, khiến cuộc sống hôn nhân không còn ý nghĩa”.