Cảnh báo nguy cơ trẻ hóa ung thư vú

Chia sẻ

PNTĐ-Mới đây, bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận trường hợp bệnh nhân T (29 tuổi, độc thân, ở Văn Giang, Hưng Yên), mắc ung thư vú giai đoạn 2.

 
Bệnh nhân đã rất sốc vì không nghĩ ung thư vú có thể mắc ở độ tuổi quá trẻ như vậy.
  
Độc thân... vẫn mắc ung thư vú 
 
Theo ThS.BS Vũ Anh Tuấn - khoa Phẫu thuật lồng ngực và mạch máu (bệnh viện Bạch Mai), bệnh nhân T là một trong số nhiều trường hợp phát hiện ung thư vú (UTV) khi tuổi còn rất trẻ. Theo lời kể của bệnh nhân, chị vô tình sờ thấy khối u ở vùng ngực, đến bệnh viện để thăm khám thì được chẩn đoán bị UTV giai đoạn 2. Rất tiếc khối u lại ở vùng trung tâm, tức là ngay sau núm vú nên không thể bảo tồn được mà phải cắt toàn bộ tuyến vú.
 
Sau phẫu thuật ổn định, bệnh nhân bắt đầu phác đồ điều trị hóa chất. Sau một năm, các bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng toàn thân xem có tổn thương ung thư tái phát ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể hay không, rồi mới quyết định liệu có thể thực hiện phẫu thuật tái tạo hình thể vú cho bệnh nhân.
 
Cảnh báo nguy cơ trẻ hóa ung thư vú - ảnh 1
Ảnh minh họa

 
Trước đó, bệnh viện K Trung ương từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân nữ mắc UTV ở độ tuổi rất trẻ. Điển hình như trường hợp bệnh nhân Nguyễn Minh H (Hà Nội). Khi thấy một bên vú nổi u cục bất thường, H được gia đình đưa tới viện K kiểm tra và phát hiện mắc UTV giai đoạn 2 (khi đó mới 18 tuổi). Bệnh nhân phải phẫu thuật cắt bỏ tuyến vú và tuân thủ phác đồ điều trị liên tiếp trong 2 năm sau đó, tái khám thường xuyên tại bệnh viện K.
 
TS.BS Lê Thanh Đức - Trưởng khoa Nội 5 (bệnh viện K cho biết): Ngoài trường hợp như cô gái trẻ nói trên, bệnh viện K từng điều trị không ít bệnh nhân UTV mới 20 - 22 tuổi và 25 - 28 tuổi. Thống kê cho thấy, Việt Nam cũng như các nước châu Á nói chung có tỷ lệ mắc UTV ở độ tuổi trẻ hơn hẳn khu vực châu Âu hay Bắc Mỹ. Trong đó, tỷ lệ bệnh nhân ở độ tuổi từ 32 - 36 rất nhiều. Đáng nói, so với bệnh nhân lớn tuổi, UTV ở người trẻ tiên lượng không tốt bằng, tốc độ sinh sôi tế bào mạnh hơn, độ ác tính cao hơn, tỷ lệ tái phát cao hơn, thời gian giữ được ổn định ngắn hơn.
 
TS.BS Đức dẫn chứng, có trường hợp nữ bệnh nhân 25 và 28 tuổi, đã điều trị ổn định một thời gian nhưng sau lại tát phát. Như trường hợp bệnh nhân Thu N (Nam Định), phát  hiện UTV (bên phải) ở giai đoạn rất sớm (T1M0). Tuy nhiên sau phẫu thuật, bệnh vẫn tiến triển, di căn vào gan. Sau đó, bệnh nhân đã phải tiến hành xạ trị nhưng khối u vẫn tiếp tục di căn vào mật, não; bệnh nhân thậm chí đã phải xạ trị não.
 
Các chuyên gia cho biết, đến nay, thế giới vẫn chưa tìm ra nguyên nhân trực tiếp gây UTV nhưng đã tìm thấy những mối liên hệ chặt chẽ giữa các yếu tố từ môi trường cũng như nội tại cơ thể với UTV (yếu tố nguy cơ ngoại sinh và yếu tố nguy cơ nội sinh). Trong đó, 80% ung thư nói chung cũng như UTV liên quan trực tiếp với các yếu tố ngoại sinh, đặc biệt là môi trường sống. Tỷ lệ phụ nữ mắc UTV cao ở các nước phát triển là một minh chứng.
 
UTV có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm
 
UTV là loại ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ trên toàn thế giới, với trên 1 triệu trường hợp mới mắc hàng năm. Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2018 cho thấy: Số ca mắc mới UTV của Việt Nam xếp vị trí 146/185 quốc gia, vùng lãnh thổ, tỷ lệ 26,4 ca/100.000 dân, tương đương 15.000 ca. Trong đó, 40% bệnh nhân tử vong, tương đương khoảng 6.000 ca, xếp vị trí 150/185; Tỷ lệ mắc mới hằng năm trên cả nước lên tới 12.533 ca, chiếm trên 20% tổng số ca ung thư ở nữ giới.
 
GS Trần Văn Thuấn, Giám đốc BV K khẳng định: “UTV hoàn toàn có thể chữa khỏi. Trong đó việc tầm soát và phát hiện sớm UTV có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Càng sớm việc điều trị càng đơn giản, hiệu quả điều trị càng cao, chi phí điều trị càng ít, tỷ lệ sống thêm 10 - 25 năm rất cao”. Đáng tiếc, ở Việt Nam, tỷ lệ bệnh nhân UTV ở giai đoạn muộn mới đến bệnh viện còn rất lớn.
 
So với các ung thư khác, UTV dễ phát hiện sớm nhất. Thời kỳ “tiền lâm sàng” UTV thường kéo dài tới 8-10 năm. Đây là thời gian để một tế bào UTV đầu tiên trở thành một khối u có đường kính 1cm (tương đương 1 tỉ tế bào) để có thể sờ thấy. Vì thế, nếu được phát hiện ở giai đoạn đầu, cơ hội có thể chữa khỏi bệnh tới hơn 80%, ở giai đoạn 2 tỷ lệ này là 60%, sang giai đoạn 3 khả năng khỏi hẳn thấp và đến giai đoạn 4, thường việc điều trị chỉ để kéo dài cuộc sống, giảm bớt các triệu chứng đau đớn.
 
Do đó, các bác sĩ luôn khuyến cáo, để phát hiện sớm UTV, cách đơn giản nhất là phụ nữ tự sờ, khám vú thường xuyên, thời điểm tốt nhất là sau kỳ kinh 7 ngày khi tuyến vú mềm nhất. Việc sàng lọc UTV phát hiện những u nhỏ, tổn thương chưa sờ thấy được bằng tay giúp tăng cơ hội điều trị bảo tồn cũng như giảm tỷ lệ tử vong do UTV. Chụp Xquang tuyến vú là phương pháp cơ bản nhất trong sàng lọc UTV, đã được chứng minh làm giảm tỷ lệ tử vong do UTV gây ra qua những thử nghiệm lâm sàng có đối chứng.
 
Chụp X-quang tuyến vú (Mammography) là kỹ thuật sử dụng chùm tia X cường độ thấp để ghi hình nhu mô tuyến vú. Phương pháp này giúp phát hiện các bất thường, khối u ở giai đoạn sớm (các vi vôi hóa) ngay cả khi bệnh nhân chưa sờ và cảm nhận thấy. Chụp X-quang vú đã được chứng minh có hiệu quả trong phát hiện sớm UTV, đặc biệt là loại ung thư biểu mô ống tuyến vú tại chỗ, nghĩa là chưa xâm lấn. Với giai đoạn này khả năng trị khỏi hoàn toàn là rất cao và trong đa số trường hợp có thể phẫu thuật bảo tồn tuyến vú cho người bệnh. Chụp X-quang vú được khuyến cáo áp dụng ở tất cả phụ nữ trên 40 tuổi và chụp định kỳ hàng năm.
 
Những thành tựu mới trong chẩn đoán và điều trị ung thư đã giúp cho nhiều bệnh nhân UTV phát hiện sớm có tỷ lệ thời gian sống trên 5 năm tới 85,6% so với tỷ lệ 67,7% trước đây. Vì thế, các chuyên gia nhấn mạnh việc phụ nữ nên tầm soát UTV định kỳ để phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm. Phụ nữ sau 50 tuổi nên định kỳ tầm soát vú, chụp X-quang tuyến vú 1 năm/lần.
 
Nếu trong gia đình có người thân từng bị mắc UTV thì những phụ nữ trong gia đình nên đi tầm soát UTV sớm (do những trường hợp có nguy cơ cao khi trong gia đình có bố mẹ, mắc UTV hoặc các ung thư khác cần đi tầm soát sớm hơn do 5-10% UTV có tính di truyền của một gen bất thường, còn gọi là gen đột biến BRCA1 và BRCA2). Nếu thấy có bất kỳ dấu hiệu gì bất thường, chị em cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.
 
 
Yên Hưng

Tin cùng chuyên mục

5 loại rối loạn hoang tưởng nhiều người thường bị

5 loại rối loạn hoang tưởng nhiều người thường bị

(PNTĐ) - Theo ThS.BSNT Nguyễn Thị Hoa - Phòng rối loạn loạn thần và y học tự sát, Viện Sức khoẻ tâm thần (BV Bạch Mai) cho biết, hoang tưởng là tình trạng một người suy nghĩ, phán đoán sai lầm, ko phù hợp với thực tế, do bệnh lý tâm thần gây ra, không thể giải thích, đả thông được.
Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

(PNTĐ) - Theo BS Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường; sử dụng phương tiện, dụng cụ có sẵn tại chỗ, khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; mọi người đều có thể tham gia (được đào tạo – sẵn sàng tham gia).
Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

(PNTĐ) - Liên quan đến sự cố y khoa trường hợp tử vong thai nhi là con chị Trần Ngọc Diệp khi đến khám thai và sinh con tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Thu Cúc tháng 3/2024, Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu đơn vị thực hiện giải quyết sự cố y khoa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.