Nếu có kiếp sau, em vẫn là vợ anh

Chia sẻ

TRẬT DANH (TQ)

 
Cô ấy và bạn của tôi có dính dáng chút họ hàng và số phận đã an bài để bạn tôi gọi đó là bà cô. Tôi chỉ được gặp cô ấy duy nhất một lần khi cô bị ốm nặng, khi tôi còn là sinh viên đại học, cùng bạn tôi đến bệnh viện thăm cô. Lần đó, hình như cô bị bệnh gan thì phải, vì sắc mặt cô vàng ệch và cặp mắt thì sưng húp. Dù bị bệnh nặng nhưng nhìn từ khóe mắt đến đôi môi nhỏ và hơi dày thì có thể thấy, hồi son trẻ nhất định cô đã là một người đẹp hiếm thấy.
 
Thân hình dong dỏng cao, nước da trắng, mái tóc dày và đen mượt, cặp mắt to luôn ươn ướt, miệng nhỏ chúm chím như trái anh đào, mọi người đều nói rằng thời trẻ, cô ấy từng là một người đẹp vào loại nhất, nhì trong vùng. Cha mẹ cùng mất khi cô còn rất nhỏ và cô lớn lên trong gia đình ông cậu. Ông cậu của cô là một đầu bếp cừ khôi, chuyên nấu ăn cho người ta khi có việc hiếu, hỷ, vì vậy cô đã làm trợ thủ cho cậu của mình khi mới có mười mấy tuổi rồi sau đó đã có thể tự mình làm việc, kiếm sống.
 
Năm mười tám tuổi, cô ấy kết hôn với một ông giáo dạy học trong làng, ông ấy là con một của gia đình. Sau vài ngày theo học trường tư là có thể biết viết, biết đếm và được coi là người có văn hóa ở địa phương; cuộc hôn nhân của cặp trai tài, gái sắc ấy khiến nhiều dân làng ghen tỵ.
 
Nếu có kiếp sau, em vẫn là vợ anh - ảnh 1
Ảnh minh họa

 
Trong đêm tân hôn, lúc chú rể vừa nhấc chiếc khăn trùm màu đỏ ra khỏi đầu cô dâu thì có người xông vào, kéo anh ta ra ngoài. Thì ra, chú rể là người hoạt động ngầm trong hàng ngũ Quốc dân Đảng và người của Quốc dân Đảng đang đến đây để bắt anh ta đi. Chú rể năn nỉ và được người đó đồng ý đợi một lúc để anh ta vào giải thích lý do và từ biệt cô dâu. Là người hiểu việc, lập tức cô bảo chú rể cần phải chạy trốn ngay, đừng để bị bắt. Cô tự tay tháo hết đồ trang sức bằng vàng, bạc đang đeo, nhét vào tay chồng, nói rằng nhà tuy nghèo nhưng không đến nỗi nào, hãy cầm theo phòng có khi cần dùng đến...
 
Người chồng dùng tay nâng khuôn mặt e lệ, thẹn thùng, như bông hoa lê dưới cơn mưa, đẹp đến nao lòng của vợ, nói gấp gáp: “Em nhất định phải đợi anh, vợ của anh...” rồi hôn lên cái miệng nhỏ nhắn của vợ, từng giọt, từng giọt nước mắt rơi ướt khuôn mặt cô và họ vội vã chia tay nhau, không kịp nói với nhau một lời giã biệt.
 
Cha mẹ chồng đều đang bị bệnh, rất xót xa khi nhìn các con chia tay nhưng không thể nào ngồi dậy được. Hôm sau, cô lại khoác bộ quần áo lao động và đi nấu bếp cho người ta như thường lệ vì còn phải kiếm thức ăn về để nuôi hai ông bà.
 
Cô đi làm vào ban ngày và buổi tối trở về nhà để chăm sóc bố mẹ chồng. Đó là những ngày rất khó khăn, kiếm được chút đồ ăn ngon, cô không hề đụng một miếng mà đem cả về cho bố mẹ chồng. Hai năm đã qua đi mà không có bất cứ tin tức gì của chồng cả. Hàng đêm, cô lấy quần áo của chồng cuốn thành một bó và ôm nó vào lòng, mùi vị của người đàn ông còn vương lại trên quần áo khiến cô cảm thấy như đang được ôm chồng trong tay...
 
Vào năm thứ năm, một buổi chiều có gió to và tuyết dày, cô có việc phải đi một mình và bất ngờ bị mấy tên thổ phỉ bịt miệng, bắt đi. Ba ngày sau, cô ấy trở về với một vết thương lớn trên trán, có lẽ là khá nặng; không ai biết có chuyện gì đã xảy ra trong ba ngày ấy, chỉ thấy rằng cô bị nhiều thương tích, bầm tím đầy mình. Bố mẹ chồng cũng không dám hỏi nhiều, chỉ âm thầm quan sát cô. Sau đó một thời gian, cô ấy biết mình có thai.
 
Từ khi biết cô đã có thai, thái độ của bố mẹ chồng đối với cô đã khác hẳn so trước đây. Mặc dù hàng ngày ăn cơm do cô nấu, uống thuốc do cô sắc nhưng họ vẫn nhìn cô bằng con mắt không thiện cảm, họ cảm thấy cô ấy quá bẩn thỉu, làm nhục thanh danh của gia đình và không còn xứng đáng với con trai của mình. Cô phải quỳ trên sàn nhà, vừa khóc vừa nói với ông bà già, rằng cô không còn cách nào khác mà cuối cùng phải dùng mạng sống để tự buộc mình phải trở về, rằng cô không thiết sống nữa, nhưng cô không thể bỏ ông bà già lại mà ra đi, đó là lời hứa của cô với chồng lúc biệt ly.
 
Còn một lý do nữa khiến cô không thể chết lúc này, đó là cô vẫn chưa được làm người vợ theo đúng nghĩa của chồng mình. Vì hai lý do đó, cô ấy nhất thiết phải sống, cho dù có thể phải sống như một con lợn hay như một con chó, cô chỉ cần ông bà già không đem việc cô có thai nói với người khác.
 
Cô ấy vẫn đến nấu ăn cho người ta như mọi ngày nhưng phải dùng một dải vải trắng lớn để thắt chặt bụng lại, không để mọi người có thể nhận ra nhưng rồi cuối cùng thì tờ giấy cũng không thể gói kín được đám lửa, hai tháng trước khi sinh, cô bị người ta phát hiện là đang mang thai. Trong mắt mọi người lúc ấy, cô đang là một đóa hoa đẹp đẽ, chỉ chớp mắt đã biến thành một đống phân bò hôi thối.
 
Khi gặp cô, chẳng ai buồn nói lời chào hỏi, cũng chẳng có ai đến gọi cô đi nấu bếp nữa. Cô giống như trong lời chúc phúc của Lỗ Tấn đối với thím Lâm và nhanh chóng trở thành nhân vật bất tường trong mắt mọi người, là một phụ nữ hư hỏng không thể tha thứ.
 
Đêm đêm, cô lại ôm quần áo của chồng vào lòng và thì thầm trong nước mắt: “Anh cũng nghĩ là em xấu như thế chứ? Đời này, kiếp này em chỉ làm vợ của anh thôi...”.
 
Vào đêm trước khi cô trở dạ, bố mẹ chồng cô không thể chịu đựng nổi tiếng khóc rất to của cô vang lên trong phòng, bởi vì đứa trẻ mà cô sắp sinh ra không phải là cốt nhục của họ, mà là nghiệt chủng của người khác. Đau khổ và tuyệt vọng, đôi vợ chồng già đã vắt hai sợi dây thừng lên xà nhà và treo cổ tự vẫn.
 
Cô sinh hạ một bé trai trong nỗi đau chết đi, sống lại. Nhìn khuôn mặt trắng trẻo của thằng bé, cô biết rằng khi lớn lên nó sẽ rất đẹp trai. Cô oằn oại gượng dậy trên giường lò, quấn đứa trẻ vào trong tấm vải đỏ trong khi nó cứ khóc ngằn ngặt mãi không thôi. Cô nhẹ nhàng hôn lên khuôn mặt bé nhỏ của con, sau đó mặc quần áo vào và ôm con loạng choạng đi về hướng bờ sông.
 
Khi người ta cứu được cô lên, đứa bé đã biến đâu mất. Từ đó, cô đến sống ở một ngôi làng khác cách nơi ở cũ không xa và vẻ đẹp mặn mà của cô vẫn quyến rũ nhiều người. Có những người muốn mai mối cho cô và khuyên cô nên cải giá nhưng trước sau cô đều cự tuyệt, thầm nói rằng chỉ mình là người phụ nữ của riêng anh trong cuộc đời này và sẽ không bao giờ lấy ai khác. Cô miễn cưỡng sống qua ngày bằng việc làm công ngắn hạn cho người ta và những ngày như thế đã kéo dài tới mười bảy năm.
 
Một năm trước khi đất nước được giải phóng, có người đã cho cô biết rằng chồng của cô vẫn còn sống và đã trở thành một đại quan. Vui mừng khôn xiết, cô viết một lá thư, báo tin mình vẫn còn sống và nhờ người chuyển đi giúp. Thư đã chuyển đi, ngày ngày cô mong đợi người chuyển giúp thư sẽ sớm quay trở lại.
 
Cuối cùng, người chuyển thư cũng đã xuất hiện trước mặt cô nhưng anh ta không mang lại kết quả như cô hằng mong đợi. Lá thư hồi âm của chồng cô viết rằng, anh ta đã biết hết mọi việc xảy ra với cô, biết rõ hoàn cảnh của cô và cảm ơn cô vì tất cả những gì mà cô đã làm cho cha mẹ mình. Anh ta không thể tha thứ cho cô vì cô đã sinh ra một đứa con với người khác và anh khuyên cô hãy cải giá vì anh đã có vợ con đề huề, không cần đến cô nữa.
 
Nếu có kiếp sau, em vẫn là vợ anh - ảnh 2
Ảnh minh họa

 
Cô ngây người cầm lá thư trên tay, từng giọt, từng giọt nước mắt lặng lẽ rơi trên tờ giấy. Đây là kết quả của hai mươi năm đằng đẵng đợi chờ, đây là sự hồi đáp cho sự hoán đổi của tuổi thanh xuân và cả cuộc sống của cô sao?... Cô muốn mắng chửi, muốn nhục mạ anh ấy, cô căm hận anh ấy nhưng cô không thể nào quên được chiếc khăn trùm đầu màu đỏ năm đó, không thể nào quên đôi bàn tay ấm áp đã chạm vào người cô, không thể nào quên nụ hôn vội vã lúc ly biệt, càng không thể nào quên cái nhìn trìu mến của anh trước lúc ra đi... Chỉ qua một đêm, mái tóc xanh và dày của cô đã bạc gần hết.
 
Kể từ đó, cô sống một mình trong làng và được người làng giúp đỡ rất nhiều. Mỗi khi màn đêm buông xuống, cô vẫn quen trò chuyện với anh, cô thì thầm rằng nhớ anh rất nhiều, rằng mình cô đơn đến thế nào và nhắc đến những hoài niệm của đêm tân hôn. Cô không còn có thể khóc nữa, vì nước mắt đã cạn kiệt theo năm tháng và trái tim cô cũng không còn biết buồn, vì đau khổ đã khiến nó trở nên chai sạn, không còn cảm giác...
 
Bạn tôi kể, cô ấy đã sống đến hơn bảy mươi tuổi. Cô không ăn uống gì và không thể nói được gì vài ngày trước lúc lâm chung. Vào giây phút cuối, cô còn đưa mắt như để kiếm tìm ai đó khá lâu, mọi người nhìn thấy và cuối cùng đã nhận ra được ý của cô và dẫn vào người trước kia đã giúp cô chuyển bức thư cho chồng. Ngay khi nhìn thấy người này, mấy giọt nước mắt đùng đục tuôn ra từ đôi mắt trũng sâu, khô khốc; đôi môi khô héo, nhăn nheo của cô khẽ mấp máy và người chuyển thư vội vã ghé tai vào đó. Cô thều thào, ngắt quãng một cách khó nhọc: “Nhất định anh phải nói lại với anh ấy... rằng, đời này, kiếp này... tôi đã là người vợ đơn côi... của anh ấy. Nếu có kiếp sau... tôi vẫn sẽ là... vợ của anh...”.
 
 
Trần Dân Phong (dịch)

Tin cùng chuyên mục

Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

(PNTĐ) - Vừa qua, tại tỉnh Điện Biên, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức ra mắt, giới thiệu bộ sách 6 cuốn Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân (tiếng Việt và song ngữ gồm 5 ngoại ngữ: Việt - Anh, Việt - Pháp, Việt - Tây Ban Nha, Việt - Trung, Việt - Ả rập) nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.