Ba con tỷ phú không nuôi nổi một mẹ già

Chia sẻ

PNTĐ-Bác Loan đang nằm thiêm thiếp trên giường bệnh, vừa nhìn thấy cô ở cửa liền mếu máo khóc: “Cháu đã đến rồi à. Bác biết cháu bận, nhưng, bác chẳng biết bấu víu vào đâu..."

 
Bác Loan đang nằm thiêm thiếp trên giường bệnh, vừa nhìn thấy cô ở cửa liền mếu máo khóc: “Cháu đã đến rồi à. Bác biết cháu bận, nhưng, bác chẳng biết bấu víu vào đâu. Bác khổ quá, thật sự khổ”.
 
Loan vội chạy tới, nắm tay người bác già, an ủi để bác bình tĩnh trở lại: 
 
- Thôi, bây giờ không phải lúc để bác suy nghĩ. Bác phải điều trị cho lành bệnh đã rồi từ từ mình tính.
 
Phải một lúc lâu sau, bác Loan mới dừng khóc, rồi có lẽ vết thương ở chân đau nhức khiến bác thiếp đi lúc nào không hay. Nhìn bác mặt mày xước xát, một bên chân bị bó bột mà Loan thương quá.
 
Loan là cháu ruột của bác. Sau khi mẹ mất, bác là người họ hàng thân thích gần nhất của Loan. Bác rể Loan mất đã lâu, mình bác gái đơn thân nuôi 3 con đủ trai, đủ gái khôn lớn.
 
Khi còn sống, mẹ Loan vẫn khâm phục nghị lực của bác. Mẹ bảo, nếu là mẹ, chưa chắc mẹ đã làm tốt vai trò người mẹ như thế. Bác Loan là giáo viên, hồi trẻ ngoài giờ lên lớp còn chạy chợ, buôn bán đủ kiểu để kiếm tiền nuôi con. Khi các chị học tới cấp hai, thì một cơ may mở ra với gia đình bác. Do quy hoạch đô thị mà ngôi nhà với vườn tược rộng nằm sâu trong ngõ của bác bỗng nhiên được ra mặt đường. Bác nhanh trí xây liền mấy căn nhà trọ cho thuê, nhờ đó mới đỡ vất vả.
 
Từ sự đảm đang của bác mà 3 anh chị em họ của Loan đều được học hành tới nơi tới chốn. Khi các con đến tuổi vào đại học, bác Loan còn bán dần đi mảnh vườn, lấy tiền cho con du học nước ngoài. Tới khi các con công thành danh toại thì bác Loan trắng tay, chỉ còn đúng cái xác nhà.
 
Nhưng, bác không hề tiếc mà lúc nào cũng tự hào vì các con. Cô con gái đầu của bác học xong vào làm cho một tổ chức quốc tế, lương tính bằng ngàn đô/tháng. Anh thứ hai cũng tự mở được công ty riêng có vài chục nhân viên. Nhìn cách anh đi đứng, nói năng, lái xe hơi hạng sang là biết tiềm lực kinh tế của anh rất ổn. Cô con gái út cũng kết hôn với chồng là đại gia bất động sản. Hai anh chị còn trẻ mà đã mua được biệt thự rộng thênh thang, chưa kể nhiều ngôi nhà khác làm “của để dành”.
 
Trong khi đó, so với các anh chị họ, Loan chẳng được một phần nhỏ như thế. Vợ chồng Loan hiện vẫn chỉ ở trong căn nhà tập thể cũ chật chội, đi xe máy cà tàng. Mỗi lần đến nhà anh chị chơi, Loan nhìn cơ ngơi anh chị tạo dựng được mà vừa ao ước, vừa tủi thân. Thế rồi, cô càng buồn hơn khi nghe bác kể, các anh chị tranh nhau biếu tiền bác, nói bác thích ăn gì thì ăn, tiêu gì thì tiêu. Bác già rồi, chẳng tiêu được gì nhiều nên tiền các con cho vẫn để đầy trong tủ. Loan lại thầm nghĩ đến mẹ, già rồi vẫn phải tự lực cánh sinh, sống bằng đồng lương hưu của Nhà nước còn hạn hẹp. Loan cũng muốn mua cho mẹ nhiều của ngon vật lạ, đưa mẹ đi chơi đây đó lắm nhưng hiềm nỗi tiền chẳng có. 
 
Thế rồi bẵng đi một thời gian, vì lo cơm áo gạo tiền mà Loan không gặp lại các bác. Cho đến vừa rồi, tự nhiên bác gọi cho Loan, giọng mếu máo: “Cháu ơi, đến giúp đưa bác đi bệnh viện. Bác bị ngã trong nhà tắm, đau lắm, không đứng dậy được”.
 
Loan hoảng hốt, rất muốn hỏi thêm vậy các anh chị con bác đâu, có ai biết mẹ bị tai nạn chưa. Nhưng rồi, cô chẳng dám chần chừ, vội xin giám đốc cho nghỉ làm buổi chiều, rồi phóng xe lao tới nhà bác. 
 
Tới nơi, bác cô đã lết ra được bên ngoài, nhưng, vẫn nằm bẹp trên sàn nhà. Loan vội gọi người đưa bác đi cấp cứu. Bác sĩ kết luận, bác bị rạn xương một bên chân, và chấn thương cơ vùng mặt, gẫy mất 1 chiếc răng cửa.
 
Khi bác đã ổn, Loan mới hỏi thăm kỹ hơn thì hóa ra lúc bị ngã, bác đã gọi cho các con nhưng ai cũng kêu đang bận làm việc, không về được. Các anh chị nói bác gọi cấp cứu đến, hết bao nhiêu tiền anh chị sẽ trả. Bác giận quá, liền gọi cho Loan.
 
Bác Loan nằm viện mấy ngày rồi được về nhà. Trong thời gian ở viện, các anh chị cũng có ghé qua, nhưng, chỉ là thăm như khách. Thấy Loan  ở đó, họ tỏ ra yên tâm và còn tranh nhau dúi tiền để nhờ cô thay họ chăm sóc mẹ. Tất nhiên là Loan không cầm tiền vì cô biết trách nhiệm của mình với bác. Loan không chấp nhận thái độ của anh chị, nhưng, cô không muốn bình luận gì để làm bác đau lòng thêm. Loan cũng không thể bỏ bác ở lại viện một mình dù các con bác vẫn khỏe mạnh ở cùng mẹ trong cùng một thành phố.
 
Tối hôm đầu tiên đưa bác về nhà, bác Loan mới trút hết ruột gan, kể cho Loan nghe mọi chuyện. Thì ra ở viện, bác sợ mọi người xung quanh biết nên chỉ dám thổ lộ phần nào. Bác buồn lắm vì các con đẻ lẫn con dâu, con rể của bác đều bất hiếu.
 
- Cháu có biết không, trước đây, khi bác còn khỏe mạnh, có đất để bán thì chúng cứ vây quanh bác. Chúng còn bảo mẹ đầu tư cho chúng con thành tài, sau này về già, mẹ chỉ việc hưởng thành quả. Chúng con sẽ không tiếc gì mẹ cả.
 
Thế rồi sau đó, khi bác vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn, các anh chị họ của Loan đúng là vẫn quây quần xung quanh mẹ. Nhưng, khi bác có biểu hiện đãng trí tuổi già, bắt đầu nói nhiều hơn, người hay ốm đau hơn, vệ sinh đôi khi không kiểm soát được thì các anh chị có ý chê bác bẩn thỉu.
 
- Cháu thấy đấy, ai đến chơi cũng ái ngại vì sao bác già cả lại ở có một mình. Tại sao bác không dọn đến ở cùng nhà ở với 1 trong 3 người con.
 
- Vâng, cháu cũng có suy nghĩ ấy. Nhất là bây giờ, bác còn bị ngã, phải nằm một chỗ như thế này thì rất cần có người ở bên chăm sóc.
 
- Chúng đâu có cho bác đến ở cùng mà bác đến-bác Loan khóc nấc rồi kể tiếp. Con út nhà bác ở biệt thự, nhưng lấy lý do đã hết phòng, không có chỗ cho bác tới. Cháu xem, nhà nó có riêng một phòng tập thể dục thể thao, một phòng thư viện, một phòng đựng đồ chơi cho các con nhưng lại thiếu chỗ cho bác. Thằng thứ hai sợ bác đến nhà thì vợ nó không chăm sóc chu đáo, bác lại nghĩ ngợi. Con đầu thì dọa bác đến đó ở, chúng phải đi làm cả ngày sẽ mất tự do. Vì thế chúng bảo đằng nào bác cũng ở một mình, chi bằng cứ ở nhà mình có phải tự do hơn không.
 
Bác biết, lý do thật của chúng là vì bác bây giờ chậm chạp, phải hầu hạ phức tạp. Nhà chúng to đẹp thế sao lại để bác dây bẩn ra đó được.
 
Bác Loan còn kể nhiều chuyện đau lòng nữa, nhưng tóm lại kết luận các con bác giờ đều đủ lông đủ cánh, coi bác như người thừa. 
 
Quả nhiên suốt cả tháng sau đó khi bác bình phục, các con bác gần như không có trách nhiệm gì ngoài việc thi thoảng sai người giúp việc mang chút hoa quả, sữa, đồ ăn qua. Đến việc tới thăm, gọi điện cho mẹ họ cũng miễn cưỡng mới làm.
 
Loan nhìn bác, thấy thương và chua chát trước nghịch cảnh mẹ nuôi 3 con nhưng 3 con tỷ phú không ai nuôi nổi mẹ già.
 
 
Bảo Châu

Tin cùng chuyên mục

Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

(PNTĐ) - Sau 5 lần giảm cân, Nguyễn Tùng Chi (21 tuổi, quê Hải Dương, hiện là sinh viên đại học năm thứ 3 tại Hà Nội) từ 95kg còn 60kg, trở về thân hình cân đối. Giảm được số cân như vậy không hề dễ dàng và phải cần rất nhiều ý chí. Tùng Chi nói cô rất may mắn vì luôn có mẹ ở bên, động viên mình.
Mẹ chồng - nàng dâu cùng “giữ lửa” yêu thương

Mẹ chồng - nàng dâu cùng “giữ lửa” yêu thương

(PNTĐ) - Trong nhịp sống hối hả của xã hội hiện đại, nhiều giá trị truyền thống đang dần bị mai một, sợi dây kết nối giữa các thế hệ trong một gia đình cũng lỏng lẻo hơn. Nhưng vẫn có những mái ấm nhiều thế hệ vẫn giữ được sự gắn kết bền chặt như ở gia đình ba thế hệ của chị Hà Việt Anh. Đặc biệt, mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu trong gia đình chị đã trở thành nền móng vững chắc cho một tổ ấm hạnh phúc.
Ứng xử thế nào khi con thi trượt

Ứng xử thế nào khi con thi trượt

(PNTĐ) - Vừa qua, khi nhận được kết quả thi vào lớp 10, trường THPT công lập năm 2025, nữ sinh V.T.D ở Thanh Hóa đã bỏ nhà đi lang thang rồi mất liên lạc. Trong lúc buồn chán, thất vọng với chính bản thân mình, D đã chọn cách gieo mình xuống làn nước sâu…
Khi trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình

Khi trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình

(PNTĐ) - Gần 70% trẻ em từ 10 đến 14 tuổi từng phải hứng chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong chính gia đình của mình. Đáng lo ngại hơn, 7 trong 10 trẻ bị trừng phạt bằng các hành vi bạo lực, để lại những tổn thương dai dẳng cả về thể chất lẫn tinh thần.