Bỏ mặc người bị nạn, tình người ở đâu?

Chia sẻ

PNTĐ-Việc cứu giúp người bị nạn, đang gặp nguy hiểm không chỉ xuất phát từ tấm lòng nhân ái của mỗi người, mà nó cần được xem là nghĩa vụ, là trách nhiệm của mỗi công dân.

Lại thêm một câu chuyện thương tâm vừa xảy ra. Chiều ngày 17/8/2019, tại huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước), sản phụ V.T.Y trú tại xã Thống Nhất bất ngờ lên cơn đau bụng và có dấu hiệu chuyển dạ. Gia đình đã thuê taxi để đưa chị Y đến trạm y tế xã. Nhưng do trạm y tế xã thiếu thiết bị máy móc hỗ trợ có thể khiến sản phụ gặp nguy hiểm khi sinh, bác sĩ đã yêu cầu gia đình chuyển chị Y lên bệnh viện tuyến trên. 
 
Người tài xế theo yêu cầu của gia đình, tiếp tục chở chị Y lên Trung tâm y tế thành phố Đồng Xoài. Nhưng khi chạy được khoảng 5km thì chị Y trở dạ, sức khỏe yếu. Người tài xế đó thay vì tiếp tục chạy xe đến bệnh viện để cấp cứu kịp thời cho sản phụ thì đã dừng xe lại và đuổi chị Y cùng người nhà xuống xe. Cực chẳng đã, sản phụ Y đã phải nằm sinh con bên vệ đường, trên nền đất lạnh, không có y bác sĩ cùng thiết bị y tế hỗ trợ. Hậu quả đau lòng là đứa trẻ sơ sinh đã tử vong ngay khi vừa lọt lòng mẹ. 
 
Đáng lẽ (lại đáng lẽ), đứa trẻ sơ sinh vô tội ấy đã có cơ hội sống nếu như người tài xế có tấm lòng nhân ái, xem việc giúp đỡ người hoạn nạn là trách nhiệm, nghĩa vụ mà mình phải làm. Nhưng chỉ dựa vào lòng trắc ẩn thôi chưa đủ! 
 
Có 1.001 lý do khiến người ta dửng dưng trước một mạng người, sẵn sàng thấy chết mà không cứu. Bởi giúp người lại lụy đến thân. Làm ơn mắc oán! Có lẽ vì vậy mà lòng tốt và tình người thời nay thật hiếm hoi. Hẳn mọi người chưa quên vụ camera của một nhà dân ghi lại cảnh người tài xế taxi quay lưng bỏ đi khi hai nạn nhân (1 nam, 1 nữ) sau cú tông mạnh vào hông trái chiếc taxi, cô gái nằm bất động, còn người con trai rên siết kêu cứu nhưng đã không có một sự hỗ trợ nào, kể cả từ phía người đi đường.
 
Việc cứu giúp người bị nạn, đang gặp nguy hiểm không chỉ xuất phát từ tấm lòng nhân ái của mỗi người, mà nó cần được xem là nghĩa vụ, là trách nhiệm của mỗi công dân. Bỏ mặc người bị nạn, thờ ơ trước nỗi đau của người khác là hành động cần lên án mạnh mẽ trong cộng đồng. 
 
Từ xưa đến nay, người Việt vốn có truyền thống tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, chia sẻ khi gặp khó khăn. Nhưng, việc giúp đỡ, cứu người trong hoạn nạn lại chỉ trông vào sự hảo tâm, động lòng thương của mọi người. Hàng năm, để khuyến khích hành động cao đẹp đó, xã hội tôn vinh, biểu dương nhiều gương người tốt, việc tốt cứu người, giúp đỡ người bị nạn như một cách nhân thêm những hạt giống nhân ái, yêu thương nhau trong cộng đồng, xóa đi sự vô cảm trong cuộc sống. Đây là một cách làm hay, đáng hoan nghênh và nhân rộng. 
 
Nhưng ở một góc độ nào đó, việc tuyên truyền cho mọi người hiểu rằng hành động cứu người, giúp người là trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân thì vẫn còn hạn chế. Vì vậy, không ít người vẫn hiểu rằng việc giúp đỡ, cứu người khi gặp khó khăn, hoạn nạn là “quyền của mình”. Và, vì là “quyền của mình” nên người ta có thể làm hoặc không, có thể đứng ngoài cuộc, thậm chí có những hành động nhẫn tâm bỏ mặc, vô cảm đối với người đang cần sự giúp đỡ. Nhiều bi kịch đau lòng đã diễn ra bởi sự vô cảm, quay lưng ấy của mọi người. 
 
Một nguyên nhân khác là người dân vẫn còn mang tâm lý e ngại, vô tình “ôm rơm nặng bụng”, vướng vào những chuyện rắc rối để rồi “chuốc họa vào thân”. Đã có trường hợp giúp người bị nạn đưa đến viện cấp cứu nhưng bị người nhà, lẫn cơ quan chức năng nghi ngờ “là thủ phạm gây tai nạn. Họ bị người nhà nạn nhân “khủng bố tinh thần”, thậm chí uy hiếp cả tính mạng, phải tiến hành nhiều thủ tục mà phía cơ quan chức năng yêu cầu để chứng minh mình là người đã có hành động cứu người, chứ không phải là thủ phạm gây tai nạn cho nạn nhân. Sự phiền hà, rắc rối đó đã hình thành tâm lý “bỏ mặc” người bị nạn để tránh bị liên lụy.  
 
Bên cạnh đó, sự thiếu hiểu biết pháp luật cũng khiến cho người dân có hành vi vô cảm, bỏ mặc người cần cứu giúp. Họ không nhận thức được hành vi ấy của mình là vi phạm pháp luật. Bởi pháp luật có quy định xử phạt nghiêm đối với tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm. Việc thấy người khác nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết thì sẽ bị xử lý hình sự. Như vậy, ở góc độ pháp luật, việc giúp đỡ, cứu giúp người bị nạn không chỉ là việc làm tốt xuất phát từ tấm lòng nhân ái của mỗi người, mà còn là trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân. 
 
Vì vậy, hơn bao giờ hết, cần đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về trách nhiệm, nghĩa vụ cứu người, giúp người. Một khi, mỗi người dân đều nhận thức rõ được trách nhiệm của mình thì người gặp nạn sẽ có “quyền” nhận được sự cứu giúp, thay vì trông chờ vào may mắn gặp được người tốt, bằng không chấp nhận rủi ro, nguy hiểm tính mạng. 
 
 
Hạ Thi 

Tin cùng chuyên mục

Phụ nữ huyện Thanh Trì: Nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Phụ nữ huyện Thanh Trì: Nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Thiết thực tổ chức các hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Ban Thường vụ Hội LHPN huyện Thanh Trì (Hà Nội) đã chỉ đạo các cơ sở hội trên địa bàn huyện đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền tới hội viên, phụ nữ về ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử vĩ đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ; truyền thống cách mạng, tinh thần đoàn kết dân tộc, vai trò và sự tham gia của phụ nữ trong chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Việt Nam tham gia đối thoại về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc

Việt Nam tham gia đối thoại về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc

(PNTĐ) - Ngày 7/5/2024 tại Trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sỹ), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham gia phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.
Nhớ về những anh hùng trẻ tuổi trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Nhớ về những anh hùng trẻ tuổi trong chiến dịch Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Trang sử vàng Điện Biên Phủ mãi là biểu tượng của ý chí và sức mạnh của dân tộc Việt Nam. Góp phần vào chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", có biết bao những chiến sĩ, mang trong mình một tình yêu Tổ quốc, sẵn sàng hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc khi tuổi đời còn rất trẻ.
Tuổi trẻ Việt Nam tự hào với Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tuổi trẻ Việt Nam tự hào với Chiến thắng Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - 70 năm đã trôi qua, nhưng "tiếng sấm" Điện Biên Phủ vẫn còn vang vọng đến nhân loại ngày hôm nay và tạc ghi vào dòng chảy lịch sử mãi về sau với vị thế lẫy lừng. Chiến thắng Điện Biên Phủ là mốc son chói lọi, là niềm tự hào của mọi thế hệ người dân Việt Nam, nhất là với thế hệ trẻ hôm nay.