Đại học “lấn sân” mở trường... mầm non

Chia sẻ

PNTĐ-Ngày càng mọc lên như "nấm sau mưa" những mô hình trường phổ thông liên cấp, trường THCS, rồi đến cả trường mầm non trực thuộc các trường đại học công lập.

 
Tỉ lệ chọi vào các trường này rất cao tạo nên áp lực vô cùng lớn cho học sinh ngay từ những năm đầu cấp. Các chuyên gia giáo dục cảnh báo, đây là loại hình đào tạo biến tướng, sai mục đích, chồng chéo chức năng của các trường đại học công.
 
Đại học “lấn sân” mở trường... mầm non - ảnh 1
Thời gian gần đây, một số trường đại học có xu  hướng mở từ trường mẫu giáo tới tiểu học (ảnh minh họa)

 
Đại học chiêu sinh cả… mầm non
 
Năm 2019, xã hội liên tục chứng kiến các trường phổ thông trực thuộc các trường đại học công lập được thành lập. Ngày 28/6/2019, trường đại học Sài Gòn đã tổ chức lễ công bố quyết định thành lập trường và bổ nhiệm Hiệu trưởng trường Tiểu học Thực hành đại học Sài Gòn.
 
Theo quyết định này, trường Tiểu học Thực hành đại học Sài Gòn là cơ sở giáo dục và đào tạo công lập, trực thuộc trường đại học Sài Gòn, có tư cách pháp nhân, được sử dụng con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng theo quy định của pháp luật. Theo ông Phạm Hoàng Quân, Hiệu trưởng trường đại học Sài Gòn, dự kiến năm tới trường đại học Sài Gòn có thể thành lập thêm trường Mầm non Thực hành đại học Sài Gòn.
  
Trước đó, ngày 8/4/2019, trường đại học Ngoại ngữ (đại học Quốc gia Hà Nội) cũng công bố Quyết định thành lập trường THCS Ngoại ngữ. Theo ông Hoàng Kim Sơn, Giám đốc đại học Quốc gia Hà Nội, trường đại học Ngoại ngữ là đơn vị đào tạo thành viên đầu tiên hoàn thiện mô hình đào tạo giáo dục từ THCS tới THPT đáp ứng nhu cầu của xã hội. Ngay trong năm đầu tuyển sinh vào lớp 6, trường này đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của phụ huynh. Điều này được thể hiện qua tỉ lệ chọi vào lớp 6 của trường này là 1/30.
 
Đầu năm 2019, UBND tỉnh Tuyên Quang cũng đã quyết định thành lập trường Phổ thông Tuyên Quang trực thuộc đại học Tân Trào. Trường Phổ thông Tuyên Quang thuộc loại hình trường công lập có chức năng, nhiệm vụ giáo dục phổ thông cấp tiểu học, THCS và THPT. Trường này chịu sự quản lý trực tiếp từ trường đại học Tân Trào. Như vậy, với mô hình này, trường đại học Tân Trào đã tạo ra một vòng tròn khép kín, suốt từ cấp tiểu học lên đến đại học.
 
Từ thực tế các trường đại học mở rộng quy mô đào tạo xuống đến cấp tiểu học, ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng Hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) thừa nhận, khoảng 10 năm trở lại đây, trường đại học mở rất nhiều trường phổ thông. Khi các trường đại học công lập mở trường phổ thông sẽ có lợi thế hơn hẳn so với những trường tư thục như về cơ sở vật chất, đất đai của Nhà nước, nguồn vốn…
 
Bà Nguyễn Kim Phương, Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường Everest cho rằng: Các trường đại học Sư phạm mở các trường tiểu học, THCS là không hợp lí. Bởi hiện chúng ta có hệ thống giáo dục phổ thông để sinh viên thực tập và kiến tập ở đó nên phải tận dụng lợi thế đang sẵn có.
 
Nếu làm một phép so sánh thì khi những trường đại học mở trường phổ thông, tiểu học, THCS sẽ có lợi thế hơn hẳn những trường tư thục. Bởi những trường đại học có danh tiếng sẽ dễ dàng tuyển sinh; nguồn ngân sách lớn sẽ xây cơ sở vật chất khang trang hiện đại và đây cũng sẽ là điểm cộng để các trường hút thí sinh.
 
Trong khi đó, các trường tư thục với nguồn ngân sách hạn hẹp, chỉ do một hoặc vài cổ đông góp vốn nên để có cơ vật khang trang cần phải có một quá trình lâu dài. Hơn nữa, giáo dục là dịch vụ hàng hóa đặc biệt nên các trường cũng phải mất 5 năm, thậm chí 10 năm để gây dựng danh tiếng và tạo niềm tin đối với xã hội.
 
Từ thực tế này, bà Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII cho biết, những đại học công lập chi tiêu hoàn toàn bằng ngân sách nhà nước không được phép “đẻ” ra những mô hình giáo dục khác làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm của các trường. Hiện tại, Luật chưa cho phép các trường đại học công lập mở trường mầm non. Thời gian tới, nếu Bộ GD-ĐT nghiên cứu thấy mô hình trường phổ thông trong trường đại học hoạt động hiệu quả thì đề xuất Chính phủ, Quốc hội để có cơ chế hoạt động hiệu quả.
 
Sử dụng sai ngân sách nhà nước?
 
Có thể thấy, trường đại học công lập thành lập trường phổ thông, tiểu học… đang lấn sân sang giáo dục phổ thông. Khi mà một bộ máy quản lí của trường đại học kiêm nhiệm quá nhiều nhiệm vụ thì liệu có làm tốt ở tất cả các bậc học.
 
Đứng ở góc độ nhà quản lí giáo dục và là chuyên gia trong lĩnh vực này, bà Nguyễn Kim Phương cho rằng, các trường đại học không nên mở các trường phổ thông vì tính chuyên môn hóa không cao. Theo bà Phương, ở mỗi cấp quản lí có tính chuyên môn hóa khác nhau. Cụ thể, việc quản lí sinh viên đại học khắc hẳn với việc quản lí học sinh cấp tiểu học, THCS.
 
Chia sẻ từ kinh nghiệm bản thân, bà Phương cho biết: “Bản thân tôi xuất phát từ quản lí trường cao đẳng và khi quay lại quản lí trường mầm non, tiểu học vô cùng khó khăn. Đối với cấp tiểu học, mầm non cần sự sát sao, quan tâm của giáo viên và không thể giống với việc quản lí một sinh viên”, bà Phượng cho biết.
 
Theo bà Phương, các trường đại học mở trường phổ thông là không phục vụ đúng mục đích chính trị của Nhà nước giao. Bà cũng chỉ ra thực tế, những năm gần đây, chất lượng đào tạo đại học có vấn đề, cung vượt cầu, trong khi các ngành kỹ thuật rất yếu kém. “Tại sao các trường đại học không hoàn thiện những điều đó để làm tốt vai trò và trách nhiệm mình lại còn lấn sân sang phổ thông, tiểu học?”, bà Phương đặt câu hỏi. 
 
Bà Phương cho rằng, các trường đại học, cao đẳng phải tập trung đào tạo chuyên môn hóa, thực hiện đúng nhiệm vụ chính trị được Nhà nước giao để có những sản phẩm tốt cho đất nước. Hiện nay, số học sinh đi du học rất nhiều và số quay trở về nước làm việc chỉ “đếm trên đầu ngón tay”. Một phần nguyên nhân do các trường đại học, cao đẳng chưa làm tốt nhiệm vụ của mình. Hơn nữa, đứng ở góc độ của nhà quản lí giáo dục, bà Phương cho rằng, các trường đại học đang lợi dụng ngân sách nhà nước để trục lợi, như vậy không công bằng.

Hoa Đỗ 

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.