Leo núi Phật Tích, nghe chuyện ngày xưa

Chia sẻ

PNTĐ-Phật Tích là một ngọn núi cao nằm ở thôn Phật Tích, xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, trên núi có chùa Phật Tích cổ kính cùng với câu chuyện dân gian Từ Thức gặp tiên.

  
Trên đỉnh núi thiêng
 
Chùa Phật Tích được xây dựng năm 1057 dưới thời Lý, tọa lạc hoàn toàn trên núi Phật Tích (còn được gọi là núi Lạn Kha, Non Tiên). Núi Phật Tích cao khoảng 500m so với mực nước biển, trên núi chủ yếu là cây thông trải dài hai bên sườn núi. Chùa được xây dựng ở sườn núi phía Nam, toạ lạc trên khu đất cao, bao gồm ba bậc nền thềm có kè bằng đá tảng dựng đứng như bức tường dài 58m, cao từ 3–5m, ở khoảng giữa tường là lối đi bằng đá rộng 5m có 80 bậc.
 
Trước khi lên bậc cấp dẫn đến tầng nền thứ nhất ta bắt gặp một cái giếng đá tròn, nước rất trong. Tương truyền dưới đáy giếng có đầu rồng đá phun nước, giếng được che mát bởi cây đa cổ thụ. Hai đầu của con đường nhỏ dẫn lên chùa là hai ao hình chữ nhật.
 
Qua khoảng 30 bậc đá sẽ tới gác chuông dài 13m, rộng 11m để du khách đi lên chùa. Khi tới tầng nền thứ 2, sẽ thấy chiều dài 30m của tầng này được kè đá tảng rất lớn và khít nhau. Chiều rộng của tầng nền thứ 2 khoảng 70m và cách so với tầng nền thứ nhất khoảng 5m. Đặt chân trên tầng nền thứ 2 du khách sẽ quan sát được hai phần đó là phần chùa và vườn chùa. Tại vườn chùa chính là nơi lưu truyền giai thoại dân gian “Từ Thức gặp tiên” nếu như bạn chưa biết câu chuyện này thì có thể nhờ các cụ bán hàng ở đây kể chi tiết, họ rất hứng thú với công việc này.
 
Leo núi Phật Tích, nghe chuyện ngày xưa - ảnh 1
Tòa tháp nằm đối xứng với tượng A-di-đà

 
Ở giữa tầng nền là dấu tích cũ những tòa nhà gồm 11 gian tiền đường, 3 gian thiêu hương, thượng điện 5 gian, 9 gian hậu cung, ở hai bên là tả vu và hữu vu, mỗi bên 7 gian. Cả khu này có tổng thể kiến trúc là nội công ngoại quốc, một kiến trúc đặc trưng của chùa Việt Nam.
 
Trên đỉnh núi còn có tòa tháp cao chừng 40m sừng sững, đứng trên tòa tháp có thể nhìn thấy được nội thành Hà Nội những hôm trời quang mây tạnh. Khách tham quan hoàn toàn có thể leo lên trên tháp để ngắm cảnh non nước Kinh Bắc. Tượng Phật A-di-đà màu trắng, nét mặt hiền từ trong thế ngồi thiền được đặt đối xứng với tháp cũng cao chừng 40m tạo nên một khung cảnh nhà Phật vô cùng độc đáo trên ngọn núi thiêng.
 
Leo núi Phật Tích, nghe chuyện ngày xưa - ảnh 2
Chùa Phật Tích xung quanh cây côi um tùm, trong chùa có lưu giữ bức tượng táng nhà sư Chuyết Chuyết

 
Trong chùa Phật Tích còn lưu giữ bức tượng Phật bằng ngọc xanh cao khoảng 1,8m, đây là một bức tượng quý giá có niên đại từ thời nhà Lý, một tuyệt tác nghệ thuật điêu khắc vẫn còn tồn tại tới ngày nay.
 
Các rặng thông lên núi xanh quanh năm, ở dưới nền là lớp lá khô tạo nên khung cảnh lãng mạn nhất là vào những ngày trời thu, thông tỏa ra một mùi hương quyến rũ, ngọt ngào, các gốc thông thường được du khách chọn để nghỉ ngơi sau khi leo lên núi.
 
Độc đáo “Nhục thân Bồ tát”
 
Ở chùa Phật Tích có một pho tượng vô cùng độc đáo, đó chính là tượng Chuyết Chuyết công sư tổ được bó cốt bên trong hay còn được gọi với tên “nhục thân Bồ tát”. Đây là bức tượng táng của thiền sư Chuyết Chuyết, hiệu Viên Văn, pháp danh Hải Trừng, thiền sư sinh năm 1590 tại Phúc Kiến, Trung Quốc. Năm 1633, Thiền sư Chuyết Chuyết tới chùa Phật Tích và tu ở đây đến khi viên tịch năm 1644, thọ 55 tuổi. 
 
Sau khi thiền sư viên tịch, các đệ tử đã dùng dây để dựng khung xương theo thế đang ngồi thiền rồi tạo tượng phủ bên ngoài xương bằng sơn ta, vải và mạt cưa. Hình thức này gọi là tượng táng giống như hai bức nhục thân thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường tại chùa Đậu (Thường Tín, Hà Nội). Tính đến nay, nước ta chỉ có 3 pho tượng táng này minh chứng cho nghệ thuật ướp xác độc đáo.
 
Về cơ sở khoa học khẳng định đây là bức tượng táng thiền sư Chuyết Chuyết, các nhà nghiên cứu về khảo cổ đã tìm thấy 130 mảnh xương và 209 mảnh bồi trong bức tượng táng. Trong số này có xương đốt sống, xương đùi, xương chày và một vài mảnh xương hàm trên, một xương hàm dưới còn nguyên vẹn. Dựa vào các xương tứ chi, các nhà khoa học cho rằng chiều cao của nhà sư khoảng 1,6m, phân tích sâu hơn xương hông và khớp mu cho thấy đây là di hài của nhà sư nam, viên tịch khoảng 50 tuổi.
 
Đặc biệt, khi nghiên cứu mảnh bồi, các nhà khoa học tìm thấy một đoạn dây đồng đã gỉ ngả sang màu xanh lá. Điều này cho chúng ta biết rằng, sau khi cải táng, các đệ tử lấy xương của nhà sư đã viên tịch đem dựng khung để tạo dáng ngồi thiền rồi sau đó mới bồi ra bên ngoài để tạo tượng. Nghiên cứu niên đại xương cũng cho thấy sự trùng khớp về thời gian mà thiền sư Chuyết Chuyết tu tại chùa.
 
Phật Tích là một ngôi chùa cổ với nhiều sự tích và di vật hiếm cộng thêm tọa lạc trên ngọn núi cảnh quan đẹp nên thu hút rất nhiều khách hành hương. Chùa chỉ cách trung tâm thành phố Bắc Ninh chừng 15km về phía đông nam, chạy xe máy mất chừng 15 phút hoặc có thể bắt xe buýt tại bến xe Bắc Ninh. 
 
Cách chùa vài km có thể nhìn thấy tòa tháp và tượng phật A-di-đà trên đỉnh núi. Để có thể vãng cảnh hết chùa và núi phải cần ít nhất 1 ngày và chuẩn bị sức khỏe, đồ ăn, nước uống, chắc chắn du khách sẽ có một trải nghiệm văn hóa tâm linh nhẹ nhàng, yên bình tại chùa Phật Tích.
 
 
NGUYỄN VĂN CÔNG

Tin cùng chuyên mục

Ra mắt bộ sách quý nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Ra mắt bộ sách quý nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Sáng 16/4, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân phối hợp cùng Công ty Cổ phần Tri thức Văn hóa Sách Việt Nam (VIETNAMBOOK) tổ chức ra mắt bộ sách chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2024). Đây cũng đồng thời là một trong những sự kiện chính nhằm hưởng ứng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024.
Tổ chức Chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tổ chức Chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Theo NSND Trần Ly Ly, quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật cho biết, chương trình nghệ thuật diễn ra vào tối ngày 6/5 tại thành phố Điện Biên Phủ được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xác định là điểm nhấn của chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Bộ sưu tập áo dài đầu tiên về phong cảnh đền Hùng được xác lập kỷ lục Việt Nam

Bộ sưu tập áo dài đầu tiên về phong cảnh đền Hùng được xác lập kỷ lục Việt Nam

(PNTĐ) - Tối 14/4, tại Chương trình Biểu diễn nghệ thuật “Hội Xoan 2024 - Miền Di sản” được tổ chức tại Khu di tích Lễ hội Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam Vietking đã trao Chứng nhận xác lập kỷ lục cho Bộ sưu tập áo dài "Về với cội nguồn", lấy cảm hứng từ Lễ hội Đền Hùng, tạo nên bức tranh phong cảnh Khu Di tích lịch sử Đền Hùng trên nền lụa đầu tiên tại Việt Nam của nhà thiết kế Thoa Trần.