Hiểm họa từ nhà xưởng trong khu dân cư

Chia sẻ

PNTĐ-Vụ cháy nghiêm trọng nhà xưởng của Cty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đêm 28/8 gây thiệt hại và hậu quả hết sức nặng nề.

 
Sự việc trên một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về những nguy cơ cháy nổ từ các nhà xưởng nằm lẫn trong khu dân cư vẫn hiện hữu, có thể trở thành thảm họa bất cứ lúc nào.
 
Thoát nạn nhưng chưa thoát “hạn”
 
Vào lúc 18h chiều tối 28/8 đã xảy ra sự cố hỏa hoạn tại bộ phận sản xuất bóng đèn dây tóc, đèn CFL và một kho thành phẩm tại cơ sở Hạ Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) của Cty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông. Sau hơn 6h bùng phát, đám cháy đã được khống chế. Người dân sinh sống quanh nhà máy được di dời kịp thời nên rất may không có thiệt hại về người và tài sản. Tuy nhiên, đó mới chỉ là trước mắt. 
 
 
Hiểm họa từ nhà xưởng trong khu dân cư - ảnh 1
Hiện trường tan hoang sau vụ cháy

3 ngày sau vụ cháy, trên hiện trường vẫn còn ngổn ngang, tan hoang. Sức nóng của ngọn lửa khiến nhà một số hộ dân lân cận bị ám khói, đen tường, ảnh hưởng hưởng gián tiếp đến kết cấu bên trong của ngôi nhà. Người dân đi lại qua khu vực này phải sử dụng khẩu trang nhiều lớp vì mùi khét bốc lên từ khu vực nhà xưởng bị cháy vẫn nồng nặc.
 
Ảnh hưởng nặng nề nhất là người dân sinh sống tại tuyến ngõ 342 Khương Đình. “Gia đình tôi phải di dời về quê cách đây gần 30km. Việc học hành của con cái, việc kinh doanh buôn bán tại nhà cũng phải tạm gác lại” - chị Nguyện Thị Phương, ngõ 342 Khương Đình cho biết.  
 
Tuy nhiên, điều khiến người dân lo ngại nhất là vụ cháy nhà máy sản xuất bóng đèn, phích nước có sử dụng nguyên liệu, hóa chất có hại cho sức khỏe con người như: phốt pho, bột kẽm và một số hóa chất khác có thể ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống sinh hoạt, sức khỏe của người dân.
 
Trước lo ngại này, nhiều người dân tại khu vực có đám cháy đã đến Trung tâm Chống độc bệnh viện Bạch Mai khám với biểu hiện chính là chóng mặt. Thạc sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách trung tâm cho biết, qua khám lâm sàng thì chưa có dấu hiệu đặc biệt, sức khoẻ ban đầu các bệnh nhân vẫn ổn định nhưng Trung tâm vẫn xét nghiệm chung và lấy mẫu máu xét nghiệm thuỷ ngân.
 
Cũng trong ngày 30/8, Công ty CP bóng đèn phích nước Rạng Đông đã cam kết sẽ mời các cơ quan chuyên môn đánh giá tác động môi trường và thuê xử lý môi trường, đảm bảo sức khỏe cho cán bộ công nhân viên, cũng như người dân sống lân cận nhà máy, nơi vừa xảy ra vụ cháy.
 
Sở Y tế TP cũng đã có chỉ đạo, đôn đốc Phòng Y tế, Trung tâm Y tế quận Thanh Xuân triển khai các biện pháp kiểm tra, đánh giá việc bảo đảm an toàn thực phẩm, nguồn nước sinh hoạt tại khu vực này. Hiện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã cử cán bộ xuống khu vực phường Hạ Đình để kiểm tra, đánh giá, hướng dẫn biện pháp về vấn đề môi trường, bảo đảm sức khoẻ; quận Thanh Xuân đã cử 2 đoàn thanh kiểm tra tiến hành giám sát chất lượng an toàn thực phẩm và lấy mẫu thực phẩm, nguồn nước để tiến hành các xét nghiệm. 
 
Nguy cơ tiềm ẩn từ những nhà xưởng trong khu dân cư
 
Thực tế, công tác chữa cháy tại Cty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông vừa qua đã lộ ra nhiều bất cập như: Hệ thống PCCC thiếu và yếu, đường cho xe chữa cháy vào nhỏ hẹp. Cụ thể, khu vực tòa kho bốc cháy gồm 4 tầng, được dựng lên từ tường bao nhà máy bằng khung sắt và được quây bằng tôn. Dập được từ tầng 2 trở lên nhưng tầng 1 vẫn bốc khói lên cao.
 
Sau khi 1 phần tòa kho và bức tường dài khoảng 30m giáp với ngõ 342 Khương Đình bị sập chắn hết lối ngõ, lực lương PCCC quyết định dùng xe máy xúc để dọn phần nhà kho bị đổ và phá những phần tường nhà kho mà lửa vẫn cháy phía trong nhà máy để đưa vòi nước trực tiếp phun vào những ổ lửa đang cháy. Việc chữa cháy gặp nhiều khó khăn do bên trong Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông có nhiều vật liệu dễ cháy.
 
Trước đây, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra nhiều vụ cháy kho xưởng có vị trí nằm giữa các khu dân cư đông đúc. Tháng 11/2018, gần 500m² kho xưởng tại ngõ 15 Ngọc Hồi, quận Hoàng Mai, Hà Nội đã bị thiêu rụi trong vòng gần 1 tiếng đồng hồ. Hay như vụ cháy làm 8 người thiệt mạng, thiêu rụi 4 cơ sở sản xuất xảy ra tại phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội tháng 4/2019. Rõ ràng, những lo lắng của người dân sống xung quanh những khu nhà xưởng không phải không có cơ sở.
 
Từ những vụ việc trên, các cơ quan chức năng đã từng chỉ ra nguyên nhân, việc xảy ra các vụ cháy lớn ở nhà xưởng, kho hàng tại các nhà máy, khu công nghiệp một phần xuất phát từ công tác phòng cháy chữa cháy, những sai phạm về xây dựng, kết cấu, nguồn điện nhà xưởng. Bên cạnh đó, việc tập trung các nguyên vật liệu trong nhà xưởng như: đồ nhựa, đồ gỗ là những nguyên vật liệu dễ bắt lửa. Khi ngọn lửa bắt đầu bén, gặp những vật này sẽ như một “mồi ngon”, nhanh chóng lan ra các khu vực khác. 
 
Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở QH&KT Hà Nội, việc di dời các cơ sở công nghiệp đã được đặt ra từ sau quy hoạch năm 1998 và TP đã có rất nhiều chính sách ưu tiên để di dời. Công ty CP Bóng đèn, phích nước Rạng Đông cũng được giới thiệu vị trí để di dời nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện bởi doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thích nghi với địa điểm mới. Tuy nhiên, vấn đề lớn hơn là thiếu sự chỉ đạo quyết liệt, tạo điều kiện của cơ quan chức năng.
 
Thực tế hiện nay, không chỉ trên địa bàn quận Thanh Xuân, đa số các nhà máy, nhà xưởng xen lẫn khu dân cư có mặt ở hầu hết các quận: Nam Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên, huyện Thanh Trì chỉ hoạt động cầm chừng. Từ vụ cháy của Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông vừa qua cũng là một báo động để Hà Nội quyết liệt hơn trong việc di dời các nhà máy xí nghiệp ra khỏi nội đô.
 
Bên cạnh đó, để đảm bảo công tác quản lý được chặt chẽ, an toàn tính mạng cho các hộ dân sinh sống quanh khu vực nhà xưởng đang trong giai đoạn chờ di dời, đề nghị, trong thời gian tới, lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý các đơn vị thực hiện không đúng với các quy định.
 
 
Tuệ Liên

Tin cùng chuyên mục

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

(PNTĐ) - Người dân thôn Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) vừa trải qua một tuần thiếu nước sinh hoạt. Để tiết kiệm nước, họ phải tận dụng cả nước rửa rau để rửa bát, thậm chí không dám tắm hàng ngày vì lo ngại nguồn nước có thể bị cắt bất cứ lúc nào.
Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

(PNTĐ) - Vụ việc một khách hàng bị “bốc hơi” 58 tỷ đồng tại Ngân hàng MSB vẫn đang là câu chuyện nóng hổi, khiến nhiều người có tiền gửi tiết kiệm hoang mang. Và, làm thế nào để bảo vệ tiền gửi tại ngân hàng (nơi được cho là an toàn nay bỗng nhiên trở nên rủi ro) là chủ đề đang được nhiều người dân quan tâm hiện nay.
Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

(PNTĐ) - Nhiều năm nay, tại xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội, hàng trăm người dân sinh sống ở khu vực Nông trường dứa Suối Hai và thôn Phú Mỹ C không có nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Dù đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, các ngành song tình trạng “khát” nước sạch vẫn chưa được giải quyết, khiến cuộc sống của người dân nơi đây gặp không ít khó khăn.
Hàng trăm hộ dân kêu cứu

Hàng trăm hộ dân kêu cứu

(PNTĐ) - Hàng trăm hộ dân ở hai xã Phú Sơn và Thái Hoà, huyện Ba Vì, Hà Nội rơi vào cảnh sống khó khăn do bị “mắc kẹt” bởi Dự án đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng (giai đoạn 1) chậm tiến độ, chưa chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Hơn 13 năm nay, người dân, cử tri đã nhiều lần “kêu cứu”, chính quyền địa phương cũng đã có kiến nghị. Song cho đến nay, dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”.