Kỳ 3: Khó khăn trong tiếp cận dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe

Chia sẻ

PNTĐ-Mặc dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ, nhưng trên thực tế, người khuyết tật (NKT) đang gặp không ít khó khăn, rào cản trong tiếp cận dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe.

 
Kỳ 3: Khó khăn trong tiếp cận dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe - ảnh 1
Nếu NKT được hỗ trợ dụng cụ trợ giúp, họ sẽ tự tin để hòa nhập với cộng đồng xã hội một cách đầy đủ và bình đẳng

 
Chưa được hỗ trợ chi trả nhiều dịch vụ thiết yếu
 
NKT được định nghĩa là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn (Luật NKT - 2010). NKT bao gồm cả những NKT bẩm sinh, người bị khiếm khuyết do tai nạn, thương binh, bệnh binh… Tại Việt Nam, tỷ lệ khuyết tật vận động là 29,41%, khuyết tật nghe, nói: 9,32%, khuyết tật nhìn: 13,84%, khuyết tật thần kinh, tâm thần: 16,83%, khuyết tật trí tuệ: 6,52%...
 
PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, đến nay vẫn còn gần 50% NKT (hơn 3 triệu người) phải tự mua BHYT và phải đồng chi trả phí dịch vụ khám chữa bệnh. Đặc biệt, các dịch vụ về dụng cụ trợ giúp cơ bản, thiết yếu trong vận động, phục hồi chức năng rất cần đối với NKT nhưng lại chưa được BHYT chi trả. Trong khi đó, phần lớn NKT đều thuộc diện hoàn cảnh khó khăn, nên dụng cụ trợ giúp đối với NKT vẫn là một “ước mơ”.
 
Không may có con trai bị khuyết tật thần kinh (bại não), chị Đỗ Quỳnh Nga (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: Khi đi khám tại bệnh viện Nhi TƯ, các chi phí về xét nghiệm, chụp chiếu… con trai chị được BHYT chi trả. Riêng kinh phí tập phục hồi chức năng định kỳ cho con, gia đình chị phải tự trang trải. Nếu tập tại bệnh viện, con chị sẽ được tập 2 tháng/lần, mỗi đợt 20 ngày với mức chi phí gần 2 triệu đồng/đợt.
 
Tuy nhiên, dụng cụ tập phục hồi chức năng tại bệnh viện (theo trang bị của BHYT) khá sơ sài, không liên tục. Trong khi tập phục hồi chức năng phải thường xuyên, hàng ngày. Chị quyết định đưa con ra cơ sở phục hồi chức năng tư nhân điều trị. Ngoài phục hồi chứng năng vận động, con chị còn tập cả phục hồi chức năng về nhận thức, ngôn ngữ, chăm sóc sức khỏe… Theo chị Nga, mức độ trên chỉ ở ngưỡng trung bình, cơ bản nhưng số tiền bỏ ra đã lên tới 15-20 triệu/ tháng. 
 
Theo bà Vũ Thị Minh Hạnh - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách y tế (Bộ Y tế): Thực tế, NKT đang gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận các dụng cụ trợ giúp. “Theo quy định tại Điều 23 Luật BHYT sửa đổi năm 2014, các thủ thuật như: mổ, chỉnh hình xoa bóp… được BHYT thanh toán. Nhưng chỉnh hình không thể dùng tay không mà phải có nẹp, áo giáp cố định cột sống, khuôn giầy cố định cổ chân, gậy 1 chân, 2 chân... Dù gắn liền với danh mục kỹ thuật: trợ giúp vận động, nhận thức, giác quan khác như nhìn, nghe, nói… nhưng những thiết bị quan trọng, phục vụ can thiệp đó vẫn không được BHYT chi trả”.
 
Ngoài sự thiếu hụt về dụng cụ hỗ trợ, theo bà Nguyễn Hồng Hà - Giám đốc trung tâm Hỗ trợ sống độc lập của NKT Hà Nội, cơ sở vật chất để đảm bảo tiếp cận cho NKT tại nhiều cơ sở y tế chưa đủ điều kiện (theo bộ tiêu chuẩn quy chuẩn về tiếp cận công cộng cho NKT) mà Bộ Xây dựng đã ban hành. Ví dụ, đến trạm y tế hay bệnh viện không có đường dành riêng cho xe lăn thì những NKT vận động phải dùng xe lăn đi vào sẽ gặp nhiều khó khăn nếu không có người hỗ trợ. Hay, các bạn khiếm thính đã không nghe được thì không nói được, khi đi khám, họ sẽ rất khó để trình bày, trao đổi với bác sĩ về tình trạng bệnh của mình.
 
Rất nhiều trường hợp NKT tự thích nghi và phải coi mình như người bình thường. Chẳng hạn nữ NKT vận động mang thai có nhiều đặc điểm khác với người khỏe mạnh, nhưng hiện không có cơ sở khám thai dành riêng đối tượng này. Khi đi khám, họ không chủ động di chuyển được tới vị trí bàn siêu âm mà phải có người nhấc lên.  
 
 
ThS. Lê Tuấn Đống - Trưởng phòng Phục hồi chức năng và Giám định, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế): 
 
Số hộ gia đình có NKT chiếm 55% trong 2 nhóm thu nhập thấp nhất của cả nước. Theo chuẩn tiếp cận nghèo đa chiều năm 2016, hộ gia đình có NKT có nguy cơ nghèo cao gấp hơn 2 lần so với hộ gia đình không có NKT. Họ có sức khỏe yếu, thường xuyên bị ốm, bệnh, chấn thương, phải sử dụng nhiều dịch vụ y tế hơn so với người bình thường khoảng 20%.
 
Theo Điều tra quốc gia về NKT năm 2016, có 21,74% NKT vận động từ 18 tuổi trở lên sử dụng công cụ hỗ trợ và con số này đang ngày càng tăng lên. Nhưng nhiều NKT không thể tiếp cận các dụng cụ này do phải tự chi trả chi phí mua, còn BHYT chưa hỗ trợ nhiều trong phương diện này.
 
Thiếu hoạt động truyền thông chăm sóc sức khỏe cho NKT
 
Đặc biệt với NKT, kiến thức về sức khỏe sinh sản thiếu hụt nhiều. Chia sẻ tại một buổi hội thảo dành riêng cho NKT, anh Bùi Tuấn Thanh (36 tuổi, Hà Nội, người khuyết tật nghe) kể: “Vấn đề sức khỏe sinh sản cho phụ nữ được quan tâm nhiều hơn. Riêng trong cộng đồng khiếm thính, hiếm khi có dự án truyền thông nào về sức khỏe sinh sản cho nam giới. Để bù đắp thông tin thiếu hụt, những người thuộc nhóm khiếm thính nam thường tìm kiếm thông tin trên internet khi có nhu cầu. Tuy nhiên, do vốn từ hạn chế nên họ không thực sự hiểu hết”.
 
Hay như với NKT khiếm thị, “họ không thể chủ động tìm kiếm được thông tin hay tiếp cận thông tin qua các kênh thông thường: điện thoại di động, báo chí mà phải đợi để nghe đài khi có chương trình phù hợp” - bà Phan Thị Bích Diệp, Phó Chủ tịch Trường trực Hội NKT TP Hà Nội chia sẻ.
 
 “Rất nhiều NKT hiện không đủ thông tin để nhận biết dấu hiệu bệnh tật của họ là gì. Khi có bệnh rồi, họ cũng không biết thông tin về mạng lưới cung cấp dịch vụ, không biết bắt đầu đi đến đâu, gặp ai, đến cơ sở nào để được điều trị, chăm sóc. Mặc dù là NKT, sức khỏe yếu hơn người bình thường nhưng hầu hết họ không đăng ký chương trình khám định kỳ nào liên quan đến khuyết tật của mình, nhất là nam giới. Một phần lý do dẫn tới hệ quả trên là việc NKT chưa được cung cấp đủ, đúng thông tin về chăm sóc sức khỏe và dịch vụ y tế” - bà Vũ Thị Minh Hạnh thông tin.
 
“Như bản thân mình, hàng tháng đều tới khám sức khỏe định kỳ tại một bệnh viện trên địa bàn quận Đống Đa. Do phòng khám BHYT ở tầng 2, trong khi mình là một NKT vận động, bệnh viện không có tháng máy, lối đi riêng… nên đành khám dịch vụ theo yêu cầu của ở tầng 1, chấp nhận đóng thêm khoản chi phí ngoài. Hầu hết NKT là đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập thấp, sự hỗ trợ của BHYT ý nghĩa vô cùng. Nếu có quyền lợi mà không được hưởng trọn vẹn, sự hỗ trợ đó xem như vô nghĩa. Nhưng nếu NKT được cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết (như về quyền lợi khám BHYT, hệ thống các cơ sở tư vấn, chăm sóc y tế riêng cho NKT, hay những chương trình khám miễn phí cho NKT tại các địa phương…) NKT sẽ được hưởng trọn vẹn hơn quyền của mình” - bà Nguyễn Hồng Hà nhấn mạnh.
 
Thực tế, vấn đề chăm sóc sức khỏe là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến cuộc sống tinh thần của NKT. Người già trong cơ cấu dân số đang có xu hướng tăng, với nhiều bệnh kéo theo như: tai biến, đột quỵ, Alzheimer… dẫn tới tỷ lệ NKT cũng ngày càng nhiều hơn trong tương lai. “Nếu không đi trước đón đầu, có chính sách y tế phù hợp thì khi dân số bước vào giai đoạn già hóa, NKT sẽ không có khả năng phục hồi chức năng, không có khả năng mưu sinh, hay khả năng duy trì sinh hoạt của mình, tạo gánh nặng lớn cho gia đình, xã hội” - bà Vũ Thị Minh Hạnh lo ngại.
 
 
Bà Phan Thị Bích Diệp - Phó Chủ tịch Thường trực Hội NKT TP Hà Nội:
 
Do khiếm khuyết về một hoặc nhiều bộ phận cơ thể, suy giảm chức năng biểu hiện dưới dạng khuyết tật… nên NKT hay tự ti, mặc cảm, ngại giao tiếp, ít tham gia các hoạt động xã hội. Khi gặp vấn đề về sức khỏe, họ lại ngại đi khám, thậm chí có thông tin muốn biết cũng ngại hỏi. Trong khi đó, chúng ta chưa có nhiều cơ chế, hoạt động truyền thông giúp NKT mở lòng, tự tin; đặc biệt chính sách trong tư vấn sức khỏe cho NKT còn ít, khiến họ bị thiếu hụt nhiều thông tin, gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe.
 
 
Thảo Hương

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.
Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.
Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.