Cuộc sống nơi đầu sóng

Chia sẻ

PNTĐ-Từ ngày 30/8, tại Trung tâm triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng, Hoàn Kiếm, 2 tác giả Trần Vũ Thành và nữ nhà văn, nhà báo Lữ Mai đã tổ chức ra mắt cuốn sách “Nơi đầu sóng”.

 
Hai tác giả Trần Vũ Thành (Chủ nhiệm CLB Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương) và nữ nhà văn, nhà báo Lữ Mai (báo Nhân Dân) đã tổ chức ra mắt cuốn sách “Nơi đầu sóng”. Chương trình được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 74 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam.
 
Cuộc sống nơi đầu sóng - ảnh 1
Bức ảnh “Cờ Tổ quốc đội tuyển quốc gia tặng Nhà giàn” của tác giả Trần Thành Đạt (Thông tấn xã Việt Nam) được trưng bày tại triển lãm

 
Anh Trần Vũ Thành - người đã 8 lần đến với quần đảo Trường Sa chia sẻ: “Biển đảo quê hương chứa đựng vô vàn điều thú vị, đặc biệt là Trường Sa, Nhà giàn DK1, nơi khẳng định chủ quyền máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc. Cuộc sống những người lính biển phải đối mặt với nhiều gian lao, khốc liệt nhưng cũng vì thế mà tình đồng đội, tình yêu thương nhau thấm đẫm. Những tác phẩm báo chí, nghệ thuật sẽ đưa cuộc sống biển đảo quê hương vào trong đất liền, mỗi cuốn sách, bài thơ, bức ảnh sẽ là cột mốc chủ quyền, giúp người dân hiểu rõ hơn về vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc”.
 
Anh Trần Vũ Thành và chị Lữ Mai đã cùng có trải nghiệm về Trường Sa, về biển đảo quê hương. “Hành trình đến với Trường Sa lần đầu tiên của tôi vào năm 2014 có kỷ vật của vợ chồng Lữ Mai mà đến bây giờ tôi vẫn giữ. Lữ Mai sử dụng những hình ảnh Trường Sa tôi chụp cho những bài báo chị viết”, anh Thành chia sẻ về mối duyên đặc biệt đã chắp bút cho cuốn sách chung của hai người.
 
Nữ nhà văn, nhà báo Lữ Mai vừa có chuyến công tác Trường Sa trên tàu KN490 vào tháng 5/2019 nhớ lại, trong chuyến công tác của mình, chị hỏi các chiến sĩ rằng họ mong mỏi điều gì nhất thì những người lính binh nhất, binh nhì chỉ mong mọi người trong đất liền được bình yên, hạnh phúc và bày tỏ nguyện vọng cá nhân là được đọc sách, những cuốn sách có hình ảnh thế hệ cha ông giữ chủ quyền Tổ quốc, hình ảnh đồng chí đồng đội của mình.
 
Tác phẩm “Nơi đầu sóng” đã ra đời với những mong muốn tốt đẹp trên. Cuốn sách gồm 21 tản văn, ghi chép của nhà báo Lữ Mai và được minh họa bằng 21 bức ảnh chọn lọc của anh Trần Vũ Thành. Đó là những khoảnh khắc, câu chuyện cuộc sống của người chiến sĩ trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1 và trên những con tàu, những chuyến hải trình chở đầy yêu thương ra nơi đầu sóng…
 
Những bài viết về các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh vì biển đảo Tổ quốc; lực lượng bộ đội trên đảo, trên tàu; thân nhân của người lính; y - bác sĩ; người trực hải đăng; các chuyến tàu trên biển với những thủy thủ tinh anh, đội phục vụ tận tâm, tổ xuồng quả cảm, tổ máy thầm lặng… 
 
 Cùng ra mắt với tác phẩm “Nơi đầu sóng” là triển lãm cùng tên giới thiệu tới công chúng 100 hình ảnh mới nhất, phản ánh trung thực các mặt hoạt động tại Trường Sa, Nhà giàn DK1, các lực lượng trên biển. Điểm nhấn của triển lãm “Nơi đầu sóng” là lần đầu tiên trưng bày hình ảnh đầy đủ về 15 nhà giàn thuộc tuyến nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.
 
Ngoài tác phẩm của các nhiếp ảnh gia, nhà báo thì triển lãm còn có ảnh của các nhân vật đặc biệt như: Chính ủy các Lữ đoàn thuộc Quân chủng Hải quân, bộ đội thi công nhà giàn, bộ đội trên đảo, đại biểu ra thăm đảo… Triển lãm còn trưng bày các hiện vật về quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1...
 
Với số lượng in 5.000 cuốn trong lần xuất bản đầu tiên, phần lớn sách sẽ được chuyển ra đảo xa, nhà giàn và các chuyến tàu trên biển. Sau buổi triển lãm và ra mắt sách, nhóm tác giả và các đơn vị tổ chức sự kiện phát động chương trình Tết Trung thu “Bố ở đảo xa - Con ở nhà có bạn” năm 2019 nhằm kết nối quà tặng từ các đơn vị hảo tâm, các tổ chức xã hội và cá nhân gửi tới các cháu thiếu nhi là con em cán bộ chiến sĩ đang công tác trên biển đảo, sẽ trao ngay mùa Trung thu cho thiếu nhi tại Quân chủng Hải quân, Hải Phòng.
 
Quỳnh Anh 

Tin cùng chuyên mục

Tổng Thư ký OIF trải nghiệm chơi nhạc cụ truyền thống Việt Nam tại Nhà Triển lãm Việt Nam

Tổng Thư ký OIF trải nghiệm chơi nhạc cụ truyền thống Việt Nam tại Nhà Triển lãm Việt Nam

(PNTĐ) - Ngày 10/7/2025, Nhà Triển lãm Việt Nam vinh dự đón Bà Louise Mushikiwabo, Tổng Thư ký Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) đến thăm nhân chuyến công tác đến EXPO 2025 Osaka, Kansai, Nhật Bản. Hình ảnh bà Tổng Thư ký trải nghiệm các nhạc cụ truyền thống của Việt Nam và chơi một bản nhạc ngẫu hứng trên sân khấu Nhà triển lãm gây ấn tượng với quan khách.
Định hướng phát triển văn học, nghệ thuật trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Định hướng phát triển văn học, nghệ thuật trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

(PNTĐ) - Sáng 10/7 tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Định hướng phát triển văn học, nghệ thuật trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Hội thảo là diễn đàn học thuật quan trọng, quy tụ đông đảo các nhà nghiên cứu, nhà lý luận, văn nghệ sĩ, các nhà quản lý văn hóa nghệ thuật trên cả nước, cùng trao đổi, hiến kế, góp phần xác lập những định hướng chiến lược cho sự phát triển của văn học, nghệ thuật Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Góp sức cho chiến lược quảng bá hình ảnh quốc gia trong kỷ nguyên mới

Góp sức cho chiến lược quảng bá hình ảnh quốc gia trong kỷ nguyên mới

(PNTĐ) - Sáng 10/7/2025, Báo Việt Nam News and Law, Thông Tấn Xã Việt Nam, phối hợp với Cục Thông tin cơ sở và Thông tin đối ngoại (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), tổ chức tọa đàm “Định vị Việt Nam – Truyền thông quảng bá hình ảnh quốc gia trong kỷ nguyên mới”, nhằm lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Chiến lược truyền thông quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài.
“Sông Đà – Lịch sử một vùng biên cảnh Việt Nam”: Bức tranh sử thi của miền Thượng qua góc nhìn Pháp học

“Sông Đà – Lịch sử một vùng biên cảnh Việt Nam”: Bức tranh sử thi của miền Thượng qua góc nhìn Pháp học

(PNTĐ) - Trong không gian địa - chính trị - văn hóa rộng lớn của Việt Nam, vùng sông Đà từ lâu đã tồn tại như một cột mốc vừa mờ ảo vừa quyết liệt. Đó là miền Thượng hiểm trở, nơi dòng sông cuộn trào vượt qua ba thung lũng Lai Châu, cắt dọc lãnh thổ phía Tây Bắc, mang theo bao lớp trầm tích địa chất lẫn ký ức con người.