“Người thầy” giúp tôi có cái nhìn mới mẻ về nghề giáo

Chia sẻ

PNTĐ-“Người thầy” là câu chuyện về nghề dạy học với muôn vàn những tình huống oái oăm mà không một giáo viên trẻ nào có thể lường trước.

 
Frank McCourt là cố nhà giáo, nhà văn người Mỹ. Trước khi trở thành một nhà văn, ông đã có 3 thập kỉ dạy học. “Người thầy” là một trong những cuốn hồi ký diễn tả sống động, hài hước và vô cùng sâu sắc về cuộc đời dạy học của chính McCourt. Không chỉ là một cuốn tự truyện mà tác phẩm còn là một lời bày tỏ lòng kính trọng đối với các thầy cô giáo ở khắp mọi nơi trên thế giới.
 
“Người thầy” là câu chuyện về nghề dạy học với muôn vàn những tình huống oái oăm mà không một giáo viên trẻ nào có thể lường trước, nhất là khi họ có hơn nghìn học trò, thuộc đủ lứa tuổi - từ trẻ mầm non cho đến những cô cậu choai choai 15, 16 tuổi, tầng lớp, chủng tộc trong xã hội. “Người thầy” đưa độc giả bước vào không gian trường lớp kiểu Mỹ, nơi bàn ghế không mang hơi thở của thánh đường và thầy cô giáo khi thì bầu bạn lúc lại chuyện trò, là đối thủ khi đấu karate, là tội nhân khi phải chịu trận những trò náo loạn của bọn học trò trên phố.
 
Những lớp học của thầy McCourt, đôi khi còn là một thế giới thu nhỏ với đầy đủ màu da, tôn giáo và những chuyện buồn vui xoay quanh sự khác biệt này. Đó là những cô bé da đen chưa một lần dám đặt chân tới Quảng trường Thời đại, là những cậu nhóc CuBa đều đặn rủ nhau đóng bộ vào ngày thứ sáu để chứng tỏ mình thông minh hơn những đứa khác, hay chuyện của đôi bạn Ý - Ireland với một kết thúc buồn vì những xích mích giữa hai nhóm sắc tộc. Qua lời kể của chính mình, ông hiện lên là một người thầy, người bạn thân thiết, thấu hiểu được những tâm tư, tình cảm sâu kín nhất của những cô cậu học trò. 
 
Để có thể trở thành một thầy giáo thực thụ, McCourt phải vượt qua biết bao nhiêu những khó khăn khi hiệu trưởng và phụ huynh lo ngại, không yên tâm trước những điều ông dạy cho học trò mỗi ngày. Ông đã từng rất khó chịu khi phải dạy 5 ngày trong một tuần và 5 tiết trong một ngày, nhưng khi về nhà phải vác theo đống bài với đủ những bày tỏ, ước mơ, những nỗi lo âu được viết dày đặc, chi chít trên giấy.
 
Để có thể hiểu được đám trẻ cứng đầu, McCourt đã thay đổi cách dạy học của mình bằng những cách dạy học mới, độc đáo: Kể chuyện đời cũng là dạy học, hãy làm điều các em muốn, miễn là làm một cách sáng tạo và đầy cảm hứng. Đủ bản lĩnh để vượt qua những nguyên tắc sư phạm khô cứng, đủ hài hước để tự tước đi vẻ bề ngoài như được mong đợi ở một nhà giáo kiểu mẫu, đủ sáng tạo để thu hút học sinh đến với môn học, và đủ khiêm tốn để luôn luôn thừa nhận rằng bản thân đã học được nhiều điều từ học trò, Frank McCourt qua câu chuyện đời mình đã đem lại cho độc giả hình dung rõ ràng việc dạy và học một cách hiệu quả mà không cần tới một công thức hay khuôn mẫu.
 
Với giọng văn vừa dí dỏm, hài hước lại vừa sâu lắng cùng với bản tính thật thà lay động lòng người của mình, McCourt đã ghi lại một cách chân thực nhất những khó khăn, gian khổ trong cuộc đời dạy học của chính ông. 
 
Bằng sự chân thành, tình yêu, nhiệt huyết và sự trân trọng với nghề “trồng người”, McCourt đã biến những câu chuyện của mình trở thành một điểm nhìn mới mẻ, sáng tạo và táo bạo. Qua cuốn tự truyện này, Frank McCourt còn muốn truyền đạt một thông điệp với những người đang làm thầy, làm cô giáo là hãy thay thế mô hình dạy học khô khan và tìm một cách dạy học, hướng đi mới để có thể tiếp cận được với học sinh của mình, hãy biến những ngày lên lớp chán ngắt với những tiết dạy học buồn tẻ, dài đằng đẵng trở thành động lực, niềm vui thú và trở thành một công việc yêu thích hàng ngày của các em. Năm 1976, Frank McCourt được phong danh hiệu Nhà giáo của năm - danh hiệu cao quý của một nhà giáo Mỹ, với những cống hiến của mình cho nghề giáo. 
 
 
Phạm Trung Anh
Lớp 11N2Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành

Tin cùng chuyên mục

“Cây cam ngọt của tôi”: Khát khao cháy bỏng được yêu thương?

“Cây cam ngọt của tôi”: Khát khao cháy bỏng được yêu thương?

(PNTĐ) -“Cây cam ngọt của tôi” là một cuốn sách rất đáng để đọc. Liệu chúng ta có thể hiểu rằng, đằng sau dáng vẻ nghịch ngợm của một đứa trẻ là những suy nghĩ vô tư, trong sáng, là trí tưởng tượng phong phú mà chúng tạo ra để cảm nhận được niềm vui? Hay những đòn roi, tổn thương mà chúng không đáng được nhận? Đọc cuốn sách, ta như có sự đồng cảm dành cho những đứa trẻ khao khát được yêu thương.
“Trái tim đàn bà” - Phụ nữ yêu thương từ những điều vụn vặt

“Trái tim đàn bà” - Phụ nữ yêu thương từ những điều vụn vặt

(PNTĐ) -Người ta nói, tản văn là ngôn ngữ của trái tim. Đọc những trang viết trong Trái tim đàn bà của Nguyễn Quỳnh Hương, là đi lạc vào trái tim chị với nhiều chiều của nó, nhưng lớn hơn cả là sự nồng ấm, dịu dàng. Chị tinh tế và nhiệt thành trong cách bày biện những câu chuyện của mình. Viết một cách say mê về những điều nhỏ nhặt. Mà những điều nhỏ nhặt ấy lại rất đàn bà.