Hóa giải bạo lực

Chia sẻ

PNTĐ-Bạo lực gia đình nảy sinh bạo lực xã hội. Nếu chúng ta làm tốt công tác phòng ngừa, ngăn chặn bạo lực từ trong mỗi gia đình thì sẽ dập tắt được mầm mống bạo lực xã hội.

Chỉ trong vòng một tháng, dồn dập các vụ xâm hại phụ nữ, trẻ em, bạo lực gia đình diễn ra, với tính chất ngày càng táo tợn, manh động, dẫn đến những bi kịch đau lòng cho các gia đình, sự nhức nhối trong xã hội.  
 
Dư luận không khỏi băn khoăn tự hỏi, tại sao tình trạng bạo lực lại ngày càng gia tăng, trong khi chúng ta đã có Luật Phòng chống bạo lực gia đình, có sự vào cuộc của rất nhiều tổ chức đoàn thể để giải quyết vấn đề này?
 
Bạo lực gia đình nảy sinh bạo lực xã hội. Nếu chúng ta làm tốt công tác phòng ngừa, ngăn chặn bạo lực từ trong mỗi gia đình thì sẽ dập tắt được mầm mống bạo lực xã hội. 
 
Nhưng, vấn đề hóa giải bạo lực gia đình của chúng ta lâu nay vẫn chưa thực sự hiệu quả. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu vẫn là quan niệm xem bạo lực gia đình là chuyện riêng của mỗi nhà. Vì là chuyện riêng nên cách hóa giải bạo lực của chúng ta trở nên có vấn đề, nó khiến cho bạo lực không mất đi mà chuyển hóa sang một dạng khác có tính chất trầm trọng, nguy hiểm hơn. 
  
Khi bạo lực gia đình xảy ra, điều đầu tiên mà người ta nghĩ đến là chuyện riêng thì nên “đóng cửa bảo nhau” thay vì gây ầm ĩ, “xấu chàng hổ ai”. Do đó, sau cánh cửa một gia đình xảy ra cảnh chồng bạo hành vợ, bố mẹ bạo hành con, người ta sẽ nhìn nhận vấn đề theo hai hướng:
 
Thứ nhất, chồng có quyền dùng bạo lực để dạy dỗ vợ, “thương cho roi cho vọt” là một phương pháp giáo dục con của bố mẹ. Thứ hai, nếu có sự can thiệp của người thân, hay người ngoài cũng sẽ diễn ra theo kiểu hòa giải để gia đình không đổ vỡ. Người vợ là nạn nhân bị bạo lực sẽ được khuyên nhủ nên sống cam chịu vì con, vì gia đình.
 
Họ thậm chí còn bị đổ lỗi ngược trở lại nếu có sự phản kháng để giải thoát khỏi bạo lực bằng việc ly hôn, hoặc tố cáo thủ phạm ra pháp luật. Điều đó đã khiến cho những phụ nữ là nạn nhân bị BLGĐ không thể thoát ra khỏi cái vòng bạo lực luẩn quẩn. Sự hóa giải ấy giống như một cách dồn nén bạo lực xuống thay vì xóa bỏ nó, khiến bạo lực vẫn âm thầm tồn tại. 
 
Cũng vì xem BLGĐ là chuyện riêng nên mọi người vẫn chưa thật sự xem nó là “chuyện chung” của xã hội. Vì thế, trong cách giải quyết BLGĐ của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương vẫn còn chưa thấu đáo và hết trách nhiệm. Do đó, họ đã không tháo gỡ bạo lực ngay từ lúc nó vẫn còn là những mâu thuẫn nhỏ.
 
Trong suy nghĩ của họ, với những mâu thuẫn ấy thì vẫn nên “đóng cửa bảo nhau”, chuyện gia đình thì nên để gia đình tự giải quyết. Để rồi, đằng sau sự thờ ơ, bỏ mặc ấy, những mâu thuẫn nhỏ tích tụ lại thành mâu thuẫn lớn, và bung ra gây chấn động xã hội. Bấy giờ, hậu quả là vô cùng lớn. Rõ ràng, chính quyền, đoàn thể vẫn chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, ý nghĩa của công tác hòa giải cơ sở.
 
Đội ngũ hòa giải viên chưa được kiện toàn, còn thiếu những kinh nghiệm. Cộng thêm nhận thức của người dân về vai trò của hòa giải viên cơ sở chưa đúng nên họ chưa chủ động, tích cực phối hợp khi giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp trong gia đình và ngoài xã hội bằng biện pháp hoà giải cơ sở. 
 
Vì vậy, đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận bạo lực trong gia đình không còn chuyện riêng của mỗi nhà mà là chuyện chung của toàn xã hội. Vấn đề hóa giải bạo lực cần phải được xem trọng và là nhiệm vụ cấp bách của mỗi tổ chức, đoàn thể. Bạo lực cần được hóa giải từ khi nó vừa có dấu hiệu chứ không phải đợi đến lúc nó để lại hậu quả nặng nề mới vào cuộc xử lý.
 
Muốn làm được điều đó, ngoài việc làm tốt công tác giáo dục từ gia đình, chúng ta phải chú trọng đến công tác hòa giải cơ sở. Làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở thì sẽ hóa giải được bạo lực ngay từ đầu, tạo nên môi trường an ninh, trật tự vững mạnh. Trường hợp công tác hòa giải không được quan tâm, chú trọng, dẫn đến mâu thuẫn, tranh chấp âm ỉ, sẽ biến thành “ngòi nổ” kéo theo bạo lực gia tăng và trở thành điểm nóng trong xã hội.
 
 
Hạ Thi

Tin cùng chuyên mục

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

(PNTĐ) - Có một căn nhà - đó là ước mơ, kế hoạch mà rất nhiều cặp vợ chồng đã cùng nhau dốc sức để biến thành hiện thực. Hành trình ấy có rất nhiều áp lực, nhiều lo toan và đôi lúc phải từ bỏ cả những niềm đam mê khác; nhưng bên cạnh đó cũng là sự háo hức, niềm vui khi, gia đình nhỏ có một nơi bình yên để trở về.
Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

(PNTĐ) - Thời gian qua, công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt đối với tội phạm về bạo lực, xâm hại trẻ em là một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, tội phạm xâm hại trẻ em vẫn còn là một vấn nạn gây nhức nhối. Thực trạng này đòi hỏi các nhà chức trách phải phối hợp chặt chẽ với gia đình, nhà trường để có những biện pháp bảo vệ trẻ em hiệu quả hơn.
Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.
Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.