Thành công nhờ hậu phương vững chắc

Chia sẻ

PNTĐ-Với chị Trần Thị Thu Hà (SN 1973), hiện là Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục HN, để có thành công trong công việc thì cần thiết phải có sự giúp sức của các thành viên trong gia đình.

 
Luôn đổi mới, sáng tạo trong công tác
 
Tốt nghiệp trường ĐH Tổng hợp Hà Nội khoa Triết học, chị Trần Thị Thu Hà về công tác tại trường THPT Trương Định (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Là giáo viên dạy bộ môn Giáo dục công dân, kiêm cố vấn Đoàn trường, chị luôn nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm với công việc được giao.
 
Đến năm 2007 chị Hà được phân về công tác tại Phòng GD&ĐT quận Hai Bà Trưng sau đó chuyển về Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội, giữ chức vụ Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch. Ở cương vị mới, với niềm yêu thích, say mê hoạt động phong trào, chị đã luôn có nhiều đổi mới, sáng tạo trong công việc, chủ động phối hợp với Sở GD&ĐT Hà Nội triển khai các hoạt động của ngành. Năm 2019 chị hoàn thành bảo vệ luận án Tiến sĩ chuyên ngành Quản lý giáo dục tại Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng.
 
Là Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội, chị luôn trăn trở nghiên cứu, đổi mới hình thức các hoạt động để thu hút đoàn viên đồng thời nâng cao chất lượng công đoàn cơ sở. Với đặc thù Hà Nội mở rộng, nhiều trường ở vùng sâu, vùng xa còn gặp khó khăn, chị và BCH công đoàn luôn quan tâm, hỗ trợ cho các nhà trường và giáo viên có hoàn cảnh khó khăn về cơ sở vật chất và hoạt động nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhà giáo. Đồng thời chị vận động các nhà giáo khác chung tay giúp đỡ. Nhiều tập thể, cá nhân đã ủng hộ đồ dùng học tập, phương tiện đi lại, quần áo đồng phục, tiền… cho các trường khó khăn. 
 
Điều mà chị tâm huyết trong 3 năm qua là cùng Ban Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội xây dựng thành công Giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo. Đây là giải thưởng tôn vinh các nhà giáo có nhiều đóng góp tâm huyết với sự nghiệp trồng người, có nhiều đổi mới sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và giáo dục học sinh. Suốt thời gian dài tổ chức, chị đã miệt mài nghiên cứu, tìm tòi để xây dựng tiêu chí, đẩy mạnh tuyên truyền để giáo viên các trường hưởng ứng thi đua.
 
Mỗi năm, BTC giải thưởng đã xét khen thưởng 120 nhà giáo ở 4 cấp học. Bên cạnh đó, các chị đã phát động phong trào “trường giúp trường, quận giúp huyện”, vận động các trường, quận có điều kiện thuận lợi giúp đỡ các trường ở các huyện khó khăn như Chương Mỹ, Phú Xuyên, Ba Vì về cơ sở vật chất, đồ dùng dạy học, tăng cường giao lưu chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý và đổi mới phương pháp dạy học.
 
Dưới sự dẫn dắt của chị, nhiều năm liền, công đoàn ngành giáo dục Hà Nội được công đoàn giáo dục Việt Nam tặng cờ và bằng khen. Bản thân chị liên tục được nhận các bằng khen của Bộ GD&ĐT, của UBND TP Hà Nội và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam...
 
Thành công nhờ hậu phương vững chắc
 
Gia đình chị Hà sống 3 thế hệ, trong đó bố chồng, anh chị chồng, chồng chị đều là nhà giáo. Có lẽ vì thế, chị luôn nhận được sự hỗ trợ, động viên từ các thành viên trong gia đình. Bản thân chị nhiều năm liền tham gia các khóa học nâng cao trình độ ngoài giờ, thứ Bảy, Chủ nhật, song luôn được gia đình giúp đỡ, động viên, tạo điều kiện để yên tâm học tập và công tác. 
 
Thành công nhờ hậu phương vững chắc - ảnh 1
Gia đình chị Hà chúc mừng chị trong lễ bảo vệ luận án Tiến sĩ

 
Khi hoàn thành chương trình Thạc sĩ, trong lúc nhiều ông chồng khác khuyên vợ an phận để dành thời gian chăm sóc gia đình, thì anh Thi chồng chị lại động viên vợ cố gắng làm luôn nghiên cứu sinh. Điều này giúp chị có thêm động lực và yên tâm học tập nghiên cứu.
 
“Có tuần tối nào tôi cũng đi về muộn, anh ấy sợ vợ đi xa nguy hiểm, nên lại đến trường đón. Anh còn chủ động giúp vợ trong những lần thu thập tài liệu, nộp hồ sơ… khiến tôi vô cùng xúc động. Công việc của tôi cũng thường xuyên phải đi công tác xa hoặc về muộn, bố mẹ chồng ủng hộ giúp đỡ chăm sóc các cháu nên có những chuyến công tác dài ngày, tôi vô cùng yên tâm” - chị Hà xúc động nói.
 
Dù vậy, những ngày nghỉ hoặc khi sắp xếp được công việc, chị đều dành hết thời gian cho gia đình và các con. Những lúc đó, chị vào bếp nấu những món ăn mà bố mẹ chồng yêu thích, hoặc cùng chồng đưa các con đi chơi. Chị cũng luôn dạy các con phải tự lập từ sớm. Do đó, các con tự giác trong học tập và giúp đỡ bố mẹ, ông bà những việc nhà. Đặc biệt, để giúp các con hiểu về ý nghĩa của việc giúp đỡ người khác, chị thường đưa các con theo trong các chuyến từ thiện.
 
Hai con trai của chị hiện đang là sinh viên năm 2 trường đại học Kinh tế Buddapets, Hungary theo học bổng Hiệp định của Chính phủ hai nước. Cháu bé đang học lớp 7 trường THCS Chu Văn An, Thanh Trì, năm học 2018-2019, cháu đạt giải Nhất HS giỏi cấp Huyện môn Toán.
 
Hồng Nhung 

Tin cùng chuyên mục

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

(PNTĐ) - Có một căn nhà - đó là ước mơ, kế hoạch mà rất nhiều cặp vợ chồng đã cùng nhau dốc sức để biến thành hiện thực. Hành trình ấy có rất nhiều áp lực, nhiều lo toan và đôi lúc phải từ bỏ cả những niềm đam mê khác; nhưng bên cạnh đó cũng là sự háo hức, niềm vui khi, gia đình nhỏ có một nơi bình yên để trở về.
Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

(PNTĐ) - Thời gian qua, công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt đối với tội phạm về bạo lực, xâm hại trẻ em là một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, tội phạm xâm hại trẻ em vẫn còn là một vấn nạn gây nhức nhối. Thực trạng này đòi hỏi các nhà chức trách phải phối hợp chặt chẽ với gia đình, nhà trường để có những biện pháp bảo vệ trẻ em hiệu quả hơn.
Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.
Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.