Rể hiền trụ cột gia đình vợ

Chia sẻ

PNTĐ-Chuyện những chàng trai kết hôn xong ở rể và trở thành trụ cột nhà vợ không còn hiếm trong cuộc sống hiện đại.

 
Theo đó, gia đình vợ yêu quý con rể như con trai, còn con rể xóa bỏ quan niệm "sống gầm chạn", gánh vác việc nhà vợ như việc nhà mình. 
 
Rể hiền trụ cột gia đình vợ - ảnh 1
Ảnh minh họa

 
Xóa bỏ quan niệm phải có con trai vì hàng xóm có rể hiền
 
Là con trưởng, anh Hùng lấy vợ mang nặng trọng trách phải có con trai nối dõi. Bởi vậy, khi vợ anh sinh con gái đầu lòng, anh có chút không vui vì vẫn mong muốn có con trai trước cho chắc chắn. Vì lỡ đâu lần sau, vợ lại tiếp tục sinh con gái thì chuyện sinh con vẫn còn phải nghĩ tới.
 
Trong khi đó điều kiện kinh tế không cho phép vợ chồng anh sinh nhiều con. Hàng ngày, họ còn chịu sức ép từ bố mẹ anh Hùng sống gần đó. Lần sinh thứ hai, lại thêm một cô con gái xinh xắn. Khỏi phải nói, anh Hùng bị bố mẹ giáo huấn đến mất ăn mất ngủ vì chuyện chưa sinh được con trai nối dõi. 
 
Nhưng từ ngày, ông bà hàng xóm gả chồng cho con gái, rồi anh con rể tình nguyện ở rể nhà vợ thì anh như trút được gánh nặng. Ông bà hàng xóm cũng sinh được hai cô con gái nhưng họ không hề nghĩ đến chuyện sinh tiếp con trai. Sống ở nơi mọi người vẫn còn coi nặng vai trò con trai nối dõi, ông bà cũng chịu nhiều điều tiếng. Đến nỗi cuộc sống hạnh phúc, êm đềm, kinh tế dư giả của họ cũng bị mọi người soi mói rằng có nhiều tiền của thì sau này cũng chỉ để làm... từ thiện vì chẳng có con trai thừa kế sự nghiệp, gia sản.
 
Ông bà bước qua mọi dư luận để sống vui bên hai cô con gái ngày một trưởng thành, xinh đẹp, giỏi giang. Ngày ông bà kén rể cũng chẳng đưa ra điều kiện là con gái phải lấy chồng ở rể, vì mục đích lớn nhất của họ là con được sống hạnh phúc.
 
Con gái lấy chồng tháng trước thì tháng sau hàng xóm thấy hai vợ chồng chuyển đồ về nhà bố mẹ ở. Gặp ai, chàng rể cũng tươi cười bảo đã xin phép bố mẹ vợ cho ở rể. Nhà thông gia bảo, họ cũng để con lựa chọn cuộc sống, không ép buộc con phải ở nhà mình hay không được sang nhà vợ ở rể. Sống chỗ nào, con thấy hạnh phúc, tiện cho công việc là được. Từ đó, anh Hùng đặc biệt quan sát cuộc sống của ông bà hàng xóm, đặc biệt là anh con rể. Phải thừa nhận rằng, anh con rể là người tuyệt vời, mang tiếng là ở rể nhưng anh ta đã xóa đi bao nhiêu quan niệm cổ hủ về chuyện này.
 
Hàng ngày, anh con rể cùng vợ đi làm, chiều về đến nhà là lập tức rủ rê bằng được bố vợ đi ra ngoài "tập thể dục" khoảng 1- 2 tiếng mới về. Ông hàng xóm bảo, nói là đi tập thể dục nhưng không hẳn vậy. "Vì có hôm nó đèo tôi ra quán bia hơi đầu phố bảo hai bố con làm mấy cốc rồi về ăn cơm cho ngon. Có hôm, nó dẫn tôi đến câu lạc bộ tennis mà nó đang tham gia, dạy tôi cách chơi để thỉnh thoảng bố con đánh với nhau cho vui. Có hôm, nó rủ tôi đi bơi, hoặc uống cà phê... ngắm phố phường vào thu..." - ông kể.
 
Bố vợ dù đã về hưu nhưng trông vẫn rất phong độ nên anh con rể chẳng ngại ngần rủ ông tham gia các hoạt động thể thao, giải trí cùng mình. Về phần mẹ vợ, anh cũng tâm lý luôn biết cách động viên bà trong cuộc sống. Nếu vợ chồng anh có điều gì bất đồng quan điểm với bố mẹ vợ, anh đều dùng sự hóm hỉnh của mình để hóa giải. 
 
Khi bà hàng xóm bị tai biến nằm một chỗ mấy tháng, anh Hùng thật cảm phục anh con rể. Bấy giờ, ai cũng thấy vai trò trụ cột của anh trong nhà vợ. Bởi bố vợ anh lâu nay vẫn là một người đàn ông được vợ chăm sóc từ A đến Z nên chẳng biết làm gì, xoay sở thế nào khi vợ ốm nằm một chỗ. Hai cô con gái cũng chỉ biết quanh quẩn phụ chăm sóc mẹ còn giải quyết các công to việc lớn trong nhà thì không thể đảm đương nổi. Anh con rể dù trẻ người nhưng xốc vác khi giải quyết các vấn đề lớn trong gia đình. Việc chữa bệnh cho mẹ vợ khi trong giai đoạn nguy kịch ở bệnh viện, hay giai đoạn đã thoát nguy hiểm về phục hồi ở nhà ra sao, anh đều sắp xếp đâu ra đấy.
 
Vì thế việc nhà ông hàng xóm vẫn ổn, không xáo trộn, lấn bấn như một số gia đình khác khi có người đau lâu ốm dài. Khi bà hàng xóm khỏe mạnh trở lại, hễ gặp ai, bà cũng khoe anh con rể tốt người, giỏi giang. Nhiều người có con trai nhưng chẳng được nhờ vả, ngược lại còn phải khốn đốn thêm khi chúng báo nợ nần về do ăn chơi, quậy phá. Cứ nhìn vào anh con rể nhà ông hàng xóm, họ lại ao ước, bảo có con rể như thế gấp vạn lần con trai. 
 
Anh Hùng thấy mình như trút được gánh nặng trách nhiệm sinh con trai kể từ ngày chứng kiến cuộc sống của nhà hàng xóm. Mỗi lần bố mẹ anh nói đến chuyện đó là anh lại đưa "gương" nhà hàng xóm sinh hai con gái kén được rể hiền hơn cả khối con trai hiện nay. 
 
Có con trai nhưng chỉ tin tưởng con rể
 
Ông Hoàng có hai con trai, một con gái. Nhà ông làm nghề truyền thống có một công ty gia đình làm ăn khá phát đạt. Nói đúng hơn, công ty gia đình đó chỉ thật sự phát đạt và có uy tín kể từ ngày anh con rể về đầu quân làm cùng bố vợ. Trước đây, một mình ông Hoàng xoay xở nên công ty chỉ hoạt động khá ở thị trường miền Bắc, chưa vươn ra rộng khắp cả nước. Gia đình ông gắn bó với nghề mộc làm đồ gỗ truyền thống mấy đời. Đời nào cũng mong muốn con trai kế thừa và phát triển nó.
 
Nhưng đến đời ông, hai đứa con trai không mặn mà với nghề mộc này, dù ông nỗ lực hướng con phát triển sự nghiệp gia đình. Cả hai đứa con trai học xong đại học, một đứa xin đi làm ở doanh nghiệp nhà nước, một đứa xin tiền bố mẹ mở cửa hàng kinh doanh điện thoại. Công ty gia đình một mình ông Hoàng xoay xở. Mỗi lần nhìn lại cơ nghiệp, ông lại có cảm giác buồn lòng, có lỗi bởi không thể hướng con cái duy trì cơ nghiệp tổ tiên để lại.
 
Cho đến khi con gái út lấy chồng, kén được chàng rể có chung chí hướng với bố vợ, ông Hoàng mới thấy nhẹ nhõm trong lòng. Hai đứa con trai lấy vợ xong thì xin bố mẹ sống riêng bên ngoài, chẳng đoái hoài gì đến công việc kinh doanh của bố mẹ ở nhà. Con rể đang làm hướng dẫn viên du lịch, nhưng sau khi nghe được tâm sự của bố vợ đã tình nguyện nghỉ việc về đầu quân cho ông. Nó còn xin phép bố mẹ về ở rể bên nhà vợ cho tiện công việc. Kể từ ngày vợ chồng con gái dọn về sống cùng, cuộc sống của vợ chồng ông Hoàng thay đổi hẳn. Và, người tiếp thêm nguồn năng lực mới ấy chính là anh con rể.
 
Rể hiền trụ cột gia đình vợ - ảnh 2
Ảnh minh họa

 
Ngoài việc tâm huyết cùng bố mẹ vợ trong các hoạt động của công ty gia đình, anh còn là người sống rất tâm lý với nhà vợ. Không chỉ giúp cho công việc làm ăn của nhà vợ tốt lên, anh còn biết cách điều hòa những mâu thuẫn giữa bố mẹ vợ và các con trai sống bên ngoài. Sau này, con rể ông còn khéo léo lôi kéo anh cả vợ bỏ việc kinh doanh bên ngoài về nhà làm công ty gia đình. Sự thuyết phục của con rể trong chuyện này hơn hẳn ông Hoàng. Tuy nhiên, dù con trai cả đồng ý về làm nhưng ông vẫn chỉ một mực tin tưởng con rể.
 
Mọi chiến lược phát triển công ty, ông đều giao cho con rể và lắng nghe ý kiến của nó sau cùng mới quyết định. Vì ông biết rõ con trai về làm với lợi nhuận chứ tâm huyết thật sự để giữ gìn và phát triển cơ nghiệp lâu dài là không hề có. Ông bảo, sau này mất đi, người nối nghiệp công ty này sẽ là con rể, còn con trai chỉ hưởng cổ phần và làm một vị trí nhất định trong công ty mà thôi. Chuyện ông Hoàng tin tưởng con rể hơn con trai cũng là hợp lý, hợp tình. Bởi con rể ông đã làm cho nhà vợ từ trên xuống dưới, tâm phục, khẩu phục trong ăn ở cũng như sự tâm huyết cống hiến cho sự nghiệp gia đình vợ. 
 
Đây chỉ là hai trong số nhiều chàng rể thời nay trở thành trụ cột trong nhà vợ. Họ thật sự là những chàng rể xem nhà vợ như nhà mình, gắn liền trách nhiệm của mình trong đó. Điều đó đã thay đổi quan niệm của nhiều bậc cha mẹ vợ, xem rể như khách dù hàng ngày chung sống cùng nhau dưới một mái nhà. Con rể ông Hoàng nói với tôi rằng, khi đã trở thành một người một nhà thì con rể cũng như con trai trong nhà, đều phải có trách nhiệm gánh vác công việc gia đình vợ lẫn gia đình mình.
 
Khi ở rể là xác định mình phải có trách nhiệm, dốc lòng, dốc sức dưới mái nhà mình đang sống, tôn trọng yêu thương những con người sống cạnh mình dù họ là ai. Bởi đó là những người mình gắn bó, chung sống hàng ngày hàng giờ, muốn hòa thuận, hạnh phúc thì chỉ còn cách phải thấu hiểu và yêu thương nhau. Nếu con rể vẫn mang mặc cảm, có sự phân biệt "nhà vợ không phải nhà mình" thì sẽ không bao giờ nhận được sự tôn trọng, yêu thương và có được vị trí uy tín trong nhà vợ. Hóa ra, bí quyết thành công của các chàng rể đi ở rể sống cùng nhà vợ cũng chẳng phải khó khăn lắm, chỉ là chúng ta có sẵn sàng cởi bỏ những quan niệm lạc hậu và tâm huyết, hi sinh cho cuộc sống đó hay không mà thôi.
 
 
Khánh Duy

Tin cùng chuyên mục

Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.