Ấm áp nghĩa tình trong lớp học của bà giáo Côi

Chia sẻ

PNTĐ-Suốt 24 năm qua, bà giáo Nguyễn Thị Côi (78 tuổi, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn duy trì lớp học đặc biệt dành cho trẻ lang thang cơ nhỡ, trẻ khuyết tật.

 
Lớp học đặc biệt này dành cho trẻ lang thang cơ nhỡ, trẻ khuyết tật trên địa bàn quận Hai Bà Trưng và quận Hoàng Mai để dạy chữ, rèn đạo đức cho các em học sinh.
 
1 Đều đặn 7h30 mỗi sáng, chị Đoàn Thanh Trang (trú tại quận Hoàng Mai) đưa con gái là Đoàn Hướng Dương (SN 2007) đến lớp học tình thương của bà giáo Côi. 6 tuổi, Dương đã được đến trường nhưng cô bé không thể tiếp thu kiến thức do bị tăng động, giảm chú ý. Hết 2 năm học, Dương chưa thể đọc, viết. Chị Trang phải đưa con đến học ở trung tâm giáo dục trẻ tự kỷ, nhưng cô bé không tiến bộ hơn.
 
Lúc đó, một người quen của chị có con trai tầm tuổi Hướng Dương không biết nói nhưng sau khi học ở lớp của bà giáo Côi, nay đã nói viết thành thạo, chị vô cùng mừng rỡ. Chị lặn lội sang tận nhà bà giáo xin cho con được đến lớp. Sau 1 năm, Hướng Dương đã có thể đọc, viết tên mọi người, thuộc nhiều mặt chữ. 
 
Lâm Tiến Việt (SN 2000) theo học lớp của bà giáo Côi đã được 6 năm. Bố Việt mất vì tai nạn giao thông, mẹ bị tim bẩm sinh, cậu bé Việt vừa sinh ra đã bị tăng động. Nhiều năm liền, Việt không được đến trường. Ở nhà, Việt hay đập phá đồ đạc, la hét. Những ngày đầu tham gia lớp học của bà giáo Côi, Việt không chịu ngồi yên một chỗ, thường xuyên đánh bạn, thậm chí đánh cả bà giáo. Nhiều lần, bà Côi đành phải cho Việt nghỉ học để không ảnh hưởng đến các bạn khác. Nhưng khi đi ngang qua nhà, thấy cậu bé Lâm Tiến Việt bị nhốt, đôi mắt ngây thơ nhìn ra ngoài cuộc sống một cách khao khát khiến bà giáo Côi đau thắt lòng.
 
Thế là mỗi ngày, bên cạnh việc dạy viết chữ, bà kiên nhẫn dạy Việt kiềm chế cảm xúc, biết lắng nghe. Trước giờ vào lớp hoặc giờ ra chơi, bà gọi Việt lại và hỏi han cậu... Dần dần, Việt bắt đầu biết lắng nghe, chịu khó ngồi tập viết, tập đọc. Đến nay, Việt đã biết nghe lời, biết đọc, viết chữ đẹp và làm Toán. Bà Côi bảo, “dạy học sinh thiểu năng trí tuệ khó ở chỗ phải vừa dạy vừa dỗ, vừa bảo ban nhắn nhủ, không bao giờ được cáu gắt. Các con như con ngựa bất kham, tôi phải đưa dần vào khuôn khổ”.
 
Ấm áp nghĩa tình trong lớp học của bà giáo Côi - ảnh 1
Bà giáo Nguyễn Thị Côi miệt mài giảng dạy cho học sinh

 
2 Năm 1994, hưởng ứng phong trào xóa mù chữ trong thành phố, UBND quận Hai Bà Trưng đã kêu gọi các giáo viên tình nguyện đảm nhiệm lớp học đặc biệt trong trẻ em lang thang, cơ nhỡ, trẻ em nghèo. Khi ấy, bà Côi đang là Hiệu trưởng trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, đã xung phong đảm nhận lớp. Một mình bà đi vận động trẻ em lang thang từ các tỉnh lên thành phố Hà Nội để đánh giày, bán bánh, vé số quanh khu vực Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng) đến tham gia lớp học miễn phí.
 
“Có những hôm mưa to, trời tối, đường ngập đến nửa bánh xe, tôi vẫn đến lớp vì đã có các cháu đợi học...” – bà kể. Suốt 9 năm liền, bà Côi làm “người đưa đò” chèo lái nhiều thế hệ học sinh nghèo, lang thang nên người. Hàng trăm học sinh đã có nghề nghiệp ổn định như cắt tóc, gội đầu, bán hàng thuê, may mặc, đánh máy vi tính…, có người học lên tới đại học lại trở về thăm hỏi, ôn lại kỷ niệm với bà giáo. 
 
Năm 2003, dự án kết thúc, dù thiếu nguồn tài trợ, song niềm hi vọng mang con chữ đến với trẻ em bất hạnh vẫn không ngừng thôi thúc bà tìm mọi cách duy trì lớp học. Lúc này, không chỉ dừng lại ở đối tượng là trẻ em lang thang, cơ nhỡ, bà còn nhận các trẻ bị tự kỷ, chậm phát triển do quá tuổi hoặc hoàn cảnh gia đình khó khăn nên không được đến trường. Đến nay, lớp học đặc biệt của bà giáo Côi duy trì ở hai địa chỉ: nhà văn hóa Tổ dân phố số 2 (phường Tân Mai, quận Hoàng Mai) với 25 học sinh từ 7 tuổi đến 35 tuổi, mở từ thứ 2-6 hàng tuần và lớp ở ngõ Giếng Mứt (quận Hai Bà Trưng, HN) với 15 học sinh vào các buổi chiều thứ 2, 3, 4 hàng tuần. Bà cười: “Suốt nhiều năm qua, nếu chồng tôi không hỗ trợ và các con tôi không tạo điều kiện để mẹ là việc thiện, thì chưa chắc tôi đã làm được công việc ý nghĩa này đến tận bây giờ”.
 
Học sinh ở bà Côi hiện nay hầu hết các trẻ đều có vấn đề về mặt nhận thức như thiểu năng trí tuệ, động kinh, chất độc da cam… nên bà phải dạy các em ở 5 trình độ khác nhau (từ lớp 1 đến lớp 5). Bà giáo phải kèm cặp, giảng dạy riêng cho từng học sinh một. Giờ giải lao, bà cũng không được nghỉ mà ngồi kèm riêng cho những em học yếu.
 
“Có em mắc bệnh não Nhật Bản, dạy gần 2 năm mới nhớ 24 chữ cái. Có những em đang học lại đứng lên chạy nhảy, không chịu ngồi yên, có em lầm lì cả ngày chẳng chịu nói câu nào. Có em được bà mua sách vở, bút mực cho hôm trước, hôm sau đã làm mất. Có em học mãi không tính nổi con số... Dù tốn rất nhiều thời gian, công sức và tâm huyết nhưng tôi rất vui và gắn bó với công việc này bởi đã giúp các em không chỉ có kiến thức mà còn được hòa nhập với xã hội” - bà Côi nói.
 
Ngoài việc dạy chữ, bà còn dạy các học sinh kỹ năng sống như cách giao tiếp, nói năng, ứng xử với mọi người xung quanh, cách làm việc để phục vụ bản thân và giúp đỡ bố mẹ việc nhà, dạy các con tránh xâm hại, bạo lực... Có nhiều em đã được bà giáo Côi giới thiệu để theo học tiếp cấp 2 và cấp 3 của Trung tâm giáo dục thường xuyên quận.
 
Đến nay, đã có hơn 500 học sinh đã học qua lớp học tình thương của bà. Nhờ những kết quả đó, năm 2018, bà đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo trao bằng khen về công tác phổ cập xóa mù chữ tiểu học và nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp. Tại Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2014-2019 do Hội LHPN TP Hà Nội tổ chức tới đây, bà giáo Nguyễn Thị Côi là một trong 10 gương mặt phụ nữ Thủ đô tiêu biểu được Thành hội khen thưởng.
 
 
Quỳnh An 

Tin cùng chuyên mục

Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.