Quyền bình đẳng của phụ nữ theo công ước CEDAW

Chia sẻ

PNTĐ-Em rất muốn biết quyền bình đẳng trong lĩnh vực hôn nhân gia đình thể hiện trong Công ước CEDAW như thế nào?

 
Vì chuẩn bị kết hôn nên em rất muốn tìm hiểu các vấn đề liên quan đến bình đẳng giới trong gia đình. Lâu nay, em chỉ biết đến Luật Bình đẳng giới. Nhưng gần đây, em có nghe mọi người nhắc đến Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống phụ nữ (CEDAW). Em rất muốn biết quyền bình đẳng trong lĩnh vực hôn nhân gia đình thể hiện trong Công ước đó như thế nào? Xin Quý báo tư vấn giúp em!
 
Lê Hồng Mai 
(Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội)
 
Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống phụ nữ (CEDAW) được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua ngày 18/12/1979, có hiệu lực ngày 3/9/1981. Tính đến năm 2009 đã có 186 quốc gia trên thế giới là thành viên của CEDAW. Việt Nam ký tham gia Công ước CEDAW vào ngày 29/7/1980, chính thức có hiệu lực thi hành ngày 19/3/1982. CEDAW là 1 trong 9 Công ước quan trọng nhất trong hệ thống văn kiện quốc tế về quyền con người, và là văn kiện chủ chốt nhất trong số những văn kiện quốc tế tập trung vào vấn đề bình đẳng giới và quyền con người của phụ nữ. 
 
Công ước này được thiết kế để chống lại sự phân biệt đối xử phụ nữ, xác lập nhiều lĩnh vực cụ thể có ý nghĩa và quan trọng chống phân biệt đối xử với phụ nữ. Công ước chỉ rõ những mục tiêu cụ thể cũng như những công cụ cần thiết để tạo ra một xã hội an toàn mang tính toàn cầu, nơi mà phụ nữ có thể hưởng trọn sự bình đẳng với nam giới, và do đó đảm bảo đầy đủ các quyền của họ. 
 
Công ước gồm 6 chương, 30 điều có tính ràng buộc pháp lý nhằm đảm bảo quyền bình đẳng thực tế của phụ nữ. Trong đó, Điều 16 của Công ước quy định quyền bình đẳng trong lĩnh vực hôn nhân gia đình cụ thể như sau:
 
1. Các nước tham gia Công ước phải áp dụng mọi biện pháp thích hợp để xóa bỏ phân biệt đối xử với phụ nữ trong mọi vấn đề liên quan đến hôn nhân, gia đình và đặc biệt, trên cơ sở bình đẳng nam nữ, phải bảo đảm:
 
a. Quyền ngang nhau trong việc kết hôn.
 
b. Quyền tự do như nhau trong việc lựa chọn bạn đời và chỉ kết hôn khi cả hai hoàn toàn tự do và tự nguyện.
 
c. Quyền và trách nhiệm như nhau giữa vợ và chồng trong thời gian hôn nhân cũng như khi hôn nhân tan vỡ.
 
d. Có quyền và trách nhiệm với vai trò làm cha mẹ như nhau trong mọi vấn đề liên quan tới con cái, bất kể tình trạng hôn nhân như thế nào. Trong mọi trường hợp, lợi ích của con cái phải được đặt lên trên hết.
 
e. Quyền tự do và trách nhiệm như nhau khi quyết định về số con, khoảng cách giữa các lần sinh và có quyền tiếp cận thông tin, giáo dục và các biện pháp để thực hiện những quyền này.
 
f. Quyền và trách nhiệm như nhau trong việc trông nom, giám hộ, bảo trợ, nhận uỷ thác và nhận con nuôi hoặc có những quy định tương tự về vấn đề này được thể hiện trong luật pháp quốc gia; trong mọi trường hợp lợi ích của con cái phải được đặt lên trên hết.
 
g. Vợ chồng có quyền như nhau trong việc lựa chọn tên họ, chuyên môn và nghề nghiệp của mình.
 
h. Vợ chồng có quyền như nhau trong việc sở hữu, mua sắm, kiểm soát, quản lý, hưởng thụ và sử dụng tài sản, dù đó là tài sản không phải bỏ tiền ra mua hay có giá trị lớn.
 
2. Việc hứa hôn và kết hôn của trẻ em phải bị coi là không có hiệu lực pháp lý và phải tiến hành mọi hành động cần thiết, kể cả về mặt pháp luật nhằm quy định độ tuổi tối thiểu có thể kết hôn và bắt buộc phải làm thủ tục đăng ký kết hôn chính thức.
 
 
Báo Phụ nữ Thủ đô 

Tin cùng chuyên mục

Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.