Hà Nội tập trung phòng, chống xâm hại trẻ em

Chia sẻ

PNTĐ-UBND Thành phố đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật, chính sách liên quan đến phòng, chống xâm hại trẻ em.

 
Tính đến hết tháng 6 năm 2019, trên địa bàn TP có 1.852.454 trẻ em (chiếm 24,9% dân số). Báo cáo Quốc hội tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, UBND TP cho biết: Hà Nội đặc biệt chú trọng công tác đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, trong đó một số chỉ tiêu cơ bản về bảo vệ, chăm sóc trẻ em đều đạt kết quả cao.
 
Trên địa bàn không có trẻ em đang độ tuổi đi học nhưng không được đến trường, phải tham gia lao động trái pháp luật; không có trẻ bỏ nhà đi lang thang, không có nơi cư trú ổn định; tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc, trợ giúp đạt 99,3%; 545/584 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em đạt 93,3%; tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt 100%; hoàn thành chương trình Trung học cơ sở đạt trên 99%; đảm bảo duy trì 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế… 
 
Hà Nội tập trung phòng, chống xâm hại trẻ em - ảnh 1
Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học trên địa bàn TP đạt 100%

 
Về công tác phòng, chống xâm hại trẻ em, trong Kế hoạch ngăn ngừa và trợ giúp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, UBND TP yêu cầu các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em phải được phát hiện và giải quyết kịp thời, dứt điểm theo quy định pháp luật; 100% trẻ em trong các vụ việc được phát hiện, can thiệp, trợ giúp hiệu quả. 
 
UBND TP phân công trách nhiệm cụ thể cho Sở Giáo dục và Đào tạo, Công an TP, UBND các quận, huyện, thị xã với các vụ việc trẻ em bị bạo lực, xâm hại xảy ra trên địa bàn. Trong đó, chính quyền các địa phương xảy ra các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em nghiêm trọng có trách nhiệm báo cáo ngay sau khi vụ việc xảy ra bằng điện thoại, email và báo cáo bằng văn bản về kết quả giải quyết vụ việc chậm nhất sau 03 ngày vụ việc được phát hiện, rút ngắn 2 ngày so với trước.
 
UBND Thành phố đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật, chính sách liên quan đến phòng, chống xâm hại trẻ em với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Chỉ đạo đấu tranh, điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc có tính chất phức tạp, nghiêm trọng… gây bức xúc, hoang mang trong dư luận xã hội. Từ năm 2015 đến tháng 6/2019, TP đã xử phạt hành chính về xâm hại trẻ em với 23 vụ (42 đối tượng); khởi tố vụ án, bị can với 245 vụ, 257 bị can. Các trường hợp chưa đến mức khởi tố, xử phạt hành chính đều được nhắc nhở, yêu cầu cam kết không tái phạm.
 
 
PV

Tin cùng chuyên mục