Thi đua là động lực phát triển

Chia sẻ

PNTĐ-5 năm qua, với sự cố gắng của các cấp Hội LHPN Hà Nội, phong trào thi đua yêu nước đã đạt được nhiều thành tích, nhiều tập thể, cá nhân được biểu dương khen thưởng.

 
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, 5 năm qua, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; chú trọng đổi mới công tác thi đua khen thưởng; Phong trào thi đua yêu nước đã gặt hái được nhiều thành tích, huy động được sức mạnh tổng hợp của các tầng lớp phụ nữ, qua đó góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. 
 
 
Thi đua là động lực phát triển - ảnh 1
Bà Lê Kim Anh, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội và các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm nông sản sạch tại Hội thi tìm hiểu kiến thức ATTP  do Hội LHPN Hà Nội tổ chức

Lan tỏa phong trào học và làm theo gương Bác
 
Hưởng ứng mô hình “Nuôi lợn nhựa tiết kiệm” do Hội PN phát động, đã thành nếp, mỗi ngày, bà Phạm Thị Chín cùng nhiều hội viên Chi hội phụ nữ chợ tổ 25, phường Ngọc Thụy quận Long Biên lại bỏ ít nhất 1.000 đồng vào “lợn nhựa tiết kiệm”. Số tiền tưởng chừng nhỏ bé ấy đã giúp bà tiết kiệm được khoảng 6 triệu đồng/năm để gây quỹ từ thiện giúp đỡ trẻ em, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Chi hội phụ nữ chợ tổ 25 còn có 2 nhóm phụ nữ tiết kiệm giúp nhau vay vốn không lấy lãi với số tiền trên 30 triệu đồng/tháng. 
 
Phong trào học và làm theo Bác thông qua nhiều mô hình, phần việc thiết thực như “Nuôi lợn nhựa tiết kiệm”, “Hũ gạo tình thương”, “Tuần lễ vàng tiết kiệm vì phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn”, “Nồi cháo từ thiện”, “Bách hóa yêu thương”... cũng trở thành nguồn động lực thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước trong cán bộ, hội viên Hội LHPN các quận, huyện Ba Đình, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hoàn Kiếm, Phú Xuyên, Sóc Sơn... Qua 5 năm 2014-2019, các cấp Hội đã tiết kiệm được 164,511 tỷ đồng, trích 22,498 tỷ đồng xây (sửa) mái ấm tình thương, nhà tình nghĩa, tặng quà, sổ tiết kiệm, học bổng cho phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
 
Hội Phụ nữ các cấp còn tích cực thực hiện phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”. Phong trào thi đua được các cấp Hội triển khai gắn với thực hiện cuộc vận động rèn luyện phẩm chất đạo đức của người phụ nữ Việt Nam “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”, 02 Bộ quy tắc ứng xử của Thành phố, cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp”và thực hiện CT 05-CT/TW. Hàng năm có trên 85%  cán bộ, hội viên phụ nữ đạt chuẩn mực “Trung hậu - sáng tạo - đảm đang - thanh lịch”.
 
 5 năm qua, với sự cố gắng của các cấp Hội LHPN Hà Nội, phong trào thi đua yêu nước đã đạt được nhiều thành tích, nhiều tập thể, cá nhân được biểu dương khen thưởng. Hội LHPN Hà Nội đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2015, Cờ thi đua Chính phủ 2017, hàng năm được Trung ương Hội LHPN Việt Nam, UBND Thành phố tặng Cờ thi đua xuất sắc; 2.014 cá nhân được Hội LHPN Việt Nam tặng Kỷ niệm chương “Vì sự phát triển của phụ nữ Việt Nam”, 444 thể, 41 cá nhân được Hội LHPN Việt Nam tặng bằng khen; 84 tập thể, 105 cá nhân được Thành ủy, UBND thành phố, các Bộ, Ngành khen thưởng; Hội LHPN Hà Nội đã khen thưởng 1.363 tập thể, 65 gia đình, 1.324 cá nhân. 
 
Góp sức bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới
 
5 năm qua, phong trào“Vì môi trường trong sạch, phụ nữ và nhân dân Thủ đô không đổ rác, phế thải ra đường và nơi công cộng” đã được các cấp Hội Phụ nữ triển khai gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Hội LHPN Cầu Giấy, Long Biên, Bắc Từ Liêm, Mê Linh, Quốc Oai… đã có nhiều mô hình tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới như “Đoạn đường phụ nữ tự quản xanh - sạch - đẹp”, “Đoạn đường nở hoa”, “Tuyến phố vệ sinh - văn minh đô thị”, “Sạch đồng ruộng”, “Sống xanh”, xây dựng nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng  xanh - sạch - đẹp, thân thiện với môi trường, CLB “Phụ nữ bảo vệ môi trường”; “Gia đình tình nguyện - Cộng đồng tình nguyện”…
 
Thi đua là động lực phát triển - ảnh 2
Mô hình đổi phế liệu lấy cây xanh của cán bộ hội viên Hội LHPN huyện Gia Lâm

 
Từ đây, nhiều gương cá nhân tiêu biểu đã xuất hiện. Là hội viên Chi hội Phụ nữ số 1 xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín, bà Nguyễn Thị Anh đã chủ động tham mưu cho chi hội thành lập tổ dọn vệ sinh môi trường. Hàng tuần bà cùng các chị em duy trì tổng vệ sinh, trồng hoa làm đẹp các đoạn đường tự quản; Vận động nhân dân thu gom rác đúng nơi quy định, không vứt rác thải ra nơi công cộng… 
 
Hiện nay toàn thành phố đã có 8.293 đoạn đường phụ nữ tự quản trong đó có 3.995 đoạn đường phụ nữ Xanh - Sạch - Đẹp, 841 đoạn đường nở hoa, 207 điểm chân rác thành vườn hoa phụ nữ tự quản, 288 nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng  Xanh – Sạch – Đẹp, thân thiện với môi trường; 290 xã đã ký cam kết thực hiện, lắp đặt 895 thùng rác cố định, vận động xây 675 bể chứa rác, thu gom 3.558 tấn rác thải, túi ni lông, vỏ thuốc bảo vệ thực vật…
 
Thi đua làm kinh tế giỏi
 
Bằng nhiều biện pháp cụ thể, phù hợp giúp đỡ 100% hộ nghèo do phụ nữ làm chủ như cho vay vốn, giúp cây, con giống, ngày công lao động, giới thiệu việc làm, tiêu thụ sản phẩm, phổ biến kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh; phối hợp tổ chức tập huấn kiến thức, chuyển giao khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay, hiện nay, các cấp Hội đã tín chấp cho 168.995 hội viên vay với số vốn 5.572 tỷ 591 triệu đồng từ các nguồn vốn; Duy trì và nâng cao hiệu quả mô hình tiết kiệm tại chi hội với 783.970 hội viên tham gia tiết kiệm được 117 tỷ 596 triệu đồng cho 23.517 hội viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn vay phát triển kinh tế gia đình. Qua 5 năm, đã giúp 16.053 hộ thoát nghèo, thoát nghèo bền vững và phụ nữ khó khăn nâng cao mức sống.
 
Bà Đỗ Thị Bè, Chủ tịch Hội LHPN xã Hợp Tiến, huyện Mỹ Đức chia sẻ, năm 2013 gia đình bà nhận khoán 15ha ao nuôi cá. Với sự giúp đỡ của Hội Phụ nữ, bà được Ngân hàng chính sách xã hội cho vay vốn 200 triệu đồng. Nhờ  đó, bà đã thả từ 10-12 tấn cá giống/năm; tăng gia nuôi vịt từ 1.500 – 2.000 con/lứa, mỗi năm từ 4- 5 lứa /năm. Năm 2018 gia đình bà còn được hỗ trợ 1.000 con gà giống, được chọn làm thí điểm mô hình để các xã tham quan, học tập. 
 
Bà Nguyễn Thị Dung Chi hội Thôn Vao, xã Yên Bình, Thạch Thất cũng là gương điển hình trong phát triển kinh tế. Trên 100 con lợn rừng, 200 con gà thịt và gà đẻ trứng mà gia đình bà nuôi cho thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng/năm. Không chỉ vậy, bà còn giúp đỡ vốn, vận động hội viên phụ nữ trong chi hội cùng phát triển kinh tế, nhân rộng thành công nhiều mô hình trồng bưởi Diễn, chuối tiêu hồng, đu đủ… qua đó góp phần giảm nghèo bền vững trong gia đình cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn.
 
Lan tỏa tinh thần hăng hái thi đua yêu nước
 
Hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2014-2019, các cấp Hội còn thực hiện tốt nhiều phong trào khác như “Đền ơn đáp nghĩa” thu hút đông đảo cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia, qua 5 năm đã hỗ trợ xây, sửa 142 nhà tình nghĩa trị giá gần 7 tỷ đồng, thăm, tặng quà, sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách, phụng dưỡng 47 mẹ VNAH…;
 
Phong trào “Phòng chống ma tuý từ gia đình”, các hoạt động phòng, chống tội phạm và TNXH góp phần quan trọng ngăn chặn sự gia tăng TNXH trên địa bàn Thành phố, giữ gìn trật tự ATXH và sự bình yên của mỗi gia đình; Phong trào thi đua “An toàn thực phẩm” với  689 chi hội thực hiện mô hình “Thay đổi hành vi trong an toàn vệ sinh thực phẩm”, mô hình “Chi hội phụ nữ ăn sạch - sống xanh”… Hoạt động tham gia xây dựng, phản biện xã hội và giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách và bình đẳng giới cũng được thực hiện hiệu quả.
 
Hội nghị Biểu dương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước (giai đoạn 2014-2019) và Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu năm 2019 là sự kiện quan trọng, là dịp để Hội LHPN Hà Nội đánh giá những mặt đã làm được, những mặt hạn chế, rút ra bài học kinh nghiệm để nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả của phong trào thi đua trong thời gian tới. Hội nghị cũng biểu dương 65 tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến 5 năm và 10 Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu năm 2019. Các chị chính là những bông hoa đẹp, trong vườn hoa việc tốt, tấm gương sáng trong hăng hái thi đua học tập, lao động sáng tạo, sống có ích.
 
 
Đồng chí Lê Kim Anh - Chủ tịch Hội LHPN Thành phố Hà Nội
 
Gắn thi đua với các nhiệm vụ trọng tâm của Hội
 
 
Hàng năm, Hội LHPN Hà Nội đã tổ chức phát động phong trào thi đua trong các cấp Hội với nội dung, chỉ tiêu cụ thể gắn với việc thực hiện chủ đề năm của Trung ương Hội, Thành phố, nhiệm vụ chính trị - kinh tế - văn hóa xã hội trọng tâm của Thủ đô, đáp ứng nhu cầu, lợi ích thiết thực của các tầng lớp phụ nữ.
 
Chú trọng tổ chức các đợt thi đua cao điểm chào mừng các sự kiện lớn của đất nước, của Thủ đô, của Hội; gắn thực hiện phong trào thi đua của Hội với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phong trào, các cuộc vận động, các đề án của Trung ương, Thành phố như Cuộc vận động rèn luyện phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam “Tự tin - tự trọng - trung hậu - đảm đang”; Xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; Đề án 938, 939 của Chính Phủ; nghiên cứu phát động Cuộc vận động đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới như “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp” thực hiện hai bộ Quy tắc ứng xử của thành phố đi đôi với bền bỉ triển khai phong trào “Phụ nữ Thủ đô tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình văn minh hạnh phúc”, phong trào “Vì môi trường, phòng chống ma túy từ gia đình”…
 
Tập trung chỉ đạo thi đua từ cơ sở, phát huy sự chủ động, sáng tạo của quận, huyện, cơ sở, thực hiện phương châm thi đua “rõ người, rõ việc, rõ mô hình,  rõ hiệu quả”, thi đua từ những việc nhỏ hàng ngày, với công trình, phần việc thi đua cụ thể, thiết thực, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn để lôi cuốn đông đảo cán bộ, hội viên, các tầng lớp phụ nữ tham gia.
 
Bước sang giai đoạn mới 2019-2024, các cấp Hội LHPN Hà Nội sẽ tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua Ái Quốc, Chỉ thị 34-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng, tạo chuyển biến sâu sắc nhận thức của hội viên, phụ nữ về mục đích, tác dụng của công tác thi đua, để chị em hiểu rõ thi đua là động lực phát triển, từ đó chủ động, hăng hái thi đua; Thường xuyên cải tiến các biện pháp chỉ đạo, đổi mới công tác thi đua; Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong các cấp Hội, các tầng lớp Phụ nữ Thủ đô; Tăng cường phát hiện, tuyên truyền, biểu dương nhân rộng các mô hình mới, cách làm hay, điển hình tiên tiến… để phong trào thi đua ngày càng lan tỏa rộng khắp.
 
 
 
Chia sẻ từ cơ sở
 
65 điển hình tiên tiến tại Hội nghị Biểu dương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu  nước (giai đoạn 2014-2019) và Phụ nữ thủ đô tiêu biểu năm 2019 là 65 câu chuyện nỗ lực hăng hái thi đua đóng góp cho sự phát triển chung của tổ chức Hội và cộng đồng. Ghi nhận chia sẻ của một số điển hình tiên tiến:
  
Bà Nguyễn Thị Hương Trà, Chủ tịch Hội LHPN huyện Gia Lâm: 
Tích cực đổi mới hình thức, phương pháp thi đua
 
Thi đua là động lực phát triển - ảnh 3

 
Hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước do Hội LHPN TP phát động, trong những năm qua, BTV Hội LHPN Huyện đã xây dựng kế hoạch tổ chức phong trào theo các giai đoạn, các chỉ tiêu thi đua cụ thể cho từng năm; đổi mới cách thức vận động và tổ chức các phong trào thi đua, phát động và duy trì nhiều phong trào thi đua với các nội dung, chỉ tiêu cụ thể.
 
Hội LHPN Huyện còn tăng cường công tác phát hiện, bồi dưỡng điển hình và có nhiều hình thức, biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến, các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong các phong trào thi đua, tạo sức lan tỏa trong các cấp Hội Phụ nữ.
 
Tôi tin rằng, phong trào thi đua yêu nước trong giai đoạn mới sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành tích hơn nữa, xuất hiện thêm nhiều gương điển hình và nhân tố mới trong phong trào phụ nữ và công tác Hội.
 
 
Bà Nguyễn Thị Duyên, hội viên Chi hội phụ nữ thôn Rùa, xã Vân Hòa, huyện Ba Vì: 
Qua phong trào thi đua, tôi có thêm động lực vươn lên
 
Thi đua là động lực phát triển - ảnh 4

 
Sinh ra trong một gia đình nghèo khó, hơn ai hết tôi hiểu về cái đói, cái nghèo. Vì thế, thật may mắn khi tôi được các cán bộ Hội tư vấn, giúp vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Đây là cơ hội để vợ chồng tôi có thể vươn lên thoát nghèo.
 
Vợ chồng tôi mạnh dạn đầu tư nuôi bò sữa, sau 4 năm, đến nay, gia đình tôi đã có 9 con bò, trong đó 4 con cho khai thác sữa mỗi ngày được 80kg tương đương thu nhập 27 triệu đồng/ tháng. Vợ chồng tôi còn mạnh dạn đầu tư cải tạo ao vườn để thả cá và nuôi thêm gà và lợn hàng năm tạo thu nhập 150 triệu đồng. Gia đình tôi không những thoát nghèo mà còn xây được một căn nhà khang trang. Tôi cảm ơn Hội Phụ nữ các cấp, cảm ơn phong trào thi đua đã giúp chúng tôi có thêm động lực để lao động, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững. 
 
 
Bà Nguyễn Thị Nhung, Chi hội trưởng chi hội phụ nữ thôn Thanh Trì, xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ:  
Luôn nỗ lực góp sức xây dựng quê hương
 
Thi đua là động lực phát triển - ảnh 5

 
Năm 2010, nhận thấy đường làng ngõ xóm ở thôn Thanh Trì chật hẹp, đi lại còn nhiều khó khăn, tôi đã đứng ra vận động hội viên và người dân chung sức làm con đường dài 50m với tổng chi phí 90 triệu, trong đó gia đình tôi ủng hộ 67 triệu  đồng. Năm 2015, vợ chồng tôi tiếp tục vận động hoàn thành 1.500m đường bê tông rộng 3,5m chỉ trong vòng 1 tuần với tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa. Gia đình tôi ủng hộ 100 tấn xi măng trị giá 150 triệu đồng và công máy xúc, máy ủi, máy lu trị giá trên 40 triệu đồng; huy động được trên 100 ngày công lao động tự nguyện…
 
Trong giai đoạn mới, hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước, là chi hội trưởng phụ nữ tôi sẽ tiếp tục đi đầu trong tuyên truyền, vận động người thân, hội viên và người dân tích cực tham gia các hoạt động xây dựng nông thôn mới, qua đó góp phần đưa xã Đông Sơn sớm đạt chuẩn NTM.
 
 
Thanh Lan 
 

Tin cùng chuyên mục

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

(PNTĐ) - Ở tuổi 76, bà Sheikh Hasina tiếp tục được người dân tín nhiệm bầu giữ chức Thủ tướng Bangladesh nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp và được coi là: “nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới”. Trong vai trò Thủ tướng, bà đã đưa đất nước tiến lên và đạt được nhiều thành tựu đáng trân trọng.
Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.