Hà Nội: Nhiều phường “trắng” chợ dân sinh

Chia sẻ

PNTĐ-Sau vụ hỏa hoạn tại chợ Tó (Đông Anh), nhiều người dân lo ngại việc mất an toàn phòng cháy chữa cháy tại các khu chợ truyền thống.

 
Trong khi đó, nhiều phường tại khu vực nội thành Hà Nội thiếu chợ dân sinh khiến cho người dân nơi đây phải mua hàng tại những điểm họp chợ tạm, hàng rong... 
 
Diện tích rộng, dân số đông (gần 30.000 hộ dân đang sinh sống) tăng nhanh theo từng năm do các chung cư được xây dựng trên địa bàn phường dần hoàn thiện, thế nhưng, phường Tương Mai (quận Hoàng Mai) từ nhiều năm nay vẫn không có chợ chính. Người dân của phường buộc phải đi chợ ở các phường lân cận, hoặc ở chợ tạm nằm rải rác trong các khu dân cư như: chợ tạm ở ngõ 12 phố Lương Khánh Thiện, ngõ 47 Nguyễn Đức Cảnh, chợ tạm ở ngõ 106 Nguyễn An Ninh.
 
Hà Nội: Nhiều phường “trắng” chợ dân sinh  - ảnh 1
Chợ tạm tại ngõ 106 Nguyễn An Ninh, quận Hoàng Mai

 
Tại các ngõ trên, tiểu thương bày bán các mặt hàng lương thực, thực phẩm cho các hộ dân ngay trước mặt tiền của nhà dân. Ông Dương Tích Phong - Phó Chủ tịch UBND phường Tương Mai cho biết, phường đã nhiều lần ra quân giải tỏa chợ tạm nhưng không thể giải quyết dứt điểm do không có chợ chính, người dân thiếu chỗ mua hàng.
 
Đặc biệt, từ khi chợ Trương Định ở phường lân cận Tân Mai di chuyển để xây dựng lại thì người dân càng thiếu chỗ mua hàng. Từ thực tế trên, phường đã đề xuất với UBND quận Hoàng Mai cho tồn tại chợ tạm vì không bố trí được diện tích đất để xây dựng chợ. Quận Hoàng Mai đã chấp thuận đề xuất, yêu cầu các đơn vị chức năng hướng dẫn UBND phường xây dựng, phê duyệt và triển khai phương án quản lý các điểm họp chợ tạm, nhưng phải đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông.
 
Ông Phong cung cấp thêm, phường đã thành lập tổ quản lý chợ tạm có chức năng kiểm tra, giám sát đầu vào, nguồn gốc của thực phẩm, hàng hóa, kết hợp với công an phường giám sát công tác vệ sinh môi trường sau khi tan chợ. Chợ họp từ 6-10h hàng ngày, sau thời điểm này, các tiểu thương và nhân viên vệ sinh dọn dẹp rác phế thải sạch sẽ để trả lại không gian đi lại cho người dân. 
 
Tình trạng thiếu chợ chính cung cấp nhu cầu thực phẩm thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày cũng có nguy cơ xảy ra ở phường Mai Động (quận Hoàng Mai). Hiện tại, các cơ quan chức năng đang tiến hành thủ tục giải phóng mặt bằng chợ Mai Động để thực hiện dự án xây dựng tuyến đường Tam Trinh, đường Lĩnh Nam, ngõ 13 Lĩnh Nam.
 
Người dân lo lắng, khi không còn chợ Mai Động sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu dân sinh hàng ngày. Lãnh đạo phường Mai Động dự báo, việc chợ Mai Động không còn nữa, cùng với thực tế phường không còn quỹ đất xây chợ sẽ dẫn đến tình trạng các tiểu thương lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, buôn bán, ảnh hưởng đến công tác quản lý đô thị, an toàn giao thông trên địa bàn phường. 
 
Có thể thấy, tại những phường thiếu chợ như Tương Mai, Mai Động (quận Hoàng Mai), Khương Mai (quận Thanh Xuân)… đều chọn giải pháp tình thế là cho phép chợ tạm được tồn tại trong khoảng thời gian nhất định trong ngày kết hợp với việc quản lý chặt. Tuy nhiên, về lâu dài, nhằm đảm bảo mỹ quan đô thị, vệ sinh an toàn thực phẩm và điều kiện kinh doanh tối thiểu cho các hộ kinh doanh thì cần phải có giải pháp phù hợp.
 
Lãnh đạo phường Tương Mai cho biết, ngay cạnh ngõ 106 Tân Mai đang có công trình xây dựng Trung tâm thương mại. Khi hoàn thành Trung tâm thương mại được kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trong phường. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, công trình này vẫn trong tình trạng xây dựng dang dở và “đắp chiếu”.
 
Về vấn đề này, ông Nguyễn Bách Lợi - Trưởng phòng Kinh tế quận Hoàng Mai cho biết, hiện có 3 phường trên địa bàn không có chợ dân sinh do thiếu quỹ đất xây dựng. UBND quận đã khuyến khích các phường phát triển, mở rộng thêm các cửa hàng tiện ích, siêu thị mini nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân. Với các dự án Trung tâm thương mại đang chậm triển khai như ở phường Tương Mai, UBND quận đã nhiều lần báo cáo UBND TP đẩy nhanh tiến độ dự án.     
 
Sự tồn tại của chợ dân sinh trên địa bàn các phường đóng vai trò quan trọng với người dân. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn tồn tại tình trạng chợ có hạ tầng xuống cấp nhưng chưa được cải tạo, thiếu chợ chính do hết quỹ đất, có quỹ đất nhưng không có khả năng xây chợ... dẫn đến những bức xúc dân sinh. Trong khi đó, chính quyền sở tại vẫn loay hoay tìm giải pháp. Thiết nghĩ, đã đến lúc các cơ quan, ban, ngành cần tìm ra phương án phù hợp, rà soát lại quy hoạch, kiến nghị thu hồi các dự án chậm triển khai để dành quỹ đất xây chợ; đẩy mạnh tiến độ các dự án xây dựng chợ, trung tâm thương mại...
 
Nguyễn Hương 

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Cả nước chung tay để xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Cả nước chung tay để xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025

(PNTĐ) - Sáng 13/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương đã phát động phong trào thi đua cả nước chung tay “xóa nhà tạm, nhà dột nát” trong năm 2025. Sự kiện được kết nối trực tuyến đến điểm cầu 62 tỉnh, thành phố trong cả nước. Dự Lễ phát động tại điểm cầu UBND TP Hà Nội có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP Nguyễn Lan Hương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn.
Chùm ảnh: Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia khởi công, đào móng nhà cho hộ nghèo

Chùm ảnh: Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia khởi công, đào móng nhà cho hộ nghèo

(PNTĐ) - Sáng ngày 13/4, tại huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã phát động phong trào thi đua cả nước chung tay "xóa nhà tạm, nhà dột nát" trên phạm vi cả nước trong năm 2025 và dự khởi công làm nhà mới cho các hộ gia đình khó khăn trên địa bàn. Chương trình do Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương phối hợp với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức.
Đến năm 2035, Hà Nội sẽ hoàn thành 400km đường sắt

Đến năm 2035, Hà Nội sẽ hoàn thành 400km đường sắt

(PNTĐ) - Trong nhiệm kỳ này, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2035, Hà Nội sẽ hoàn thành 400km đường sắt, còn thành phố Hồ Chí Minh hoàn thành hơn 200km.